top of page

Cái Tâm và Tầm Nhìn Của Đảng Cộng Sản VN Qua Qui Hoạch Và Xây Dựng Đô Thị


Một trong các tiêu chí để đánh giá một quốc gia có phát triển văn minh hay không và đánh giá tầm nhìn của chế độ chính trị của quốc gia đó chính là việc qui hoạch và kiến trúc đô thị.

Đô thị vệ tinh (satellite town) là khái niệm được học giả Mỹ Graham Romeyn Taylor đưa ra lần đầu năm 1915 để chỉ việc di dời các nhà máy ra ngoại thành nhằm giảm thiểu áp lực dân cư vào một thành phố lớn.

Sau thành công của Mỹ, Liên Xô, Anh và nhiều nước Châu Âu nửa đầu thế kỷ 20, phong trào xây đô thị vệ tinh ở bắt đầu lan sang Châu Á.

Nhật Bản là một trong những nước tiên phong. Năm 1956, quốc gia này rót hàng trăm tỷ đô la vào việc gây dựng 8 đô thị vệ tinh quanh Tokyo. Người Nhật chỉ mất 6 năm để nhận ra đại kế hoạch này không hiệu quả. Họ tập trung đầu tư cho tái cấu trúc thủ đô, phương án đạt nhiều thành công và ít tốn tiền hơn.

Ba yếu tố cần phải có của một đô thị vệ tinh được nêu ra tại Hội nghị Quốc tế thường niên về phát triển nông thôn năm 2016 tại Latvia:

  • “Đảm bảo việc di chuyển nhanh chóng tới đô thị lõi và không gian đủ rộng để xây dựng hạ tầng

  • Độc lập kinh tế với đô thị lõi, đảm bảo tạo ra đủ việc làm cho cư dân sinh sống tại đó

  • Một nền văn hóa mang tính đặc thù để nó không bị đánh đồng với các vùng ngoại ô thông thường”.

Đem ba tiêu chí này đối chiếu với khu vực nội đô và các đô thị vệ tinh của Hà Nội thì cho kết quả thật là bi đát.

Tất cả mọi người dân thủ đô hay du khách trong nước hoặc nước ngoài khi đến Hà Nội đều thấy sự ngột ngạt và chật trội từ hệ thống gia thông cho đến các khu vực dân cư.

Để giảm tải cho hệ thống giao thông trong nội đô thì cần phải bớt cư dân trong đó. Chính quyền thành phố Hà Nội đã có bản qui hoạch không cho phép xây thêm các chung cư cao tầng, văn phòng trong khu vực 4 quận nội thành gồm Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Ba Đình và Đống Đa. Nhưng tham nhũng, lợi ích nhóm và cái tâm không trong sáng, tầm nhìn hạn hẹp của các quan chức cộng sản nên đã phá vỡ qui hoạch của Hà Nội. Nên hàng loạt các khu chung cư cao tầng và văn phòng vẫn được cấp phép xây dựng như Time city, Royal city, Giảng võ, …, càng làm cho hạ tầng nội đô quá tải trầm trọng.

Năm 2008, mật độ dân số bình quân của cả thành phố khoảng 1.900 người/km2. 10 năm sau, chỉ số này khoảng 2.300 người/km2. Mật độ của quận tích tụ đông dân nhất, Đống Đa, cũng tăng từ 36.700 người/km2 lên 42.200 người/km2.

Đồng thời các tuyến phố được mở rộng trong khu vực nội thành cũng không đảm bảo mỹ thuật, các con phố với uốn lượn với những ngôi nhà mặt tiền siêu mỏng, siêu méo làm xấu đi vẻ đẹp của đô thị.

Trong khi đó việc quy hoạch và xây dựng các đô thị vệ tinh gồm: Hòa Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên và Sóc Sơn diễn ra một cách chậm chập và không đồng bộ. Gây ra ô nhiễm khói bụi và ách tắc giao thông, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống hàng ngày của người dân ở quanh các khu vực này. Và câu chuyện về người dân Trung Sơn Trầm, Sơn Tây vẫn chỉ giặt quần áo khi trời mưa. Hơi ngược đời, nhưng chỉ khi đó con đường mới không có bụi.

Các đô thị vệ tinh không đảm bảo được việc di chuyển nhanh chóng của người dân ra vào đô thị lõi. Quốc lộ 6 là con đường huyết mạch nối Xuân Mai với nội thành Hà Nội. Nhưng trong một ngày không mưa, một giờ ba mươi phút là thời gian cần thiết để đi từ nội thành Hà Nội đến Chúc Sơn, thị trấn liền kề đô thị Xuân Mai, cũng đúng bằng thời gian đi từ Hà Nội đến Hải Phòng. Đây trở thành phép so sánh kinh điển cho thấy sự bất hợp lý trong hạ tầng giao thông Hà Nội.

Xuân Mai thất bại với điều kiện đầu tiên.

Khu công nghiệp Nam Tiến Xuân quy mô 290 ha, khu đô thị mới nằm giữa núi Thoong – sông Bùi 470 ha, khu trung tâm thương mại tại ngã tư Xuân Mai… là những cái tên người dân Xuân Mai nghe quen nhưng chưa bao giờ thấy mặt. Bảy trên chín khu dân cư trên địa bàn vẫn sinh sống bằng nông nghiệp.

Đô thị dịch vụ – công nghiệp Xuân Mai sau 10 năm vẫn còn là khái niệm xa lạ với chính người dân địa phương. Xuân Mai thất bại trong cả điều kiện thứ hai.

Hòa Lạc nhìn từ trên cao, sau 20 năm, là một vùng rộng lớn màu nâu loang lổ của nhiều khu đất không một công trình, là cánh cổng đồ sộ dẫn vào thành phố đại học – Đại học Quốc gia Hà Nội không bóng sinh viên. Những người dân Thạch Thất 15 năm trước trông chờ vào một thành phố đại học với các dịch vụ ăn theo đủ để nuôi sống cả một vùng dân cư lân cận, giờ đã quen với sự “treo” của các dự án suốt từ thời về thủ đô.

Tất cả các đô thị vệ tinh của Hà Nội thất bại trong việc đáp ứng các điều kiện cần và đủ cho cuộc sống bình thường của người dân.

Ước mơ về những thành phố vệ tinh 4.0 vẫn tiếp tục được vẽ lên. Và người dân Hà Nội nói riêng và Nhân dân cả nước vẫn phải tiếp tục chờ đợi.

Đảng cộng sản VN và chế độ CSVN đã không đủ tâm, đủ tầm để tiếp tục cầm quyền và xây dựng đất nước. Có lẽ ước mơ có một cuộc sống đô thị thuận lợi về giao thông, trong sạch về môi trường của Nhân dân Việt Nam sẽ không bao giờ có được dưới sự cầm quyền của đảng CSVN. Nhân dân muốn có được điều đó, trước hết phải làm cuộc cách mạng dân chủ thay đổi từ chế độ độc đảng chuyên chế sang chế độ dân chủ đa đảng. Khi đó Nhân dân làm chủ đất nước mới lựa chọn được đảng cầm quyền tốt nhất để phục sự Nhân dân và Tổ quốc.

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

Nguồn: RFA

Featured Posts
Recent Posts
Search By Tags
Follow Us
  • Facebook Classic
  • Twitter Classic
  • Google Classic
bottom of page