CHIẾN TRANH VÀ TỘI ÁC
Có chiến tranh tất nhiên có tội ác vì chiến tranh là tàn phá, là chết chóc, là hủy diệt, kể cả những cuộc chiến tranh được gọi là “Thánh chiến” giữa các tôn giáo, chiến tranh và tội ác luôn luôn đi kèm.
Chiến tranh Việt Nam tuy không có một chiến tuyến rộng lớn bao la từ Thái Bình Dương qua Đại Tây Dương, từ châu Á qua châu Âu như chiến tranh thế giới II, nhưng trong chiến tranh Việt Nam, tội ác cũng chồng chất, kinh khủng chẳng kém gì việc Đức Quốc Xã tàn sát sáu triệu người Do Thái, hay việc Mỹ thả hai trái bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki giết một lúc hàng trăm ngàn dân vô tội của xứ hoa anh đào.
Khoan đọc vội những bản thống kê, cứ nhìn vào sự tiến triển của chiến tranh Việt Nam, từ gậy tầm vông đến đủ loại vũ khí tối tân như Không quân chiến lược B-52, F-111A, hỏa tiễn SAM, hỏa tiễn kích không, chiến xa, đại bác đủ loại, đủ cỡ v.v... đã thấy tội ác chồng chất đến bực nào.
Nói đến tội ác trong chiến tranh Việt Nam, người ta không chỉ chú ý tới cảnh giết chóc tàn phá của bom đạn, hay những hành động dã man trong vụ Mỹ Lai, Biến cố Tết Mậu Thân, “Đại lộ kinh hoàng” ở Quảng Trị.
Chiến tranh Việt Nam tuy thu hẹp trong phạm vi nhỏ bé của một nước nhược tiểu, nhưng lại có sự liên hệ sâu sắc của những siêu cường, và kéo một số quốc gia khác dính líu vào.
Dưới hình thức một cuộc chiến tranh phá hoại với nhiều loại vũ khí tối tân, nên cả hai miền Nam, Bắc Việt Nam đều bị thiệt hại nặng về mọi mặt và gây một tình trạng suy sụp kinh tế toàn diện.
Về nhân mạng, nếu chỉ kể từ 1-4-1972 đến 1-10-1972, người ta đã thấy Bắc Việt có khoảng 86.453 tử thương.
Nhưng nếu tính từ 1961 đến đầu tháng 10-1972 thì con số đó lên hơn 892.170 tử thương về phía Bắc Việt.
Số tử thương và bị thương càng cao thì vấn đề bổ sung quân số càng đòi hỏi cấp bách.
Phía Bắc Việt, quân số chính thức của họ đưa vào Nam Việt Nam được kể là 14 Sư đoàn, nhưng chỉ trong vòng 6 tháng đã bị tử thương gần 100 ngàn, nên hiện thời, quân số của mỗi Sư đoàn chỉ còn khoảng năm ngàn người thay vì 10 ngàn theo cấp số ấn định.
Để bổ sung cho sự thiếu hụt lớn lao đó, chính quyền Hà Nội đã phải động viên tới cả những em thiếu nhi ở lứa tuổi 13 - 14, kể của những em đang theo học ngành kỹ thuật là một ngành được coi như tối cần thiết ở Bắc Việt.
Theo tin hãng thống tấn Pháp AFP đánh đi ngày 28-9-1972 thì vì vấn đề bổ sung quân số cho các đơn vị xâm nhập miền Nam nên nhà cầm quyền miền Bắc Việt Nam đang ráo riết ép buộc các giới chức địa phương phải đốc thúc thiếu niên đi lính. Nhiều địa phương thi hành lệnh này một cách tích cực, chẳng hạn riêng tỉnh Hà Nam đã đưa khoảng 200 ngàn thiếu niên vào bộ đội, và những bộ lạc dân tộc thiếu số Mán-Mèo v.v... cũng bị lệnh này chi phối. Bởi thế, không ai thấy làm lạ khi thấy đa số binh sĩ trong các đơn vị Bắc Việt toàn là thiếu niên lứa tuổi từ 13-14 đến 17.
Nếu chết chóc mà đổi được hòa bình thì mức sinh sản nhanh chóng sẽ bù đắp vào. Đằng này, cả hai miền Nam, Bắc Việt Nam lại phải gánh chịu những hậu quả nặng nề, di lụy đến hàng thế hệ mai sau. Đó là điểm được các tổ chức từ thiện, tôn giáo, các nhà đạo đức chú ý nhiều nhất trong chiến tranh Việt Nam.
Thực trạng xã hội hai miền Nam, Bắc Việt Nam hiện nay ra sao, điều này ai cũng nhận thấy tận mắt. Với thực trạng đó, khiến người ta nhớ lại sau chiến tranh thế giới II, một nhà xã hội học Nhật Bản đã tuyên bố rằng cái bất hạnh lớn lao nhất đối với nước Nhật Bản không phải là sự bại trận, đầu hàng Đồng minh vô điều kiện, mà là việc cả một thế hệ sa đoạ, đua nhau chạy theo trào lưu vật chất, làm tiêu tan tinh thần võ sĩ đạo cổ truyền của dân tộc Nhật Bản.
Với chiến tranh Việt Nam người ta cũng nói lên mối lo âu tương tự, vì thế hệ hiện tại đã quá kinh hoàng trước thảm cảnh chết chóc tàn phá, nên ai cũng lo sợ sống vội sống vàng; sống không biết có ngày mai; sống vì sợ nếu chần chừ, e không còn cơ hội nào được sống nữa.
Tuổi trẻ thất vọng, yêu cuồng sống vội, biến đời mình thành một đêm rằm không trăng đã đành. Nhưng với người lớn, một sự chán nản cũng đã xâm chiếm tâm hồn, khiến nghĩ đến hiện tại nhiều hơn là hướng nhìn về tương lai.
Hiện tại, việc giải quyết những nhu cầu thực tế hàng ngày là điều tối cần thiết đối với hầu hết mọi gia đình Việt Nam.
Ở miền Bắc, dầu các nhà lãnh đạo Hà Nội có tài động viên đến đâu thì mức sống của người dân vẫn xuống thấp đến mức không thể tưởng.
Từ ngàn xưa, miền Bắc vốn đã nghèo ngay trong thái bình, lúa gạo sản xuất chưa đủ ăn, huống hồ hiện tại họ chịu đựng chiến tranh gần 30 năm và đang bị Hoa Kỳ oanh tạc, phong toả, gây ra không biết bao nhiêu là khó khăn trước mắt.
Khó khăn nghiêm trọng nhất hiện nay ở miền Bắc là vấn đề sản xuất ngừng trệ. Tình trạng này gây nên một phần do nạn thiếu nhân công, thiếu thợ chuyên môn lành nghề. Phần khác vì các cuộc không tập dữ dội của Không quân Mỹ.
Về nhân công, có thể nói hầu hết trai tráng đã phải lên đường nhập ngũ vào Nam, chỉ còn lại đàn bà, con gái và một số thiếu niên chưa được huấn luyện thành thục. Trong khi đó thì công việc hàng ngày thường bị gián đoạn vì nạn máy bay oanh kích.
Đằng khác, một người dân miền Bắc phải làm hai ba nhiệm vụ cùng lúc: học tập chính trị để thấm nhuần tư tưởng tham gia công tác chiến đấu - phòng không; tham gia sản xuất lẫn nông nghiệp.
Theo các bản thống kê do chính quyền miền Bắc công bố thì mặc dầu bị bom Mỹ liên miên trút xuống, song dân chúng miền Bắc vẫn tăng năng lượng sản xuất về mọi ngành. Tuy nhiên dù năng lượng sản xuất có tăng tới đâu, thì trong thực tế, dân chúng miền Bắc vẫn thiếu ăn thiếu mặc. Tình trạng khan hiếm thực phẩm hiện nay này là tình trạng chung của nhiều quốc gia châu Á, không riêng gì Bắc Việt là nước đang lâm cảnh chiến tranh gần 30 năm qua.
Nếu mai đây, Bắc Việt chịu nhượng bộ tại hòa đàm và mật đàm Ba Lê thì đó là do tình trạng suy sụp về kinh tế chứ không phải vì họ quá yếu kém về mặt quân sự.
Trong lúc đó, tại miền Nam, cuộc chiến tranh cũng đưa đến một tình trạng nghiêm trọng không kém.
Miền Nam vốn là một vựa lúa giàu nhất nhì ở châu Á. Hồi tiền chiến, số lúa gạo sản xuất tại đây chẳng những nuôi đủ dân chúng ba miền Nam - Trung - Bắc mà còn xuất cảng ra ngoại quốc. Trong chiến tranh Việt - Pháp 1946 - 1954, mức sản xuất bị sút kém ít nhiều, song qua năm 1954, thì diện tích trồng lúa tại Nam Việt Nam là 2.085.000 mẫu, qua 1962, diện tích này tăng lên 2.400.000 mẫu, và tổng số lúa thu hoạch trong năm 1961 là 4.955.000 tấn.
Hiện nay, dầu nông cụ tân tiến, kỹ thuật canh tác được cải thiện, có nhiều loại phân hóa học tốt, nhưng vì chiến tranh phá hoại nên việc xuất cảng gạo phải đình chỉ, và thường năm vẫn phải nhập cảng một số gạo Mỹ để chúng ta ăn.
Về các ngành trồng tỉa thứ yếu khác ở miền Nam như cao su, mía, trà v.v... cũng giảm sút so với năm 1961. Năm 1961 diện tích trồng cao su tăng lên mỗi năm 15 ngàn mẫu, mía thu hoạch được 1.300.000 tấn, trà 4.600 tấn, đậu nành 2.300 tấn, cây kỹ nghệ Kenaf từ 2500 tấn tăng lên 7.000 tấn v.v...
Nói chung, cho tới năm 1961 thì mức sản xuất nông nghiệp tại Nam Việt Nam gia tăng lên quá 200 phần trăm so với trước 1954. Nhưng từ ngày chiến tranh trở nên ác liệt mức đó không còn nữa.
Riêng từ tháng 4-1972 đến tháng 11-1972, miền Nam Việt Nam phải gánh chịu nhiều hậu quả nghiêm trọng hơn do việc quân Bắc Việt vượt tuyến gây ra.
Theo một viên chức Hoa Kỳ tuyên bố ngày 9-7-1972 thì chỉ trong vòng ba tháng, kể từ đầu tháng 4-1972 là lúc quân Bắc Việt vượt tuyến, Nam Việt Nam đã thiệt hại hơn 100 triệu Mỹ kim (tức vào khoảng 42 tỷ 500 triệu đồng Việt Nam).
Trong 3 tháng đó, chiến xa hai bên đã cày nát đồng ruộng, bom đạn đã san bằng các rừng cao su, và hàng ngàn nhà cửa đổ nát hoang tàn.
Về mãi lực của dân chúng, vì nhu cầu chiến tranh đòi hỏi quá nhiều ở phương diện thuế má nên bắt đầu giảm sút.
Theo danh sách từng ngành của Tổng đoàn công kỹ nghệ kiểm kê hồi cuối tháng 8-1972 đã có nhiều xí nghiệp bị ảnh hưởng bởi việc thay đổi hối xuất đồng bạc, tăng lãi xuất tín dụng ngân hàng và thuế nội địa, nên phải ngừng hoặc giảm bớt hoạt động:
- Ngành dệt nhuộm và in bông số thương vụ giảm 80% - Ngành kéo sợi thương vụ giảm 95% - Ngành dệt áo thuê và áo len thương vụ giảm 80% - Ngành dầu và xà phòng giảm 50% - Ngành dược phẩm giảm 70% - Ngành đường giảm 50% - Ngành hóa phẩm và bột giặt giảm 70% - Ngành thủy tinh giảm 70% - Ngành chế tạo vật dụng xi măng giảm 80% - Ngành xây cất giảm 50% - Ngành dệt lưới ca giảm 80%. - Ngành pin đèn giảm 80% - Ngành nước mắm giảm 50% - Ngành đồ gồm giảm 50% - Ngành giầy dép, vô tuyến điện, cao su và nhiều ngành khác cũng giảm tương tự và từ 50 đến 90% v.v...
Tổng trưởng Kinh tế Phạm Kim Ngọc đã ước lượng là nếu cuộc chiến cứ tiếp diễn với mức độ như hiện nay cho tới tới Giáng Sinh 1972 thì ngân sách quốc phòng phải tăng vọt lên 20%.
Ngân sách quốc phòng tăng vọt, có nghĩa là cuộc chiến tranh Việt Nam còn kéo dài, vì nó liên hệ mật thiết với tình hình toàn bộ vùng Đông Nam Á, mà vùng này lại là mục tiêu bành trướng của các siêu cường.
Sài gòn, 30-12-1972 Hoàng Thanh Hoài