Tôi đã chiến đấu tại Việt Nam
Tôi đã chiến đấu tại Việt Nam. Sau đây là câu chuyện của cuộc hành trình trở về nhà của cá nhân tôi sau khi chiến đấu tại đó, một cuộc hành trình kéo dài gần 37 năm. Nếu cuộc chiến tại Việt Nam là một trái bom nguyên tử, nó cũng chỉ ảnh hưởng đến nước Mỹ như thế thôi. Cuộc chiến đó đã xé nước Mỹ ra làm hai và đã để lại những vết thương hằn xâu cho đến nay vẫn chưa lành. Đối với những ai, như tôi đây, đã tham dự cuộc chiến đó cũng như đối với những ai, như một số bạn bè của tôi, đã biểu tình chống cuộc chiến đó, Việt Nam vẫn là một kinh nghiệm tạo một ấn tượng nặng nề cho cả một thế hệ.
Dù đúng dù sai, gần ba triệu người Mỹ đã tham chiến tại Việt Nam. Khoảng 58,000 người đã chết; 153,000 người khác đã bị thương hay tàn tật do đạn, mảnh đại bác, hay bệnh tật. Thế nhưng không hề có một cuộc diễn hành dành cho những ai đã trở về. Ngược lại chúng tôi cũng như cuộc chiến vô nhân tâm và chia rẽ đó đã bị che đậy. Những cựu chiến binh Việtnam đã chua chát, tức giận, và trở thành những người Mỹ lạc lõng. Tôi đã bị thương nhưng rất may là không tàn tật. Hiện giờ tôi đang có công ăn việc làm tốt. Tôi đã hoà hợp được với xã hội. Tuy nhiên trong nhiều năm trời tôi đã, giống như những cựu chiến binh khác kém may mắn hơn tôi, cảm thấy cay đắng đối với một quốc gia mà chúng tôi đã tận tình phục vụ nhưng sau đó đã đối xử lại với chúng tôi quá tệ.
Nghe ra thì có thể buồn cười nhưng các cựu chiến binh chúng tôi cần phải có một cuộc diễn hành để cảm thấy đất nước và công chúng thừa nhận công lao chúng tôi và có thể tiếp tục cuộc sống. Nhưng những cựu chiến binh Việt Nam chưa bao giờ có được một cuộc diễn hành và do đó mà bao nhiêu cựu chiến binh không thể trút bỏ được gánh nặng của cuộc chiến vẫn còn đè nặng trên đôi vai họ. Họ là những người vẫn còn ở lại với Việt Nam và chưa bao giờ thực sự về quê mẹ.
Tôi đã tham dự phần đẫm máu nhất trong trận đánh đẫm máu nhất trong cả cuộc chiến Việt Nam. Đó là trận đánh tại Thung Lũng La Drang. Đó là cuộc đụng độ đầu tiên giữa bộ đội chủ lực Bắc Việt và binh lính Mỹ và trận đánh đó đã giúp hai bên quyết định chiến thuật mà hai bên sẽ đem ra xử dụng sau này suốt trong cuộc chiến tranh kéo dài.
Ngày 17 tháng 11 năm 1965, một ngày in sâu trong tiềm thức tôi, tiểu đoàn của tôi gồm 500 người đang đi qua vùng rừng để đến một bãi thưa mệnh danh là Landing zone X-ray ở Cao Nguyên Trung Phần, cách biên giới Căm Bốt một vài dặm. Cùng với Sư đoàn 1 Không Kỵ chúng tôi vừa đánh một trận lớn kéo dài ba ngày và đã hoàn toàn đánh bại hai trung đoàn chủ lực Bắc Việt. Trận đánh này được mô tả trong cuốn phim của Mel Gibson tựa đề “We were Soldiers”. Các bạn đừng tìm tôi trong cuốn phim đó vì đoạn phim có tôi đã bị cắt bỏ. Tuy nhiên phim này chỉ mô tả đoạn đầu của trận đánh mà thôi. Phần sau còn khốc liệt hơn nhiều. Số người chết trong một ngày đánh hôm đó còn hơn số người chết trong ba ngày đánh nhau trước đó nhiều.
Khi chúng tôi đến được vùng rừng thưa có tên là L-Z Albany, chúng tôi bị một lực lượng Bắc Việt đánh úp. Họ như chúng tôi gồm 500 thanh niên lực lưỡng tuổi 18-19 như chúng tôi nhưng họ đã sống ở nơi đây một năm trời và có khả năng tác chiến và giết người hơn chúng tôi. Khi nghe tiếng chân chúng tôi đến, họ tự trói vào những thân cây, gỡ giây đạn, và lén đến gần, len lỏi giữa đám cỏ sắc bén cao đến tận ngực.
Chỉ vài phút sau khi súng nổ, 500 đứa bọn tôi bị đè bẹp và cố chiến đấu để thoát chết. Binh lính hai bên lăn lộn trên cỏ đâm chém nhau, đấm đá, cố thoát khỏi tay địch chỉ cách mình có một thước. Lúc đó tôi đang nằm cận một tên lính Bắc Việt đang bắn đại liên đến độ, tôi chỉ cần đưa khẩu súng lên là chỉa ngay vào mặt y, bóp cò là bắn nát đầu y.
Vào buổi trưa kinh hồn hôm đó, khi mà tiểu đoàn tôi bị cắt ra từng mảnh, một toán địch đến gần tôi và tưởng tôi đã chết vì người tôi đẫm máu những kẻ khác. Họ dùng tôi như một bao cát để đặt khẩu đại liên của họ. Tôi bèn nhắm mắt giả chết.
Tôi còn nhớ tên bắn khẩu đại liên có đôi chân xương xẩu kẹp hai bên hông tôi. Y không biết tôi còn sống vì chính y còn run hơn cả tôi nữa. Cũng như tôi, y còn trẻ, tuổi chưa trên 20. Y bắn những người còn lại trong tiểu đoàn tôi. Các bạn tôi bắt đầu dùng súng lựu đại M79 bắn trả. Tôi nhớ lúc đó tôi tự nhẩm, nếu tôi đứng dậy tên lính Bắc Việt này sẽ giết tôi mà nếu tôi cứ nằm đó các đồng đội sẽ giết tôi. Tôi chưa kịp phát điên thì một loạt lựu đạn nổ xung quanh tôi và ngay cả trên người tôi, giết chết tên lính Bắc Việt và làm tôi bị thương. Cả ngày và một phần đêm hôm đó cuộc chiến tiếp diễn. Tôi hai lần bị thương và tưởng đã chết. Tiễu đoàn của tôi tổn thương đến 93%.
Tôi đã chứng kiến những bạn tôi có trên đời chết. Thật là một chuyện khó quên. Chiến trường phủ đầy những xác chết và nồng nặc mùi thuốc súng và chất nôn mửa. Tôi cũng như nhiều binh lính khác bỗng nhận thức rằng mình đang đứng tại một nơi tựa như nơi giết bò, chỉ có khác là nơi đây thịt còn dính nguyên da.
Kinh nghiệm này dể lại những vết thẹo trong tâm trí tôi. Tôi thường bị những cơn mê sảng và nhiều năm sau đó tôi vẫn còn cảm thấy cuộc đời chua cay, tôi giận đời, trở nên cay độc và xa lánh mọi người.
Thế rồi một hôm tôi tỉnh dậy và bỗng nhận thức bộ mặt thật của thế giới xung quanh, một thế giới sáng sủa và ấm cúng. Tôi ngạc nhiên không phải trước sự yếu đuối của thể xác mà là trước sức mạnh của tinh thần con người. Măc dù bị đạn và những mảnh bom đạn làm tổn thương nhưng tinh thần con người vẫn còn sống. Đó là phép lạ của sức sống. Giống như những cựu chiến binh Việt Nam khác, tôi bắt đầu bỏ lại sau lưng những đau thương và đi tìm hiểu về cuộc chiến tranh này.
Tôi muốn nói thêm rằng kể từ trận đánh này, Hoa kỳ đã tìm ra được chiến thuật Search and Destroy (Lùng địch và tiêu diệt) đại khái giống kỹ thuật mà George Custer đã áp dụng tại Great Plains: Dùng lưc lượng Mỹ lùng địch và khi địch tấn công thì dùng hoả lưc mạnh gấp 100 lần hơn mà tiêu diệt. Và Bắc Việt đã làm theo. Trên căn bản, cả hai phía trong cuộc chiến đã rút ra cùng một kết luận từ trận đánh đầu tiên và ác liệt này: họ có thể chiến thắng đươc bằng cách làm hao mòn đối phương. Có điều mà chúng ta không thể hiểu được là họ sẵn sàng trả cái giá về nhân mạng cao hơn chúng ta.
Khi tôi trở lại Việtnam cách đây vài năm, tôi đã gập tướng Võ Nguyên Giáp, người đã sắp đặt trẫn đánh Điện Biên Phủ và làm cho Pháp thua trận và sau đó chỉ huy những lực lượng trong cuộc chiến tranh với miền Nam Việtnam và với chúng ta. Ông đã thú thật rằng vì trận đánh La Drang mà kế hoạch cắt đôi Việtnam và chiếm thủ đô đã bị trì hoãn lại 10 năm. Nhưng ông cười gằn và nói: “nhưng cũng chẳng sao, phải không?”
Chúng ta đã thắng bất cứ trận đánh nào nhưng cuối cùng Bắc Việt cũng vẫn chiếm được Saigon. Chúng ta đã vào Việtnam để làm cái quái gì? Công lao khổ sở của chúng ta có nghiã lý gì, hay đó chỉ là công toi? Chính đó là lý do những cựu chiến binh Việtnam không thể bỏ cho qua được, và bao nhiêu người không tiếp tục cuộc sống bình thường được. Đó là điều làm cho họ khác những cưụ chiến binh của các cuộc chiến tranh trước.
Không gì quí đối với một quốc gia hơn là giới thanh niên. Và như thế, phí phạm mạng sống của thanh niên trong một cuộc chiến mà – tùy theo quan điểm của từng người – chúng ta đáng lý không nên dính líu vào, hoặc chúng ta đã không lúc nào chuẩn bị để chiến thắng, là một việc làm điên rồ. Thế mà đó chính là sự việc đã xẩy ra ở Việtnam. Dù cho rằng cuộc chiến có vẻ chính đáng vào những năm 1964-1965 và xin các bạn nhớ rằng quả thật đa số người Mỹ đã nghĩ như thế vào lúc đó – sau này nó đã không còn vẻ chính đáng nữa sau năm 1968. Và dù cho bạn có nhớ cuộc chiến đó thế nào đi chăng nữa thì chúng ta cũng đã chưa bao giờ thưc sự muốn tham chiến để thắng.
Việc tôi bị thương vào hồi đó đã gây ra một tiêng vang nhỏ tại nước nhà. Bố tôi là Howard K, Smith, người đọc bản tin và đồng thời làm những bài bình phẩm trên truyền hình đang nổi danh vào thời đó. Con một người được công chúng biết đến bị thương tại Việtnam quả đã là một tin sốt dẻo.
Khi tôi trở về Mỹ sau khi chấm đứt nhiện vụ quân sự tại Việtnam, Tổng thống Lyndon Johnson, một người bạn của bạn của ba tôi, đã mời tôi đến dự một bữa tiệc tại Toà Nhà Trắng. Tôi nhớ ông là một con người cao lớn tươi cười; ông đã cám ơn tôi về sự thi hành nhiệm vụ quân sự và sự hy sinh của tôi, Tôi đã thích ông ta và ngay cả bây giờ cũng vậy. Tuy nhiên không ai chịu trách nhiệm về cách điều hành cuộc chiến tranh Việtnam hơn ông.
Trong cuộc Chiến vùng Vịnh lần thứ nhất, chỉ trong vòng sáu tháng Mỹ đã đưa 1 triệu quân vào cuộc chiến. Ở Việtnam phải đợi hơn 6 năm. Chúng ta đã quá e dè trong cuộc chiến đấu với kẻ thù cho đến tận lúc sau cùng và chúng ta đã cố gắng không để nó lan rộng ra khỏi miền Nam Việtnam. Kết quả là kẻ thù của chúng ta, một nước tuy nhỏ nhưng đã dồn tất cả nỗ lưc và tài nguyên vào cuộc chiến, đã thấy rõ Hoa Kỳ, một cường quốc, chỉ muốn giới hạn cuộc chiến và họ đã kết luận rằng nếu họ chịu tổn thất 10 lần hơn chúng ta thì sau một thời gian chúng ta sẽ chán và bỏ đi và họ sẽ thắng, Vả lại Bắc Việt sản xuất những đưá trẻ nhanh hơn cả chúng ta giết lính của họ.
Hồ Chí Minh đã tiên đoán đúng. Sau vụ tổng tấn công Mậu Thân, chúng ta đã bỏ cuộc và đã bắt đầu cuộc rút quân đẫm máu nhất và kéo dài nhất trong lịch sử Hoa Kỳ. Dean Rusk, viên bộ trưởng ngoại giao thời đó mấy năm sau đã buồn rầu nói với tôi rằng “Họ đã chịu đựng dai hơn chúng ta”.
Johnson đã dành cho các tướng lãnh của ông một chính sách hầu như có tính cách dân sự -- chiến đấu nhỏ giọt, với một niềm hy vọng không thể có được, rằng sẽ không ai thấy điều ấy tại nước Mỹ. Đối với kẻ thù của ông, ông đã đối xử với Hồ Chí Minh như thể ông ta là 4 một nhân vật đối lập trong quốc hội: làm sao cho Hồ Chí Minh thấy rằng chúng ta cứng rắn hơn thì ông ta sẽ phải đầu hàng. Nhưng Hồ lại coi sư gia tăng nhỏ giọt của Mỹ như là một sự yếu kém và ông ta không chịu nhả. Hàng chục ngàn thanh niên Mỹ đã hy sinh một cách không cần thiết. Bất kể cuộc chiến đó đúng hay sai, chúng ta đã chiến đấu theo một cách làm cho cuộc chiến ấy không thể chấm dứt được. Và với thời gian thì điều ấy càng thấy rõ hơn. Thật là một sự phí phạm. Vì vậy mà bao nhiêu cựu chiến binh cảm thấy chua sót.
Cuối cùng thì chúng tôi cũng có được một cuộc diễn hành và đài tưởng niệm ở vườn cỏ tại Hoa Thịnh Đốn. Đó cũng đỡ phần nào nhưng nhiều cựu chiến binh vẫn còn bị cuộc chiến đó ám ảnh, kể cả tôi nữa.
Cách đây 13 năm, tôi nhìn bức tuờng Bá Linh xụp đổ và với tư cách một phóng viên ABC, tôi đã chứng kiến trưc tiếp sự xụp đổ của chế độ Cộng Sản. Chính sách ngăn chặn quả nhiên có hiệu quả. Chúng ta đã thắng cuộc Chiến tranh Lạnh. Và dù vô nghĩa đến đâu đi chăng nữa, cuộc chiến Việt Nam cũng đã đóng góp vào sự xụp đổ của chế độ Cộng sản. Đó là một cái gì để bám víu vào, tuy nó rất mỏng manh và không thoả đáng cho lắm để biện hộ cho những gì tôi và các bạn tôi đã phải trải qua tại Việt Nam. Nhưng ít ra còn có một cái gì.
Thế rồi cách đây 9 năm, có một sự kiện xẩy ra làm thay đổi con người tôi. Đó là dịp tôi trở lại Việtnam với tư cách phóng viên của ABC. Cùng với 10 cựu chiến binh La Drang, tôi đã đi trở lại vùng Cao Nguyên Trung Phần và đã đi bộ nơi có trận chiến La Drang nhiều ngày cùng với những người lính Bắc Việt mà chúng tôi đã đánh nhau với cách đây gần 30 năm. Tôi đã tìm được lời giải đáp cho câu hỏi của tôi liên quan đến sự vô ích của cuộc chiến hay không? Không, tôi không biết điều mà tôi và các bạn tôi đã làm trong cuộc chiến tranh có đáng làm hay không nhưng điều mà mà tôi tìm thấy được đã làm cho tôi ngạc nhiên.
Bắc Việt có thể đã chiếm được miền Nam nhưng đã mất đi nền hoà bình. Cách đấy 20 năm Bắc Việt có một lực lượng quân sự lớn hàng thứ tư trên thế giới, nay đã để phí mất lực lượng đáng quí đó bằng cách đi gây sự và đánh nhau với phần lớn các nước láng giềng của mình, và do đó nay đã trở nên nghèo nàn và bị phá sản.
Ngày nay tại Việtnam, chủ nghĩa cộng sản đang giẫy chết. Có điều không may là nó chết từ từ. Nhưng mà nó đang chết. Ở Việt Nam ta thấy có nhiều tay làm ăn đang nỗ lực làm giàu và những tay lãnh đạo Đảng đang khiếp sợ, và ta tự hỏi tại sao họ lại tham dự cuộc chiến xưa kia.
Nhiều người ở Bắc Việt cũng tự hỏi như thế. Quan trọng hơn nữa là Việt Nam đang được hưởng thanh bình. Bởi vì Bắc Việt cảm thấy rằng họ đã chiến thắng nên họ không bị ám ảnh như chúng ta. Những tượng đài và nghiã trang tại khắp nơi đối với phần lớn những người dân chỉ là những di tích lịch sử. Người dân Việt không hiểu được nhóm người Mỹ tóc bạc trung tuần đang làm gì bên xứ họ, đang muốn đuổi tà ma nào, bởi vì họ không bị ám ảnh.
Điều chọc vào mắt tôi là sự yên bình của nơi đấy, ngay cả nơi rừng thưa nơi tôi tham chiến. Tôi đã oà khóc mấy lần. Tôi muốn mang về vài mảnh đạn hay vỏ đạn không, một dấu tích gì đó của trận chiến xa xưa để đặt tại Đài Tưởng Niệm ở Hoa Thịnh Đốn dưới bức tường thứ 3 nơi có tên những tên những đồng đội của tôi khắc trên đó, tất cả hơn hai trăm tên. Nhưng bạn có biết không tôi đi tìm mãi, tôi không tìm ra được một mảnh vụn nào của trận đánh đó. Sức mạnh của thiên nhiên đã xóa đi hết. Ở nơi xưa kia cỏ trơn tuột vì máu lênh láng, nay hoa mọc nơi tang thương ấy. Quang cảnh thật đẹp và yên lặng và do đó tôi ép ít 5 hoa đem về để tại bức tường số 3. Đó là tất cả cái gì tôi có thể tìm thấy nơi cánh rừng thưa đã một thời reo kinh hoàng nhưng nay chỉ mang vẻ đẹp.
Cái mà tôi đã khám phá ra được với thời gian trôi qua có thể dễ thấy thôi, nhưng tôi đã không nhận ra được bao nhiêu năm nay trong cuộc hành trình trở về quê nhà: Chiến tranh đã chấm dứt. Nó đã chấm dứt đối với đất nước Việt Nam và nhân dân Việt Nam. Như tôi đã tuyên bố trong chương trình Nightline khi tôi từ Việt Nam trở về “mảnh đất đó đã yên bình, chúng ta cũng phải thế, chúng ta cũng phải yên bình.” Đối với tôi Việt Nam nay đã trở lại thành một địa danh, không còn là một cuộc chiến tranh nữa, và tôi đã bắt đầu quên. Tôi đã thấy những vết thương lành lại, tình đồng đội xưa kia mang ý nghiã cho cuôc sống. Chúnh tôi hàng năm gặp nhau tại Hoa Thịnh Đốn để đọc tên những kẻ đã chết trên Đài Tưởng Niệm.
Ngay cả những sự kiện không ăn khớp với nhau rồi với thời gian cũng giải thích được. Điều đó cho phép tôi, vào những ngày như ngày hôm nay, tiến tới và tự thấy kiêu hãnh rằng mình đã phục vụ xứ sở mình. Nhưng tôi vẫn không quên được cái ngày kinh hoàng nhất của đời mình, cái ngày tôi thoát chết nơi có cỏ cao tại Thung Lũng La Drang.
Jack Smith, 58 tuổi đã từ trần ngày 7 tháng tư vì cancer tuyến tụy. Ông đã là phóng viên và nhà văn cho Hãng thông tấn ABC từ 1976 cho đến 2001. Bài văn trên, xuất hiện trên military.com, được viết theo một bài nói chuyện mà ông trình bầy vào tháng 10 năm 2002 tại Marin Breakfast Club.
Bài dịch do Hướng Dương TXĐ