top of page

NÉM ĐÁ GIẤU TAY


Ném đá giấu tay tự nó đã nói tới hành động lén lút, muốn hại người nhưng không chịu nhận trách nhiệm. Đấy là tính cách của loại người tiểu nhân bỉ ổi chuyên hại người bằng những hành động núp bóng. Xã hội loài người từ thời sơ khai đến giờ chẳng ai chấp nhận hành động đó cả.

Vì thế ngày nay người ta mới xây dựng xã hội làm sao hoặc loại bỏ hoặc hạn chế những hành động mang tính chất mọi rợ như vậy. Để xây dựng một xã hội như vậy thì phải làm gì?

Thứ nhất, một xã hội với luật pháp nghiêm minh để trừng trị những con người làm chuyện hại người. Muốn như vậy thì luật pháp phải xây dựng dựa trên nền tảng đạo đức và luật pháp phải bảo vệ đạo đức. Và đặc biệt là phía nhà nước nhân danh pháp luật để bài trừ những kẻ phạm pháp nên nhà nước chỉ được làm những gì có quy định rõ ràng trong pháp luật. Họ phải có nhiệm vụ bắt những kẻ ném đá giấu tay phải trả giá trước pháp luật. Và đương nhiên họ không được làm công việc ném đá giấu tay như những kẻ vô đạo đức đã làm.

Thứ nhì, xây dựng một nền giáo dục nhân bản. Con người biết những gì thuộc phạm trù đạo đức thì làm, còn những gì thất đức thì tránh xa. Tạo ra những con người dám chịu trách nhiệm trước sai lầm mình đã gây ra, phải hạn chế loại người né tránh trách nhiệm hay phi tang dấu vết, tức là hành động "giấu tay" trong câu thành ngữ.

Để phá vỡ đạo đức xã hội thì không gì phá khủng khiếp bằng chính kẻ nắm giữ pháp luật. Khi trong đầu họ có ý định phạm pháp và chà đạp đạo đức thì hiển nhiên họ không thể dùng pháp luật để triển khai ý đồ. Bắt buộc họ phải chọn cách thực hiện sao đạt ý đồ mà mọi người không phát hiện ra hành tung của họ. Hoặc họ làm sao cho người ta chỉ nghi ngờ mà không làm gì được vì không thể bắt quả tang.

Ném đá giấu tay, một hành động đáng phỉ nhổ vì nó vừa phạm pháp vừa vô đạo đức. Thế nhưng ngành công an Việt Nam đang phải dùng cách bẩn thỉu này để đối phó với người bất đồng chính kiến. Tại sao? Vì những người bất đồng chính kiến họ chẳng làm gì sai pháp luật cả. Họ chỉ trích chế độ những tiêu cực mà đã được nêu rành rành trên báo nhà nước. Có điều họ không cúi đầu chấp nhận mà đòi hỏi nhà nước này phải cải cách để tránh xảy ra tiêu cực tương tự. Đứng trước đòi hỏi hoặc cải cách hoặc bịt miệng người lên tiếng thì nhà nước này chọn cách dễ cho họ hơn, đó là họ quyết bịt miệng những người chỉ trích chế độ. Người bất đồng chính kiến có làm gì sai luật? Không. Thế thì làm sao dùng luật pháp trị họ? Hết cách. Chỉ có thể dùng thủ đoạn không thể dùng luật pháp. Thế là lực lượng an ninh phải dùng tới hạ sách ném đá giấu tay. Có 2 cách để thực hiện, thứ nhất là giả dạng côn đồ thực hiện ý đồ, thứ nhì là thuê giang hồ ra tay. Điển hình như công an giả dạng côn đồ đã chặn đánh 2 luật sư bào chữa cho nạn nhân Đỗ Đăng Dư chết khi đang bị công an tạm giữ điều tra. Và cho đến hôm nay vụ án xem như đã chìm xuồng. Như vụ nạn nhân Lê Mỹ Hạnh bị côn đồ hành hung đang nóng trên mạng xã hội.

Chắc chắn công an sẽ chối bỏ sự liên can của họ, vì đã quyết tâm ném đá thì ắc phải giấu tay. Nhưng không khó để lần ra. Chỉ cần đặt vài câu hỏi là ta biết ngay kẻ chủ truơng. Ví dụ như vụ chị Lê Mỹ Hạnh, thử đặt câu hỏi. 1 - Nạn nhân không thù không oán ai, không nợ không nần ai, chỉ có chỉ trích chế độ vậy cớ gì côn đồ hành hung? 2 - Ai đã điều tra khách sạn nơi nạn nhân cư ngụ, và sao biết đích xác giờ giấc nạn nhân có mặt trong phòng để cung cấp thông tin cho bọn côn đồ? 3 - Côn đồ dùng hơi cay xịt vào mặt nạn nhân, hơi cay ở đâu ra khi những thứ này là vũ khí chuyên dụng của cảnh sát? Nhiêu đó đủ biết kẻ chủ mưu. Trò bẩn vô đạo đức, vô pháp mượn tay côn đồ.

Thiết nghĩ, một xã hội cần có sự gìn giữ đạo đức bài trừ phạm pháp nhưng chính nhà nước đã chọn con đường vô pháp vô luân để đạt ý đồ sai trái thì người không còn gì để nói. Đạo Đức xã hội xuống cấp cũng chính là do nhà nước chà đạp cả đạo đức và pháp luật.

Featured Posts
Recent Posts
Search By Tags
Follow Us
  • Facebook Classic
  • Twitter Classic
  • Google Classic
bottom of page