Trung Quốc Thương Điếm
Trơ trọi bên kia đường là một mái nhà thấp, là một quán ăn với bảng hiệu toàn chữ Tàu Trung Quốc Thương Điếm, xen vào một chữ Việt Tạp Hóa duy nhất. Rồi ra nơi đây sẽ manh nha cho một Little China Town trong tương lai. Trong quán chỉ có mấy chiếc bàn tròn, bày sẵn chén đũa và cả mấy đĩa thức ăn. Tôi nhận ra ngay đây như một phạn điếm, quán nấu cơm tháng cho công nhân Tàu làm việc bên trong nhà máy. Chỉ nghe rổn rảng tiếng Tàu từ mấy bàn đã có thực khách. Chọn một chiếc bàn còn trống đủ chỗ ngồi cho 8 người, chúng tôi quyết định dừng chân ăn bữa tối tại đây và cũng để có cơ hội quan sát.
Từ trên xuống: Trung Quốc thương điếm, tấm bảng kê những thứ hàng tiệm tạp hóa ấy bán: Trung Quốc thực phẩm, ti tửu (rượu bia), bạch tửu (rượu trắng), hương yên (khói thơm - thuốc lá), Việt Nam đặc sản, già phi (cà phê), yến oa (tổ yến), lộc nhung (sừng huu)
Chủ quán là một cô Bắc kỳ, nước da trắng và khá xinh xắn, tuổi chưa tới 30. Cô mau mắn hỏi: “Các bác ở đâu mà ghé qua, lại cả chụp hình quán nhà cháu,” rồi cô cho biết thức ăn chỉ đủ cho khách đặt sẵn, nhưng nếu muốn thì nhà cháu cũng sẽ nấu thêm nhưng phải chờ. Thức ăn chỉ có những món Tàu, dĩ nhiên nhiều dầu mỡ.
Thức ăn đơn giản 3 món nhưng là một bữa ăn nóng, với bia Tsing Tao nhập từ Trung Quốc. Qua câu chuyện trao đổi, tôi có thể có ngay một lý lịch trích ngang của cô chủ quán. Gia đình di cư sau 75 từ ngoài Bắc vào Bảo Lộc, cô sinh đẻ trong Nam nhưng cô vẫn nói tiếng Bắc, bố mẹ cô vẫn còn sống ở Bảo Lộc, cô được đi học và cả về báo chí: “cháu học truyền thông, về làm ở đài Truyền hình huyện Đắc Nông”. Tôi hỏi:“ở huyện cũng có đài truyền hình à”, cô đáp: “à, đôi khi đài truyền thanh cũng gọi là đài truyền hình đấy ạ, sau đó cháu về làm công nhân ở Bình Dương.” Cũng tại đặc khu Bình Dương, cô đã lập gia đình với một người Tàu họ Lý, đến từ Hoa Lục có lẽ là một kỹ sư cũng đang làm việc tại đây. Cô có một đứa con trai lấy họ bố tên Lý Hảo nay cũng đã 3 tuổi. Không tiện hỏi thêm, nhưng biết chồng cô hiện làm việc bên tổ nhà máy nhiệt điện Duyên Hải bên kia đường. Cô theo chồng dọn về đây, nay mở thêm một quán ăn, chủ yếu phục vụ cho đám công nhân Tàu làm việc bên nhà máy. Cô và đứa con đều nói được tiếng Tàu, nhưng “cháu cũng dạy thêm cho cháu chút tiếng Việt”.
Đây có lẽ là trường hợp điển hình cho những cuộc hôn nhân Tàu-Việt, đang rất được Bắc Kinh khuyến khích tại Việt Nam. Nơi mà số công nhân Tàu sang làm việc ở Việt Nam, ngày càng đông hợp pháp hay không.
Các cô gái Việt đang thất nghiệp bị bỏ rơi, nay có cơ hội lấy chồng ngoại quốc, được ổn định về kinh tế mà không phải “xa quê” đang là chọn lựa xem ra rất thuận cảnh, thuận tình đối với các cô gái Việt.
Việt Nam,đang không ngừng xuất hiện những “đặc khu kinh tế” nơi Trung Quốc xây các nhà máy, khu vực nghiễm nghiên trở thành một thứ “lãnh địa” hoàn toàn thuộc quyền kiểm soát của họ.
Ngô Thế Vinh.