top of page

Những Bước Đầu Trong Thiết Kế Chiến Lược

Một công tác quan trọng nhưng khó khăn

Thiết lập những chiến lược sâu sắc là một trong những đòi hỏi quan trọng nhất cho một chiến dịch hữu hiệu. Một khi đại chiến lược, các chiến lược, chiến thuật, và các phương pháp đã được chọn sẵn, thì chúng phải tạo ra hướng đi tổng quát và cách điều hành của cuộc đấu tranh suốt tiến trình của cuộc xung đột.

Một chiến lược hay sẽ nhắm vào việc đạt cho được những mục tiêu của cuộc đấu tranh toàn bộ, và của những chiến dịch cá biệt, bằng cách động viên những sức mạnh của quần chúng chống lại đối phương. Trong hầu hết những cuộc đấu tranh lớn, những chiến lược khôn ngoan cũng cần phải bao gồm những phương cách phá vỡ những nguồn sức mạnh của đối phương.

Ý niệm chiến lược tổng quát – cho cả đại chiến lược lẫn các chiến lược cho những chiến dịch cá biệt -- sẽ làm rõ mục tiêu (những mục tiêu), phác hoạ cuộc đấu tranh sẽ bắt đầu như thế nào, quyết định những loại áp lực và những phương pháp nào cần được áp dụng để tranh thủ những mục tiêu dài hạn, và điều hướng các hành động nhắm đến việc đạt những mục tiêu cấp thời có thể đạt được. Các chiến lược cho những chiến dịch cá biệt cũng phải hướng dẫn làm thế nào để cuộc đấu tranh có thể bành trướng và tiến tới dù bị đàn áp, đồng thời huy động và áp dụng những nguồn lực của những người đối kháng theo những phương cách hữu hiệu.

“Thiết kế chiến lược” nghĩa là tính toán một tiến trình hành động có mục đích làm cho tiến trình này có thể đi từ hiện tại đến một hoàn cảnh tương lai mong muốn. Một kế hoạch nhằm thực hiện điều này sẽ thường gồm có một loạt những chiến dịch được chia thành giai đoạn và những sinh hoạt có tổ chức khác được thiết kế nhằm tăng sức mạnh của dân chúng phẫn uất và xã hội, và làm suy yếu đối phương.

Những chiến lược gia nên tránh những kế hoạch quá tham vọng lẫn những kế hoạch quá sức rụt rè. Hoạch định chiến lược khôn ngoan sẽ bảo đảm được sự tương tác hữu hiệu của các chiến thuật và các phương pháp cụ thể nhằm thực thi chiến lược và gia tăng cơ hội chiến thắng. Nếu muốn thay đổi từ một giai đoạn đấu tranh này qua một giai đoạn khác, và từ phương pháp này qua phương pháp khác để đạt mục đích và hiệu quả tốt, thì đòi hỏi cần phải có nhận định chiến lược rõ ràng. Các chiến lược cũng sẽ dự phóng phương cách nhằm làm cho cuộc đấu tranh trở nên thành công và làm thế nào để kết thúc cuộc đấu tranh.

Thiết lập những kế hoạch chiến lược cho việc điều hành một cuộc đấu tranh quan trọng là một công tác khó khăn và phức tạp. Chương này và hai chương tiếp theo chỉ nhằm khơi mào một sự thông hiểu cơ bản về công tác này, và cung ứng sự hướng dẫn có giới hạn cho những người thừa nhận nhu cầu về những chuẩn bị có trách nhiệm.

Bây giờ chúng tôi sẽ tập trung vào hai thành phần quan trọng trước tiên của việc thiết kế chiến lược. Thành phần đầu tiên là soạn thảo một phỏng định chiến lược để phát hiện sâu sắc hơn hoàn cảnh mà trong đó cuộc đấu tranh sẽ được xúc tiến là gì. Thành phần thứ hai là xét định những cấp chiến lược nào có thể được hoạch định mà thuận lợi cho cuộc đấu tranh.

Chuẩn Bị Một Phỏng Định Chiến Lược

Đoạn này được rút ra rất nhiều từ suy nghĩ và phân tách của Robert Helvey.

Chiến lược chỉ có thể được hoạch định trong khung cảnh của một cuộc đấu tranh nào đó và trong bối cảnh và trường hợp của cuộc đấu tranh đó mà thôi. Do đó, tất cả mọi thiết kế chiến lược đòi hỏi ở những người lập chiến lược một sự thông hiểu sâu sắc về toàn cảnh của cuộc xung đột.

ĐỊNH HÌNH CHO TƯƠNG LAI

Điều này đòi hỏi một sự lưu tâm đến bối cảnh rộng lớn của cuộc xung đột, bao gồm những nhân tố vật chất, địa lí, khí hậu, lịch sử, chính quyền, quân sự, văn hoá, xã hội, chính trị, tâm lí, kinh tế, và quốc tế. Việc tìm ra và phân tích những nhân tố này trước khi hoạch định chiến lược được biết đến như là “phỏng định chiến lược.”

Ở cấp cơ bản nhất, phỏng định chiến lược là tính toán và đối chiếu các ưu điểm và nhược điểm của nhóm đấu tranh bất bạo động và của đối phương, như được nhìn thấy trong bối cảnh xã hội, lịch sử, chính trị, và kinh tế rộng lớn của xã hội mà trong đó cuộc xung đột đang xảy ra. Phỏng định chiến lược, tối thiểu, phải bao gồm một sự lưu tâm đến những lãnh vực chủ đề như sau: hoàn cảnh xung đột tổng quát, những vấn đề tranh chấp, những mục tiêu của hai phe trong cuộc xung đột, nhóm đối phương, nhóm đấu tranh bất bạo động, những thành phần thứ ba trong cuộc xung đột, và những cân bằng về lệ thuộc giữa các nhóm tranh chấp.

Xét định các vấn đề tranh chấp và các mục tiêu

Thuộc vào tầm quan trọng bực nhất, những người lập kế hoạch chiến lược sẽ cần phải xét định những vấn đề tranh chấp đưa ra từ quan điểm của cả hai bên, của những người đối kháng tiềm năng và cả của đối phương. Những vấn đề rộng lớn như mỗi bên nhìn thấy là những vấn đề gì, và những vấn đề này quan trọng như thế nào đối với cuộc đấu tranh sắp tới?

Không phải mọi vấn đề đều ngang nhau. Vài vấn đề được một bên hay cả hai bên xem là cơ bản. Những vấn đề khác có thể được xem là ít quan trọng hơn. Quyết định các vấn đề có được bên này hay bên kia xem là những vấn đề “không thoả hiệp” được hay không, nghĩa là, những vấn đề -- dù đúng hay sai -- được tin là cơ bản đối với những người theo nhóm đó, là một vấn đề quan trọng. Những vấn đề như thế thường bao gồm những niềm tin vững chãi về bản chất của xã hội, tôn giáo, những xác tín cơ bản về chính trị của họ, hay là những điều mà họ xem như là những yêu cầu của sự sống còn của người dân.

Bản chất của các vấn đề tranh chấp và tầm quan trọng nhận thấy từ mỗi bên sẽ có một tác dụng cơ bản đối với việc thiết lập các chiến lược cho phong trào đối kháng sắp tới. Do đó, các chiến lược gia phải soạn thảo những khẳng định rõ ràng và chính xác về những vấn đề tranh chấp đưa ra trong cuộc đấu tranh, xét từ quan điểm của nhóm đối phương cũng như của nhóm đấu tranh bất bạo động tiềm năng.

Nhận chân sự khác biệt giữa những vấn đề rộng lớn của cuộc đấu tranh và những mục tiêu cụ thể của một chiến dịch cá biệt là một điều quan trọng. Các vấn đề thì tổng quát hơn. Ví dụ, trong một cuộc xung đột về lao động, những vấn đề có thể là tiền công, điều kiện làm việc, và sự kính trọng. Tuy nhiên, trong một cuộc đình công thì các mục tiêu cụ thể hơn, như là yêu cầu tăng tiền công, thực hiện một số biện pháp an toàn, đòi hỏi bảo hiểm y tế, hoặc các đề nghị bảo đảm công ăn việc làm.

Cả hai phe trong cuộc xung đột đều có không những chỉ những mục tiêu cấp thời, mà còn có những mục tiêu dài hạn có thể chưa được công bố vào lúc đó. Những người lập kế hoạch chiến lược nên thẩm định chính xác những mục tiêu của mỗi bên là gì, và những mục tiêu tranh chấp có thể hợp hay không hợp với nhau ở mức độ nào.

Hoàn cảnh xung đột tổng quát

Mọi phỏng định chiến lược đều cần phải bao gồm một sự duyệt xét chi tiết về hoàn cảnh xung đột tổng quát mà trong đó cuộc đấu tranh bất bạo động sẽ được xúc tiến. Tất cả những nhân tố gây nên một tác dụng có thể quan niệm được đối với nhóm đối phương hay đối với nhóm tranh đấu bất bạo động đều nên được xét định kĩ lưỡng. Những nhân tố này bao gồm địa thế; địa lí; hạ tằng chuyên chở; các mạng lưới thông tin; khí hậu và thời tiết; các hệ thống chính trị, tư pháp, và kinh tế trong nước hay trong một vùng, nơi xảy ra cuộc xung đột; thống kê dân số; và các loại và mức độ phân chia giai tằng xã hội và kinh tế. Những nhân tố này cũng bao gồm, hết sức là quan trọng, sự có sẵn và kiểm soát những tài nguyên kinh tế và thiết bị cho đời sống; và tình trạng của xã hội dân sự độc lập.

Xét định hoàn cảnh chính trị tổng quát cấp thời trong đó cuộc đấu tranh phải vận hành cũng là một điều quan trọng. Những phương tiện kiềm chế đặc biệt, như là thiết quân luật, và các phương tiện đàn áp khắc nghiệt khác có đang có hiệu lực hay không? Những khuynh hướng kinh tế và chính trị hiện tại là gì?

ĐỊNH HƯỚNG TƯƠNG LAI

Tình trạng và các khả năng của những bên tranh chấp

Việc hiểu biết đầy đủ và chi tiết về tất cả các phe trong cuộc xung đột sắp tới hết sức quan trọng. Một sự hiểu biết như thế phải tập trung vào những khả năng thực sự, thay vì chỉ vào những khẳng định về dự tính của mỗi bên, hay là vào những giả định đơn giản về tình trạng của mỗi phe. Phỏng định chiến lược là một tài liệu kế hoạch nội bộ, chứ không phải là một khí cụ tuyên truyền. Những nhận định không chính xác hoặc thổi phồng về ưu, khuyết điểm của các phe tranh chấp sẽ đưa đến những chiến lược thiếu khôn ngoan và có thể ngay cả đưa đến kết quả thất bại.

Nghiên cứu thống kê dân số về những người ủng hộ và những cảm tình viên của mỗi bên rất quan trọng. Việc nghiên cứu này cần phải bao gồm tuổi tác, giới tính, tỉ lệ biết chữ, chuẩn mực giáo dục, tỉ lệ tăng trưởng dân số, phân phối địa lí, giai tằng kinh tế xã hội, và các nhân tố khác như thế. Có có những lằn ranh địa lí, văn hoá, sắc tộc hay kinh tế phân chia hai bên hay không?

Biết được những gì về những “hệ thống” chính trị, xã hội, văn hoá và kinh tế mà trong đó mỗi bên đang sinh hoạt là một điều quan trọng. Những hỗ trợ cho các hệ thống này là gì, và những hỗ trợ này độc lập đối với, hay lệ thuộc vào, phe bên kia đến mức độ nào? Những hỗ trợ cho các hệ thống này có độc lập với cơ cấu Nhà Nước hay không? Chính cơ cấu Nhà Nước có bị đối phương kiểm soát và sử dụng hay không, hay là cả hai bên đều độc lập với Nhà Nước?

Cũng cần phải lưu ý đến việc xác định những nguồn sức mạnh của đối phương, và những cơ chế phục vụ như là những “cột trụ chống đỡ” 3 cho đối phương bằng cách cung ứng những nguồn sức mạnh nầy. Những cột trụ chống đỡ là những cơ chế và những khu vực của xã hội cung cấp cho chế độ (hay bất cứ một nhóm nào khác sử dụng quyền lực) những nguồn sức mạnh cần có để duy trì và bành trướng khả năng quyền lực của mình. Các thí dụ bao gồm những vị lãnh đạo tinh thần và tôn giáo cung ứng uy quyền và chính danh; các nhóm lao động, kinh doanh, đầu tư cung ứng những tài nguyên kinh tế và các nguyên liệu; công chức, các nhà quản trị, chuyên viên bàn giấy, các chuyên viên kĩ thuật cung cấp nhân lực và các kĩ năng chuyên biệt; cảnh sát, các nhà tù, và các lực lượng quân đội cung ứng khả năng áp dụng các hình phạt (bao gồm đàn áp) chống lại dân.

Đòi hỏi cần phải có một sự duyệt lại tương tự như thế đối với nhóm đấu tranh bất bạo động và “nhóm khiếu nại” rộng lớn hơn (được định nghĩa như là tập thể dân chúng rộng lớn phải chịu khổ cực vì các chánh sách và hành động của nhóm đối phương và nhân danh nhóm này mà cuộc đấu tranh có thể tiến hành). Đâu là những nguồn sức mạnh của những nhóm này, và đâu là những cơ chế phục vụ như là những “cột trụ chống đỡ” cho họ?

Một phần của tiến trình thiết kế chiến lược, dựa trên cơ sở của những thông tin này, sẽ là quyết định, bằng cách nào tốt nhất, tăng sức mạnh cho (hoặc tạo nên) những cột trụ chống đỡ cho nhóm đấu tranh bất bạo động trong lúc đồng thời xói mòn những cột trụ chống đỡ của đối phương.

Thẩm định “sức mạnh đấu tranh” của mỗi bên, và đối chiếu với nhau cũng quan trọng. Đối với đối phương thì biết được tầm mức và độ tin cậy của cơ cấu hành chánh, khả năng quân sự, các lực lượng cảnh sát và tình báo, cũng như mức độ hỗ trợ mà họ có được từ dân chúng và các cơ chế của họ, sẽ rất quan trọng. Cũng thiết yếu là việc xác định được các nhược điểm và các yếu huyệt của nhóm đối phương. Nhóm thống nhất như thế nào? Có những tranh giành quyền lực và các cạnh tranh giữa các cấp lãnh đạo hay không? Có những tổ chức hay những cơ chế nào thường hỗ trợ nhóm đối phương nhưng có thể được nhắm đến như là mục tiêu có thể chuyển đổi sự trung thành hay phá vỡ tổ chức hay không?

Đối với những người đối kháng thì biết được khả năng của họ trong việc xúc tiến cuộc đấu tranh bất bạo động là điều quan trọng. Điều này bao gồm kiến thức của họ về kĩ thuật này, kinh nghiệm của họ đối với loại đấu tranh này, và sự đầy đủ và bản chất của các chuẩn bị của họ. Mức độ hỗ trợ hiện tại và tiềm năng mà những người đối kháng nhận được từ nhóm khiếu nại nói chung ở mức độ nào? Sự hỗ trợ mà những người đối kháng tiềm năng nhận được từ những nhóm, những cơ chế, và các mạng lưới liên lạc khác trong dân chúng là hỗ trợ gì? Hỗ trợ nào trong số những hỗ trợ này thực sự có thể giúp ích được? Có những tranh chấp nội bộ quan trọng không, như là cạnh tranh, tranh giành quyền lực, hay tranh cãi về ý thức hệ, trong hàng ngũ hay giữa những khu vực của tổng thể nhóm khiếu nại hay là nhóm đấu tranh bất bạo động hay không?

Còn những câu hỏi khác cũng quan trọng. Đối phương nhận được bao nhiêu hỗ trợ từ các đồng minh nội bộ và từ bên ngoài? Những đối thủ tương lai hiểu đấu tranh bất bạo động được bao nhiêu? Thiện cảm và sự hỗ trợ thực sự hay tiềm năng có thể hiện trong tập thể dân chúng đối kháng không? Vai trò của những nhân tố xã hội, giai cấp, chủng tộc, và tôn giáo là gì?

Làm sao nhóm đối kháng tiếp cận thông tin? Ai là những đồng minh nội bộ và bên ngoài? Họ có được sự đoàn kết xã hội nội bộ và hỗ trợ đến mức độ nào? Những tài nguyên kinh tế của họ là gì? Chiều sâu của kĩ năng chiến lược của họ là gì? Sự thành thạo của những người lập chiến lược và của những người lãnh đạo đạt đến mức độ nào? Sự thành thạo chiến lược được tập trung vào một nhóm lãnh đạo, hay là ngược lại được phân tán vào tập thể dân chúng của những người đối kháng tương lai? (trường hợp sau này thường là hiếm). Có những đe doạ đối với sức mạnh tổ chức của những người đối kháng hay không?

Những thành phần thứ ba

Thẩm định vai trò của các thành phần thứ ba đối với mỗi phe trong cuộc xung đột là gì cũng là một điều quan trọng. Những vai trò tiềm năng này có thể bao gồm phụ trợ về giao tế công cộng, cung ứng những hỗ trợ và áp lực ngoại giao, cung cấp tài trợ, áp dụng những áp lực kinh tế, và cung ứng hỗ trợ giáo dục và kĩ thuật cho mỗi bên. Những thành phần thứ ba cũng có thể cung ứng hỗ trợ cho cảnh sát và quân đội (thường thì không hỗ trợ cho nhóm đấu tranh bất bạo động), cung cấp các khu an toàn, và giúp phổ biến kiến thức đấu tranh bất bạo động. Có được thông tin chính xác và những dự phóng hợp lí về ai là những thành phần thứ ba tiềm năng và những sinh hoạt có thể có của họ là gì trong suốt tiến trình của cuộc đấu tranh sắp tới sẽ rất hữu ích cho những chiến lược gia đối kháng.

Những cân bằng về lệ thuộc

Một phỏng định chiến lược đúng đắn phải xét đến “những cân bằng về lệ thuộc” đang có giữa các phe tranh chấp. Đối phương kiểm soát được hay có thể kiểm soát được các tài nguyên kinh tế và các thiết bị cho đời sống – như nhiên liệu, nước uống, thực phẩm, v.v., của nhóm đối kháng tương lai đến mức độ nào? Cũng như thế, nhóm đấu tranh bất bạo động kiểm soát được hay có thể kiểm soát các tài nguyên kinh tế và các thiết bị cho đời sống của đối phương đến mức độ nào? Điều này sẽ phát lộ mức độ lệ thuộc thực sự hoặc tiềm năng của nhóm này vào nhóm kia để thoả mãn những nhu cầu đã được minh định. Điều này có thể rất quan trọng trong những cuộc đấu tranh bất bạo động, và thường cũng giúp quyết định những phương pháp nào có thể hữu hiệu nhất khi vạch kế hoạch cho cuộc đấu tranh.

Khi nào xuất phát cuộc đấu tranh

Những nhân tố cụ thể được trình bày trên đây chỉ là một chọn mẫu của các loại nhân tố cần phải được xác định trong một phỏng định chiến lược trước khi lập kế hoạch chiến lược. Một khi đã được hoàn thành, phỏng định chiến lược về hoàn cảnh xung đột và về những khả năng của các bên tranh chấp sẽ được dùng như là bối cảnh cho việc thiết lập một đại chiến lược cho nhóm đấu tranh bất bạo động và cho việc thiết lập những chiến lược cụ thể của những chiến dịch cá biệt.

Nếu sự phỏng định chiến lược phát hiện là nhóm đấu tranh bất bạo động yếu hơn là được đòi hỏi cho một cuộc đấu tranh quan trọng với những đối phương tương lai, thì lúc đó nhóm không nên phát xuất một cuộc đấu tranh đòi hỏi nhiều sức mạnh. Không có gì thay thế cho, hay không có một con đường tắt nào đi đến, sức mạnh của một phong trào đấu tranh bất bạo động được. Nếu nhóm đang yếu hơn là mong muốn thì, hoặc là hành động tiên khởi phải mang những hình thức giới hạn có thể hữu hiệu mà không cần sức mạnh nhiều (sẽ được bàn thêm sau này), hay là hành động nhiều tham vọng hơn phải nên được triển lại cho đến khi nhóm mạnh hơn. Rõ ràng là những nỗ lực chính yếu cần phải được tập trung vào việc tăng sức mạnh cho dân chúng chủ yếu đang bị ảnh hưởng bởi những khiếu nại và vào việc phát huy khả năng tiến hành một cuộc đấu tranh hữu hiệu.

Sự phỏng định chiến lược là điều làm cho điểm này, cũng như những quyết định khác sẽ gặp phải trong cuộc đấu tranh, được rõ ràng hơn. Tuy nhiên, dù hết sức quan trọng, phỏng định chiến lược không phải là vấn đề duy nhất cần xét đến khi lập kế hoạch chiến lược. Hiểu biết thấu đáo và có chiều sâu về kĩ thuật đấu tranh bất bạo động thuộc vào loại quan trọng bậc nhất. Những nhân tố liên hệ khác cũng đòi hỏi phải được lưu ý suốt tiến trình lập kế hoạch để làm cho cuộc đấu tranh bất bạo động càng hữu hiệu càng tốt. Nhiều chỉ dẫn trong số những chỉ dẫn về chiến lược sẽ được bàn đến ở Chương Ba Mươi Bảy.

Đây là những trích đoạn trong cuốn Tiến Hành Đấu Tranh Bất Bạo Động (Waging Nonviolent Struggle) của GS. Gene Sharp dành cho độc giả của cuốn Tự Giải Phóng (Self-Liberation) cũng của GS. Gene Sharp. Bản Việt ngữ do GS. Nguyễn văn Thái chuyển ngữ

https://www.aeinstein.org/wp-content/uploads/2014/05/TI%E1%BA%BEN-H%C3%80NH-%C4%90%E1%BA%A4U-TRANH-BB%C4%90.pdf

Featured Posts
Recent Posts
Search By Tags
Follow Us
  • Facebook Classic
  • Twitter Classic
  • Google Classic
bottom of page