ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI CŨNG BỊ "BỊT MỒM"
Sáng nay, lúc hơn 8am, tôi còn đọc được bài cảnh báo ảnh hưởng tiêu cực của Dự luật An ninh mạng trên trang online của Thanh Niên (hình 1), tới trưa tìm lại thì không còn nữa. Bài báo dẫn lời các đại biểu Quốc hội cảnh báo, nếu được thông qua, Dự luật An Ninh Mạng có thể làm giảm 1,7% GDP và làm tăng hàng loạt giấy phép con. Tất nhiên là tăng chi phí lên rất nhiều cho nền kinh tế.
Thời Báo Kinh Sài Gòn hôm qua cũng có bài phân tích rất hay về "Ba tác động tiêu cực và lâu dài với tăng trưởng" của Dự luật An Ninh Mạng, hôm nay cũng không còn nữa (hình 2 & 3).
Nói để quý vị thấy rằng, một khi Công an đã soạn luật thì ngay khi còn là dự thảo, "mồm" của các đại biểu Quốc hội cũng có thể bị "bịt", nói chi "ngôn luận" của những người dân thế cô, thân cô.
"CHẮC NÓ CHỪA MÌNH RA"
Cho tới giờ này, chưa có một "ông lớn" nào của VN từng ăn nên làm ra trong ngành công nghệ thông tin lên tiếng về Dự luật An Ninh Mạng. Hội tin học, sáng lập bởi GS Phan Đình Diệu, và Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) của Chủ tịch Trương Gia Bình chưa hề công khai ý kiến.
Quý vị nên nhanh chóng truy cập bản Dự thảo thứ 18 để thấy rằng, Dự luật này nó đe doạ "cả làng Vũ Đại", đừng tưởng đã thành các ông lớn thì có thể trục lợi khi luật o ép những "thằng nhỏ" khác hoặc nghĩ là "nó chừa mình ra".
Với những người đang "dân tuý" bằng khẩu hiểu 4.0 như tướng Nguyễn Mạnh Hùng và PGS Trương Gia Bình thì nên nhớ là, nếu các ông "ngậm miệng" bây giờ, lịch sử sẽ coi các ông là "con buôn" chứ không còn là những người tiên phong, có ảnh hưởng với internet nữa.
LUẬT AN NINH MẠNG HAY LUẬT TUYÊN GIÁO
Hôm nay, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng - Uỷ viên thường trực Uỷ ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội - huỵch toẹt luôn trên VNExpress: "An ninh mạng nếu giải thích dễ hiểu nhất là không truyền bá, cổ súy, khai thác những nội dung chống phá Đảng, Nhà nước và làm sao để mỗi công dân có ý thức trong việc phòng chống tội phạm, bảo vệ bản thân và gia đình".
Ô hay, Uỷ ban Quốc phòng và An ninh có phân biệt được "ngôn luận" và các cuộc tấn công trên mạng khác nhau thế nào không.
"Cyber attack" là một mối đe doạ có thật thì chưa hề thấy một quy phạm ngăn chặn hữu hiệu nào được dự thảo đưa ra. Trong khi đó, "tuyên truyền chống nhà nước" là những tội danh mà Bộ Luật Hình Sự đã quy định. Khi ngồi viết Dự luật này, những người soạn thảo nghĩ rằng họ đang ở một nơi chưa có luật lệ nào chăng. Và, họ nghĩ, VN vẫn còn khoảng trống cho quyền tự do chỉ trích chính quyền - quyền mà bất cứ nhà nước nào thực sự của dân đều bảo vệ - hay sao.
Mới đây, khi ngồi với một số lãnh đạo tử tế (thật) cấp tỉnh, các vị tâm sự rằng, "Điều quan tâm nhất của chúng tôi bây giờ là phải lo giữ... ghế; nhưng không phải là cái ghế đang ngồi mà là cái ghế ở các quán cà phê vỉa hè, sau khi về hưu (vẫn dám ra ngồi đó)".
Ở Hà Tĩnh, ông Võ Kim Cự giờ không ló mặt ra đường nói chi tới càfe vỉa hè đâu ông Võ Trọng Việt - Chủ nhiệm UB Quốc phòng, An Ninh ạ.
"Tuyên truyền chống nhà nước" là một hành vi được quy định trong Bộ Luật Hình Sự. Chỉ khi có bản án có hiệu lực của Toà, một người mới bị coi là "tuyên truyền chống nhà nước".
Thưa bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp, tôi quan sát các đóng góp của bà kể từ khi bà bắt đầu đặt chân vào QH. Tôi tin bà là một người không chỉ chính trực mà còn có tư duy pháp quyền. Bà không nên dễ dàng để QH trao cho các "cán bộ công an chuyên trách" cái quyền cầm văn bản sang buộc các MXH gỡ bài hay khoá thuê bao chỉ vì các cán bộ này coi một bài viết nào đó là "tuyên truyền chống nhà nước".
"BẾ QUAN TOẢ CẢNG"
Cho dù "dữ liệu người dùng" được giữ ở đâu thì FaceBook, Google... cũng không dễ dàng gỡ các bài viết mà các viên chức của Bộ 4T hay BCA coi là "chống nhà nước". Lúc đó, VN chỉ còn cách duy nhất là thiết lập "tường lửa". "Tường lửa" là một hình thức "bế quan toả cảng". "Bế quan toả cảng" trong trong kỷ nguyên internet còn tác hại hơn nhiều so với những gì nhà Nguyễn đã làm gần hai thế kỷ trước.
Ban soạn thảo lại nhắc đến con số 300 triệu USD mà Face Book bán quảng cáo được ở VN. Tôi đồng ý rằng, Google, Face Book phải đóng thuế thì mới "fair". Nhưng, về phía chính quyền thì phải có tầm nhìn xa hơn tầm nhìn của những ông trùm "thu xâu". Cứ 10 đồng chi cho quảng cáo, các doanh nghiệp Việt sẽ có một doanh thu ít nhất là 100 đồng. Nhưng, một khi các cổng internet không bị "bế quan", giao thương của người Việt với thế giới khai thông, "GDP" còn tăng lớn hơn rất nhiều những con số mà ban soạn thảo đưa ra doạ dẫm.
Hãy nói và biểu quyết trên nền tảng quyền lợi của quốc gia, dân tộc. Các đại biểu đừng sợ, dù Ban soạn thảo là Công an.
(Bài và ảnh từ FB nhà báo Huy Đức)