top of page

Bài Học Số 20: LÀM CHO KẺ THÙ SUY YẾU - CHIẾN LƯỢC GẶT KHI LÚA CHÍN


Bất kể bạn mạnh mẽ thế nào, việc chiến đấu liên miên sẽ gây kiệt quệ, phải trả giá cao và làm mất đi tính sáng tạo. Những chiến lược gia khôn ngoan nói chung thích dùng mưu lược hơn: ngay từ trước lúc trận chiến bắt đầu họ tìm những cách để đặt đối thủ của mình vào những vị trí yếu giúp đưa đến chiến thắng dễ dàng và nhanh chóng. Nhử cho kẻ thù chiếm lấy những vị trí có vẻ như hấp dẫn nhưng thật ra chỉ là những cạm bẫy và những lối đi mù quáng. Nếu vị trí của họ mạnh, hãy làm cho họ từ bỏ nó bằng cách dẫn dụ họ vào một cuộc săn vịt trời. Tạo ra những tình thế lưỡng nan: đề ra những mưu chước đem đến cho họ khả năng chọn lựa những cách phản ứng - tất cả chúng đều tệ hại. Đưa sự rối loạn và mất trật tự vào hướng đi của họ. Những đối thủ rối trí, nản lòng và giận dữ giống như trái chín trên cành: một cơn gió nhẹ nhất cũng đủ làm cho chúng rụng xuống.

Xuyên suốt lịch sử có thể xác định ra hai phong cách thực hiện chiến tranh khác biệt nhau. Cổ nhất là chiến tranh tiêu hao: kẻ thù đầu hàng vì bạn đã giết quá nhiều người của nó. Một viên tướng tiến hành một cuộc chiến tranh tiêu hao sẽ trù tính các cách thức để áp đảo đối phương bằng quân số lớn hơn, hay bằng thế trận có thể gây tổn hại nhiều nhất, với kỹ thuật quân sự cao hơn. Trong bất kỳ trường hợp nào, chiến thắng tùy thuộc vào việc làm cho đối phương kiệt quệ. Ngay cả với kỹ thuật khác thường ngày nay, thực hiện chiến tranh tiêu hao cũng giản đơn một cách đáng chú ý, lợi dụng vào những bản năng bạo lực nhất của loài người. Qua nhiều thế kỷ, và đáng kể nhất là ở Trung Quốc thời cổ đại, một phương thức thực hiện chiến tranh thứ hai đã được phát triển. Điểm nhấn ở đây không phải là việc tiêu diệt đối phương trong trận chiến mà làm nó suy yếu và mất cân bằng trước khi trận chiến bắt đầu. Người chỉ huy sẽ dùng mưu mẹo để làm rối trí, chọc giận và đặt kẻ thù vào một vị trí tồi - phải chiến đấu từ dưới chân đồi lên, hoặc đối mặt với gió và ánh nắng, hoặc trong một không gian tù túng. Trong loại chiến tranh này, một quân đội cơ động có thể hữu hiệu hơn một quân đội dùng cơ bắp nhiều.

"Thực hiện chiến tranh cũng giống như đi săn. Thú rừng bị bắt bởi sự do thám, bởi lưới, bởi sự phục kích, bởi sự theo đuổi, bởi sự vây bọc xung quanh và bởi những mưu mẹo khác hơn là bởi sức mạnh thật sự. Trong tiến hành chiến tranh chúng ta nên tiến theo cùng một cách, dù là kẻ thù đông hay ít. Cố gắng áp đảo kẻ thù ở nơi mở rộng, tay chạm tay và mặt đối mặt, ngay cả dù bạn có vẻ thắng cuộc, là một việc làm rất liều lĩnh và có thể gây nên những tổn hại nghiêm trọng. Ngoài tính chất cực kỳ nguy cấp, việc cố gắng giành một chiến thắng quá đắt giá và chỉ mang lại một vinh quang rỗng tuếch còn là một điều ngớ ngẩn..."

Hoàng Đế Byzan-tine, Maurikios, 539-602

Triết lý thực hiện chiến tranh mưu lược đã được Tôn Tử hệ thống hóa trong quyển Binh pháp, viết trong thời kỳ Chiến quốc ở Trung Hoa, từ thế kỷ thứ 5 đến thứ 3 trước Công nguyên - trên hai trăm năm của những chu kỳ leo thang chiến tranh trong đó sự tồn vong của một nước phụ thuộc vào quân đội và các chiến lược gia của nó. Đối với Tôn Tử và những người cùng thời, hiển nhiên phí tổn chiến tranh đã vượt xa khỏi con số về nhân mạng: nó bao gồm sự mất mát về các nguồn tiềm lực, thiện chí chính trị và sự suy giảm về tinh thần ở những binh lính và thường dân. Những phí tổn này cứ mãi chất cao lên theo thời gian cho tới khi cuối cùng ngay cả một quốc gia thiện chiến nhất cũng trở nên kiệt quệ. Nhưng thông qua mưu lược tài tình, một quốc gia có thể tiết kiệm cho nó những phí tổn cao đó và vẫn phát triển một cách thắng lợi. Một kẻ thù đã bị lừa vào thế yếu sẽ dễ dàng không chống nổi áp lực về tâm lý; ngay trước lúc trận chiến bắt đầu, nó đã khởi sự sụp đổ một cách khó nhận ra và sẽ đầu hàng một cách dễ dàng.

Nhiều chiến lược gia ở bên ngoài châu Á - nổi bật nhất là Napoleon Bonaparte, đã sử dụng một cách xuất sắc chiến tranh mưu lược. Nhưng nói chung, chiến tranh tiêu hao đã ngấm sâu vào cách thức tư duy của phương Tây - từ Hy Lạp cổ đại cho tới nước Mỹ hiện đại. Trong một nền văn hóa tiêu hao, các ý tưởng tự nhiên hướng tới cách làm thế nào để chế ngự các nan đề, các chướng ngại vật, những kẻ đối kháng với chúng ta. Trong giới truyền thông, điểm nhấn được đặt vào những trận chiến lớn, dù là trong chính trị hoặc trong nghệ thuật - các tình huống không thay đổi trong đó có những kẻ thắng và người bại. Mọi người bị lôi kéo vào vòng cảm tính và kịch tính trong bất kỳ cuộc đối chọi nào, chứ không phải là những bước dẫn tới cuộc đối chọi đó. Những câu chuyện được kể lại trong những nền văn hóa như thế đều bị lái về những thời điểm chiến tranh, một thông điệp tinh thần được rao giảng cho tới phút cuổi (trái với những chi tiết được kể nhiều hơn). Trên chóp đỉnh của tất cả mọi chuyện, cách thức chiến đấu này có vẻ như có nhân tính hơn, đáng trọng hơn và trung thực hơn.

Hơn tất cả mọi điều, chiến tranh mưu lược là một cách thức tư duy khác biệt. Điểm quan trọng ở đây là tiến trình - những bước tiến hướng tới trận chiến và cách thức làm thế nào để thao tác chúng nhằm khiến cho cuộc đối đầu ít phí tổn và bạo lực hơn. Những trận chiến thật ra là những ảo tưởng đầy kịch tính, những khoảnh khắc ngắn ngủi trong dòng chảy lớn hơn của các sự kiện. Chúng linh hoạt, năng động và có thể chịu được sự thay đổi thông qua chiến lược cẩn trọng. Cách tư duy này không thấy có gì là vinh dự hay đạo đức trong việc lãng phí thời gian, năng lượng và sinh mạng qua những trận chiến. Thay vì thế, các cuộc chiến tranh tiêu hao được xem là lười nhác, phản ánh một khuynh hướng sơ khai của con người trong việc đánh trả một cách đối phó, không có chút tư duy.

Trong một xã hội đầy rẫy những chiến binh tiêu hao, bạn sẽ tìm được một lợi thế tạm thời bằng cách chuyển sang mưu lược. Tư duy theo tiến trình của bạn sẽ trở nên linh hoạt hơn, đứng về phía cuộc sống hơn và bạn sẽ có thể lợi dụng những khuynh hướng cứng nhắc, ám ảnh vì chiến trận của những người quanh bạn. Bằng cách luôn tư duy trước hết về tình thế bao quát và cách làm thế nào để lừa mọi người vào những vị thế yếu hơn thay vì đánh nhau với họ, bạn sẽ làm cho những trận chiến của bạn ít máu đổ hơn – một điều khôn ngoan nếu bạn muốn có một sự nghiệp lâu bền và gặt hái nhiều kết quả, vì cuộc đời thì dài và xung đột là vô tận. Và một cuộc chiến tranh mưu lược cũng có tính quyết định giống như một cuộc chiến tranh tiêu hao. Hãy nghĩ về việc làm suy yếu kẻ thù giống như việc chờ cho chúng chín muồi như ngũ cốc, sẵn sàng để thu hoạch vào thời điểm đúng.

Sau đây là bốn nguyên tắc cơ bản của chiến tranh mưu lược:

Vạch ra một kế hoạch gồm nhiều phân nhánh. Chiến tranh mưu lược phụ thuộc vào việc hoạch định, và kế hoạch phải đúng. Nếu nó quá cứng nhắc, bạn sẽ không còn chỗ trống để điều chỉnh những rối loạn không thể tránh được và những xung đột chiến lược trong chiến tranh; nếu nó quá lỏng lẻo, những sự kiện không thể dự báo sẽ gây rối trí và áp đảo bạn. Một kế hoạch hoàn hảo bắt nguồn từ một phân tích thật tỉ mỉ về hoàn cảnh; nó cho phép bạn quyết định hướng tốt nhất để đi theo hoặc vị trí hoàn hảo để chiếm lĩnh và đề ra nhiều khả năng đầy hiệu quả (các phân nhánh) để chọn lựa, phụ thuộc vào cái mà kẻ thù ném sang cho bạn. Một kế hoạch có nhiều phân nhánh cho phép bạn thao túng được kẻ thù vì những phản ứng của bạn đối với các tình huống thay đổi nhanh hơn và hợp lý hơn.

Tạo cho mình chỗ trống để tung hoành. Bạn không thể cơ động, bạn không thể tung hoành một cách tự do, nếu bạn tự đưa mình vào những không gian tù túng hoặc tự trói buộc vào những vị trí không cho phép bạn di chuyển. Hãy xem khả năng để di chuyển và duy trì nhiều lựa chọn hơn kẻ thù là điều quan trọng hơn việc cứ ôm giữ những lãnh thổ hay tài sản. Bạn cần không gian mở chứ không phải là những vị trí chết. Điều này có nghĩa là đừng tự gánh lên vai mình những ràng buộc sẽ làm hạn chế các chọn lựa. Nhu cầu đối với không gian vừa có tính tâm lý vừa có tính vật chất: bạn phải có một tâm trí tự do để tạo ra bất kỳ điều gì xứng đáng.

Đem đến cho kẻ thù những tình thế lưỡng nan chứ không phải là những rắc rối. Đa số các đối thủ của bạn có thể khá thông minh và có tiềm lực; nếu những mưu lược của bạn chỉ đơn giản đưa đến cho họ những rắc rối, chắc chắn họ sẽ giải quyết được chúng. Nhưng với một tình thế lưỡng nan thì khác: bất kể họ làm điều gì, bất kể họ phản ứng cách nào – rút lui, tiến tới, ở yên tại chỗ - họ vẫn còn nằm trong vòng rắc rối. Hãy làm cho mọi khả năng chọn lựa đều tệ hại: ví dụ, nếu bạn dùng mưu mẹo thật nhanh đối với một điểm, bạn có thể buộc kẻ thù hoặc chiến đấu trước khi sẵn sàng hoặc rút lui. Hãy cố thường xuyên đặt họ vào những vị trí có vẻ hấp dẫn nhưng thật ra là cạm bẫy.

Tạo ra sự hỗn loạn tối đa. Kẻ thù của bạn cậy vào khả năng thấu hiểu bạn, ý thức được một số dự tính của bạn. Mục tiêu của những mưu chước của bạn là phải biến điều đó thành chuyện bất khả thi, khiến kẻ thù của bạn lao vào một cuộc săn vịt trời những thông tin vô nghĩa, tạo ra sự mơ hồ về cách thức bạn sắp sửa phóng lên. Càng phá vỡ khả năng nhận định về bạn của mọi người, bạn càng tiêm nhiễm nhiều rối loạn hơn vào hệ thống của họ. Sự hỗn loạn mà bạn tạo ra phải được kiểm soát và có mục đích, ít ra là về phần bạn. Sự hỗn loạn mà kẻ thù gánh chịu thì lại gây suy nhược và tàn phá.

Thế nên thắng trăm trận không phải là tài cao của họ;

tài cao của họ là khuất phục quân thù mà không cần phải đánh nhau.

Tôn Tử (thế kỷ 4 tr CN.)

Nhật Bản, một ngày của thập niên 1540, trên một chiếc phà cùng những nông dân, thương gia, thợ thủ công, một chàng võ sĩ trẻ thiết đãi tất cả những ai muốn nghe bằng những câu chuyện về các chiến công kiếm sĩ của mình, trên tay cầm một thanh kiếm dài ba bộ để chứng minh sự tinh thông. Những người khác hơi e sợ chàng trai khỏe mạnh này, vì thế họ vờ như thích thú các câu chuyện của anh ta để tránh rắc rối. Nhưng một ông già ngồi ở cạnh phà không để ý tới chàng trai khoác lác. Hiển nhiên bản thân ông ta cũng là một samuarai, vì có đeo hai thanh kiếm, nhưng không ai biết rằng thật sự đó chính là Tsukahara Bokuden, có lẽ là kiếm sĩ lớn nhất vào thời đó. Lúc ấy ông đã 50 tuổi, thích cải danh du hành một mình. Bokuden ngồi, mắt nhắm, dường như chìm sâu vào suy tưởng. Sự bất động và im lặng của ông bắt đầu làm chàng võ sĩ trẻ bực mình. Cuối cùng anh ta gọi: “Ông không thích nghe loại chuyện này sao? Thậm chí ông không biết cầm một thanh kiếm ra sao phải không, ông lão?”. “Tất nhiên là ta biết,” Bokuden đáp.”Tuy nhiên, cách của ta là không cầm kiếm trong những hoàn cảnh không hợp lý như ở đây.” “Một cách sử dụng thanh kiếm là không dùng đến nó,” chàng võ sĩ nói. “Đừng nói lăng nhăng nữa. Trường phái chiến đấu của ông là gì?” “Nó tên là Mutekatsu-ryu (phong cách chiến thắng mà không cần đến kiếm hay chiến đấu),” Bokuden đáp. “Cái gì? Mutekatsu-ryu? Đừng lố lăng thế. Làm thế nào ông đánh bại một đối thủ mà không chiến đấu?”

Lúc này chàng võ sĩ đã nổi giận và tức tối, và anh ta yêu cầu Bokuden chứng minh, thách đấu với ông ngay lúc đó và tại đó. Bokuden từ chối đấu trên một chiếc phà đông người nhưng bảo rằng ông có thể biểu diễn cho chàng trai xem Mutekatsu-ryu ở bờ gần nhất, rồi ông yêu cầu người lái phà đưa phà tới một hòn đảo nhỏ gần đấy. Chàng trai bắt đầu vung kiếm lên để đám đông giãn ra. Bokuden tiếp tục ngồi nhắm mắt. Khi tới hòn đảo, kẻ thách đấu nôn nóng la lên: “Lên nào. Ông tiêu rồi. Tôi sẽ cho ông thấy kiếm của tôi bén thế nào!” Rồi anh ta nhảy lên bờ. Bokuden vẫn từ tốn, càng làm chàng võ sĩ trẻ bực tức, anh ta bắt đầu nhục mạ. Cuối cùng, Bokuden trao cho người lái phà hai thanh kiếm của mình, nói: “Phong cách của tôi là Mutekatsu-ryu. Tôi không cần dùng kiếm.” – và ông cầm lấy chiếc chèo của người lái, chống mạnh nó vào bờ, đưa chiếc phà nhanh chóng tách xa bờ. Chàng võ sĩ kêu to, yêu cầu chiếc phà quay lại. Bokuden đáp lại: “Đây là cái gọi là chiến thắng mà không cần chiến đấu. Ta thách anh dám nhảy xuống nước và bơi tới đây!”

Lúc này các hành khách trên phà nhìn lại chàng võ sĩ lùi xa dần, mắc cạn trên hòn đảo, đang nhảy loi choi, vung vẫy đôi tay và những tiếng hét của anh ta ngày càng nhỏ dần nhỏ dần. Họ bắt đầu phá lên cười: Bokuden rõ ràng đã chứng minh được Mutekatsu-ryu.

Lúc Bokuden nghe tiếng nói của chàng võ sĩ ngạo mạn, ông biết rằng sẽ gặp rắc rối. Một cuộc đấu tay đôi trên một chiếc phà đông đúc sẽ là một tai họa, và hoàn toàn không cần thiết; ông phải đẩy anh chàng này khỏi phà mà không cần phải đánh nhau, và biến thất bại đó thành trò cười.

Ông thực hiện điều này bằng mưu trí. Đầu tiên, ông ngồi lặng lẽ bất động, kéo sự chú ý của chàng võ sĩ khỏi những hành khách vô tội và hướng nó về phía ông như một thỏi nam châm. Rồi ông làm cho anh ta rối trí với một cái tên phi lý về một trường phái chiến đấu, nung nóng đầu của anh chàng võ sĩ khá giản đơn bằng một khái niệm rắc rối. Tay võ sĩ rối trí cố che đậy bằng lời hăm dọa. Lúc này anh ta đã nổi giận và mất cân bằng về mặt tinh thần đến mức nhảy lên bờ một mình, không nghiền ngẫm kỹ ý nghĩa khá rõ ràng của cái tên Mutekatsu-ryu ngay cả khi đã ở trên bờ. Bokuden là một samurai luôn dựa vào việc sắp đặt trước các đối thủ và thắng trận một cách dễ dàng, bằng mưu lược hơn là sức mạnh. Đây là sự chứng minh tối hậu về nghệ thuật của ông.

Mục tiêu của mưu lược là đem lại cho bạn những chiến thắng dễ dàng, mà bạn thực hiện bằng cách dẫn dụ đối thủ rời khỏi những vị trí vững chắc để tới những địa thế xa lạ nơi họ phải chiến đấu một cách mất cân bằng. Vì sức mạnh của đối thủ gắn liền với khả năng suy nghĩ tỉnh táo của họ, những mưu kế của bạn phải được thiết kế để khiến họ trở nên cảm tính và đần độn. Nếu bạn quá trực tiếp trong mưu mẹo này, bạn có cơ hội để lộ trò chơi của mình; bạn phải tinh tế, lôi kéo các đối thủ về phía mình với hành vi khó hiểu; dần dần luồn vào bên dưới lớp da của họ với những lời nhận xét và hành động khiêu khích, rồi đột nhiên lùi lại. Khi cảm thấy các cảm xúc của họ đã bắt đầu, sự giận dữ hay bực tức dâng lên, bạn có thể đẩy nhanh nhịp độ các thao tác. Đã được bố trí một cách chính xác, đối thủ của bạn sẽ nhảy lên hòn đảo và tự mình mắc cạn, đem tới cho bạn chiến thắng dễ dàng.

Hình ảnh: Cái liềm. Dụng cụ đơn giản nhất. Dùng nó để cắt những bụi cỏ cao hay những đồng lúa chưa chín sẽ là một công việc làm kiệt sức. Nhưng nếu để cho những thân lúa ngả màu nâu vàng, cứng và khô lại, trong khoảng thời gian ngắn ngủi ấy, ngay cả một cái liềm cùn nhất cũng sẽ cắt được lúa một cách dễ dàng.

"Chúng ta thắng trận bằng giết chóc và mưu lược.

Viên tướng càng tài ba, ông ta càng đóng góp nhiều về mưu lược và càng ít cần đến sự giết chóc...

Hầu như tất cả những trận đánh được xem là các tác phẩm bậc thầy của nghệ thuật quân sự...

là những trận đánh bằng mưu lược trong đó rất thường là kẻ thù thấy họ bị đánh bại bởi một mưu chước hay thủ đoạn tân kỳ, một cuộc đột kích hoặc một mưu mẹo lạ lùng, bất ngờ, nhanh chóng. Trong những trận đánh như thế, những tổn thất của người thắng trận rất ít ỏi. "

Winston Churchill (1874-1965)

Chẳng có lập trường hay vinh dự gì khi tìm kiếm những trận đánh trực tiếp vì chính bản thân nó. Tuy nhiên, kiểu chiến đấu đó có thể có giá trị như là một phần của mưu lược hay chiến lược. Một cuộc bao vây bất ngờ hay một đòn tấn công trực diện mạnh mẽ khi kẻ thù ít ngờ tới nhất có thể là đòn trí mạng. Mối nguy duy nhất trong mưu lược là bạn đem lại cho mình quá nhiều khả năng chọn lựa tới mức ngay cả chính bạn cũng rối trí. Hãy giữ cho nó đơn giản – tự hạn chế mình ở những lựa chọn mà bạn có thể kiểm soát được.

TRÍCH: 33 CHIẾN LƯỢC CỦA CHIẾN TRANH - ROBERT GREENE NGUỒN: https://www.chinhnghia.com/33%20Chien%20Luoc%20Cua%20Chien%20Tranh.pdf

Featured Posts
Recent Posts
Search By Tags
Follow Us
  • Facebook Classic
  • Twitter Classic
  • Google Classic
bottom of page