top of page

Vấn đề lãnh đạo


Bộ máy lãnh đạo của một quốc gia được ấn định bởi chính thể lựa chọn. Sự lựa chọn chính thể lại tùy thuộc ở quan niệm về vấn đề lãnh đạo. Khối Cộng Sản và khối Tự Do, ngày nay khác nhau, trên phương diện hình thức, ở chỗ một bên chủ trương chính thể Độc tài đảng trị, một bên chính thể Dân chủ pháp trị.

Nhưng, trong căn bản, sự khác nhau không phải về hình thức bên ngoài đó. Bởi vì hình thức đó chỉ là biểu lộ bên ngoài của một sự khác nhau về quan niệm lãnh đạo.

Khối Tự Do quan niệm một sự lãnh đạo căn cứ trên sự thuyết phục để hướng dẫn quần chúng. Khối Cộng Sản quan niệm một sự lãnh đạo căn cứ trên sự cưỡng bách để hướng dẫn quần chúng. Khối thứ nhất chú trọng đến với trạng thái thăng bằng động tiến giữa quyền lợi ngắn hạn của cá nhân trong tập thể và quyền lợi dài hạn của tập thể, bởi vì lý do của đời sống là một sự việc của cá nhân mà điều kiện của đời sống, là một điều kiện tập thể. Khối thứ nhì chỉ chú trọng đến quyền lợi dài hạn của tập thể bởi vì, trong một giai đoạn lịch sử, các nhà lãnh đạo tin rằng sự sống còn của tập thể bị đe dọa và đòi hỏi sự hoàn toàn hy sinh các quyền lợi cá nhân cho tập thể.

Một điều mà chúng ta nên ghi nhớ là sự lựa chọn quan niệm lãnh đạo này hay quan niệm lãnh đạo kia đều do những sự kiện lịch sử thực tế quyết định chớ không phải do những quan điểm triết lý trừu tượng.

Trong một giai đoạn nào đó của lịch sử một dân tộc, sự thăng bằng động tiến giữa những quyền lợi cá nhân và quyền lợi tập thể bị phá vỡ, bởi những yếu tố kích thích hoặc nội bộ hoặc bên ngoài đưa đến. Thăng bằng bị phá vỡ, đời sống của tập thể tiếp tục trên những căn bản giả tạo cho đến khi nào thăng bằng động tiến được tái lập.

Chúng ta đã biết là ngay trong những thời kỳ bình thường của cộng đồng, duy trì trạng thái thăng bằng động tiến giữa quyền lợi ngắn hạn cá nhân của các phần tử của cộng đồng và quyền lợi dài hạn của cộng đồng, đã là một công việc rất khó khăn, đòi hỏi một sự lãnh đạo nhiều sáng suốt, nhiều khéo léo và thấu triệt vấn đề cần phải giải quyết của cộng đồng. Sự phát triển của cộng đồng sẽ được bảo đảm nếu những nỗ lực duy trì trạng thái thăng bằng động tiến thành công.

Trong những thời kỳ khủng hoảng của cộng đồng, trạng thái thăng bằng động tiến chẳng những ở vào một trạng thái bấp bênh gia tăng mà lại còn bị đe dọa phá vỡ bởi những yếu tố khuynh đảo do hoàn cảnh lịch sử tạo nên. Sự tiến hóa của cộng đồng bị ngưng trệ.

Nếu chúng ta lại lấy hình ảnh của hệ thống người cỡi xe đạp và xe đạp trên kia, thì những thời kỳ khủng hoảng của cộng đồng tương đương với những lúc mà tốc độ của hệ thống giảm đi vì những lý do nội bộ của hệ thống: xe đạp bỗng ngừng hoặc người cỡi đã mệt mỏi, hay vì những lý do bên ngoài: tình trạng của con đường hoặc sự lưu thông trở nên khó khăn. Dầu sao, vì những lý do ngoài ý muốn của hệ thống, thăng bằng của hệ thống bị đe dọa và hệ thống sắp ngã.

Các yếu tố khuynh đảo trạng thái thăng bằng động tiến có thể phát sinh từ trong nội bộ, ví dụ những cuộc xáo trộn mà Tây phương phải đương đầu, khi chính mình vừa phát minh những kỹ thuật sản xuất kỹ nghệ.

Các yếu tố khuynh đảo có thể từ bên ngoài đưa đến, ví dụ những cuộc ngoại xâm mà nước Tàu đã dành cho chúng ta trong tám thế kỷ liên tiếp. Nghĩa là từ ngày lập quốc, trạng thái thăng bằng động tiến của xã hội chúng ta lúc nào cũng bị sự đe dọa phá vỡ bởi một cuộc xâm lăng của nước Tàu. Do đó, sự tiến hóa trong lịch sử đã qua, của dân tộc chúng ta không hùng mạnh và chưa được vượt lên đến trình độ sáng tạo, góp phần vào văn minh nhân loại. Và tình trạng nặng nề ấy sẽ mãi mãi đè nặng và kìm hãm sự phát triển của dân tộc cho tới ngày nào mà chúng ta, như Lý Thường Kiệt và Nguyễn Huệ đã nuôi ý chí, tiêu diệt được sự đe dọa xâm lăng của Trung Hoa.

Các yếu tố khuynh đảo có thể đồng thời vừa từ bên ngoài đưa đến, vừa phát sinh từ trong nội bộ, ví dụ như cuộc tấn công của Tây phương vào các quốc gia của xã hội Đông Á bắt buộc các quốc gia này phải vừa đương đầu với Tây phương, vừa Tây phương hóa các cơ cấu xã hội của mình.

Đương nhiên là trường hợp thứ ba này là trình độ trầm trọng nhất mà các cuộc khủng hoảng của một cộng đồng có thể đạt tới. Trong hoàn cảnh đó, sự duy trì trạng thái thăng bằng động tiến, hoặc sự tái lập một trạng thái thăng bằng động tiến đã bị phá vỡ, đòi hỏi một sự lãnh đạo phi thường.

Nếu một sự lãnh đạo tương tự không có, cộng đồng bất hạnh, sẽ bị ngưng trệ trong sự tiến hóa, hoặc miễn cưỡng tiếp tục một sự tiến hóa phiến diện, chỉ chú trọng đến một vài khía cạnh của toàn bộ vấn đề cần phải giải quyết của cộng đồng, nhưng đòi hỏi một sự tiêu hao vô bờ bến đối với sinh lực của cộng đồng, và lưu lại những hậu quả tai hại nặng nề cho nhiều thế hệ trong tương lai.

Tất cả các cuộc cách mạng đẫm máu, kể cả cuộc cách mạng của Pháp năm 1789 và của Nga năm 1917, đều thuộc vào trạng thái thăng bằng động tiến được tái lập. Sau cách mạng 1789, mãi cho đến sau chiến tranh Pháp-Đức năm 1870, nước Pháp mới tái lập được trạng thái thăng bằng động tiến đã mất. Sau cách mạng 1917, mãi đến ngày nay, nước Nga vẫn chưa tái lập lại được trạng thái thăng bằng động tiến đã mất.

Trong hình ảnh hệ thống người cỡi và xe đạp, sự trạng thái thăng bằng động tiến bị phá vỡ tương đương với sự mất thăng băng của người cỡi. Cộng đồng tiếp tục một sự tiến hóa miễn cưỡng trên những căn bản giả tạo, phí phạm nhiều sinh lực để thâu thập những thành quả phiến diện, cũng tương đương với người cỡi xe đạp gắng sức đẩy chiếc xe đạp không còn dùng được, để đưa toàn bộ hệ thống người và xe vượt một đoạn đường. Kết quả thâu thập được không tương đương với sự phí sức rất nhiều, bởi vì một trạng thái thăng bằng sống đã được thay thế bằng một trạng thái thăng bằng chết.

Nước Anh và nước Mỹ là những cộng đồng quốc gia điển hình, nhờ một sự lãnh đạo sáng suốt, đã chiến thắng được những yếu tố khuynh đảo phát sinh từ nội bộ cũng như bên ngoài đưa vào, nhưng trong những thời kỳ khác nhau, và duy trì trạng thái thăng bằng động tiến cho xã hội trong nhiều thế kỷ. Nguồn gốc chính yếu của sức mạnh hiện tại của hai cường quốc trên là sự kiện đó.

Nước Pháp và nước Đức là hai quốc gia khác, trong xã hội Tây phương, cũng đã phải đương đầu với những cuộc khủng hoảng đồng loại với những cuộc khủng hoảng của hai quốc gia Anh và Mỹ. Cả hai nước Pháp và Đức đều thắng được các yếu tố nội bộ mà không thắng được các yếu tố ngoại lai. Trạng thái thăng bằng động tiến bị phá vỡ trong một thời gian ngắn nhưng đã được tái lập. Tuy nhiên sự lãnh đạo quốc gia vẫn còn chịu ảnh hưởng của một sự gián đoạn trầm trọng.

Nước Nhật là một quốc gia điển hình, nhờ một sự lãnh đạo phi thường, đã thắng được những yếu tố khuynh đảo vừa nội bộ vừa bên ngoài, cùng lúc tác động đồng thời, và duy trì trạng thái thăng bằng động tiến mặc dầu xã hội phải thay thế nhiều giá trị tiêu chuẩn.

Nước Nga là một quốc gia ngoài xã hội Tây phương, đã phải ứng phó với một cuộc khủng hoảng đồng loại với cuộc khủng hoảng của Nhật. Nhưng các nhà lãnh đạo Nga đã thắng được các yếu tố bên ngoài mà không thắng được các yếu tố nội bộ. Vì những biện pháp áp dụng để đương đầu với cuộc khủng hoảng đã phá vỡ trạng thái thăng bằng động tiến của xã hội, và đặt ra những căn bản giả tạo cho một sự tiến hóa phiến diện. Và ngày nay, sau gần nửa thế kỷ chính quyền độc tài đảng trị khủng khiếp của Cộng Sản, trạng thái thăng bằng động tiến của xã hội Nga vẫn chưa tái lập.

Chúng ta đã thấy trong các giai đoạn trên, hai sự kiện chứng minh cho điều này. Trước hết là các nhà lãnh đạo Nga Sô đang lần lần và một cách dè dặt thay thế các giá trị tiêu chuẩn chiến lƣợc giai đoạn, và đương nhiên giả tạo bằng những giá trị chiến lược khác thích nghi với di sản tinh thần của văn minh nhân loại, mục đích để tái lập trạng thái thăng bằng động tiến của xã hội, đã bị cách mạng phá vỡ. Sự kiện thứ hai là bộ máy lãnh đạo của Nga Sô, căn cứ trên những tiêu chuẩn giả tạo của chế độ độc tài đảng trị, đương nhiên bất lực trong sự chuyển quyền điều hòa mỗi khi cần phải thay đổi người lãnh đạo.

Như các đoạn trên đã trình bày, cộng đồng quốc gia Việt Nam đang ở trong một thời kỳ khủng hoảng đồng loại với những khủng hoảng trước đây của Nhật và của Nga. Cuộc khủng hoảng của Việt Nam lại còn trầm trọng hơn vì những yếu tố khuynh đảo nội bộ phát sinh từ thời gian gần một thế kỷ thuộc Pháp và những yếu tố khuynh đảo bên ngoài do cuộc tranh chấp giữa Tây phương và Cộng Sản đưa đến. Vì vậy cho nên, quan niệm lãnh đạo dẫn dắt đến hình thức chính thể, rất quan trọng cho sự bảo vệ trạng thái thăng bằng động tiến cho cộng đồng trong những thời kỳ bình thường, càng trở nên vô cùng thiết yếu trong một thời kỳ khủng hoảng như của chúng ta hiện nay. Trong trường hợp Việt Nam, không thể đặt vấn đề quan niệm lãnh đạo và chính thể mà không đề cập đến vấn đề Cộng Sản được, vì chính là nhân danh quan niệm lãnh đạo Cộng Sản mà cuộc tương tàn đã diễn ra trên mảnh đất này từ hai mươi năm nay.

Vì những lý do nào mà có một số người lãnh đạo chủ trương rằng quan niệm lãnh đạo Cộng Sản thích nghi cho hoàn cảnh khủng hoảng của cộng đồng dân tộc Việt Nam hiện nay?

Trước hết chúng ta sẽ nhắc lại, trong một cái nhìn bao quát, những điều đã được rải rác trình bày trong các phần trên, liên quan đến sự phát sinh của thuyết Cộng Sản ở Âu châu, đến các điều kiện đã biến một lý thuyết, do Tây phương tạo ra, thành một lợi khí của Nga Sô để chống lại Tây phương và đến hoàn cảnh lịch sử nhờ đó thuyết Cộng Sản được nhập cảng vào Á châu và vào Việt Nam. Sau đó, chúng ta sẽ nhắc lại những kết quả phân tích sự kiện lịch sử, cũng rải rác trong các phần trên, khả dĩ giúp cho chúng ta vượt trên các yếu tố phức tạp đã dệt thành hoàn cảnh hiện tại của Cộng đồng dân tộc, suy luận để nhìn thấy và tìm xem những lý do, đã khiến cho quan niệm lãnh đạo Cộng Sản xâm nhập chính trường Việt Nam, có một giá trị như thế nào, đối với quyền lợi của dân tộc, trong một giai đoạn quyết định như giai đoạn này.

TRÍCH: CHÍNH ĐỀ VIỆT NAM - TÙNG PHONG (NGÔ ĐÌNH NHU)

NGUỒN: http://huongduongtxd.com/chinhdevietnam.pdf

Featured Posts
Recent Posts
Search By Tags
Follow Us
  • Facebook Classic
  • Twitter Classic
  • Google Classic
bottom of page