CSVN bị chỉ trích vì tuyên bố số liệu án tử hình ‘là bí mật quốc gia’
HÀ NỘI, Việt Nam – Giới hoạt động xã hội dân sự, luật sư trong và ngoài nước đang lên tiếng chỉ trích sau khi theo dõi Phiên Kiểm Điểm Nhân Quyền Phổ Quát (UPR) của đại diện Bộ Tư Pháp CSVN trước Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc ngày 22 Tháng Giêng tại Geneva, Thụy Sĩ.
Nguyên văn phát biểu của đại diện Bộ Tư Pháp CSVN được ghi nhận: “Số liệu án tử hình là một nội dung liên quan đến các quy định về pháp luật bảo vệ bí mật nhà nước của quốc gia chúng tôi. Trên thực tế, cân nhắc nhiều lý do và nhiều khía cạnh xã hội thì Việt Nam chúng tôi không công khai số liệu án tử hình.”
Tuy nhiên, tiếp đó vị nữ đại diện ngành Tư Pháp CSVN lại nói rằng việc thi hành án tử hình “rất là công khai và tuân theo quy định của Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự (CSVN).”
Phát ngôn của đại diện Bộ Tư Pháp CSVN cho thấy “tiền hậu bất nhất”: Thi hành án “công khai” nhưng số liệu thi hành án lại được coi là “bí mật nhà nước.”
Lâu nay khái niệm “bí mật nhà nước” luôn bị giới chức CSVN lạm dụng mỗi khi họ không muốn minh bạch một chuyện gì đó trước công luận vì lo ngại sẽ vấp phải “phản ứng bất lợi.”
Khi khẳng định số liệu án tử hình là “bí mật quốc gia,” thật ra Bộ Tư Pháp CSVN đã quên rằng hồi Tháng Hai, 2017, Bộ Công An CSVN đã công bố một báo cáo tiết lộ rằng từ 2011 đến 2016, Việt Nam có 1,134 tử tù; và trong ba năm từ 2013 đến 2016, có 429 phạm nhân bị tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc.
Trong một diễn biến khác, đến nay người ta vẫn không rõ số phận của ông Hồ Duy Hải, người bị tòa án tỉnh Long An hồi năm 2008 kết án tử hình với cáo buộc “giết người” trong vụ án khiến hai nhân viên Bưu Điện Cầu Voi ở Thủ Thừa, tỉnh Long An, thiệt mạng. Trong nhiều năm liền, bà Nguyễn Thị Loan, mẹ của ông Hải, đã nỗ lực cầu cứu khắp nơi về trường hợp của con trai bà.
Hồi năm ngoái, Amnesty International (Tổ Chức Ân Xá Quốc Tế) kêu gọi hành động khẩn cấp đối với ông Hải do bản án tử hình nhắm vào ông “không đạt tiêu chuẩn quốc tế về việc xét xử công bằng.”
Ân Xá Quốc Tế kêu gọi chính quyền Việt Nam ngay lập tức đình chỉ tất cả các vụ hành quyết nhằm chấm dứt hình phạt tử hình, điều này phù hợp với sáu nghị quyết của Liên Hiệp Quốc được thông qua từ năm 2007.
Cũng cần nhắc lại, trong phiên UPR hồi năm 2014, đại diện Việt Nam từng được nhiều nước khuyến nghị bãi bỏ án tử hình.
Sau đó, người ta thấy Bộ Luật Hình Sự CSVN 2015 có hiệu lực từ ngày 1 Tháng Giêng, 2018, đã có một số thay đổi mức hình phạt so với Bộ Luật 1999. Cụ thể là Bộ Luật Hình Sự CSVN 2015 bỏ mức án tử hình ở bảy tội danh: “Cướp tài sản; sản xuất, buôn bán hàng cấm là lương thực, thực phẩm; tàng trữ trái phép chất ma túy; chiếm đoạt chất ma túy; phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; chống mệnh lệnh; đầu hàng địch”. Đồng thời, Bộ Luật nêu trên cũng đã bỏ tội danh “hoạt động thổ phỉ” mà trước đây bị quy định hình phạt tử hình.
Mặc dù vậy, đến nay, CS Việt Nam vẫn “kiên định” từ chối các khuyến nghị khác ở UPR liên quan đến quyền tự do bầu cử, tự do ngôn luận, tự do biểu tình…
Nguồn: Người Việt
LIÊN MINH DÂN TỘC VIỆT NAM