top of page

Làn sóng phản đối nhà đầu tư Trung Quốc


118 văn nghệ sĩ đã gửi kiến nghị đến các ông, bà Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Thị Kim Ngân, Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu không để Trung Quốc đầu tư và thầu làm đường cao tốc Bắc Nam.

Ý dân đã rõ

Bản kiến nghị này đề ngày 05-06-2019 còn được đồng gửi đến các vị Bộ trưởng, với hai kiến nghị chính:

Một, ưu tiên huy động nguồn lực trong nước và kêu gọi lòng yêu nước của Nhân Dân để làm hai đại dự án chiến lược an ninh, kinh tế, xã hội này.

Hai, không được để cho Trung Quốc, đất nước duy nhất hiện nay đang xâm chiếm biển đảo, lãnh thổ của Việt Nam tham gia hai đại dự án chiến lược quốc gia đó.

Dường như đây là lần đầu tiên có nhiều danh hiệu nghệ sĩ ưu tú/ nhân dân cùng đồng lòng phản ứng bằng văn bản gửi đến Đảng – Quốc hội – Chính phủ để phản đối Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam. Hàng loạt chủ tịch, phó chủ tịch các hội đoàn nghề nghiệp trong diện đang hưởng ‘bổng lộc triều đình’ cũng có tên trong danh sách phản đối ấy.

Nói theo ngôn ngữ tuyên giáo, xem ra lần này đúng là “Dễ trăm lần không dân cũng chịu/ Khó vạn lần dân liệu cũng xong”.

Một trong những nguyên cớ đưa đến làn sóng phản đối mạnh mẽ, rộng khắp các tầng lớp xã hội qua việc Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam, xuất phát từ một trình bày tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra. Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể nói rằng trong dự án đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông sở dĩ trì trệ là vì thiếu hụt vốn vay, và tiến độ thi công ì ạch của nhà thầu Trung Quốc. Không thể thay nhà thầu, vì thỏa thuận của dự án này lúc nhận tiền vay của Trung Quốc là phải để chính họ thực hiện dự án. Việt Nam chỉ có trách nhiệm trả toàn bộ nợ, lãi và chi phí thi công cho nhà thầu.

Hiệp định thỏa thuận đó được ký kết trong các lần ‘gặp gỡ cấp cao’ giữa hai đảng cộng sản Trung Quốc và Việt Nam.

Những văn kiện hợp tác cần phải ‘giải mật’

Trong một bản tin của Thông Tấn xã Việt Nam khi tường thuật về chuyến gặp gỡ cấp cao tại Trung Quốc từ ngày 12 đến 15-01-2017 của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, cho biết: Hai bên đã ký kết các văn kiện: Thoả thuận hợp tác đào tạo cán bộ cấp cao giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Trung Quốc giai đoạn 2017-2020; Tuyên bố Tầm nhìn chung về hợp tác quốc phòng giữa Bộ Quốc phòng nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Bộ Quốc phòng nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa đến năm 2025;

Hiệp định khung về hợp tác cửa khẩu biên giới đất liền Việt Nam-Trung Quốc giữa Bộ Quốc phòng nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Tổng cục Hải quan nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa; Công thư trao đổi về việc Trung Quốc hỗ trợ kỹ thuật lập quy hoạch tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng; ghi nhớ về hợp tác triển khai viện trợ không hoàn lại chuyên về lĩnh vực y tế công cộng giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Bộ Thương mại nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa…;

Bản ghi nhớ hợp tác giữa Bộ Công thương nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Tổng cục Giám sát chất lượng, kiểm nghiệm kiểm dịch quốc gia nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa về an toàn thực phẩm trong thương mại song phương giữa Việt Nam-Trung Quốc; Bản ghi nhớ về việc hợp tác làm phim truyền hình chuyên đề giữa Đài truyền hình Việt Nam và Đài truyền hình trung ương Trung Quốc;

Ghi nhớ hợp tác giữa Ban Kinh tế Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam và Trung tâm nghiên cứu phát triển Quốc vụ viện Trung Quốc; Kế hoạch hợp tác du lịch giữa Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cục Du lịch Quốc gia nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa giai đoạn 2017-2019; Biên bản ghi nhớ giữa Ngân hàng Đầu tư Phát triển Việt Nam và Ngân hàng phát triển Trung Quốc về việc hợp tác tài trợ dự án và cho vay song phương trung dài hạn giai đoạn 2017 – 2019; Thoả thuận hợp tác giữa Nhà xuất bản chính trị Quốc gia Sự thật Việt Nam và Nhà xuất bản Nhân dân Trung Quốc giai đoạn 2017 – 2021;…

Hàng loạt văn kiện kể trên có nội dung cụ thể ra sao, cho đến nay vẫn chưa thấy đăng tải. Liệu đây có phải là những thỏa thuận nằm trong diện cần phải có thời gian nhất định cho yêu cầu ‘giải mật’?

Thế nào là ‘mật’ để cần phải chờ thời gian ‘giải mật’?

Căn cứ vào các quy định ở Pháp lệnh bảo vệ bí mật Nhà nước, và cả ở Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước sẽ có hiệu lực thi hành từ 01-07-2020, thì dường như các văn kiện thỏa thuận giữa Bắc Kinh và Hà Nội chỉ có thể coi là “mật”, khi chứa đựng trong đó những nội dung nếu bạch hóa sẽ gây hại cho Đảng cộng sản Việt Nam.

Điều 1 của Pháp lệnh bảo vệ bí mật Nhà nước, ghi: “Bí mật Nhà nước là những tin về vụ, việc, tài liệu, vật, địa điểm, thời gian, lời nói có nội dung quan trọng thuộc lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, kinh tế, khoa học, công nghệ, các lĩnh vực khác mà Nhà nước không công bố hoặc chưa công bố và nếu bị tiết lộ thì gây nguy hại cho Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

Điều 3.1 của Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước, cho biết, “Nguyên tắc bảo vệ bí mật Nhà nước là đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự quản lý thống nhất của Nhà nước; phục vụ nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển kinh tế – xã hội, hội nhập quốc tế của đất nước; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân”.

“Nếu bị tiết lộ thì gây nguy hại cho Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Điều 1 của Pháp lệnh bảo vệ bí mật Nhà nước, cho biết một nội dung mà khi bị tiết lộ sẽ gây hại cho Nhà nước, thì đó là “bí mật Nhà nước” cần được bảo vệ.

Như vậy, với các thỏa thuận liên quan đến việc Trung Quốc sẽ đầu tư vào Việt Nam, nằm trong số các văn kiện hợp tác được ký kết trong những lần ‘gặp gỡ cấp cao’ giữa hai đảng cộng sản Trung Quốc và Việt Nam, không thuộc phạm vi chịu sự điều chỉnh của Pháp lệnh bảo vệ bí mật Nhà nước. Tương tự, lãnh vực giáo dục cũng không thể đóng dấu ‘mật’ khi được ký kết giữa hai đảng cộng sản Trung – Việt.

Tháng 6 tới đây, Bộ trưởng Bộ Giao dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ sẽ có chuyến công du ở Trung Quốc, trong khuôn khổ của “Thỏa thuận hợp tác về giáo dục giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam và Bộ Giáo dục Trung Quốc giai đoạn 2016-2020” mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký với Trung Quốc.

Thỏa thuận hợp tác giáo dục giữa Trung Quốc và Việt Nam bao gồm những nội dung gì, đến nay vẫn là điều mà người dân hoàn toàn không được biết. Trong khi đó thì hiện nay Việt Nam chi 5,8% GDP cho giáo dục, nếu tính cả đóng góp của gia đình có con em đang đi học thì con số này đạt 8% GDP.

Nếu vẫn tiếp tục ‘mật’, có lẽ phải chờ đến khi nền giáo dục bị đổ vỡ trong một vài dự án hợp tác nào đó với Trung Quốc, đến lượt mình, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ lại đăng đàn Quốc hội để ‘đổ thừa’ như vị đồng liêu Nguyễn Văn Thể?

Featured Posts
Recent Posts
Search By Tags
Follow Us
  • Facebook Classic
  • Twitter Classic
  • Google Classic
bottom of page