top of page

BÀI HỌC SỐ 21: ĐÀM PHÁN TRONG KHI TIẾN TỚI, CHIẾN LƯỢC CHIẾN TRANH - NGOẠI GIAO


Trong những cuộc đàm phán, mọi người luôn cố gắng lấy từ bạn những gì mà họ không thể có được trong chiến trận hay sự đương đầu trực tiếp với bạn. Thậm chí họ sẽ dùng những lời kêu gọi công bình và đạo đức như một lớp vỏ bọc để chiếm ưu thế. Đừng để bị xỏ mũi: đàm phán là một thủ đoạn để giành quyền lực hay thế vị, và bạn phải luôn tự đặt mình vào vị trí vững vàng để đối phương không thể bắt bẻ trong khi bạn nói. Trước và trong khi đàm phán, bạn phải giữ thế tiến công, tạo một áp lực không ngừng và buộc đối phương phải chấp nhận các điều kiện của mình. Càng đạt được nhiều, bạn càng có thể hoàn lại bằng những nhượng bộ vô nghĩa lý. Hãy tạo nên một tiếng tăm về sự cứng rắn và không nhân nhượng, để mọi người phải thoái lui ngay từ trước khi họ gặp bạn.

Sau khi cuối cùng Athens đã bị Sparta đánh bại trong Chiến tranh Peloponnesia năm 404 tr. CN., thành - bang lớn này dần dần suy vong. Trong những thập niên tiếp theo, nhiều công dân, trong đó có cả nhà hùng biện lớn Demosthenes, bắt đầu mơ tới sự phục hồi thành Athens một thuở hùng cường.

Năm 359 tr. CN., Perdiccas, vua nước Macedonia, bị giết trong chiến trận, và một cuộc tranh chấp quyền lực để kế vị ông đã nảy sinh. Những người Athens xem Macedonia là một vùng đất man rợ ở phía bắc, chỉ có ý nghĩa ở sự gần gũi của nó với những tiền đồn của Athens giúp cho việc đảm bảo nguồn tiếp tế ngô từ châu Á và vàng từ các mỏ vàng địa phương. Một trong những tiền đồn đó là thành phố Amphipolis, một thuộc địa cũ của Athens, tuy nhiên về sau đã rơi vào tay Macedonia. Các chính trị gia Athens xếp đặt kế hoạch hỗ trợ cho một trong những người muốn lên ngôi vua Macedonia (tên là Argerous) bằng thuyền và binh lính. Nếu thắng, ông ta sẽ mang ơn Athens và sẽ đền đáp cho họ bằng thành phố quý giá Amphipolis.

Thật không may, người Athens đã cược sai con ngựa: Philip, người em trai 24 tuổi của Perdiccas, đã dễ dàng đánh bại Argerus và lên ngôi vua. Tuy nhiên, với sự ngạc nhiên của người Athens, Philip không thúc đẩy thêm lợi thế của mình mà lùi lại, từ bỏ mọi đặc quyền đối với Amphipolis và trao trả độc lập lại cho thành phố này. Ông cũng phóng thích mà không đòi tiền chuộc mọi chiến binh Athens đã bị bắt trong chiến đấu. Thậm chí ông còn thương thảo về việc kết đồng minh với Athens, kẻ thù vừa mới đây của mình, và trong những cuộc đàm phán bí mật ông đề nghị sẽ tái đô hộ Amphipolis vài năm rồi giao nó cho Athens để đổi lấy một thành phố khác vẫn còn nằm dưới quyền kiểm soát của Athens , một đề nghị quá tốt khó thể chối từ.

Những đại biểu Athens dự họp thuật lại rằng Philip là một mẫu người hòa nhã và bên dưới vẻ ngoài thô lỗ rõ ràng ông ta là một kẻ ngưỡng mộ nền văn hóa Athens - thật sự, ông đã mời những triết gia và nghệ sĩ nổi tiếng nhất Athens tới cư ngụ ở thủ đô của mình. Sau đêm đó, có vẻ như những người Athens đã kiếm được một đồng minh quan trọng ở phía bắc. Philip bắt đầu đánh nhau với những bộ lạc man rợ ở các vùng biên giới khác, và hòa bình được lập lại giữa hai thế lực.

Vài năm sau, khi Athens đã suy kiệt do một cuộc tranh chấp quyền lực nội bộ, Philip tiến quân tới chiếm Amphipolis. Theo thỏa thuận cũ, người Athens cử đại diện tới đàm phán, chỉ để ngạc nhiên nhận ra rằng Philip không còn đề nghị giao thành phố đó lại cho họ mà chỉ hứa hẹn mơ hồ trong tương lai. Bị xao lãng bởi những vấn đề ở quê nhà, các đại diện không còn lựa chọn nào khác hơn là chấp nhận. Lúc này, với Amphipolis an toàn dưới quyền kiểm soát của mình, Philip đã khai thác tối đa những mỏ vàng và các cánh rừng phong phú trong khu vực. Dường như từ đó đến nay ông ta đã lừa bịp họ.

Lúc ấy Demosthenes xuất hiện để xỉ vả gã Philip hai lòng và cảnh báo về nguy cơ mà ông ta đặt ra cho toàn Hy Lạp. Thúc giục những công dân Athens xây dựng một quân đội để đối phó với mối đe dọa, nhà hùng biện nhắc lại những chiến công với các tên bạo chúa khác trong quá khứ của họ. Khi đó chẳng có gì xảy ra, nhưng vài năm sau, khi Philip âm mưu chiếm con đèo ở Thermopylae - cánh cổng nhỏ hẹp kiểm soát sự di chuyển từ trung tâm tới miền nam Hy Lạp - Athens điều một lực lượng lớn để bảo vệ nó. Philip rút lui, và người Athens tự chúc mừng cho thắng lợi của họ.

Năm sau, người Athen theo dõi một cách cảnh giác khi Philip mở rộng lãnh thổ ra phía bắc, phía đông và vào giữa trung tâm Hy Lạp. Rồi năm 346 tr. CN., ông đột nhiên đề nghị đàm phán một hòa ước với Athens. Ông đã chứng tỏ rằng mình không đáng tin cậy, dĩ nhiên, và nhiều chính trị gia của thành phố đã thề không bao giờ dây dưa với ông nữa, nhưng nếu lựa con đường khác là đánh liều với một cuộc chiến tranh với Macedonia vào một thời điểm mà Athens chưa chuẩn bị. Và Philip có vẻ hoàn toàn chân thành trong mong muốn có một quan hệ đồng minh vững chắc, mà ít ra nó cũng đem tới cho Athens một thời kỳ hòa bình. Do vậy, dù có nhiều e dè, người Athens cử các đại sứ tới Macedonia để ký một hòa ước gọi là Hòa bình của Philocrates. Từ thỏa ước này, Athens từ bỏ quyền lợi đối với Amphipolis và đổi lại nhận được lời hứa đảm bảo an ninh cho các tiền đồn còn lại ở phía bắc của mình.

Những đại sứ rời khỏi đó an toàn, nhưng trên đường về họ nhận được tin rằng Philip đã tiến quân chiếm Thermopylae. Bị yêu cầu giải thích, Philip đáp rằng ông đã hành động để đảm bảo an ninh cho những lợi ích của mình ở trung tâm Hy Lạp khỏi mối đe dọa tạm thời của một thế lực thù địch, và ông nhanh chóng từ bỏ con đèo. Nhưng người Athens đã có quá đủ - họ đã bị làm nhục. Lần này sang lần khác, Philip đã dùng các cuộc đàm phán và các hòa ước để che đậy những bước tiến bất chính. Ông ta không chính trực. Có thể ông ta từ bỏ Thermopylae, nhưng điều đó không quan trọng: ông ta luôn nắm quyền kiểm soát các lãnh địa to lớn, rồi làm ra vẻ như có thể hòa giải bằng cách trả lại vài thứ đã chiếm được - nhưng chỉ một vài, và sau đó ông ta thường chiếm lại những vùng đất đã nhường bằng mọi cách. Tấm lưới hữu hiệu này chắc chắn đã nới rộng lãnh thổ của ông ta. Hòa lẫn chiến tranh với sự ngoại giao trá ngụy, ông ta đã dần biến Macedonia thành thế lực thống trị ở Hy Lạp.

Lúc này Desmosthens và các môn đồ của ông ta đang chiếm ưu thế. Hòa ước Hòa bình của Philograces rõ ràng là một sự ô nhục, và mọi người có liên quan tới nó đã bị đuổi ra khỏi văn phòng. Người Athens bắt đầu gây rối ở phía đông của Amphipolis, cố giữ an ninh hơn cho các tiền đồn ở đó, thậm chí còn gây ra các cuộc tranh chấp với Macedonia. Năm 338 tr. CN., họ kết đồng minh với Thebes để chuẩn bị một cuộc chiến tranh lớn chống Philip. Hai nước đồng minh chạm trán với Macedonia trong chiến trận ở Chaeronea, trung tâm Hy Lạp - nhưng Philip chiến thắng, và Alexander con trai của ông đóng vai trò then chốt.

Lúc này, người Athens ở trong tình trạng hoảng loạn: các bộ lạc man rợ ở phía bắc sắp tấn công thành phố của họ và thiêu rụi nó. Thế nhưng một lần nữa họ chứng tỏ mình vẫn còn mạnh mẽ. Trong một đề xuất hòa bình độ lượng nhất, Philip hứa không xâm lược các vùng đất của Athens. Đổi lại, ông ta sẽ chiếm tiền đồn đã tranh chấp ở phía đông, và Athens sẽ trở thành đồng minh của Macedonia. Như để làm chứng cứ cho lời nói của mình, Philip phóng thích các tù nhân Athens trong cuộc chiến vừa qua mà không đòi chút tiền chuộc nào. Ông ta cũng sai con trai Alexander dẫn một phái đoàn tới Athens mang theo tro của các chiến binh Athens đã chết ở Chaeronea. Bị chế ngự bởi lòng biết ơn, người Athens ban tặng quyền công dân cho cả Alexander và cha của ông và dựng một pho tượng Philip trong thành phố.

Cuối năm đó, Philip triệu tập một hội nghị toàn Hy Lạp (trừ Sparta từ chối không tham dự) để thảo luận về một mối liên kết sau đó gọi là Liên minh Hellenic. Lần đầu tiên, các thành - bang của Hy Lạp được thống nhất trong một liên bang duy nhất. Ngay sau đó, các điều khoản của liên minh đã được nhất trí, Philip đề xuất một cuộc chiến tranh hợp nhất chống kẻ thù Ba Tư. Đề xuất được vui vẻ chấp nhận, với Athens dẫn đầu. Cách nào đó mọi người đã quên Philip đã không trung thực ra sao; họ chỉ nhớ vị vua gần đấy đã rất khoan dung độ lượng.

Năm 336 tr. CN., trước khi cuộc chiến chống Ba Tư khởi sự, Philip bị ám sát. Con trai Alexander của ông sẽ là người chỉ huy liên minh tham chiến và tạo nên một đế quốc. Và xuyên suốt thời gian đó, Athens vẫn là một đồng minh trung thành nhất của Macedonia, một cái neo bền vững trụ cột của nó trong Liên minh Hy Lạp.

Ở cấp độ nhất định, chiến tranh là một công việc tương đối giản đơn: quân đội của bạn đánh bại kẻ thù bằng cách giết đủ binh lính của nó, chiếm đủ đất của nó, hoặc giữ cho mình đủ an toàn để tuyên bố thắng lợi. Bạn có thể rút lui ở đây đó, nhưng dự định của bạn cuối cùng vẫn là tiến càng xa càng tốt. Mặt khác, sự đàm phán gần như luôn luôn bất tiện. Bạn cần cả sự bảo đảm an toàn cho các lợi ích đang có lẫn việc có thể kiếm thêm càng nhiều càng tốt; bạn cần mặc cả trong tinh thần trung thực, biết nhân nhượng và chiếm được sự tin cậy của đối phương. Để hòa hợp những nhu cầu này là một nghệ thuật, và là cả một nghệ thuật gần như không thể thực hiện, vì bạn không bao giờ có thể chắc chắn rằng đối phương đang hành động một cách trung thực. Trong lĩnh vực rắc rối giữa chiến tranh và hòa bình này, bạn dễ hiểu sai kẻ thù, đưa tới một sự dàn xếp không có lợi cho bạn về mặt lâu dài.

Giải pháp của Philip là xem đàm phán không tách rời khỏi chiến tranh, đúng hơn, là một sự mở rộng của nó. Sự đàm phán, giống như chiến tranh, bao gồm mưu lược, chiến lược và sự trá ngụy, và nó đòi hỏi bạn phải tiến lên, giống như bạn đang ở trên chiến địa. Chính hiểu biết này về đàm phán đã dẫn Philip đến chỗ đề nghị trao trả độc lập cho Amphipolis trong khi hứa sau đó sẽ chiếm lại nó cho Athens, một lời hứa mà ông không bao giờ có ý định thực hiện. Mưu lược cởi mở này tạo cho ông thời gian và tình bạn, và kềm chân những người Athens khó chịu trong khi ông giải quyết những kẻ thù ở nơi khác. Tương tự, hòa ước Hòa bình che đậy những cuộc di chuyển của ông vào trung tâm Hy Lạp và khiến người Athens mất cân bằng. Đã quyết định mục tiêu của mình là thống nhất toàn Hy Lạp và dẫn dắt nó theo một cuộc thập tự chinh chống Ba Tư, Philip xác định rằng Athens - với lịch sử cao quý của nó - sẽ có chức năng như một trung tâm biểu tượng của Liên minh Hy Lạp. Các điều khoản hòa bình phóng khoáng của ông đã được tính toán để mua chuộc lòng trung thành của thành phố này.

Philip không bao giờ lo lắng về việc thất hứa. Tạo sao ông phải trung thành một cách ngây ngô với những thỏa ước khi biết rằng sau đó người Athens sẽ tìm ra lý do để mở rộng các tiền đồn của họ ở phía bắc bằng phí tổn của ông? Niềm tin không phải là một vấn đề đạo đức, nó là một mưu chước khác. Philip xem sự tin cậy và tình hữu nghị là những chất lượng để bán. Sau này ông sẽ mua lại của Athens, khi đã hùng mạnh và có những thứ để đề nghị trao đổi nó.

Giống như Philip, bạn phải xem bất kỳ tình huống đàm phán nào mà trong đó các lợi ích quan trọng của bạn đang nguy cấp như là một lãnh địa thuần túy thủ đoạn, là việc thực hiện chiến tranh bằng phương tiện khác. Chiếm lòng tin cậy của người khác không phải là vấn đề đạo đức mà là một vấn đề chiến lược: đôi khi cần có nó, đôi khi không. Mọi người sẽ thất hứa nếu việc đó phục vụ cho những lợi ích của họ, và họ sẽ tìm ra bất kỳ lý do bào chữa nào về đạo đức hay pháp lý để phán xét các động thái của họ, đôi khi với chính bản thân họ cũng như đối với những người khác. Bạn phải luôn đặt mình vào vị trí mạnh nhất trước khi chiến đấu, trong đàm phán cũng như vậy. Nếu bạn yếu, hãy sử dụng đàm phán để đem lại thời gian, trì hoãn chiến đấu cho tới khi bạn sẵn sàng; hãy hòa giải không phải với lòng tốt mà với thủ đoạn. Nếu bạn hùng mạnh, hãy chiếm lấy càng nhiều càng tốt trước và trong khi đàm phán - rồi sau đó sẽ trả lại một vài thứ đã lấy, nhân nhượng những thứ ít giá trị để tỏ vẻ độ lượng phóng khoáng. Đừng lo âu về thanh danh của bạn hay về việc tạo dựng niềm tin. Điều đáng kinh ngạc là mọi người quên rất nhanh những sự thất hứa của bạn khi bạn hùng mạnh và ở một vị trí có thể đem đến cho họ thứ gì đó có lợi cho bản thân họ.

"Do vậy, một kẻ cai trị khôn ngoan không nên giữ lòng tin [của mọi người] một khi làm như vậy sẽ thiệt hại cho mình... Nếu mọi người đều tốt đẹp, đạo lý này sẽ là một điều sằng bậy; nhưng nếu họ xấu xa và không xứng với lòng tin cậy của bạn, bạn không buộc phải giữ chữ tín với họ. Chưa từng có một lý lẽ chế định nào làm tổn hại một ông hoàng muốn biểu lộ sự biện hộ đủ màu đủ vẻ cho việc không thực hiện lời hứa của mình."

Niccolo Machiavelli, Quân vương (1469 – 1527)

TRÍCH: 33 CHIẾN LƯỢC CỦA CHIẾN TRANH - ROBERT GREENE NGUỒN: https://www.chinhnghia.com/33%20Chien%20Luoc%20Cua%20Chien%20Tranh.pdf

Featured Posts
Recent Posts
Search By Tags
Follow Us
  • Facebook Classic
  • Twitter Classic
  • Google Classic
bottom of page