Đứng Dậy Để Đòi Quyền Sống Và Quyền Làm Người Đúng Nghĩa
21.03.2018
Cuộc họp bị rời lại đột xuất hai tiếng. Nhìn đồng hồ và gọi điện cho hàng đại lý quen thuộc, tôi tranh thủ ghé bệnh viện thăm các em bệnh nhi. Giao mấy thùng đồ đã chuẩn bị cho tôi, anh chị chủ đại lý ngần ngại vì thấy tôi mặc váy dài thướt tha mà phải chở đồ như vậy thì bất tiện. Xua tay cười trấn an những con người tốt bụng, tôi tăng ga chạy đi mà không quên cười thầm khi nhìn thấy cái lắc đầu ái ngại của họ qua chiếc gương chiếu hậu.
Vẫn là cổng vào khu cấp cứu khoa nhi, vẫn là sự đông đúc hỗn độn thường thấy. Vẫn là những nét mệt mỏi, lo lắng hiện lên trên từng khuôn mặt của những người cha, người mẹ đang nhấp nhổm, thấp thỏm chờ tin con trước phòng cấp cứu. Mỗi lần đến đây, trừ một vài người bảo vệ quen mặt, trừ một vài bác sĩ và nhân viên y tá làm việc tại đây, tôi chỉ mong không gặp lại những khuôn mặt người nhà bệnh nhân mà tôi đã gặp từ lần trước. Đâu đó tiếng than khóc, vật vã bất lực luôn xé vào tim tôi ngay cả khi đã xác định tinh thần từ trước nhưng tôi vẫn không thể nào thấy quen và có cảm giác bình thường được. Một tờ giấy vô tri, dù đó là hóa đơn yêu cầu thanh tóan viện phí, một kết quả xét nghiệm không mong đợi hay một kết luận “hết khả năng cứu chữa” của bác sĩ cũng đã đủ khả năng để làm gục ngã bao con người đang gồng mình chịu đựng mỗi ngày...
Tôi khẽ đến bên một người mẹ trẻ dù đã ngất lên ngất xuống nhiều lần từ hôm qua nhưng vẫn không chịu rời phòng cấp cứu, nơi mà con gái chị mới chỉ có 4 tuổi đầu đang nằm thiêm thiếp nhưng đã bị tuyên án “ung thư máu”. Ngồi cạnh chị là người cha già đau yếu, khắc khổ, đang run run đút từng sợi mì ăn liền cho đứa con đầu 7 tuổi tật nguyền của chị cũng đang nằm vạ vật trên nền đất gần lối vào khoa cấp cứu. Đột nhiên, những tiếng ồn ào chửi mắng ở gần đó bỗng nổi lên làm cắt đứt mất sự trao đổi của chúng tôi. Một người đàn ông đang dùng mũ bảo hiểm đánh lấy đánh để lên đầu một người phụ nữ. Nghe tiếng chửi bới qua lại của cả hai mà tôi đóan biết rằng họ là vợ chồng. Một vài người chạy tới can ngăn nhưng cũng không kịp cản được cơn giận dữ ngút trời của người chồng đang trút tới tấp lên đầu, lên vai, lên mặt người phụ nữ bé nhỏ. Vừa kịp có mấy người bảo vệ chạy đến, tôi nhào ra ôm người phụ nữ và kéo chị vào một góc bên trong đám đông đang đứng đó tạo rào cản không cho người chồng quay lại tiếp cận.
Vừa lau những vệt máu vương vãi trên mũi và trên khóe miệng của chị, vừa xót xa khi nghe chị nói bị chồng đánh nhiều lần như vậy nên “đã quen rồi” ! Tôi trao cho chị hộp sữa uống cho lại sức nhưng chị cứ ngập ngừng không dám uống chỉ vì muốn để dành cho đứa con trai 8 tuổi đang nằm hôn mê trong kia được bồi dưỡng khi tỉnh dậy… Khi nào con trai chị sẽ tỉnh dậy ? Chị lắc đầu quay mặt đi che những giọt nước mắt đang không ngừng tuôn rơi. Một tay lau nước mắt, một tay vẫn còn đang cầm giấy báo viện phí đã trở nên nhàu nát cùng cuốn sổ đỏ nhà cũng đã không thể cũ hơn…
Trên đường chạy về cho kịp cuộc họp mà những câu hỏi cứ xoáy vào trong đầu tôi : Khi nào con trai chị mới tỉnh dậy ? Khi nào người dân của chúng ta mới tỉnh dậy ? Và đến khi nào thì dân tộc này mới có thể đứng dậy để đòi quyền sống và quyền làm người đúng nghĩa ?