Đảng cũng có tạp chí Nhân quyền !
Theo lời Ban Tuyên giáo Đảng cộng sản Việt Nam huấn dụ cho thanh niên và nhân viên quốc doanh, hiện nay có nhiều thế lực đang sử dụng các danh từ là "dân chủ" và "nhân quyền" để diễn biến hòa bình khắp cõi Việt Nam. Đến nỗi, có những anh công an gọi những người hoạt động xã hội dân sự là "bọn dân chủ" hay "bọn nhân quyền". Ấy thế mà "bọn nhân quyền" chẳng ở đâu xa, có khi nằm trong cơ quan nhà nước. Đơn cử như tòa soạn Tạp chí Nhân quyền lặng lẽ tọa lạc ở số 6 Chùa Một Cột, Ba Đình, Hà Nội.
Tạp chí Nhân quyền là tạp chí phát hành hàng tháng. Người dân không thường thấy trên các sạp báo bình dân buổi sáng một cuốn Tạp chí Nhân quyền như những cuốn tạp chí khác. Không dễ gì để một bác xe ôm tìm được trên các sạp báo ở Sài Gòn hay Hà Nội một cuốn Tạp chí Nhân quyền. Đó là vì, người ta không muốn phổ cập tạp chí Nhân quyền như phổ cập những báo Nhân dân, Tuổi Trẻ, Thanh Niên... Vì sao vậy ?
Bản thân hai chữ "nhân quyền" đã hàm chứa một ý niệm quá lớn và quá linh động mà nhà cầm quyền không muốn người dân lưu tâm và suy nghĩ. Dù nội dung các bài viết bên trong cuốn tạp chí ấy, nhà nước thừa sức kiểm soát được, nhưng hai chữ ngắn gọn ngoài bìa- "nhân quyền" thì lại rất mới và gây ấn tượng mạnh trong mỗi cá nhân, không thể theo định hướng của người biên tập.
Tuy nhiên, nhà cầm quyền vẫn phát hành một số lượng (dù hạn chế) tạp chí này cho một số loại công sở đặc biệt. Ví dụ, Thư viện Trung Tâm đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh mỗi tháng được cấp cho một số lượng tạp chí nhân quyền, Thư viện này phát lại miễn phí cho sinh viên. Dầu vậy, sinh viên cũng không nhiều người thiết tha mấy với tờ báo miễn phí đó, gần như một chồng tạp chí Nhân quyền đầu tháng đưa ra thế nào thì cuối tháng mấy cô thủ thư đếm lại vẫn còn nguyên. Sau một thời gian dài, tạp chí Nhân quyền nằm chờ có người cầm về.
Các tờ báo khoa học và các tờ chuyên ngành thì còn có sinh viên cầm về, họ cần đọc để vững thêm chuyên môn để sau này tốt nghiệp đi làm lãnh lương cao. Còn như nhân quyền thì có vẻ là một món "không ăn được", tỉ lệ sinh viên có đầu óc xã hội quá ít, nhân quyền cũng chưa thành môn học và chưa tính vào điểm trung bình tốt nghiệp, thành ra tạp chí Nhân quyền ế hàng trong thư viện đại học Quốc gia. Thường thì có sự trễ pha lớn, phát hành 5 tháng rồi mới đem ra trưng cho sinh viên đọc. Ví dụ, thời điểm này là tháng 3 năm 2018 nhưng cuốn tạp chí Nhân quyền đang trưng ra trên quầy tạp chí tặng sinh viên thì chỉ có số tháng 9 năm 2017, nghĩa là chậm gần 6 tháng.
Đảng định đưa nhân quyền vào trường đại học như một môn học, và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã được phân công để bắn tín hiệu đó ra cho dư luận.
Không biết là thật hay giả, nhưng một điều chắc chắn là Thủ tướng đã dùng chữ "quyền con người" chứ không dùng chữ "nhân quyền" . Việc sử dụng một cụm từ vừa dài hơn (cụm danh từ "quyền con người" gồm 3 tiếng, dài hơn 1 tiếng so với danh từ "nhân quyền"), lại mang sắc thái biểu cảm nông cạn hơn cho thấy cách dùng từ như vậy là một sự cẩn trọng của hệ thống. Hoặc là do Đảng cộng sản Việt Nam không muốn hiểu nhân quyền theo định nghĩa của hệ thống Tây phương, hoặc là đảng này đang miễn cưỡng thốt ra đôi lời để chứng tỏ với quốc tế, nhằm làm giảm sức ép quốc tế đối với họ, trong nghĩa vụ thực thi công ước nhân quyền và luật nhân quyền mà chính bản thân họ cũng đã ký kết.
Kiều Phong