top of page

THƯ NGỎ GỞI ANH CHỊ EM NẠN NHÂN NGÀY CHÚA NHẬT MÁU 17-06-2018 TẠI SÀI GÒN

Anh Chị Em Lương dân và Giáo dân thân mến,

Lá thư ngỏ này được gởi tới Quý Anh Chị Em, theo nguyên tắc, từ các lãnh đạo Công giáo thuộc Tổng Giáo phận Sài Gòn, nơi mà vào hôm Chúa nhật 17-06-2018, hơn 200 Anh Chị Em lương giáo lớn nhỏ đã bị đủ thứ lực lượng an ninh, cảnh sát và côn đồ (đa phần thường phục và bịt mặt) ngang nhiên chặn bắt giữa đường, nơi công viên, trong quán café, hung bạo tống lên xe chở về Sân Tao Đàn, quận 1, chỉ vì nghi Anh Chị Em chuẩn bị biểu tình phản đối Luật Đặc khu Kinh tế và Luật An ninh mạng, như hàng vạn đồng bào hôm Chúa nhật 10-06 trước đó.

Tại Sân Tao Đàn, Anh Chị Em đã bị lực lượng công an đông đảo, đằng đằng sát khí ấy lục soát túi xách, tước đoạt điện thoại, buộc trưng giấy tờ (có người bị cướp tư trang tiền bạc), bắt khai mật khẩu iPhone, hạch hỏi đủ thứ chuyện, đặc biệt dựa vào thông tin cá nhân trong điện thoại, làm một hồ sơ hình sự cho mỗi người như kiểu tội phạm. Thấy vô lý và phi pháp, nhiều Anh Chị Em gan dạ đã bất hợp tác, từ chối trả lời, quyết không theo lệnh, liền bị chửi bới, bạt tai, đấm đá tàn độc. Có người sưng phù đôi má, bị đập gãy răng, thậm chí bị đánh đến bất tỉnh, chấn thương sọ não, phải đưa vào bệnh viện… Có người nay còn bị giam giữ với cớ “tụ tập gây rối” ?!? Ai đứng lên bênh vực các nạn nhân thì bị thóa mạ, bị gọi bằng “mày tao” dù đáng tuổi cha mẹ đám công an côn đồ, bị dùi cui vụt tới tấp vào mặt… Quả là “một địa ngục trần gian giữa ngày Chúa nhật máu, với bầy quỷ đội lốt người”, như một số Anh Chị Em nhận xét qua những bài tường trình bi thảm đăng lên mạng toàn cầu mà chắc chắn sẽ lưu vào hồ sơ tội ác của chế độ Cộng sản, chờ ngày nhân dân lôi ra trước công lý những kẻ chỉ đạo lẫn những kẻ thừa hành vốn đã và đang coi dân như thù địch.

Lá thư này được viết do sự thôi thúc của lương tâm con người, tình nghĩa đồng bào, ý thức bổn phận lãnh đạo tinh thần, nhất là do lời dạy từ Thầy Chí Thánh của chúng tôi, Đức Giê-su Ki-tô, vị sáng lập đạo Công giáo.

Người đã từng phán trong sách Tin Mừng theo thánh Mát-thêu chương 5 câu 11: “Phúc thay ai bị bách hại vì lẽ công chính, vì Nước Trời là của họ”. Xin được giải thích: theo đức tin Công giáo, Nước Trời là cộng đoàn của những ai tin kính Thiên Chúa. Đó là Thiên Đàng trong tương lai và Giáo hội trong hiện tại. Câu nói trên của Đức Giê-su là một lời hứa: Hỡi những ai bị bách hại vì lẽ công chính, bị bạo quyền đàn áp tàn hại (như trường hợp của Anh Chị Em) thì chớ nghĩ rằng mình vô phúc, vì có Giáo hội đứng ngay bên cạnh họ, về phía họ, bênh vực họ, cứu giúp họ.

Thầy Chí Thánh của chúng tôi còn ra một dụ ngôn để cảnh báo tín đồ, đó là dụ ngôn Người Sa-ma-ri nhân hậu trong Tin Mừng theo thánh Lu-ca chương 10 câu 29-37. Dụ ngôn kể rằng có một người Do thái đi từ thánh đô Giê-ru-sa-lem xuống thành Giê-ri-cô, giữa đường bị một bọn cướp chặn lại, tước đoạt, đánh nhừ tử, bỏ nằm bên vệ đường. Tình cờ có một thầy tư tế (tương đương với Giám mục, Linh mục thời nay) rồi một thầy Lê-vi (tương đương với tu sĩ) đi ngang qua mà không dừng lại, bỏ mặc nạn nhân chẳng cứu. Có thể vì họ phải đi gấp lên đền thờ Giê-ru-salem để kịp thờ phượng Chúa, có thể vì sợ dừng lại giúp đỡ thì chính mình cũng sa vào tay bọn cướp còn lẩn quất đâu đây, có thể vì thói khinh thường đám thảo dân vô danh xa lạ… May thay, cuối cùng có một người Sa-ma-ri, vốn bị dân Do thái coi là ngoại chủng và thù địch, dừng lại cứu giúp nạn nhân, đưa đến quán trọ và hứa trả mọi chi phí chữa trị cho kẻ mà ông ta chỉ biết đó là một đồng loại bất hạnh.

Có lẽ Anh Chị Em thắc mắc làm sao chúng tôi, giữa bao công việc bề bộn, nào là xây dựng tu sửa nhà thờ (như vài người có thể thấy khi đi ngang qua Thánh đường Đức Bà S), nào là tổ chức lễ hội (chúng tôi đang có nhiều lễ hội trong Năm thánh Tôn vinh học hỏi các Tử đạo Công giáo, những vị đã dám sống chết vì đức tin, công lý và sự thật), nào ra đi ra ngoại quốc làm việc mục vụ (đạo sự) đủ kiểu, lại chịu khó bỏ giờ viết thư an ủi nạn nhân, tố cáo tội ác, phản đối cường quyền, thăm viếng những kẻ bất hạnh. Đó cũng chỉ vì theo gương Thầy Chí Thánh của chúng tôi.

Người từng nói trong Tin Mừng Lu-ca chương 4 câu 13 đến câu 18: “Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo khó,… công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, (đòi) trả lại tự do cho người bị áp bức”. Nghèo khó thì có nhiều loại: nghèo vật chất: vì không đủ cơm ăn áo mặc; nghèo văn hóa: vì không có cơ hội học hành; nghèo tình thương: vì không được mến thương thông cảm; nghèo chân lý: vì không được cho biết sự thật lẽ phải… và cuối cùng là nghèo nhân quyền: vì bị bạo quyền chà đạp phẩm giá, bôi nhọ danh dự. Anh Chị Em có nghĩ rằng đây mới là sự nghèo khó thê thảm nhất và là hạng người nghèo khó đáng thương nhất không, vì họ vừa khổ vừa nhục? Chúng tôi thường cứu giúp các bần dân, bệnh nhân, nạn nhân thiên tai, chẳng lẽ lại không cứu giúp Anh Chị Em là các nạn nhân của cường quyền?

Còn một lý do nữa để chúng tôi quan tâm và bỏ giờ đến với Anh Chị Em, đó là vì Đức Giê-su có dạy về phận sự của mục tử trong Tin Mừng Mát-thêu ch.18, c.12-13 như sau: người mục tử có 100 con chiên nhưng một con đi lạc, thì sẽ bỏ lại 99 con đang bình yên để đi tìm con chiên lâm nạn. Tất cả Anh Chị Em, dù lương hay giáo, nhưng sống ở Sài Gòn thì đều nằm trong địa bàn của Tổng giáo phận chúng tôi, nên chúng tôi thấy có bổn phận đối với Anh Chị Em lúc này, mà chúng tôi coi như những con chiên lâm nạn cần phải cứu giúp.

Đức bác ái mục tử, trái tim của một lãnh đạo tinh thần khiến chúng tôi cảm thấy như chính nỗi đau của mình khi đọc những lời sau đây:

“Tôi chưa bao giờ thấy cảnh đàn áp người như vậy. Họ coi chúng tôi như tội phạm. Lúc ấy vừa xong lễ sớm, khoảng 7:45. Tôi vừa đi ra ngoài Nhà thờ Đức Bà, đang đứng cầu nguyện trước tượng Đức Bà thì bốn người mặc thường phục ập đến túm cổ áo tôi. Tôi la lên thì họ bạt tai rồi lôi lên xe. Lúc tôi đến mới có 10 người, bị đẩy vào một phòng nhỏ. Ở đó tôi gặp anh Trịnh Toàn và vợ là chị Loan. Ít nhất có 10 người bị đánh. Quần áo rách tả tơi, mặt bầm tím. Nhưng nặng nhất vẫn là anh Toàn cùng vợ. Rồi sau đó xe bus tới, mang theo cả trăm người, có cả trẻ em. Khu nhà trở nên hỗn loạn chưa từng có. Trong dãy nhà đó, có một phòng nhỏ. Anh Toàn bị lôi và đánh trong đó. Anh kêu 'Mọi người ơi cứu tôi với' rất thảm thương, mặt anh đầy máu. Chúng tôi ở bên ngoài kêu gào: 'Anh ấy là người Việt, không phải Trung Cộng, đừng đánh anh ấy'... thì một toán công an cầm dùi cui tới trấn áp, lôi mọi người ra ngoài. Tôi hỏi sao họ chửi bới người bằng tuổi cha chú họ, họ bạt tai. Họ yêu cầu tôi cởi chuỗi Mân côi trên người, tôi không chịu, họ cho một bạt tai. Tôi bị giam ở đó 18 tiếng. Tôi từng tham gia một số cuộc biểu tình trước đó, nhưng tôi chưa bao giờ chứng kiến cảnh đàn áp người Công giáo như vậy. Họ coi chúng tôi như tội phạm!” (Lời cô Nguyễn Thị Ngọc Lụa, một giáo dân tân tòng nói với BBC sáng 18-06).

“Chúng tôi bị khám xét giỏ xách, khám xét người và lăn tay, chụp hình kèm với tấm giấy ghi tên và nơi ở như 1 tội phạm. Cảnh sát tịch thu điện thoại, mọi thứ mang theo và không cho liên lạc với gia đình. Chúng tôi hoàn toàn bị cô lập và không có quyền công dân để gọi điện về báo cho gia đình người thân của chúng tôi với hơn 12 tiếng bị bắt bớ vô lí của cảnh sát. Người bắt tôi là 1 nhóm thanh niên cao to mang bộ đàm và như xã hội đen/giang hồ không mặc đồng phục; 3, 4 thanh niên cao to đã lôi kéo tôi từ trong quán cafe Highland khu vực Diamond, nhấc bổng 2 chân và khiêng tôi ra 1 xe 7 chỗ như 1 con vật trước sự chứng kiến của nhiều người…Trên xe có 1 người lái và 2 thanh niên áp giải… và 2 tên này xém đánh tôi khi tôi hỏi: các anh đưa tôi đi đâu???

“Như phim hành động bắt cóc, trên xe tôi nghe họ nói với nhau là chở về Tao Đàn… Ở đây đa số người ta bị bắt bởi 1 lí do: ra “khu nhạy cảm” họ đi 1 mình, đi 2 vợ chồng, đi 2 cô cháu, đi với bạn... ngồi quán cafe, bưu điện và thậm chí có cô từ nhà thờ đi lễ ra nhìn dáo dác cũng bị bắt, 1 thanh niên chụp hình chim bồ câu cũng bị bắt, 1 chú đi uống cafe trong 1 quán bên hông Bưu điện thành phố cũng bị bắt, do chú ngồi gần một chú khác chụp ảnh, quay phim trên đường... đi đơn lẻ không có tụ tập đám đông, không có dấu hiệu gì biểu tình. Cảnh sát quy chụp tội danh, xưng mày tao với người lớn tuổi, với phụ nữ... nói những lời thô thiển rất khó nghe. Và khi cảnh sát hỏi cung người dân về 2 dự luật Đặc khu và luật An ninh mạng, họ bảo có biết gì chưa mà xuống đường biểu tình. Nếu dân cố gắng phân tích, giải thích theo ý mình nghĩ thì sẽ bị nạt nộ và cho rằng nghĩ sai, hiểu sai, chống đối...

“Người dân bị bắt hết thảy thỉnh thoảng nghe tiếng la hét từ 1 phòng cách ly gần đó và dân yêu cầu cảnh sát cho xem người vì sợ họ bị đánh tới chết, nhưng họ không cho xem, bảo mọi người ngồi xuống... họ giải thích đó là tiếng la từ 1 phòng tập võ… Vài người dân đã khóc cầu xin công an đừng đánh dân... nhìn cảnh rất đau lòng. Trong phòng cách ly trước đó lúc 9h sáng, khi tôi mới bị bắt vào để khám xét người, giỏ xách, tôi thấy khu vực bên trong này có vài cảnh sát mặc quân phục, vài nữ không mặc quân phục đang làm việc với 1 cặp nam nữ và 1 cô mặc đồ jean. Cô mặc đồ này hình như không chịu lăn tay, không chịu khai báo tên nên đã bị đánh. Tôi có thấy một bên quai hàm cô ấy sưng sưng… Cặp nam nữ bị bắt trước tôi, tôi không biết họ là gì của nhau nhưng tôi thấy người thanh niên nằm bất động trên sàn và từ xa xa tôi thấy trên trán người thanh niên này có sưng phồng 1 cục cực to trên trán… Họ đã bị cô lập trong phòng đó mãi đến gần chiều tối tôi mới thấy người thanh niên được khiêng ra nhưng nằm bất động dưới đất và đợi băng ca”. (Facebooker Nguyễn Mai, 18-06-2018)

“…Vào khoảng 1h chiều chủ nhật 17-6, em rời nhà ra quận 1 chơi. Khu trung tâm Sài Gòn chưa bao giờ đông công an và dân phòng như thế. Vỉa hè, quán cafe đầy nghẹt những tốp công an áo xanh, dân phòng đeo băng đỏ, và những thanh niên cao to, mặt mày hung dữ. Họ bắt người liên tục; gần như cứ thấy ai cầm điện thoại đi ngang là xông vào bắt. Thậm chí họ vào tận quán cafe để khám xét giấy tờ và lôi khách ra ngoài, bắt đem đi. Không khí ngột ngạt, căng thẳng. Chưa bao giờ em thấy Sài Gòn căng thẳng như thế. Như thời chiến, với toàn xã hội là một trại lính, công an trộn lẫn với dân và có thể toàn quyền chặn bắt, khám xét giấy tờ, hốt về đồn bất kỳ ai.

“Em ghé quán cafe mua một ly đem đi, rồi vào phố sách. Đường sách hôm nay hình như không hoạt động. Em đi được vài mét thì bị một nhóm công an chặn lại; có lẽ họ đã “tia” được em từ lúc nào không hay. Họ hỏi giấy tờ. Xui cho em là em chỉ tính đi cafe nên không mang giấy tờ gì theo. Họ quát bảo em gọi người thân mang giấy đến. Em cầm điện thoại gọi về nhà, chỉ vừa nói được câu “con bị bắt”, thì một người đã chộp lấy và giật tung điện thoại khỏi tay em. Em kêu lên, nhưng cả đám đẩy em vào xe, phóng đi. Chúng đưa em vào một khu nhà tập ở sân Tao Đàn. Xung quanh la liệt người, già trẻ nam nữ, có cả mấy cô gái áo dài, chắc là hướng dẫn viên du lịch. Sau này em mới biết, hôm đó công an Thành phố đã bắt tới 179 người, gom về Tao Đàn. Trong số đó, có cả khách du lịch, hướng dẫn viên, và những bác già đi tập thể dục. Tất cả đều bị bắt, và kinh khủng hơn, đều bị đánh.

“Chúng đưa em vào một căn phòng, moi điện thoại em ra, hất hàm: “Mật khẩu?”. Em đáp: “Sao các anh lấy điện thoại của tôi?” – “Bốp” – câu trả lời là một cú đấm thẳng vào mặt em. Sau đó là liên tiếp những cái tát. Em vẫn không đưa mật khẩu. Chúng nắm tóc, dúi đầu em xuống mặt bàn, đấm tới tấp vào hai mang tai. Rồi chúng bảo nhau rằng thằng này bướng, mang nó qua phòng kia. Thì ra cả phòng em chỉ có mình em không khai mật khẩu điện thoại cho chúng, nên chúng “sàng lọc”, đưa đối tượng cứng đầu sang phòng riêng để tiện bề tra khảo.

“Ngay sau đó, khi đưa em sang một căn buồng khác, chỉ còn mình em, chúng xông vào ra đòn ngay. Hai chục thanh niên cao to, cả sắc phục và thường phục, vây lấy em, đánh hội đồng bằng dùi cui, gậy và tất nhiên, chân tay. Em ngồi bệt trên sàn, co người lại, hai tay ôm đầu. Hai thằng bèn bẻ tay em ra sau, để cho đám còn lại đấm như mưa vào mặt. “Đù má, lì hả mày?” – chúng vừa đánh vừa chửi. Chúng cho gọi mấy kỹ thuật viên vào phá password. Trong lúc kỹ thuật viên làm việc, khoảng 15-20 phút, chúng đánh em không ngơi tay. Có mấy an ninh nữ rất xinh gái cũng bạt tai em liên tục đến độ em chỉ còn thấy trước mắt một màu nhờ nhờ trắng. Một lão an ninh già, khoảng ngoài 60 tuổi, vụt dùi cui rất dữ. Nghĩa là đánh em có đủ thành phần an ninh, nam phụ lão ấu.

“Rồi kỹ thuật viên cũng phá được khoá máy (iPhone 5s), và đám an ninh hả hê: “Đù, mày tưởng ngon hả, tưởng tụi tao không mở được điện thoại mày hả?”. Chúng còng tay em lại, đánh càng dữ hơn, vừa đánh vừa “điều tra” về từng người trong contacts của em. “Thằng này là thằng nào?”. “Là bạn Facebook của tôi”. “Mày gặp nó chưa? Làm gì?”. “Tôi gặp uống cafe”. “Gặp đâu, hồi nào?”. “Tôi không nhớ”. “Đù má, không nhớ này. Không nhớ này”. Cứ mỗi từ “không nhớ” hay “không biết” mà em nói, chúng lại lấy gậy sắt dộng mạnh vào hai bàn chân em. Mu bàn chân em sưng phồng lên, mặt em chắc cũng vậy. Một thằng túm tóc kéo giật đầu em ra, và chúng phun nước miếng vào mặt em. “Tao ghét cái từ không biết hay không nhớ lắm nha. Mày còn nói mấy từ đó nữa, tao còn đánh”. (FB Nhà báo Phạm Đoan Trang viết lại theo lời kể của nạn nhân, 19-06-2018) Anh Chị Em lương giáo, nạn nhân của Chủ nhật máu 17-06-2018 thân mến Trên đây chỉ là vài câu chuyện tiêu biểu mà chính Anh Chị Em là các nhân vật chính. Dĩ nhiên còn nhiều và sẽ còn nhiều chứng từ nữa. Hầu như tất cả đều toát lên lòng căm ghét đối với chế độ độc tài tàn ác, nỗi ghê tởm đối với các hành động phi nhân, nhưng không có lòng thù hận đối với những công cụ của bạo lực. Xin cảm ơn Quý Anh Chị Em vì những chứng từ sống động và bất hủ này.

Chúng tôi, và có lẽ mọi người dân Việt thấm nhuần văn hóa nhân bản của Dân tộc, đều không muốn nuôi lòng thù hận với ai, vì sẽ mất bình an tâm hồn và giảm ý nghĩa cuộc sống. Nhưng các lãnh đạo đảng Cộng sản VN, bị ám ảnh bởi mục tiêu giữ vững quyền lực, bị đầu độc bởi não trạng dùng bạo lực như phương tiện tối ưu, đang coi nhân dân chúng ta như kẻ thù. Họ đã ra đủ thứ luật để khép chúng ta vào vòng nô lệ: Hiến pháp theo cương lĩnh đảng để đảng muôn năm và độc quyền cai trị; Luật Đất đai để thu mọi tài nguyên quốc gia vào tay đảng và để dễ dàng chiếm đoạt ruộng vườn của dân; Luật Giáo dục để làm băng hoại tâm hồn và đánh gục ý chí thế hệ trẻ; Luật Báo chí để đầu độc trí óc dân chúng và lèo lái công luận; Luật Tín ngưỡng tôn giáo để công cụ hóa các Giáo hội; Luật An ninh mạng để nắm hết mọi dữ liệu của người dùng internet tại VN ngõ hầu bịt miệng, che mắt nhân dân để đảng tha hồ làm tội ác đối với đồng bào và Đất nước mà không sợ bị phát giác hay phản đối; Luật Đặc khu kinh tế để mở rộng cửa cho ngoại thù xâm lược Bắc phương. Họ đã và đang gây ra cái chết cho hàng triệu người dân kể từ khi đảng lên nắm quyền, và tiếp tục giữ quyền bằng vô số hành động đàn áp đủ kiểu như họ hiện làm mỗi ngày trên Tổ quốc chúng ta.

Tuy thế, chúng tôi, các lãnh đạo tinh thần Công giáo và mọi tín đồ Công giáo vẫn yêu thương người Cộng sản theo lời Chúa dạy. Nhưng xin Anh Chị Em khoan vội hiểu lầm.

Chúng tôi không yêu thương người CS bằng cách im lặng để họ muốn làm gì trên đất nước này thì làm; bằng cách mời họ ăn nhậu, biếu họ của cải, để họ chẳng động đến cuộc sống và việc làm của chúng tôi, để họ dễ dàng ký giấy phép cho chúng tôi xây dựng cơ sở, tổ chức lễ hội, đi ra nước ngoài. Chúng tôi không yêu thương người CS bằng cách thỏa hiệp với họ để họ hỗ trợ chúng tôi trong việc thăng quan tiến chức trong Giáo hội…

Yêu thương ai là cho người đó cái họ đang thiếu. Những người Cộng sản đang cai trị đất nước chúng ta thiếu ba điều rất quan trọng: sự thật, lẽ phải và tình thương. Chủ nghĩa và chế độ cộng sản đã dạy họ cũng như đã giúp họ chiếm đoạt quyền lực chính trị và giữ vững quyền lực đó bằng bạo hành, dối trá và hận thù, qua những bộ luật và hành động thực tiễn như nói trên. Điều này không cần chứng minh nhiều. Họ dạy cho nhau, cho con cái, cho quốc dân và nói với quốc tế vô số điều không đúng sự thật. Họ gieo gian dối, tạo nên hoang mang, thúc đẩy nghi ngờ giữa xã hội, bịt miệng những ai dám sống ngay nói thẳng, để dễ bề cai trị. Nghĩa là ngang nhiên xuyên tạc sự thật. Đàng khác, họ không từ chối bất cứ phương tiện bạo lực nào, từ sách nhiễu, hăm dọa, cản trở, hành hung đến tước đoạt, bắt bớ, bỏ tù, thủ tiêu, lên án tử… miễn là có lợi cho sự cai trị của đảng. Nghĩa là ngang nhiên chà đạp công lý. Họ luôn tạo một hay nhiều kẻ thù nào đó cho nhân dân, gieo căm hờn chia rẽ từ trong mỗi gia đình ra tới ngoài xã hội, giữa lòng các tổ chức mà họ muốn phá hủy. Hậu quả là đất nước và xã hội chúng ta hôm nay ngập tràn dối láo và lường gạt, bạo lực và đàn áp, dửng dưng và thù hận, kéo theo những suy thoái về kinh tế, văn hóa, môi sinh và quốc phòng…

Những người Cộng sản đang đứng trước nguy cơ bị nhân dân lật đổ bằng bạo lực và trả thù cách khốc liệt (như nhiều nước bên Đông Âu trước đây). Dưới nhãn quan đức tin Công giáo, họ đang đối diện với sự trầm luân đời đời, án phạt vĩnh cửu bởi bàn tay Thiên Chúa.

Chúng tôi yêu thương họ, phải cứu họ khỏi những hiểm họa khôn lường đó bằng cách nói cho họ nghe sự thật, nhắc cho họ biết lẽ phải và giúp cho họ sống tình thương. Nhưng với những tay độc tài đảng trị và vô thần duy vật, điều này không phải dễ dàng. Thậm chí chúng tôi phải trả giá đắt. Như Đức Hồng y Trịnh Như Khuê, Đức Giám mục Phạm Văn Dụ bị quản thúc mấy chục năm trời. Như Đức Hồng y Nguyễn Văn Thuận phải lãnh 13 năm tù ngục và quản thúc. Như Đức Tổng Giám mục Nguyễn Kim Điền và Đức Giám mục Phạm Ngọc Chi bị đầu độc (vị thì chết, vị thì điên). Như Đức Tổng Giám mục Ngô Quang Kiệt bị đẩy ra khỏi ngai tòa Hà Nội. Như Đức Giám mục Hoàng Đức Oanh thì bị hành hạ qua các linh mục dưới quyền… Nhưng trong Công giáo chúng tôi, chữ “chứng nhân” và “tử đạo” đều xuất phát cùng một từ: martyr !!!

Với nhiều nhân chứng và tư liệu liên quan đến cuộc đàn áp tập thể khốc liệt hôm chủ nhật 17-06-2018 vừa rồi tại Sài Gòn, có người đề nghị những nạn nhân bị bắt và bị đánh đập nên đồng lọat khởi kiện lực lượng an ninh của đảng CSVN ra tòa án cả trong nước lẫn quốc tế. Chúng tôi hoàn toàn tán đồng ý kiến đó. Phần mình, chúng tôi sẽ gởi tuyên bố phản đối nhà cầm quyền địa phương.

Trước mắt, chúng tôi chuẩn bị đi thăm Giáo xứ và Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm, vì có thông báo là toàn bộ mảnh đất của nhà thờ và nhà dòng nằm trong quy hoạch “Đô thị Sinh thái Thông minh” của Tập đoàn Lotte vốn sẽ khởi công xây dựng từ ngày 02-09 sau khi đã san bằng tất cả. Chúng tôi cũng sẽ nhờ Tòa Giám mục Hà Nội chuyển lá thư thăm dòng Thánh Phaolô ở đường Quang Trung mà từ đầu tháng 5 đến nay đã bị cướp đất, xây nhà trước sự phản đối tuyệt vọng của các nữ tu đơn độc. Bởi lẽ chúng tôi luôn nhớ lời của Mẹ thánh Tê-rê-sa thành Calcutta: “Nghịch với bác ái là dửng dưng chứ không phải thù hận”.

Mong Chúa nhật ngày mai, 24-06 sẽ là ngày an bình hoặc là ngày khí thế cho Anh Chị Em.

Người Sa-ma-ri sao lục, 23-06-2018

Featured Posts
Recent Posts
Search By Tags
Follow Us
  • Facebook Classic
  • Twitter Classic
  • Google Classic
bottom of page