Họp báo chống việc cầu chứng danh xưng toàn đạo làm thương hiệu riêng
Mạch Sống, ngày 22 tháng 5, 2018
Thánh thất Cao Đài ở Dallas, Texas đã đệ đơn yêu cầu cơ quan Liên Bang hữu trách huỷ thương hiệu cầu chứng đã cấp cho tổ chức đại diện Chi Phái 1997 ở Hoa Kỳ. Diễn tiến này được công bố tại buổi họp báo ngày Chủ Nhật 20 tháng 5 ở Orange County, California.
Quyền Chánh Trị Sự Lê Phú Hữu cho biết là, với sự hỗ trợ của hãng luật Voss, Silverman & Braybrooke LLP, thánh thất của Ông đã nộp đơn yêu cầu này vào ngày Thứ Sáu trước đó.
“Nay nhóm của Ông Cảnh có 30 ngày để phản biện,” Ông Hữu nói. “Tuỳ theo tình hình, vụ kiện hành chánh này có thể sẽ kéo dài 1 năm trước khi có quyết định chung cuộc của một hội đồng xét xử.”
Năm 2014, tổ chức “CaoDai Overseas Missionary” đã thuê luật sư cầu chứng với chính phủ Liên Bang danh xưng “Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ Toà Thánh Tây Ninh” như một thương hiệu (trademark) của riêng họ. Người đứng đầu tổ chức này là Ông Trần Quang Cảnh, một chức sắc của Chi Phái 1997. Năm 2015, cơ quan US Patent and Trademark Office (USPTO) cấp cho họ thương hiệu cầu chứng. USPTO là cơ quan chính quyền liên bang chuyên trách việc cấp bằng sáng chế và thương hiệu.
Ông Lê Phú Hữu, đại diện Thánh Thất Tây Ninh ở Dallas, Texas, tại buổi họp báo ngày 20/05/2018 Theo Đông Y Sĩ Cảnh Thiên, một đạo hữu Cao Đài và là trưởng ban tổ chức buổi họp báo, việc cầu chứng thương hiệu nằm trong kế hoạch thâm độc của Đảng Cộng Sản là khống chế Đạo Cao Đài cho đến khi bị diệt vong. Ông tóm lược sự kiện Hội Thánh Đạo Cao Đài đã bị xoá bỏ năm 1978 qua “bản án” của Mặt Trận Tổ Quốc Tỉnh Tây Ninh.
Để che mắt quốc tế, năm 1997 Đảng Cộng Sản đã giàn dựng lên Chi Phái 1997 và cấp tư cách pháp nhân cho nó như một chi phái của Đạo Cao Đài. Tuy nhiên, tín lý, hiến chương, cơ cấu tổ chức, và nội quy của chi phái này không chỉ khác mà nhiều khi còn nghịch với Đạo Cao Đài.
“Về bản chất, Chi Phái 1997 là một tôn giáo do Đảng Cộng Sản dựng lên 71 năm sau ngày Đạo Cao Đài ra đời,” Bà Tăng Di Hạnh, một đạo hữu Cao Đài, chia sẻ.
Bà Hạnh đã trình chiếu nhiều tài liệu nội bộ của Đảng Cộng Sản cho thấy rằng họ đã có cả một kế hoạch tinh vi và dài hạn để thay thế Đạo Cao Đài bằng Chi Phái 1997.
Ông Dương Xuân Lương, một tín đồ Cao Đài mới đến Hoa Kỳ năm ngoái, cho biết Ông là nhân chứng sống về sự phối hợp giữa Chi Phái 1997 với công an và côn đồ để đàn áp tín đồ Cao Đài. Ông nhận định rằng Chi Phái 1997 nay còn muốn khống chế cả khối tín đồ Cao Đài ở hải ngoại.
“Chúng tôi không thể ngờ rằng một tín đồ Cao Đài nào lại dám giành làm của riêng danh xưng chung của cả tôn giáo”, Ông Hữu nói. “Nhờ BPSOS mà chúng tôi mới phát hiện ra việc làm phạm thượng của nhóm Ông Trần Quang Cảnh.”
Đầu năm nay, BPSOS thuê hãng luật Voss, Silverman & Braybrooke LLP để chuẩn bị kiện Ông Cảnh, tổ chức đại diện ở Hoa Kỳ của Chi Phái 1997 và một số thành phần đồng loã ở Hoa Kỳ cũng như ở Việt Nam.
“Tháng 4 vừa qua, khi đơn kiện đã gần hoàn tất để nộp vào toà thì luật sư báo cho chúng tôi biết là họ phát hiện tổ chức của Ông Cảnh đã cầu chứng thương hiệu danh xưng của Đạo Cao Đài,” Ts. Nguyễn Đình Thắng, Tổng Giám Đốc kiêm Chủ Tịch BPSOS, giải thích. “Việc bảo vệ danh xưng của tôn giáo Cao Đài là cần thiết và cấp bách; chúng tôi lập tức chuyển hướng và tập trung vào việc huỷ thương hiệu cầu chứng trước đã.”
Theo Ông, đây là một phát hiện kịp thời vì tổ chức của Chi Phái 1997 tuy được giữ thương hiệu nhưng chưa hoàn tất mọi thủ tục theo yêu cầu của cơ quan USPTO; do đó triển vọng để huỷ nó là khá cao.
Tại buổi họp nội bộ với các tín đồ Cao Đài vào hôm trước buổi họp báo, luật sư David Voss của hãng luật kể trên giải thích rằng một khi tổ chức của Ông Cảnh nắm trọn quyền sở hữu thương hiệu, họ có quyền kiện những ai dùng danh xưng “Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ Toà Thánh Tây Ninh” nếu không xin phép họ.
Cũng theo vị luật sư này, đơn yêu cầu huỷ thương hiệu đã dẫn ra nhiều căn cứ pháp lý. Trước hết, tổ chức đại diện Chi Phái 1997 ở Hoa Kỳ không thể là sở hữu chủ của thương hiệu khi mà nó mới được thành lập năm 2012 trong khi nguyên đơn được thành lập 17 năm trước đó và đã sử dụng danh xưng “Đại Đạo Tam Ký Phổ Độ Toà Thánh Tây Ninh” từ đó cho đến giờ.
Căn cứ pháp lý thứ hai là, khi đăng ký danh xưng của Đạo Cao Đài, tổ chức đại diện Chi Phái 1997 tạo ngộ nhận rằng nguyên đơn, vốn vẫn sử dụng danh xưng ấy, chấp thuận hay ủng hộ cho những tuyên bố và hành động của Chi Phái 1997, nhất là những hành động chà đạp nhân quyền nghiêm trọng ở Việt Nam. Không những thế, điều này còn tạo ngộ nhận rằng có một quan hệ về tổ chức hay niềm tin giữa nguyên đơn và Chi Phái 1997 trong khi trên thực tế nguyên đơn không công nhận Chi Phái 1997.
“Luật sư đã chỉ ra điểm tinh tế va quan trọng là, việc cầu chứng làm thương hiệu riêng danh xưng của Đạo Cao Đài đã phản lại ý nghĩa ‘Phổ Độ’ trong chính danh xưng ấy,” Ts. Thắng nói.
Ông cho biết là ngoài nỗ lực huỷ bỏ thương hiệu cầu chứng, hãng luật tiếp tục chuẩn bị kiện một số nhân sự của Chi Phái 1997 tại toà tiểu bang California, toà tiểu bang Texas, toà liên bang hoặc cả 3. Đến nay, BPSOS đã ứng ra trên 60,000 Mỹ kim từ Quỹ Pháp Lý vì Công Lý của BPSOS để trả luật sư phí cho các nỗ lực kể trên.