Giải quyết mâu thuẫn: Kĩ năng sống quan trọng bạn nên học
Lý Trí ngày 16 tháng 1 năm 2024
Trong cuộc sống đầy màu sắc, xung đột, mâu thuẫn là điều khó tránh khỏi. Chúng ta, những con người không hoàn hảo, sẽ gặp phải mâu thuẫn trong chính gia đình, bạn bè, đồng nghiệp,… Nếu không biết cách giải quyết, xung đột sẽ khiến cuộc sống trở nên u tối, bất an. Vì vậy, học cách giải quyết mâu thuẫn là một kĩ năng sống quan trọng, giúp bạn xây dựng những mối quan hệ lành mạnh và tận hưởng cuộc sống trọn vẹn hơn.
Bước đầu tiên trong giải quyết mâu thuẫn đòi hỏi rất nhiều lòng dũng cảm, đó là chủ động mở lời. Dũng cảm đến nói với người bạn đang có mâu thuẫn rằng bạn muốn ngồi lại và cùng nhau giải quyết. Và khi bắt đầu cuộc nói chuyện, hãy nhớ, đừng vội vã đổ lỗi cho đối phương. Đừng liệt kê những điều họ đã làm sai, những tổn thương bạn đã phải chịu. Thay vào đó, hãy bắt đầu bằng việc nhìn nhận lỗi sai của chính mình.
Thật vậy, trong mọi mâu thuẫn, dù là 99,99% lỗi nằm ở phía người khác, thì chắc chắn cũng sẽ có một phần trách nhiệm nào đó thuộc về bạn. Có thể là cách bạn phản ứng, thái độ của bạn, hoặc thậm chí là cách bạn im lặng quay lưng bỏ đi. Chúng ta đều có những điểm yếu riêng, những "điểm mù" mà chính mình không nhận ra, nhưng lại hiển hiện rõ ràng trước mắt người khác. Đó chính là lý do tại sao, khi bước vào một cuộc giải quyết mâu thuẫn, bạn cần có một trái tim khiêm nhường và bắt đầu bằng việc nhìn nhận lỗi sai của bản thân.
Chúa Giê-su có nói: "Sao anh lại thấy cái trấu nhỏ xíu trong mắt bạn hữu, mà không thấy cái đà gỗ trong mắt mình? Hỡi người giả hình, trước hết hãy lấy cái đà gỗ ra khỏi mắt mình, rồi mới thấy rõ mà lấy cái trấu ra khỏi mắt bạn hữu" (Mat-thi-ơ 7:3, 5).
Trong trường hợp này, "cái đà gỗ" trong mắt bạn có thể là gì? Chẳng hạn, bạn vô tình nói những lời thiếu nhạy cảm? Hay bạn lại quá nhạy cảm, dễ bị tổn thương bởi những điều nhỏ nhặt? Bạn có thiếu lòng trắc ẩn đối với người đang gặp khó khăn? Hay bạn lại hay đòi hỏi, áp đặt người khác? Hãy nhìn nhận điểm yếu của mình, chân thành xin lỗi vì những sai sót, đó chính là bước chuẩn bị tuyệt vời cho bước tiếp theo trong giải quyết mâu thuẫn.
Khi đã thành thực nhìn nhận và thừa nhận lỗi sai của bản thân, bạn đã tạo ra một bước đệm vững chắc cho những bước tiếp theo. Từ đó, bạn có thể cùng người kia bình tĩnh trao đổi về mâu thuẫn, lắng nghe nhau một cách chân thành, thấu hiểu, cởi mở và cố gắng tìm ra giải pháp chung dựa trên sự tôn trọng và thiện chí.
Hãy nhớ, mâu thuẫn không phải là điều đáng sợ, chúng có thể trở thành cơ hội để chúng ta hiểu chính mình hơn, hiểu người khác hơn và từ đó, vun đắp những mối quan hệ vững chắc, trưởng thành. Học cách giải quyết mâu thuẫn là một hành trình, và hành trình ấy đòi hỏi sự kiên nhẫn, lòng vị tha và mong muốn kết nối. Hãy bắt đầu bằng việc nhìn nhận lỗi sai của chính mình, lắng nghe, thấu hiểu và cùng nhau tìm kiếm giải pháp. Hơn hết, hãy giữ một trái tim khiêm nhường và một tinh thần cởi mở, bạn sẽ thấy mâu thuẫn không còn là điều đáng sợ, mà sẽ trở thành những bài học đáng trân quý trên hành trình trưởng thành của mình.
Comments