Mọi chiến thắng hay thất bại đều có tính nhất thời
Trong bất kỳ công việc làm ăn nào, khuynh hướng chỉ suy nghĩ trong phạm vi được hay mất, thành công hay thất bại, rất nguy hiểm. Tâm trí bạn đã tới một điểm dừng, thay vì nhìn ra phía trước.
Các cảm xúc thống trị thời điểm đó: một niềm hoan hỉ thiển cận khi thắng cuộc, sự thất vọng và cay đắng khi thua cuộc. Cái bạn cần là một cách nhìn có tính chiến lược và linh hoạt hơn vào đời sống. Chưa từng có cái gì thật sự kết thúc; cách bạn hoàn thành một điều gì đó sẽ ảnh hưởng và thậm chí quyết định điều bạn làm kế tiếp.
Một số chiến thắng có tính chất tiêu cực - chúng chẳng đưa tới đâu cả - và một số thất bại lại có tính tích cực, có công hiệu như một tiếng chuông thức tỉnh hay một bài học.
Kiểu tư duy linh hoạt này sẽ buộc bạn đề cao tính chiến lược hơn nữa vào phẩm chất và tình trạng kết thúc. Nó sẽ khiến bạn nhìn vào đối thủ và quyết định cuối cùng tốt hơn bạn có nên độ lượng với họ, lùi lại một bước và biến họ thành những đồng minh, lợi dụng những cảm xúc ở thời điểm đó hay không.
Trong việc để mắt tới hậu quả của bất kỳ cuộc chạm trán nào, bạn sẽ nghĩ nhiều hơn tới cảm giác mà bạn để lại cho mọi người - một cảm giác có thể chuyển hóa thành một niềm mong muốn gặp bạn nhiều hơn nữa. Bằng cách thấu hiểu rằng mọi chiến thắng hay thất bại đều có tính nhất thời, và rằng điều quan trọng là bạn sẽ làm gì với chúng, bạn sẽ thấy việc giữ cho bản thân cân bằng trong hàng ngàn trận chiến mà cuộc đời mang đến trở nên dễ dàng hơn. Kết thúc thật sự duy nhất là cái chết. Mọi thứ khác chỉ là một sự chuyển hóa.
Trên thế giới có ba loại người. Thứ nhất, có những kẻ mộng và những kẻ hay nói; họ bắt đầu dự án của mình với ngọn lửa nồng nhiệt. Nhưng tia lửa năng lượng này nhanh chóng lụi tàn khi họ chạm trán với thế giới hiện thực và công việc vất vả cần thiết để đưa bất kỳ dự án nào đến kết thúc. Họ là những tạo vật giàu cảm xúc chỉ biết sống cho khoảnh khắc: họ dễ dàng đánh mất sự chú ý bởi một điều mới mẻ khác. Cuộc sống của họ bừa bãi những dự án hoàn thành nửa vời, gồm cả một số dự án hầu như chỉ là một giấc mơ ngày.
Rồi có những kẻ sẽ kết thúc tất cả những gì họ làm, hoặc vì buộc phải vậy, hoặc vì họ có thể nỗ lực. Nhưng họ băng qua con đường hoàn thành với sự nồng nhiệt và năng lượng ít hơn một cách rõ ràng so với lúc khởi sự. Điều này làm hỏng kết thúc của chiến dịch. Vì họ không kiên nhẫn để hoàn thành, sự kết thúc dường như vội vã và chắp vá. Và nó khiến những người khác cảm thấy hơi không thỏa mãn; nó không đáng ghi nhớ, không tồn tại lâu, không một âm thanh đồng vọng.
Cả hai loại trên bắt đầu mỗi dự án mà không có một ý tưởng xác định về cách thức làm thế nào để kết thúc nó. Và khi dự án tiến triển, chắc chắn phải khác với cái mà họ đã hình dung, họ trở nên hoang mang không biết chắc nên làm cách nào để thoát khỏi nó, và hoặc từ bỏ nó hoặc đơn giản đi vội đến kết thúc.
Nhóm thứ ba bao gồm những người thấu hiểu một quy luật sơ khai của sức mạnh và chiến lược: kết thúc của một sự việc - một dự án, một chiến dịch, một cuộc đối thoại - có ý nghĩa quan trọng đặc biệt đối với mọi người. Nó đồng vọng trong tâm trí. Một cuộc chiến có thể bắt đầu với sự phô trương ầm ĩ và có thể mang lại nhiều thắng lợi nhưng nếu nó kết thúc một cách tồi tệ, đó là tất cả những gì mà mọi người nhớ tới.
Nắm được tầm quan trọng và độ vang cảm xúc của việc kết thúc bất cứ sự việc gì, những người kiểu thứ ba này hiểu rằng vấn đề không chỉ đơn giản là hoàn thành cái họ đã khởi sự mà là hoàn thành nó một cách tốt đẹp - với năng lượng, một đầu óc minh bạch, một sự lưu tâm tới ánh hoàng hôn còn hắt lại, cách mà sự kiện đeo đẳng trong tâm trí mọi người.
Những kiểu người này bắt đầu theo nhiều cách thức khác biệt nhau với một kế hoạch rõ ràng. Khi thất bại tới, như nó sẽ, họ có thể giữ kiên nhẫn và tư duy một cách hợp lý. Họ hoạch định không chỉ tới lúc kết thúc mà vượt qua nó, cho tới hậu quả. Đây là những người tạo nên những điều tồn tại lâu dài - một nền hòa bình có ý nghĩa, một tác phẩm nghệ thuật đáng nhớ, một sự nghiệp lâu bền và gặt hái nhiều kết quả.
Nguyên do của việc khó mà kết thúc những sự việc một cách tốt đẹp rất đơn giản: những kết thúc gợi nên các cảm xúc áp đảo. Vào cuối một xung đột quyết liệt, chúng ta có một khát khao sâu thẳm đối với hòa bình, một sự nôn nóng mong tới lúc đình chiến. Nếu xung đột này đưa chúng ta tới chiến thắng, chúng ta thường không chống nổi những ảo tưởng về sự vĩ đại hay bị cuốn theo lòng tham và cố vơ vét nhiều hơn mức cần thiết.
Nếu cuộc xung đột xấu xa, sự nổi giận khiến chúng ta hoàn tất nó với một cuộc tấn công tàn bạo, mang tính trừng phạt. Nếu thua, chúng ta chỉ còn một khát khao phục thù bỏng cháy. Những cảm xúc như thế có thể phá hủy mọi công việc tốt đẹp trước đó của chúng ta. Thực tế, không có gì khó khăn hơn trong lĩnh vực chiến lược so với việc giữ cho đầu ta thẳng trên suốt con đường tới điểm kết thúc và vượt qua nó - thế nhưng cũng không có gì cần thiết hơn.
TRÍCH: 33 CHIẾN LƯỢC CỦA CHIẾN TRANH - ROBERT GREENE NGUỒN: https://www.chinhnghia.com/33%20Chien%20Luoc%20Cua%20Chien%20Tranh.pdf