top of page

NHỮNG TỘI PHẠM DŨNG CẢM


Trận tấn công bắt đầu trên nghĩa trang, vũ khí xuất hiện từ trong những ngôi mộ.

Một trận dịch kỳ bí dường như đang lây lan trong thủ đô Sài Gòn của Nam Việt Nam trong những ngày cuối cùng của năm Mùi Phật giáo: đám tang đi xuyên qua thành phố lớn này nhiều hơn là bình thường, người Việt thương tiếc đặt quan tài nhiều hơn là bình thường.

Nhưng cái được cho là sự thương tiếc đấy lại là lòng căm thù, trong các quan tài không có xác chết.

Khi Sài Gòn chào mừng năm Thân mới với pháo hoa trong đêm rạng sáng ngày thứ Ba trước nữa, có những bóng người đầy bí mật mở mộ cũng như quan tài ra và lẻn đi với những gì ở trong đó: với súng máy được tra dầu tốt và với đạn dược.

Cả chùa và nhà tư nhân cũng là kho vũ khí – như chùa Ấn Quang trong khu Chợ Lớn của người Hoa, như căn nhà số 266 trên đường Trần Quí Cáp, chỉ cách bản doanh của người lính Hoa Kỳ cao cấp nhất ở Việt Nam, tướng William C. Westmoreland, một vài khu phố.

Vũ khí vừa mới được phân chia ra thì cơn bão đỏ đã bắt đầu ở Việt Nam.

50.000 Việt Cộng (viết tắt của Việt Nam Cộng Sản) của Nam Việt Nam tấn công vào 30 trong số 44 tỉnh lỵ, chiếm cơ quan nhà nước và nhà máy, cố thủ trong khách sạn và sân sau.

Họ treo lá cờ đỏ-xanh của cuộc cách mạng họ lên Đại Nội của thành phố hoàng đế Huế cổ xưa, họ tấn công vào các thành phố đã được cho là tuyệt đối an toàn, và khiến cho Sài Gòn trở thành thành phố nguy hiểm nhất của đất nước bị chia cắt này. “Tôi tin rằng Hà Nội (đang bị Hoa Kỳ ném bom) còn an toàn hơn cả Sài Gòn trong tuần này”, một người Canada từ Ủy ban Kiểm soát Quốc tế cho Đông Dương nói.

Trong đêm đó, 19 người Việt Cộng đã bắn vỡ bức tường bảo vệ tòa nhà giống như một pháo đài của Đại sứ quán Mỹ ở Sài Gòn. Mãi sau sáu giờ chiến đấu, người Mỹ mới chiếm lại được khu đất đó. Việt Cộng trong những chiếc xe limousine Toyota của Nhật đã chạy đến trước Radio Saigon và chiếm lấy đài phát thanh này. Hỏa tiễn rơi xuống sân bay.

Không nơi nào là an toàn trước Việt Cộng. Họ bắt buộc tướng Mỹ Westmoreland phải tìm nơi nương náu trong một công sự không có cửa sổ. Họ đẩy đại sứ Mỹ Ellsworth Bunker đến một chỗ ẩn nấp ở ngoại ô. Họ khiến cho Việt Nam cũng trở thành chiến trường cho 350.000 người lính đấy trong số trên 500.000 lính Mỹ ở Việt Nam, những người mà cho tới nay đã sống ở hậu phương cách xa tiếng súng bắn.

Trong một tuần duy nhất có 416 người lính Mỹ hy sinh – Hoa Kỳ chưa từng bao giờ bị tổn thất nhiều như thế trong vòng bảy ngày. Trong “tuần lễ của những sự ngạc nhiên” này (thiếu tướng Mỹ Chaisson), dường như Việt Nam đã chìm vào trong máu và tro và nước Mỹ đã bị đẩy đến bờ vực của một chiến bại.

Tuy là Việt Cộng không thể đuổi nửa triệu lính Mỹ được trang bị tốt nhất ra khỏi đất liền của miền Viễn Ấn – và có lẽ họ cũng không chờ đợi việc này. Việc mà những người Cộng Sản Việt Nam dự tính nhiều hơn là giới chính khách Mỹ sẽ hoài nghi các tướng lĩnh quá lạc quan của nước Mỹ và dân chúng Mỹ sẽ thúc giục tổng thống của họ chấm dứt cuộc phiêu lưu không có triển vọng ở Việt Nam.

Người Mỹ đã không chuẩn bị trước cho một cuộc tập kích ở cường độ này. Tuy là hai tuần trước cơn bão đỏ, Tướng William (“Westy”) Westmoreland đã thông báo trước cho các viên chỉ huy của ông ấy một “cuộc tổng tấn công lớn của Việt Cộng và người Bắc Việt trước, trong hay ngay sau Tết”; tuy là người đứng đầu Công giáo Nam Việt Nam Nguyen Gian Hien đã giải thích sau này rằng: “Các tướng lĩnh của chúng tôi biết rằng Việt Cộng sẽ tấn công Sài Gòn, người dân trên đường phố biết điều đấy, tôi biết điều đấy” – nhưng khi Thiếu tướng Frederick C. Weyand, sếp của lực lượng Hoa Kỳ trong mười một tỉnh quanh thủ đô, tập hợp lực lượng của ông ấy lại sau cuộc tấn công đầu tiên của Việt Cộng, ông ấy chỉ có được gần 300 lính. Những người khác – cũng như phần lớn người miền Nam Việt Nam – đang nghỉ phép năm mới.

Trong lúc đó, tướng lĩnh Mỹ ở Việt Nam đang nhìn trừng trừng lên phương Bắc, nơi những người anh em đỏ của Việt Cộng đang chuẩn bị cho trận đánh lớn: 40.000 người lính Bắc Việt trong những bộ quân phục màu xanh ô liu đe dọa căn cứ Khe Sanh của Hoa Kỳ với xe tăng Xô viết, hỏa tiễn, đại bác 152 milimét và súng phóng hỏa. Ở đó, họ muốn chuẩn bị trận Điện Biên Phủ của họ cho người Mỹ.

Nhưng trận đánh lớn vào Khe Sanh còn chưa đến. Việt Cộng đến thay vào đó. Từ nhiều tuần nay họ đã lẻn vào thủ đô từng hai người một hay ba người một – tổng cộng là 5000 người –, từ nhiều tuần nay họ đã chuẩn bị ở khắp nước cho cuộc tấn công của họ.

Bây giờ, trong điệu vũ và sự náo động của đêm Giao Thừa, họ tấn công. Họ ẩn núp trong những đống đổ nát và những công trình xây dựng còn thô sơ, chiếm cả nhiều khu trong thành phố – như khu phố người Hoa Chợ Lớn trong Sài Gòn – biến công sở và chùa thành nơi bắn cho xạ thủ của họ.

Ở Đà Lạt, họ tấn công một vị trí đóng quân của quân cảnh Mỹ và chiếm nội thành. Ở Pleiku họ còn tiếp nhận cả chính quyền tỉnh: trong khi viên tỉnh trưởng đang thị sát các công sự bảo vệ chống Việt Cộng thì đối thủ của ông ấy, tỉnh trưởng trong bóng tối của Việt Cộng, đã chiếm lấy tòa nhà của chính quyền.

Việt Cộng tiến quân ở khắp nơi trong nước – nhưng tướng Hoa Kỳ Westmoreland đánh giá trận tấn công của họ là “một thất bại đắt giá” và còn khăng khăng thêm một lần nữa, rằng bây giờ “cuối cùng Việt Cộng cũng đã hết hơi”.

Người lính cao cấp nhất của Hoa Kỳ ở Việt Nam dường như không thể tưởng tượng được rằng những chiến binh chân đất trong rừng rậm với súng ống cá nhân có thể làm tê liệt cỗ máy quân sự đấy, cái mà nước Mỹ đã thiết lập ở Việt Nam trong vòng hai năm rưỡi vừa qua.

“Quân địch sẽ luôn luôn thất bại”, Lyndon B. Johnson cam đoan với người dân của ông ấy, “vì người Mỹ chúng ta sẽ không bao giờ nhượng bộ.”

Và thật sự là quân địch đã mất hàng chục ngàn người trong những năm vừa qua, những nơi ẩn nấp của họ trong rừng rậm đã bị máy bay ném bom tám động cơ B-52 và máy bay tiêm kích Phantom nhanh gấp hai lần âm thanh tấn công không ngưng nghỉ, đàn ông, phụ nữ và trẻ em bị cháy vì bom napalm. Người Mỹ đếm xác chết – thường hay đếm quá nhiều – và tin rằng cả đến một quân đội du kích cũng không thể nào chịu đựng được những tổn thất như thế về lâu dài.

Nhưng tính tình Á châu và tinh thần cách mạng Cộng sản đã kết nối với nhau trong Việt Cộng trở thành một khối đồng nhất, không thể hiểu được đối với các quốc gia văn minh và không thể làm cho suy yếu được đối với những đoàn máy bay ném bom.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Bắc Việt, Tướng Giáp: “Trong mỗi một phút có hàng trăm nghìn người chết ở khắp nơi trên thế giới. Sự sống hay cái chết của hàng trăm, hàng nghìn hay hàng chục nghìn người có ý nghĩa rất nhỏ bé trong thực tế – ngay cả khi đó là người dân của chúng tôi.”

Quân đội Đức đã phải tiến hành cuộc chiến tranh chống du kích của họ ở Nga với những thiếu thốn về quân lực, không có trực thăng và tàu đệm khí. Người Mỹ tin vào sức mạnh của vật chất. “Tính cơ động có nghĩa là gì?”, một cố vấn Hoa Kỳ hỏi năm 1963. “Tính cơ động có nghĩa là xe cộ và máy bay … Việt Cộng không có loại nào trong hai thứ đấy. Làm sao mà họ có thể cơ động được?”

Ngược lại, trong tuần trước nữa, một sĩ quan Hoa Kỳ đã thừa nhận ở Sài Gòn: “Tôi mong ước Charlie đứng về bên phía của chúng tôi.”

Charlie – người Mỹ gọi Việt Cộng như thế – không phải là những du kích quân bị cám dỗ bởi phiêu lưu mạo hiểm. Anh ta có kỷ luật, cuồng tín và quen chịu đựng; vì từ một thế hệ nay, anh ta sống với chiến tranh. Anh ta thuộc – ít nhất là trong nhiều đơn vị chiến đấu – vào trong số những người lính thiện chiến nhất thế giới.

Việt Cộng tiến hành cuộc nổi dậy của họ chống lại chính phủ ở Sài Gòn theo lý thuyết ba giai đoạn, thuyết mà bậc thầy du kích Mao Trạch Đông đã đưa ra cho cuộc chiến tranh du kích. Trong giai đoạn đầu, “rút lui phòng ngự”, họ tự giới hạn mình ở những cuộc đột kích và phá hoại, những cái “phải phá vỡ chí khí, tinh thần chiến đấu và năng lực quân sự của đối thủ” (Mao). Giai đoạn này bắt đầu năm 1956, hai năm sau khi người Pháp rút quân.

Các chiến binh Việt Cộng di chuyển trên những con đường mòn xuyên qua rừng rậm, trong thuyền trên sông, trong xe chở hoa và rau cải. Nhưng họ cũng đi – không bị nhận ra – cả bằng xe đò.

Lựu đạn của họ nổ tung trong những quán cà phê của thủ đô cũng như trên những cánh đồng ruộng lúa của đồng bằng sông Cửu Long. Quân lính chính phủ rơi vào trong những hầm bẫy được bố trí một cách khéo léo, bước vào trong những bẫy mìn và bãi mìn, bị bắn bằng tên tẩm thuốc độc, bị bắt trong những cái bẫy gấu hay bị súng tự động bắn chết.

Để tiêu diệt quyền lực của chính phủ Sài Gòn, Việt Cộng đã giết chết 13.000 người già nhất làng và nhân viên nhà nước trong 15.000 làng, họ hành quyết thầy giáo nhiều tới mức trong khoảng thời gian từ 1959 tới 1961 chính phủ đã phải đóng cửa tổng cộng là 636 trường học. Thay vào chỗ của những người đã bị giết chết là những người mà Việt Cộng tin tưởng. Nông dân nhận được ruộng đất của địa chủ và bắt đầu tin tưởng hay tuân theo.

Việt Cộng trở thành quyền lực tạo trật tự trong một đất nước hỗn loạn. Họ có thể di chuyển trong người dân như “cá trong nước” (Mao). Họ thành lập tổ chức chính trị của họ, Mặt trận Dân tộc Giải phóng (MTDTGP). Giai đoạn du kích của Mao đã có thể bắt đầu.

Trong thời gian này, được Mao gọi là “chiến đấu thận trọng”, lực lượng của Việt Cộng đã thành công trong việc khiến cho đối phương luôn phải lo lắng, khiến cho họ mệt mỏi và “hao mòn cho tới chết vì kiệt sức”, như Mao đã đưa ra.

Cuối năm 1964, hầu như không còn một đội tuần tra nào của chính phủ dám bước ra đồng quê về đêm; ngoại trừ các thành phố, Nam Việt Nam bị Việt Cộng kiểm soát. Thời điểm cho giai đoạn thứ ba của Mao – tấn công với lực lượng quân đội chính quy – dường như không còn xa nữa. Vì thế mà bây giờ tiếp nhận quyền chỉ huy chiến lược của Việt Cộng cũng là người đã từng chiến thắng người Pháp ở Điện Biên Phủ: Tướng Võ Nguyên Giáp của Hà Nội, ngày nay 56 tuổi.

Cuồng tín cũng như thông minh, Giáp, người đã bị người Pháp bắt giam ngay ở tuổi 18 vì hoạt động bí mật cho Cộng Sản, từ năm 1941 là một trong những người thân cận nhất của Chủ tịch nước Bắc Việt Nam ngày nay, Hồ Chí Minh. Ông ấy hâm mộ mãnh liệt Napoleon (ông ấy có thể phác họa ra từ trí nhớ tất cả các trận đánh của Napoleon), ông ấy căm thù mãnh liệt tất cả các kẻ thực dân đang cầm quyền, họ có đến từ Pháp, Trung Quốc hay Mỹ cũng vậy. Giáp: “Hãy tiêu diệt kẻ thù của các anh! Hãy tiêu diệt các cường quốc thực dân!”

Tờ “Economist” ở London cho ông là một “trong những nhà chiến thuật quan trọng nhất thời chúng ta, có thể so sánh với một thiên tài chiến thuật khác, con cáo già sa mạc Erwin Rommel”. Qua mối liên kết với Bắc Việt Nam, Giáp đã mang lại cho Việt Cộng một cột trụ về tổ chức.

Cho tới năm 1964, lực lượng của Việt Cộng chỉ tuyển mộ từ những người tình nguyện. Trong khi Sài Gòn nhờ sự giúp đỡ của Hoa Kỳ mà có thể trả 108 Mark cho một người lính được tuyển mộ của họ thì Giáp chỉ có thể trả cho du kích của ông ấy 1,50 cho tới 2 Mark trong một tháng. Nhưng có những danh hiệu tuyên thưởng như “Dũng sĩ quyết thắng” hay “Dũng sĩ diệt Mỹ”. Tuy vậy một người Việt Cộng chỉ được nhận “Huân chương Giải phóng” khi có sự đồng ý của các chiến hữu.

Người Việt tìm đến đông tới mức tuy là đã trả lương ít ỏi nhưng Giáp còn đưa ra những đòi hỏi về chất lượng cho những người lính của ông ấy nữa: họ phải cao ít nhất là 1,47 mét.

Đầu năm 1965, chính phủ được nước Mỹ hỗ trợ ở Sài Gòn sắp chấm dứt. Thương lượng với Việt Cộng dường như là lối thoát cuối cùng. Lúc đấy, Tổng thống Hoa Kỳ Johnson cuối cùng đã biến cuộc nội chiến Việt Nam trở thành cuộc chiến tranh của Mỹ: khi năm Thìn của Phật giáo kết thúc, trên 180.000 lính Mỹ đã đóng quân ở giữa vĩ tuyến 17 và đồng bằng sông Cửu Long.

Căn cứ Mỹ hình thành ở khắp nơi trong Nam Việt Nam. Với sức mạnh – lúc đầu còn kìm hãm – của cỗ máy quân sự Mỹ khổng lồ, du kích quân của Giáp phải bị đập tan.

Những gì mà người Pháp có trang bị yếu kém đã không thành công trong thời gian hơn tám năm thì những người lính Mỹ phải thành công trong một vài tháng. Vì họ mang thiết bị và niềm tự tin đến cùng. Họ không biết đến vị đắng của chiến bại.

Bị lóa mắt bởi niềm tin vào tính bất bại của Mỹ, tờ “Time” reo mừng trong tháng 10 năm 1965: “Chỉ mới vừa cách đây có ba tháng thôi, khi những người đàn ông nhỏ con mang lại cái chết trong bộ quần áo ngủ màu đen còn đi ngang dọc tùy thích qua Nam Việt Nam, cướp bóc, đốt phá, giết người … Đất nước này đã đứng ngay trước sự sụp đổ.

“Ngày nay Nam Việt Nam đầy tràn sự kiêu hãnh và sức mạnh … Vì hỏa lực ghê gớm của người Mỹ đã làm rún động sức mạnh của Cộng Sản nên những kẻ đi săn dũng cảm như thế của ngày trước bây giờ đã trở thành những người nhút nhát bị săn lùng.”

Tổng thống Johnson hứa với người dân của ông ấy: “Nước Mỹ chiến thắng các cuộc chiến tranh đã bước vào. Không có nghi ngờ gì về việc này cả.” Và vào lúc ban đầu, dường như ông ấy đã nói đúng.

Với cả một đoàn máy bay trực thăng, người Mỹ đẩy lùi quân đội của Giáp, lực lượng mà vào cuối 1965 đã bước lên bậc thứ ba của chiến tranh du kích và chuyển sang đánh trận công khai tại Plei Me: trên 1500 người lính của Giáp đã tử trận. Vị tướng của họ lui về bậc thứ hai.

Người Việt Nam, bẩm sinh sợ đêm tối, học được rằng màn đên chính là người bạn của họ: người da trắng không thể nhìn thấy gì, máy bay của họ không cất cánh.

Dưới lòng đất, Việt Cộng đào một hệ thống đường hầm rộng khắp. Họ may ba lô của họ từ những bao đựng bột mì đã lấy trộm của Mỹ, những cái thường còn mang hàng chữ “Một món quà của nhân dân Mỹ.”

Họ làm những chiếc võng nylon của họ từ dù chiến lợi phẩm. Họ đeo ở dây thắt lưng của họ một bình nước, một bịt gạo và một vài quả lựu đạn, lựu đạn mà các nhà máy bí mật ở trong rừng sản xuất có cho đến 5000 quả mỗi tháng trong mỗi một nhà máy.

Việt Cộng còn biết trước cả các kế hoạch của địch thủ: mạng lưới điện thoại quân đội Mỹ “Tiger” được điều hành bởi các nữ nhân viên điện thoại người Việt.

“Khi người Mỹ tiến vào”, Nguyễn Hữu Thọ nói, sếp của Mặt trận Dân tộc Giải phóng, “khi họ bắt đầu tiến hành cuộc chiến tranh với người của họ thì người của chúng tôi đứng ở nơi mà chúng tôi muốn. Chúng tôi chiếm giữ tất cả các điểm chiến lược quan trọng, và họ không còn cách nào khác hơn là tiến hành cuộc chiến theo các điều kiện của chúng tôi.”

Những người lính Mỹ có thống trị các thành phố và căn cứ đi chăng nữa, vùng đồng bằng với khoảng 10 triệu người nông dân vẫn nằm trong tay của Việt Cộng. Người Mỹ đã không thành công trong việc làm giảm thiểu con số của

  • những ngôi làng do Việt Cộng thống trị

  • những người lính được Việt Cộng tuyển mộ ở bên ngoài vùng ảnh hưởng của họ

  • người Việt bị Việt Cộng giết chết.

Người Mỹ gửi đến đất nước này nhiều quân lính hơn nữa, và trước hết là thiết bị còn tốt hơn nữa: họ không muốn tin rằng du kích quân với vũ khí cá nhân có thể chống cự lại được với lực lượng chiến đấu lớn nhất được tập trung lại kể từ Đệ nhị thế chiến mà hỏa lực của nó lớn gấp tám lần hỏa lực của Đồng minh LHQ trong Chiến tranh Triều Tiên.

Thế nhưng cuộc chiến khủng khiếp ở châu Á đã làm tiêu tan những thành công của người Mỹ. Trong cơn mưa bom của những chiếc máy bay Mỹ, trong hỏa lực của đại bác và hỏa tiễn Mỹ, hàng chục ngàn người đã ngã xuống – nhưng không chỉ quân du kích. Với mỗi một quả bom rơi trúng một ngôi làng, với mỗi một thường dân tử thương, sự ngờ vực, sự căm phẫn của người dân Nam Việt Nam lại tăng lên.

Vì thế mà khi những người đồng minh bảo vệ Sài Gòn và Huế yêu cầu ném bom xuống một vài khu phố trong tuần trước nữa, thì người Mỹ cũng không thực hiện những phi vụ đó. Từ nỗi lo sợ, giết chết người dân thường nhiều hơn nữa, họ dứt khoát yêu cầu phi công Nam Việt Nam hãy ném bom xuống các thành phố Nam Việt Nam.

Nhưng ở những nơi mà Việt Cộng về phần mình tiến hành khủng bố thì sự khủng bố đó lại có tác động tâm lý chống Mỹ: cho tới chừng nào mà những con người xa lạ đó còn ở trong đất nước này thì không có hòa bình – người Việt Nam hẳn cho rằng là như thế. Việt Cộng thu nhận được tân binh trong thành thị và ở nông thôn.

Theo thông tin của Thiếu tướng Sidle từ bộ tham mưu của Westmoreland, trong tháng 11 năm 1967 có tổng cộng tròn 248.000 người chiến đấu cho Việt Cộng:

  • 118.000 người trong các đơn vị chính quy

  • 90.000 người trong du kích quân tuy ở địa phương nhưng hoạt động chiến đấu

  • 40.000 người trong hành chính và cung cấp

  • Tướng Sidle không tính vào lực lượng vũ trang của Việt Cộng:

  • 85.000 cán bộ, trưởng làng và nhân viên thâu thuế cũng như

  • 50.000 dân quân, những người không tiến hành các chiến dịch mà chỉ bảo vệ làng của họ.

Theo thông tin từ Hà Nội, toàn bộ Việt Cộng – tức là kể cả cán bộ vả dân quân – tạo thành bảy sư đoàn và bảy lữ đoàn. Nhiều sĩ quan của họ đã từng chiến đấu chống người Pháp. Họ xuất thân từ Nam Việt Nam, nhưng được đào tạo trong quân đội Bắc Việt Nam của Giáp.

Đồng thời, du kích quân của Giáp khai thác những nguồn thu nhập mới: những khách sạn, quán rượu mà muốn Việt Cộng dung tha phải trả tiền “an ninh” hàng tháng. Và khi nhiều cô gái Việt chiều chuộng những anh chàng lính Mỹ đã mệt mỏi vì chiến tranh, Việt Cộng cũng cùng thâu tiền.

Nông nghiệp trong những vùng do Việt Cộng kiểm soát bị thâu thuế có hiệu quả nhất. Từ 15 đến 40 Mark một hecta, thêm vào đó, khi bán người nông dân phải đưa từ hai đến bốn phần trăm tiền thuế cho những người thâu tiền của Việt Cộng. Nếu một thành viên gia đình chiến đấu cho Việt Cộng thì tiền thuế ít hơn. Cho mỗi một người con trai trong quân đội Sài Gòn, tiền thuế sẽ tăng lên để trừng phạt.

Việt Cộng luôn xuất hiện ở nơi không có người Mỹ, họ bắt buộc Tướng Westmoreland luôn luôn phải di chuyển lực lượng của mình – trung thành với học thuyết của Mao, rằng phải làm cho địch thủ kiệt quệ trong giai đoạn thứ hai của chiến tranh du kích.

Năm 1946, Hồ Chí Minh của Việt Nam đã kể lại một câu chuyện ngụ ngôn: “Có một cuộc chiến giữa hổ và voi. Nếu con hổ chỉ đứng yên trong khoảng khắc, con voi sẽ dùng ngà húc nó. Nhưng con hổ nhảy lên con voi và xé rách lưng nó mỗi lúc một nhiều hơn, cho tới khi con voi chết vì mất máu.”

Tướng Giáp của ông ấy nói ít thơ mộng hơn: “Kẻ địch đứng trước một vấn đề. Nếu chúng không phân tán lực lượng của chúng ra trên khắp nước thì chúng không bao giờ có thể chiếm cứ được những vùng do chúng ta kiểm soát. Nhưng nếu chúng phân tán lực lượng ra trên khắp nước thì rồi chính chúng sẽ gặp khó khăn.”

Vì: “Địch thủ có thể mạnh hơn chúng ta gấp mười lần. Nhưng khi chúng ta bắt buộc chúng phải rải lực lượng của chúng ra trên khắp nước, thì ở nơi mà chúng ta muốn tấn công chúng, chúng ta có thể mạnh gấp mười lần chúng.”

Trong giai đoạn thứ ba của chiến tranh du kích, đoàn máy bay trực thăng của Mỹ đã bắt được Việt Cộng đang chuyển sang đánh trận chính quy. Sau khi lui về giai đoạn hai, kẻ địch thường thoát được trước khi các chiếc máy bay trực thăng đổ xuống.

Nó vẫn mạnh và vẫn cơ động cao cho tới mức người bảo vệ Việt Nam của Mỹ, Westmoreland, phải yêu cầu ngày càng nhiều lính Mỹ hơn từ Hoa Kỳ. Ngày nay là trên 500.000.

Người đóng thuế của Mỹ phải chi trong năm trên 100 tỉ Mark – nhiều hơn ngân sách nhà nước của Bonn rất nhiều – cho chi phí của một cuộc chiến tranh mà cho tới ngày nay vẫn không được tuyên bố và các triển vọng cho một chiến thắng quân sự trong đó xấu hơn bao giờ hết.

Vì bây giờ Hồ Chí Minh của Bắc Việt Nam còn gửi cả nhiều sư đoàn qua Lào vào Nam Việt Nam. Sư đoàn mới nhất của Bắc Việt xuất hiện trong tuần trước nữa ở phía Nam của căn cứ Mỹ ở Đà Nẵng, tức là gần bờ biển, cách xa mặt trận Bắc Việt ở đường biên giới.

Và khi những chiếc máy bay ném bom Mỹ bắt đầu xới tung đất nước của Hồ Chí Minh thì các nước khối Đông Âu tổ chức một chiến dịch giúp đỡ cho các đồng chí đỏ.

Cho tới năm 1965, người Xô viết – người Albania lên án họ như thế – chỉ cung cấp dược phẩm, 200 cái xe đạp và năm cái đàn accordéon. Nhưng trong năm vừa rồi, Moscow đã chi bốn tỉ Mark. Phi công và học viên phi công được đào tạo trong Liên bang Xô viết, hỏa tiển SAM hay máy bay phản lực MIG bị phá hủy đều luôn được thay thế.

DDR [Cộng hòa Dân chủ Đức] cũng đào tạo phi công Bắc Việt (ở Zwickau và Dessau). Ở Hà Nội, hàng trăm bác sĩ từ vương quốc của Ulbricht đang băng bó các vết thương cho các đồng chí Việt Nam của họ.

Những trận ném bom rải thảm lên Bắc Việt Nam và sự phá hoại những cái được cho là đường tiếp tế gây thiệt hại cho Việt Cộng còn ít hơn là cho các sư đoàn chính quy đỏ. Vì người Xô viết và người Bắc Việt Nam tuy có cung cấp vũ khí và đạn dược cho du kích quân, nhưng không nhiều như các tướng lĩnh của Mỹ tin là như thế trong lúc tìm kiếm các mục tiêu ném bom mới.

Hơn phân nửa tất cả vũ khí, những cái chĩa vào người Mỹ và đồng minh của họ, chưa từng bao giờ vượt qua vĩ tuyến 17. Bây giờ, nhà chính trị học Richard J. Barnet, dưới thời Kennedy là nhà ngoại giao trong State Department, đã phát hiện ra việc đấy. Những vũ khí đấy là do Việt Cộng chiếm được, tự sản xuất lấy hay mua trên chợ đen trong Sài Gòn.

Barnet cũng bác bỏ điều mà các nhà ngoại giao Mỹ khẳng định từ nhiều năm nay: rằng Việt Cộng của miền Nam Việt Nam và Mặt trận Dân tộc Giải phóng bị Hà Nội chỉ huy về chính trị. “Mặt trận”, người từng là phó của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ George W. Ball năm 1966 khẳng định như thế, “là một mặt tiền do Hà Nội dựng lên để hỗ trợ cho truyện hoang đường rằng cuộc nổi dậy ở Việt Nam không phải là một cuộc nổi loạn được điều khiển từ bên ngoài.”

Thật sự thì MTDTGP là một lực lượng chính trị độc lập – ngay khi có liên kết chặt chẽ với Hà Nội. Trong Nam Việt Nam bị chia rẽ với nhiều nhóm chính trị của nó, có lẽ họ là đơn vị lớn nhất và đoàn kết nhất. Họ có đại diện trong tất cả các quốc gia của khối Đông Âu và trong một vài nước của thế giới thứ ba – và đấu tranh cho một chương trình chính trị có những điểm khác biệt về cơ bản với kế hoạch tương lai của Hồ Chí Minh cho Việt Nam.

Hồ muốn thống nhất toàn thể Việt Nam trở thành một nhà nước Cộng sản có trật tự kinh tế và xã hội Xã hội Chủ nghĩa ngay sau khi người Mỹ rút quân (“Con cái chúng ta rồi sẽ ca hát và rắc hoa”).

Ngược lại, đối với MTDTGP, tái thống nhất đất nước đứng mãi ở hàng thứ năm trong chương trình của họ, sau hòa bình, độc lập, dân chủ và trung lập về chính trị. “Chúng tôi sống trong miền Nam, chúng tôi thực hiện một chính sách cho miền Nam”, các nhà lãnh đạo MTDTGP bảo đảm. Họ muốn tránh trở thành một vệ tinh của Hà Nội sau khi chiến thắng.

Tất nhiên là những người anh em bất cân xứng ở Hà Nội và trên những cánh đồng lúa của miền Nam, những người trong đất nước chia cắt cũng thực hành Chủ nghĩa Cộng sản chia cắt, có một điểm chung: nổi dậy chống lại sự hiện diện của người Mỹ ở Việt Nam. Và trong cuộc đấu tranh này, Việt Cộng cũng để cho Hà Nội, chính xác hơn: Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Giáp, điều khiển.

Giáp và cố vấn của ông ấy đã tập giai đoạn thứ ba của cuộc chiến tranh du kích, trận phản công lớn, hàng tháng liền trên hộp cát – người Mỹ tin rằng mình đang có an toàn.

Ở Dak To, sau một cuộc chiến kéo dài nhiều ngày, các tướng lĩnh Hoa Kỳ đã đạt được thành công một phần, đã chiến thắng các trận đánh và tin rằng quân địch đang dần dần chuẩn bị cho các cuộc thương lượng hòa bình trong danh dự.

Phía sau tấm khiên của kho vũ khí khổng lồ của họ, họ chờ đợi những hơi thở cuối cùng của đối thủ và để cho những người đào ngũ lừa đối họ với những câu chuyện cổ tích sợ rùn mình về tinh thần chiến đấu tồi tệ của các đơn vị Việt Cộng.

“Đã có thể nhìn thấy kết thúc của cuộc chiến”, Tướng Westmoreland hứa hẹn. Sếp chương trình bình định của ông ấy, Komer, ca ngợi tiến trình bình định đang diễn ra trong đất nước. 67% của Nam Việt Nam, người Mỹ được giải thích như thế, đã không còn có Việt Cộng nữa.

Westmoreland chờ đợi một trận tấn công cuối cùng trong miền Nam. Thế nhưng Giáp lại tập trung 40.000 người Bắc Việt Nam trước Khe Sanh. Người Mỹ phải điều những lực lượng lớn đến biên giới Bắc. Giáp lén đưa Việt Cộng của ông ấy vào những chỗ trống thành hình. Pháo mừng năm mới cũng là phát súng hiệu của trận đánh tập trung lớn nhất của cuộc chiến.

Với lần tấn công vào các thành phố, Giáp “đã đạt được một chiến thắng chính trị nổi bật” (thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Edward Kennedy): nó cung cấp bằng chứng cho việc rằng Việt Cộng có thể tấn công bất cứ lúc nào và ở nơi nào mà họ muốn. Họ cho những người nông dân thấy tận mắt rằng sự bảo vệ là đáng nghi ngại cho tới đâu, sự bảo vệ mà nước Mỹ có thể thực hiện ở nông thôn một khi mà còn chẳng có khả năng giữ được các thành phố.

Giới quân sự Hoa Kỳ nói về một “hành động tuyệt vọng” và đếm được hơn 25.000 xác chết của đối phương – nhưng trong những câu chuyện cá nhân thì họ thừa nhận rằng chỉ lấy được có 5228 vũ khí của đối phương, và con số này cho thấy một con số tổn thất thấp hơn nhiều. Những người chết còn lại hẳn là thường dân.

Ở Washington, người bạn thân cận của Kennedy lúc trước, Arthur Schlesinger, yêu cầu triệu hồi Westmoreland – ngay giữa trong trận đánh: “Tôi đau buồn khi nghĩ rằng cuộc sống của hàng ngàn người Mỹ trẻ tuổi hàng ngày được giao phó cho một người với khả năng phán đoán của Westmoreland.”

Nhưng phán đoán của Westy vẫn lạc quan, cả về Khe Sanh: Tuy là quân địch mạnh hơn những người bảo vệ cứ điểm đến gấp năm lần, nhưng họ chỉ có thể tấn công vào căn cứ Hoa Kỳ sau khi “xuyên qua một hẽm núi sâu, bùn lầy, bao bọc lấy Khe Sanh. Khi quân Đỏ bị kẹt lại trong bùn lầy thì người Mỹ sẽ ném bom từ trên không và đánh tan họ.”

Tất nhiên: người Bắc Việt chẳng cần phải xung phong vào Khe Sanh, họ có thể bắn nát nó ra. Những khẩu đại bác 152 milimét của họ có tầm xa gần 20 kilômét – qua bùn lầy và rừng rậm. Ngay khi chỉ bị bắn phá ở mức độ vừa phải, những người đang bị bao vây đã mất 21 người trong thứ năm vừa rồi.

Quân Đỏ đã tràn ngập cứ điểm Lang Vei quan trọng, nằm trước Khe Sanh bảy kilômét, trong tuần vừa rồi – cũng như Việt Minh chiếm tiền đồn “Beatrice” trước Điện Biên Phủ trong lần tấn công đầu tiên năm 1954. Lần đầu tiên trong cuộc Chiến tranh Việt Nam đã kéo dài 22 năm, nhà chiến lược Giáp đã để cho xe tăng xuất phát – chín chiếc PT-76 của Xô viết.

Trong lúc đấy, thiện xạ của Việt Cộng vẫn còn gìm chặt lính Mỹ và đồng minh trong các thành phố của miền Nam. Trên Đại Nội của Huế, lá cờ của Việt Cộng vẫn còn tung bay. Cuộc chiến tranh đường phố vẫn còn diễn ra ác liệt trong khu người Hoa Chợ Lớn của Sài Gòn.

Các nhà chiến lược Mỹ chỉ còn sự lựa chọn tập trung quân lực để giải tỏa các thành phố hay tụ họp mọi lực lượng để giải vây cho Khe Sanh.

Giới quân đội Nam Việt đứng bất lực trước cuộc tổng tấn công của những người đồng hương trong bí mật. Ai bị Việt Cộng ép buộc phải cung cấp đồ ăn thức uống, cuối cùng họ khuyên như thế, thì hãy bỏ thuốc ngủ vào trong thức ăn cho họ rồi tước lấy vũ khí của kẻ địch.

Trong lúc đấy, đạn của quân địch nổ tung trên phi đạo của căn cứ không quân Mỹ ở Đà Nẵng. Sở hữu phi trường này là tiền đề để 5000 người Mỹ đang bị bao vây ở Khe Sanh từ giữa tháng 1 có thể chống cự lại được. Vì từ Đà Nẵng, máy bay Hoa Kỳ mang thuốc men, vũ khí và đạn dược đến đấy hàng ngày.

Chúng cũng mang cả bom đến. Nhưng một phần bom rơi xuống các vị trí của Mỹ – cũng như xuống các vị trí của Pháp ở Điện Biên Phủ. Vì chiến tuyến chính của Khe Sanh bao gồm một vùng chỉ hai kilômét vuông.

Thêm vào đó, mùa mưa để cho những quả bom tiếp tế cũng như lính nhảy dù dễ dàng đáp xuống ở phía đối phương – cũng như ở Điện Biên Phủ.

Nhưng giới quân sự Mỹ tin chắc rằng họ sẽ không trải qua một Điện Biên Phủ thứ hai ở Khe Sanh. Họ tin chắc tới mức họ còn ký kết điều đấy với người tổng tư lệnh của họ: bị Johnson thúc giục, các tham mưu của Liên Quân Hoa Kỳ đã bảo đảm giữ Khe Sanh bằng chữ ký của họ.

Westmoreland, được Johnson đích thân gọi điện nhiều lần, bảo đảm qua điện thoại. Tổng thống trong tuần trước nữa: “Tôi không muốn một Điện Biên Phủ khốn kiếp!”

Vào thời điểm đó, Khe Sanh mới bị nã pháo có 15 ngày. Trận đánh Điện Biên Phủ kéo dài 169 ngày.

Featured Posts
Recent Posts
Search By Tags
Follow Us
  • Facebook Classic
  • Twitter Classic
  • Google Classic
bottom of page