Nạn nhân bị cưỡng chế bác bỏ đề nghị bồi thường
Thương phế binh, giáo dân và cư dân bị đuổi khỏi nhà nói số tiền bồi thường quá thấp so với giá thị trường.
Ngày 20 tháng 1 năm 2019
Kitô hữu và đại diện các tôn giáo bản địa viếng thăm những người bị chính quyền phá hủy nhà cửa, an ủi và tặng quà cho họ hôm 14-1. Ảnh: tinmungchonguoingheo.com
Các linh mục, thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa và những người nghèo khẳng định đất đai của họ bị tịch thu bất hợp pháp trong tháng này lên tiếng phê phán phương án hỗ trợ tài chính bất xứng của nhà cầm quyền.
Báo Tuổi Trẻ của nhà nước đưa tin hôm 13-1 rằng quận Tân Bình ở Sài Gòn sẽ trả cho những người bị mất 4,8 hecta đất canh tác với giá 7.055.000 đồng (304 Mỹ kim) một mét vuông.
Nhà chức trách quận cũng sẽ hỗ trợ từ 12-18 triệu đồng cho những người trong quận bị thiệt hại về hoa màu do vụ cưỡng chế của chính quyền gây ra, theo tờ nhật báo này.
Nạn nhân còn được đào tạo nghề và được vay tiền ngân hàng vốn trước đây không được phép vay, tờ báo đưa tin.
Nhưng các nhà chỉ trích trong đó có Đức Giám mục người Australia gốc Việt, Vinh Sơn Nguyễn Văn Long của giáo phận Parramatta, Australia, lên án vụ cưỡng chế này trong khi những người khác miêu tả gói đề xuất hỗ trợ rất không thỏa đáng.
Nhân viên công lực đã cưỡng chế tháo dỡ 112 ngôi nhà trên khu đất đã được đăng ký thuộc 134 hộ gia đình tại giáo xứ Lộc Hưng hôm 4-1 và 8-1. Một trong các ngôi nhà bị phá hủy ở đó thuộc sở hữu của Giáo hội dành làm nhà ở cho các thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa.
Cha Antôn Lê Ngọc Thanh phụ trách Phòng Công lý và Hòa bình của dòng Chúa Cứu Thế, nói gói hỗ trợ tài chính được đề xuất đó không thỏa đáng so với giá thị trường, đặc biệt là vị trí lô đất nằm gần trung tâm.
Các căn hộ gần đó có diện tích 60 mét vuông được bán với giá 3,5 tỷ đồng (151.000 Mỹ kim) một căn, cao gấp 8 lần giá đề nghị bồi thường, ngài lưu ý.
“Có sự thông đồng giữa các nhóm lợi ích khác nhau”, cha Thanh lên án.
Ngài chỉ trích nhà cầm quyền lạm dụng quyền lực ép nạn nhân chấp nhận mức giá thấp mà không hề có sự thương lượng.
Một số quan chức được dẫn lời nói rằng họ chỉ phá hủy các ngôi nhà thiếu giấy phép xây dựng, chứ không tịch thu đất.
Trong khi đó, nhà cầm quyền thông báo đồ án quy hoạch chi tiết xây trường học và các cơ sở công cộng khác hôm 12-1.
Cha Thanh buộc tội chính quyền xâm phạm trái phép tài sản hợp pháp của người dân địa phương vốn đã sinh sống và trồng trọt trên đất của họ từ năm 1954, sau khi họ từ miền bắc di cư vào miền nam để tránh chế độ cộng sản trước đó.
Ngài kêu gọi nạn nhân làm đơn kiện nhà cầm quyền yêu cầu bồi thường số tài sản bị thiệt hại trong quá trình cưỡng chế.
Một luật sư từ chối cho biết danh tánh, nói rằng động thái này cho thấy chính quyền cố ý dùng vũ lực đuổi người dân ra khỏi đất của họ, chứ không phải cưỡng chế nhà xây trái phép.
Ông buộc tội nhà cầm quyền lừa dối công chúng và thúc giục nạn nhân tìm sự trợ giúp pháp lý để bảo vệ quyền lợi và tài sản của họ.
Luật sư kêu gọi công chúng công khai quan điểm về vấn đề này và tổ chức biểu tình nếu cần để yêu cầu chính quyền trả lời.
Bà Nguyễn Thị Thái, chủ một nhà hàng nhỏ, nói gia đình bà có 16 thành viên đã sống trên khu đất này 65 năm trước khi chính quyền thình lình phá hủy nhà cửa và tài sản của họ.
“Họ tước đoạt sinh kế của chúng tôi mà chẳng áy náy gì cả. Thật đáng xấu hổ”, người phụ nữ 64 tuổi nói trong khi không cầm được nước mắt.
Hiện nay họ phải trả tiền thuê nhà 7 triệu đồng một tháng nhưng gia đình lại không có nguồn thu nhập, bà nói thêm.