BAO NHIÊU NĂM RỒI, HỌ VẪN RA ĐI
Hôm nay là ngày chủ nhật cuối cùng của năm 2018. Thêm một ngày nữa là đã bước sang năm 2019 rồi.
Thế hệ của tôi, họ bắt đầu ra đi, lác đác từ những năm 79. Bán chính thức.... Đa số họ là những người con cái của các gia đình tư sản thành đạt từ chế độ cũ, phải ra đi vì họ không được chấp nhận trong xã hội mới. Năm ấy tôi 19 tuổi, mới vào đại học, và lòng thì phơi phới vô cùng vì nghĩ rằng chỉ cần học xong, có một nghề nghiệp ổn định là thế hệ của chúng tôi sẽ nhanh chóng xây dựng lại đất nước để sánh vai cùng thế giới.
Thế hệ của tôi, họ ồ ạt ra đi trong những năm 1989. Đành đoạn dứt áo ra đi tìm đường sống. Vượt biên, thuyền nhân. Đất nước khủng hoảng sau lần đổi tiền cuối cùng vào năm 1985. Lúc ấy tôi 29 tuổi, đã là giảng viên đại học, có gia đình và 1 đứa con 2 tuổi. Hai vợ chồng đi làm trong khu vực công (vì làm gì có khu vực nào khác!), và dù là gia đình "2 thu nhập" mà chúng tôi vẫn ... đói triền miên với đồng lương nhà nước.
Những năm 1999, đất nước đã mở cửa, bắt đầu hội nhập với thế giới. Tôi đã có bằng tiến sĩ được vài năm (vô cùng hiếm hoi vào thời ấy) từ một học bổng viện trợ của Úc dành cho VN, là phó khoa của một trường đại học công lập lớn ở Sài Gòn, và có thêm đứa con thứ hai. Lúc ấy tôi 39 tuổi, và mặc dù biết rằng bạn bè tôi đã rục rịch bắt đầu tính toán việc "vượt biên bằng máy bay", tôi vẫn tin rằng VN đã đi vào đúng quỹ đạo của thế giới tự do và phát triển, rất cần sự đóng góp của những người may mắn có cơ hội học hành tử tế như tôi. Niềm tin ấy được chia sẻ và củng cố bởi ông xã hiền lành nhân hậu của tôi, và cứ thế, chúng tôi cắm đầu làm việc, sống thanh bạch nhưng lương thiện, sinh hoạt hết sức giản dị và tiết kiệm, đến độ một người đồng nghiệp cùng khoa của tôi đã phải thốt lên: PAnh sống như người đi tu. (Cảm giác ấy sau này cô con dâu cũng xác nhận.)
Những năm 2009, VN đã hội nhập quốc tế sâu rộng, đã là thành viên WTO, nền "kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa" đã được thiết lập, khu vực tư nhân bắt đầu phát triển.
Tôi đã 49 tuổi, đã đứng đầu một đơn vị rất nhỏ nhưng có vai trò quan trọng trong ĐHQG-HCM dù là một người không Đảng - được bổ nhiệm chỉ vì năng lực, bất chấp "lý lịch xấu".
Tôi được quyền sử dụng ngân sách, là chủ tài khoản, toàn quyền tuyển dụng và bổ nhiệm nhân sự dưới quyền (trừ cấp phó), toàn quyền sử dụng tài chính và tài sản công được cấp miễn là theo đúng quy định, toàn quyền quan hệ với thế giới trong lĩnh vực chuyên môn của mình.
Quyền khá lớn, và tôi cũng làm được khá nhiều, nên tôi thấy khá hài lòng, trừ một việc: Lương của tôi (và của nhân viên) theo quy định của nhà nước vẫn là một đồng lương chết đói! Và để khỏi chết đói, tôi vẫn phải đi dạy vào buổi tối và cuối tuần. Không ai hiểu tại sao lại như vậy, khi công việc của tôi được xem là "khá béo bở", không cần lương, chỉ cần bổng là đủ! Bạn bè tôi lúc ấy đã có những người phất lên, đa số làm cho những công ty đa quốc gia, lương cao ngất ngưởng, và đã/đang bắt đầu thực hiện kế hoạch cho con cái đi tỵ nạn giáo dục, còn bản thân họ thì mua nhà ở nước ngoài, mua thẻ xanh ở Canada, Mỹ, Úc.... Tóm lại, bao nhiêu năm rồi họ vẫn (cứ) ra đi.
Còn 2 ngày nữa là bắt đầu 2019, khi tôi bước sang tuổi 59. Rất muộn màng nhưng trễ còn hơn không bao giờ, tôi đã ra khỏi khu vực công đến nay được hơn 7 năm, đã có lương hưu sau hơn 30 năm làm việc, vẫn tiếp tục không phải là (và sẽ không bao giờ là) Đảng viên, đã kịp cho cô con gái đi tỵ nạn giáo dục vài năm qua (cậu con trai đầu thì học hoàn toàn trong nước vì bố mẹ sống thanh bạch lương thiện và làm việc trong khu vực công thì tiền đâu mà cho con tỵ nạn?).
Vài ngày qua, đọc tin tức về vụ LNMQ, rồi vụ đoàn du lịch VN trốn ở lại Đài Loan, nhìn lại đời mình tôi thấy tiếc những cơ hội của cá nhân mà tôi đã từ chối vì những lý tưởng ngây thơ, thấy mình thật buồn cười, và cũng thấy thật buồn. Mọi thứ trên đất nước này đã thay đổi, phải nói là đảo lộn tất cả.
Chỉ có một thứ dường như không thay đổi: Họ vẫn ra đi!
Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh- Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn