top of page

GIỮA NHỮNG SỰ KIỆN RỐI LOẠN, ĐỪNG ĐÁNH MẤT SỰ MINH MẪN


Trong một chiến trận nóng bỏng, tâm trí con người có khuynh hướng mất cân bằng. Có quá nhiều điều mà bạn phải đương đầu trong cùng một lúc – những thất bại bất ngờ, những nghi vấn và chỉ trích từ các đồng minh của bạn. Phản ứng một cách quá nhạy cảm với nỗi sợ, sự ngã lòng hay tâm trạng thất vọng, là một điều nguy hiểm. Điều quan trọng sống còn là bạn phải giữ sự minh mẫn, duy trì các năng lực tinh thần dù cho hoàn cảnh ra sao. Bạn phải chủ động đề kháng lại sức ép cảm xúc ở thời điểm đó – luôn quyết đoán, tự tin và năng nổ cho dù có bất cứ điều gì ập lên bạn. Làm cho tâm trí cứng rắn hơn bằng cách đặt nó vào nghịch cảnh. Học cách tách rời bạn khỏi sự hỗn độn của cuộc chiến. Cứ để cho những người khác đánh mất sự tỉnh táo của họ; sự minh mẫn của bạn sẽ lái bạn ra khỏi tầm ảnh hưởng của họ và giữ cho bạn đi đúng hướng.

Huân tước Phó đô đốc Horatio Nelson (1758-1805) đã trải qua điều này. Ông bị mất mắt phải trong trận vây hãm Calvi và tay phải trong trận đánh ở Tenerife. Ông đã đánh bại người Tây Ban Nha ở Mũi St. Vincent năm 1797 và đã phá vỡ chiến dịch Ai Cập của Napoleon khi đánh bại hải quân của ông ta ở trận sông Nile vào năm sau. Nhưng không điều nào trong những khổ não và thắng lợi của ông giúp ông đối mặt với những khó khăn do các đồng sự của ông trong lực lượng hải quân Anh đặt ra khi họ chuẩn bị cuộc chiến tranh chống Đan Mạch vào tháng 2 năm 1801.

Nelson, vị anh hùng vinh quang nhất của nước Anh, hiển nhiên phải được chọn làm người chỉ huy hạm đội. Nhưng thay vì thế, Bộ Hải quân đã chọn Sir Hyde Parker, với Nelson giữ chức vụ phó chỉ huy. Cuộc chiến tranh này đòi hỏi sự tế nhị; nó nhằm buộc những người Đan Mạch ngoan cố phải tuân theo một lệnh cấm vận của Anh trong việc chuyên chở bằng tàu các mặt hàng quân sự tới Pháp. Nelson quá nóng nảy và dễ đánh mất sự bình tĩnh. Ông căm ghét Napoleon, và nếu ông đi quá xa trong việc chống lại người Đan Mạch, ông sẽ tạo nên một thất bại về mặt ngoại giao. Sir Hyde, người lớn tuổi hơn, vững vàng hơn và điềm tĩnh hơn, sẽ là người thực hiện công việc, và chỉ thế thôi.

Nelson nuốt vào bụng lòng kiêu hãnh của mình và nhận nhiệm vụ, nhưng ông nhìn thấy khó khăn trước mắt. Ông biết rằng thời gian là điều cốt tủy: hải quân càng tiến nhanh, người Đan Mạch càng ít có cơ may dựng lên hệ thống phòng vệ. Những tàu chiến đã sẵn sàng lên đường, nhưng khẩu hiệu của Parker là “Mọi thứ đều nằm trong vòng trật tự”. Vội vã không phải là phong cách của ông. Nelson ghét tính ngẫu hứng của ông ta và lao vào hành động: ông xem lại những bản báo cáo tình báo, nghiên cứu các bản đồ và lên một phương án chi tiết để đánh nhau với người Đan Mạch. Ông viết cho Parker, đề nghị ông ta nắm bắt thế chủ động này. Parker làm ngơ.

Cuối cùng, vào ngày 11 tháng 3, hạm đội của Anh lên đường. Tuy nhiên, thay vì hướng tới Copenhagen, Parker cho tàu thả neo ở khá xa phía bắc hải cảng của thành phố này và triệu tập một cuộc họp các viên thuyền trƣởng. Theo các bản báo cáo tình báo, ông lý giải, người Đan Mạch đã chuẩn bị các tuyến phòng thủ kiên cố ở Copenhagen. Các con thuyền địch đã thả neo trong hải cảng, cảng sông ở phía bắc và nam, và những trận đánh có pháo binh cơ động có thể hất quân Anh xuống biển. Làm cách nào để chống lại pháo binh mà không chịu những tổn thất kinh khủng? Còn nữa, các hoa tiêu biết rõ các vùng nước quanh Copenhagen báo cáo rằng chúng rất nguy hiểm, đầy những bãi cát cửa sông và những cơn gió phức tạp. Việc lái tàu qua những chỗ nguy hiểm này dưới tầm đạn pháo sẽ phải chịu nhiều tổn thất. Với tất cả những khó khăn đó, có lẽ tốt nhất là chờ người Đan Mạch rời khỏi cảng và đánh nhau với họ trên biển khơi.

Nelson cố gắng kiềm chế bản thân. Cuối cùng ông dịu lại, bước quanh phòng, mẫu tay cụt của ông giật giật khi ông nói. Không có cuộc chiến tranh nào, ông nói, từng thắng bằng cách chờ đợi. Những tuyến phòng thủ của ngƣời Đan Mạch trông có vẻ dữ dội “đối với những ai là trẻ con trong chiến tranh”, nhưng ông đã vạch ra một chiến lược nhiều tuần trước đó: ông sẽ tấn công từ phía nam, nơi tiếp cận dễ dàng hơn, trong khi Parker và một lực lượng dự bị sẽ ở lại phía bắc thành phố. Nelson sẽ sử dụng tính linh hoạt của mình để tước vũ khí của người Đan Mạch. Ông đã nghiên cứu các bản đồ: các bãi cát không đáng sợ. Còn với gió thì hành động năng nổ quan trọng hơn là sự lo lắng băn khoăn đối với nó.

Phát biểu của Nelson đã tiếp thêm sinh lực cho các thuyền trưởng của Parker. Cho tới bấy giờ, ông là ngƣời chỉ huy thành công nhất, và sự tự tin của ông đã lan tỏa. Ngay cả Sir Hyde cũng bị ấn tượng, và kế hoạch được thông qua.

Sáng hôm sau, đội thuyền của Nelson tiến về Copenhagen, và chiến cuộc bắt đầu. Các khẩu súng Đan Mạch bắn ở một tầm gần, đã tiêu diệt khá nhiều quân Anh. Nelson bước trên boong con tàu mang cờ hiệu HMS Elephant của mình, thôi thúc các binh sĩ. Ông đang trong cơn kích động, gần như là một trạng thái xuất thần. Một phát đạn xuyên qua cột buồm chính suýt trúng ông. “Đây là một công việc nguy hiểm, và ngày hôm nay có thể là ngày cuối cùng của tất cả chúng ta vào bất cứ lúc nào,” ông nói với một viên đại tá, đang hơi lảo đảo vì cơn gió, “nhưng anh hãy nhớ, vì hàng ngàn người, tôi sẽ không ở nơi nào khác.”

Parker theo dõi cuộc chiến từ vị trí của ông ở phía bắc. Lúc này ông thấy hối tiếc đã chấp nhận kế hoạch của Nelson; ông chịu trách nhiệm đối với chiến dịch này, và thua trận ở đây có nghĩa là sẽ phá hủy sự nghiệp của ông. Sau bốn giờ bị pháo, ông đã nhìn thấy đủ: hạm đội đang bị tấn công và không chiếm được chút lợi thế nào. Nelson chưa bao giờ biết lúc nên dừng lại. Parker quyết định đã tới lúc kéo cờ hiệu 39, ra lệnh rút lui. Những con tàu đầu tiên trông thấy nó đã ghi nhận và truyền tín hiệu dọc theo hàng. Một khi đã được ghi nhận, không có gì khác để làm ngoài việc rút lui. Trận chiến đã kết thúc.

Trên tàu Elephant, một viên thiếu tá nói với Nelson về tín hiệu đó. Viên phó đô đốc làm ngơ. Tiếp tục bắn phá các tuyến phòng thủ của Đan Mạch, ông gọi một viên sĩ quan: “Số mười sáu vẫn còn treo chứ?” Số 16 là cờ của tàu ông; nó mang ý nghĩa là “Tấn công kẻ thù quyết liệt hơn.” Viên sĩ quan xác nhận rằng lá cờ vẫn còn bay. “Hãy lưu ý duy trì nó.” Nelson bảo anh ta. Một vài phút sau, cờ hiệu của Parker vẫn còn bay phần phật trong gió, Nelson quay sang viên thuyền trưởng: “Ông biết không, Foley, tôi chỉ có một mắt – đôi lúc tôi có quyền không thấy gì hết.” Và đưa chiếc ống nhòm lên con mắt mù của mình, ông bình thản nhận xét: “Tôi thật sự không nhìn thấy tín hiệu.”

Bị giằng xé giữa việc tuân lệnh Parker và tuân lệnh Nelson, các thuyền trưởng của hạm đội cuối cùng chọn Nelson. Họ đánh liều vận may sự nghiệp của mình cùng với ông ta. Nhưng chẳng bao lâu sau, các tuyến phòng thủ của Đan Mạch bắt đầu tan vỡ; một số tàu đậu trong hải cảng đầu hàng, và tiếng súng bắt đầu giảm dần. Không đầy một giờ sau tín hiệu dừng trận đấu của Parker, quân Đan Mạch đầu hàng. Ngày hôm sau Parker miễn cưỡng chúc mừng Nelson về chiến thắng. Ông không nhắc gì tới sự bất tuân của người thuộc cấp. Ông hy vọng rằng toàn bộ sự việc, kể cả sự thiếu can đảm của mình sẽ được lãng quên một cách lặng lẽ.

Khi Bộ Hải quân đặt niềm tin vào Sir Hyde, nó đã mắc phải một sai lầm quân sự cổ điển: nó giao phó việc thực hiện chiến tranh cho một con người cẩn thận và làm việc có phƣơng pháp. Những người như thế có vẻ như bình tĩnh, thậm chí mạnh mẽ, trong thời bình, nhưng sự kiểm soát bản thân của họ thường che đậy sự nhu nhược: lý do là họ suy nghĩ cân nhắc về mọi việc quá cẩn thận đến nỗi họ sợ mắc phải một sai lầm và sợ rằng điều đó có thể gây hậu quả xấu cho họ và sự nghiệp của họ. Điều này không lộ ra cho tới khi họ được thử nghiệm trong chiến cuộc: đột nhiên họ không thể ra được một quyết định. Họ nhìn thấy khó khăn ở mọi nơi và bị đánh bại trong một thất bại nhỏ nhoi nhất. Họ lui lại không phải vì lòng nhẫn nại mà vì nỗi sợ hãi. Thông thường, những thời điểm do dự đó báo hiệu cho sự thất bại của họ.

Huân tước Nelson hành động theo một nguyên tắc khác. Thân hình gầy ốm, mảnh khảnh, ông bù đắp cho sự yếu kém về thể chất với sự quyết tâm mãnh liệt. Ông tự buộc mình phải kiên quyết hơn bất cứ ngƣời nào xung quanh ông. Vào thời điểm bƣớc vào chiến cuộc, ông đã trở nên ăn khớp với các xung năng hiếu chiến của mình. Khi các chỉ huy hải quân khác lo âu về sự ngẫu nhiên, về gió, về những thay đổi trong đội hình kẻ địch, ông tập trung vào kế hoạch của mình. Trƣớc trận đánh, không có ai lên chiến lƣợc và nghiên cứu đối thủ cẩn thận hơn ông. (Kiến thức đó giúp Nelson nhận thức đƣợc thời điểm kẻ thù sắp sụp đổ). Nhưng một khi bắt đầu giao chiến, ông vất bỏ ngay sự do dự và cẩn trọng.

Sự minh mẫn là một kiểu đối trọng đối với sự yếu kém về mặt tinh thần, với khuynh hƣớng trở nên nhạy cảm và đánh mất tầm nhìn xa của chúng ta trong sức nóng của chiến cuộc. Yếu kém lớn nhất của chúng ta là đánh mất dũng khí, tự ngờ vực bản thân, trở nên cẩn trọng một cách không cần thiết. Cẩn trọng hơn không phải là cái chúng ta cần; nó chỉ là một tấm màn che cho nỗi sợ xung đột và phạm sai lầm của chúng ta. Cái mà chúng ta cần là nhân đôi quyết tâm – một sự tăng cƣờng lòng tự tin. Điều đó sẽ phục vụ cho chúng ta nhƣ là một đối trọng để cân bằng.

Trong những giây phút rối loạn và khó khăn, bạn phải tự buộc mình có quyết tâm nhiều hơn. Tập hợp nguồn năng lƣợng hiếu chiến bạn cần có để vƣợt qua sự thận trọng và quán tính trì trệ. Bất kỳ sai lầm nào đã phạm phải bạn đều có thể điều chỉnh lại với hành động mạnh mẽ hơn. Hãy dành sự cẩn trọng của bạn cho những thời gian chuẩn bị, nhƣng khi chiến cuộc đã bắt đầu, hãy xóa sạch sự ngờ vực khỏi tâm trí bạn. Hãy làm ngơ những kẻ nao núng mất tinh thần ở bất kỳ thất bại nào và kêu gọi rút lui. Hãy tìm niềm vui thích trong tấn công. Xung lƣợng sẽ đƣa bạn băng qua cuộc chiến.

"Các cảm giác tạo nên trong tâm trí một ấn tượng mạnh mẽ hơn là ý tưởng có tính hệ thống… Ngay cả người đã hoạch định sự hoạt động và lúc này nhìn thấy nó đang được triển khai cũng có thể mất tự tin vào xét đoán trước đó của mình…. Chiến tranh có một cách thức ngụy trang đấu trường với phong cảnh được tô vẽ qua loa bởi những quỷ ma sợ sệt. Một khi điều này đã được quét sạch, và chân trời trở nên trống trải, những tiến triển sẽ xác nhận các niềm tin trước đó của ông ta – đây là một trong những cách biệt lớn lao giữa sự hoạch định và sự thực thi."

Carl von Clausewitz, VỀ CHIẾN TRANH (1780–1831)

Con người chúng ta thích xem bản thân là những tạo vật có lý trí. Chúng ta tưởng tượng rằng điều phân biệt chúng ta với động vật là khả năng tư duy và lý trí. Nhưng đó chỉ là một phần sự thật: cái phân biệt chúng ta với loài vật nhiều nhất là khả năng cười, khóc, cảm nhận đƣợc một loạt các cảm xúc của chúng ta. Trên thực tế, chúng ta là những tạo vật có cảm xúc cũng như có lý tính, và dù chúng ta thích cho rằng chúng ta điều khiển các hành động thông qua lý trí và tư duy, cái thường sai khiến hành vi của chúng ta là cảm xúc mà chúng ta cảm nhận ở một thời điểm.

Chúng ta duy trì ảo tƣởng rằng chúng ta có lý trí thông qua lề thói thực hiện các sự vụ hàng ngày, điều giúp chúng ta giữ mọi thứ bình ổn và hình nhƣ có kiểm soát. Tâm trí chúng ta khá mạnh mẽ khi chúng ta sống theo lề thói thƣờng ngày. Nhƣng nếu đặt bất kỳ ai trong số chúng ta vào một hoàn cảnh thù địch, lý tính của chúng ta sẽ biến mất tăm; chúng ta phản ứng với áp lực bằng cách gia tăng sự sợ hãi, nôn nóng, bối rối. Những thời điểm nhƣ thế hé lộ cho chúng ta thấy mình là những tạo vật giàu cảm xúc thế nào: dƣới sự tấn công, dù là bởi một kẻ thù đã biết hay một cách bất ngờ bởi một đồng sự, phản ứng của chúng ta bị chế ngự bởi những cảm giác giận dữ, buồn rầu và bị phản bội. Chỉ với nỗ lực lớn lao, chúng ta mới có thể tỉnh táo tìm đƣờng đi qua những thời kỳ đó và phản ứng một cách có lý trí – và lý trí của chúng ta hiếm khi tồn tại tới cuộc tấn công kế tiếp.

Tâm trí bạn yếu ớt hơn các cảm xúc của bạn. Nhƣng bạn chỉ nhận thức đƣợc điểm yếu này trong những thời điểm có sự thù địch – chính xác là thời điểm mà bạn cần sức mạnh. Cái tốt nhất trang bị cho bạn để đƣơng đầu với sức nóng của trận chiến không phải là nhiều tri thức hơn hay thông minh hơn. Cái làm cho tâm trí bạn hùng mạnh hơn, và có nhiều khả năng kiểm soát các cảm xúc của bạn hơn, là kỷ luật nội tâm và sự ngoan cƣờng.

Không ai có thể dạy bạn kỹ năng này; bạn không thể học nó bằng cách đọc về nó. Nhƣ bất kỳ thứ kỷ luật nào, nó chỉ đến thông qua thực hành, kinh nghiệm, thậm chí một chút đau khổ nữa. Bƣớc đầu tiên trong việc xây dựng sự bình tĩnh là nhìn thấy sự cần thiết của nó – để mong muốn nó nhiều tới mức sẵn lòng làm việc vì nó. Các nhân vật lịch sử nổi bật về sự minh mẫn của họ - Alexander Đại đế, Ulysses S. Grant, Winston Churchill – đã thủ đắc nó thông qua sự thù địch, thông qua quá trình thử và sai. Họ đảm đƣơng nhiều trách nhiệm mà trong đó họ hoặc phải phát triển phẩm chất này hoặc là phá sản. Mặc dù những ngƣời này có thể đã đƣợc Trời ban một sức chịu đựng ngoan cƣờng khác thƣờng, họ cũng phải làm việc vất vả để củng cố sự minh mẫn. Những ý tƣởng sau đây dựa trên các kinh nghiệm và các chiến thắng thu đƣợc một cách khó khăn của họ. Hãy xem các ý tƣởng này nhƣ là những bài tập, những cách thức để trui rèn tâm trí bạn, mỗi ý tƣởng là một kiểu lực đối trọng với lực hút có tính áp đảo của cảm xúc.

1. Công khai đối mặt với xung đột: George S. Patton xuất thân từ một trong những gia tộc quân sự lừng lẫy nhất của Hoa Kỳ - tổ tiên của ông bao gồm nhiều vị tƣớng và đại tá đã chiến đấu và hy sinh trong Cách mạng Mỹ và Nội chiến. Lớn lên trong những câu chuyện đẫm chất anh hùng ca của họ, ông đã nối bƣớc theo họ và chọn đời binh nghiệp. Nhƣng Patton cũng là một thanh niên nhạy cảm, và ông có một nỗi sợ sâu sắc: rằng trong chiến trận ông sẽ hóa ra hèn nhát và làm ô nhục thanh danh của gia tộc.

Patton có cơ nghiệp đầu tiên trong chiến trận vào năm 1918, ở tuổi ba mƣơi hai, trong cuộc tấn công của quân Đồng minh vào Argonne trong Thế chiến I. Ông chỉ huy một sƣ đoàn xe thiết giáp. Ở một thời điểm trong trận đánh, Patton tìm cách dẫn một số lính bộ binh đến một vị trí trên đỉnh đồi để quan sát một thị trấn có tầm chiến lƣợc chủ chốt, nhƣng hỏa lực Đức buộc họ phải ẩn nấp. Chẳng bao lâu sau đó, rõ ràng là họ đã sụp bẫy; nếu thoái lui, họ sẽ lọt tầm hỏa lực từ các phía của ngọn đồi; nếu tiến lên, họ sẽ đâm thẳng vào khẩu đội súng máy của Đức. Nếu cả nhóm chết hết, điều dƣờng nhƣ sẽ xảy ra đối với Patton, thì tốt hơn nên chết trong lúc tiến công. Tuy nhiên, vào thời điểm dẫn toán quân tấn công, Patton bị bao trùm bởi một nỗi sợ kinh khủng. Ngƣời ông run lên, và đôi chân ông nhƣ cóng lại. Trong khoảnh khắc sợ hãi sâu thẳm nhất, Patton đánh mất dũng khí của mình.

Ngay thời điểm đó, nhìn lên những đám mây bên ngoài các khẩu đội của Đức, Patton có một viễn tƣợng: ông nhìn thấy hình ảnh của các tiền nhân trong quân đội, tất cả đều mặc quân phục, đang nghiêm khắc nhìn ông. Dƣờng nhƣ họ muốn mời ông nối vào đoàn quân của họ - đoàn quân của những anh hùng đã hy sinh trong chiến tranh. Điều nghịch lý là hình ảnh của những ngƣời này lại có một hiệu quả giúp chàng thanh niên Patton bình tĩnh lại: ông thét to, kêu gọi những tình nguyện quân theo ông: “Đã tới lúc một Patton khác chết đi!” Sức mạnh đã quay về với đôi chân; ông đứng lên và tiến thẳng tới những khẩu súng Đức. Vài giây sau ông ngã xuống, bị trúng đạn vào đùi. Nhƣng ông sống sót trong trận đánhKể từ đó trở đi, ngay cả sau khi trở thành một vị tƣớng, Patton coi việc đến thăm các vị trí tiền tiêu là điều cần thiết, mặc dù ông biết rằng phơi bày bản thân trƣớc hiểm nguy là không cần thiết. Ông tự kiểm tra bản thân hết lần này sang lần khác. Viễn tƣợng về các tiền nhân của ông vẫn còn là một sự kích thích thƣờng xuyên – một thách đố đối với danh dự của ông. Càng ngày việc đối mặt với những sợ hãi của ông càng trở nên dễ dàng hơn. Dƣờng nhƣ đối với những tƣớng lĩnh ngang hàng, hoặc với thuộc cấp của ông, không có ai minh mẫn hơn Patton. Họ không biết rằng sức mạnh của ông là một nỗ lực của ý chí.

Câu chuyện của Patton dạy chúng ta hai điều. Thứ nhất, đƣơng đầu với những nỗi sợ của bạn, cứ để chúng hiện ra bề mặt thì tốt hơn là làm ngơ chúng hay đè nén chúng xuống. Nỗi sợ là một cảm xúc có tính hủy hoại nhất đối với sự minh mẫn, nhƣng nó lớn nhanh từ một cái gì vô danh, dẫn dắt những hình ảnh tƣởng tƣợng của chúng ta chạy tán loạn. Bằng cách chủ động đặt mình vào những hoàn cảnh mà bạn phải đối mặt với nỗi sợ, bạn làm cho bản thân quen thuộc với nó và sự lo âu của bạn giảm đi. Cảm giác đã vƣợt qua một nỗi sợ bám rễ sâu trong bạn tới lƣợt nó sẽ mang tới cho bạn lòng tự tin và sự bình tĩnh. Càng buộc bản thân phải vƣợt qua nhiều xung đột và hoàn cảnh khó khăn bao nhiêu, bạn càng thử thách tâm trí bạn bằng chiến trận bấy nhiêu.

Thứ hai, kinh nghiệm của Patton chứng minh năng lực thúc đẩy của cảm giác về danh dự và phẩm cách. Trong việc chấp nhận nỗi sợ, trong việc đánh mất sự bình tĩnh, bạn gây ô nhục không chỉ cho bản thân, hình ảnh của mình, thanh danh của mình, mà cả cho đồng đội bạn, gia đình bạn, nhóm của bạn. Bạn hạ thấp tinh thần của cộng đồng. Việc làm ngƣời dẫn đầu, dù chỉ là một nhóm nhỏ nhất cũng mang tới cho bạn một cái gì đó để cống hiến: mọi ngƣời đang ngắm nhìn bạn, phán xét bạn, trông cậy vào bạn. Việc đánh mất sự minh mẫn sẽ làm bạn khó khăn hơn để sống với bản thân.

2. Hãy trông cậy vào bản thân. Không có gì tệ hại hơn là cảm giác phụ thuộc vào ngƣời khác. Sự phụ thuộc khiến bạn dễ bị tổn hại với mọi loại cảm xúc – sự phản phúc, sự thất vọng, sự chán nản – chúng tàn phá sự cân bằng tinh thần của bạn.

Hồi đầu Nội chiến Mỹ, Tướng Ulysses S.Grant, tư lệnh cuối cùng của các đạo quân miền Bắc, cảm thấy quyền lực của mình đang mất dần. Các thuộc cấp của ông truyền lại những thông tin không chính xác trên địa hình mà ông phải hành quân ngang qua; các viên sĩ quan không chấp hành nghiêm mệnh lệnh của ông; các tướng lĩnh chỉ trích những kế hoạch của ông. Grant là người có bản chất khắc kỷ, nhưng sự điều khiển không xuể các đạo quân của mình dẫn tới việc ông không tự kiểm soát nổi bản thân và lái ông tới việc rượu chè be bét.

Grant đã học bài học của mình vào thời gian chiến dịch Vicksburg, năm 1862-63. Ông tự cưỡi ngựa qua địa hình, trực tiếp nghiên cứu nó. Ông tự xem lại các bản báo cáo tình báo. Ông chỉnh lại độ chính xác của các mệnh lệnh, khiến các sĩ quan khó mà xem thường chúng. Và khi đã quyết định, ông làm ngơ các ngờ vực của các viên tướng khác, chỉ tin vào những suy nghĩ của mình. Để mọi việc được thực hiện, ông phải trông cậy vào bản thân mình. Cảm giác vô vọng của ông đã tan biến, và theo cùng với nó là tất cả những cảm xúc đã góp phần phá hoại sự minh mẫn của ông. Việc dựa vào bản thân là điều cốt lõi. Để làm cho bản thân ít phụ thuộc vào kẻ khác và những kẻ được gọi là chuyên gia các thứ, bạn cần mở rộng vốn kỹ năng của bạn. Và bạn cần cảm thấy tự tin hơn nữa vào phán xét của chính mình.

Chúng ta có khuynh hướng đánh giá quá cao khả năng của người khác – nói cho cùng, họ đang cố gắng để tỏ vẻ như thể họ biết cái mà họ đang làm – và chúng ta có khuynh hướng đánh giá quá thấp bản thân. Bạn phải bù đắp lại điều này bằng cách tin cậy vào bản thân nhiều hơn và tin cậy vào kẻ khác ít đi.

Tuy nhiên, điều quan trọng cần phải nhớ là dựa vào bản thân không có nghĩa là bạn tự khoác lên vai gánh nặng của các chi tiết nhỏ nhất. Bạn phải có khả năng phân biệt giữa những vấn đề nhỏ mà tốt nhất là để cho người khác làm và những vấn đề lớn đòi hỏi sự chú ý và quan tâm của bạn.

3. Chịu đựng những tên ngốc một cách vui vẻ. John Churchill, Công tước xứ Marlborough, là một trong những vị tướng thành công nhất trong lịch sử. Là một thiên tài về chiến thuật và chiến lược, ông có một sự minh mẫn kinh khủng. Vào đầu thế kỷ 18, Churchill thường là chỉ huy của lực lượng liên minh Anh, Hà Lan và Đức để chống lại lực lượng hùng mạnh của Pháp. Các tướng lĩnh cùng phe của ông là những người nhút nhát, hay do dự và đầu óc hẹp hòi. Họ ngăn trở các kế hoạch táo tợn của vị công tước, nhìn thấy nguy cơ ở mọi nơi, ngã lòng với thất bại nhỏ nhất, và cổ động mối quan tâm của quốc gia họ vào chi phí của việc liên minh. Họ không có tầm nhìn, không biết nhẫn nại: họ là một lũ ngốc.

Vị công tước, một triều thần giàu kinh nghiệm và tinh tế, không bao giờ trực tiếp đối đầu với các đồng sự của mình; ông không áp đặt ý kiến của mình lên họ. Thay vì vậy, ông đối xử với họ như đối với bọn trẻ con, chiều cho họ tha hồ sợ sệt trong lúc gạt họ ra khỏi các kế hoạch của ông. Thỉnh thoảng, ông ném cho họ một khúc xương – thực hiện một việc thứ yếu nào đó mà họ đã đề xuất hay giả vờ lo lắng về một nguy cơ họ tưởng tượng ra. Nhưng ông không bao giờ để cho mình nổi giận hay nản chí; điều đó có thể phá hỏng sự minh mẫn, xói mòn khả năng chỉ huy chiến dịch của ông. Ông tự buộc mình phải nhẫn nại và vui vẻ. Ông biết cách chịu đựng những tên ngốc một cách vui vẻ.

Bạn không thể có mặt ở khắp nơi và đánh nhau với tất cả mọi người. Thời gian và năng lượng của bạn có giới hạn, và bạn phải học cách bảo tồn chúng. Sự kiệt sức và sự nản lòng có thể phá hỏng sự minh mẫn của bạn. Thế giới đầy rẫy những tên ngốc – những kẻ không thể đợi để đạt kết quả, những kẻ thay đổi theo chiều gió, những kẻ không thể nhìn xa hơn mũi họ. Bạn gặp họ ở khắp nơi: ông chủ hay do dự, người đồng nghiệp cẩu thả, người thuộc cấp điên rồ. Khi làm việc cùng với lũ ngốc, đừng đấu đá với họ. Thay vì thế, hãy nghĩ tới họ theo cách bạn nghĩ tới bọn trẻ con, hay những con vật nuôi, không đủ quan trọng để gây ảnh hưởng tới sự cân bằng tinh thần của bạn. Hãy tách rời bản thân về mặt cảm xúc. Và trong lúc bạn đang cười thầm vào sự ngốc nghếch của họ, hãy chiều theo một trong những ý tưởng vô hại nào đó của họ. Khả năng sống vui vẻ ngoài mặt với bọn ngốc là một kỹ năng quan trọng.

4. Đẩy lùi những cảm giác hoang mang bằng cách tập trung vào những công việc đơn giản. Lãnh chúa Yamanouchi, một nhà quý tộc Nhật Bản hồi thế kỷ 18, có lần yêu cầu một vị trà sư đang giúp việc cho ông cùng ông đến thăm Edo (sau này là Tokyo), nơi ông sẽ sống một thời gian. Ông muốn khoe với các bạn đồng liêu kỹ năng của vị sư phụ này trong các nghi thức trà đạo. Bấy giờ, vị trà sư biết tất cả mọi thứ về trà đạo, nhưng lại biết rất ít về mọi thứ khác; ông là một con người hòa nhã. Tuy nhiên, ông ăn vận như một samurai, vì vị trí cao của ông đòi hỏi. Một hôm, khi đang đi dạo trong thành phố, một samurai đến gần và thách đấu với ông. Vị trà phụ này không phải là một kiếm sĩ và ông cố giải thích cho tay võ sĩ kia hiểu, nhưng hắn ta không chịu nghe. Từ chối sự thách đấu sẽ là một nỗi nhục cho cả gia đình vị sư phụ lẫn cho Yamanouchi. Ông đành phải nhận lời, nghĩ rằng điều đó cũng có nghĩa là cầm chắc cái chết trong tay. Và dù đã nhận lời, ông chỉ yêu cầu hoãn trận đấu lại ngày hôm sau. Mong muốn của ông được chấp nhận.

Lòng hoang mang, vị trà sư vội vã tới ngôi trường dạy kiếm thuật gần nhất. Nếu phải chết, ông cũng muốn học cách chết một cách vinh quang. Để gặp vị sư phụ dạy kiếm cần phải có thư giới thiệu, nhưng vị trà sư cứ một mực khăng khăng, và tỏ vẻ kinh hoàng đến nỗi cuối cùng ông cũng được mời vào. Vị kiếm sư lắng nghe câu chuyện của ông. Nhà kiếm thuật có vẻ thông cảm: ông sẽ dạy cho người khách tội nghiệp này nghệ thuật chết, nhưng trước tiên ông muốn được phục vụ trà. Vị trà sư thực hiện các nghi thức, thái độ của ông bình thản, sự tập trung của ông tối hảo. Cuối cùng, vị kiếm sư thốt lên đầy kích động: “Ông không cần phải học nghệ thuật chết! Trạng thái tinh thần lúc này của ông đã đủ để ông đối mặt với bất kỳ võ sĩ nào. Khi ông gặp kẻ thách đấu, hãy tưởng tượng rằng ông sắp sửa phục vụ trà cho một vị khách. Hãy cởi áo khoác ra, xếp nó lại thật cẩn thận, và đặt chiếc quạt của ông lên đó giống như ông đang làm việc.”Hoàn tất xong nghi thức này, vị trà sư sẽ giơ kiếm lên với cùng một tinh thần cảnh giới như thế. Khi đó ông sẽ sẵn sàng để chết. Vị trà sư đồng ý làm theo lời của người thầy. Ngày hôm sau, ông tới gặp tay võ sĩ kia, kẻ không thể không chú ý tới vẻ bình thản tột độ và biểu hiện của phẩm cách trên mặt của đối thủ khi ông ta cởi áo khoác ra. Có lẽ, tay võ sĩ nghĩ thầm, vị này thật sự là một kiếm sĩ giỏi. Anh ta cúi chào, xin được tha thứ vì hành vi của mình ngày hôm trước rồi vội vã bỏ đi.

Khi các hoàn cảnh làm chúng ta lo sợ, trí tưởng tượng của chúng ta có khuynh hướng bám lấy nó, phủ đầy tâm trí với những lo âu bất tận. Bạn cần phải kiểm soát được trí tưởng tượng của mình, một điều nói dễ hơn làm. Thông thường cách tốt nhất để bình tĩnh lại và đạt được sự kiểm soát như thế là buộc tâm trí phải tập trung vào một thứ gì đó tương đối đơn giản – một nghi thức bình thản, một công việc có tính lặp lại nhiều lần mà bạn thông thạo. Bạn đang tạo ra một loại trạng thái bình tĩnh mà bạn có được một cách tự nhiên khi tâm trí bạn đang tập trung sâu vào một vấn đề. Một đầu óc tập trung không còn chỗ cho sự lo lắng hay cho các ảnh hưởng của một trí tưởng tượng hoạt động quá mức. Khi bạn đã có lại sự cân bằng tinh thần, bạn có thể đối diện với vấn đề trước mắt. Ngay khi có dấu hiệu đầu tiên của bất kỳ loại sợ hãi nào, hãy thực hành kỹ thuật này cho tới khi nó trở thành một thói quen. Có khả năng kiểm soát trí tưởng tượng của bạn trong những giây phút căng thẳng là một kỹ năng cốt lõi.

5. Không tự dọa dẫm bản thân. Sự đe dọa luôn luôn tác động tới sự minh mẫn của bạn. Và nó là một cảm giác khó chống đỡ. Trong Thế chiến II, nhà soạn nhạc Dmitry Shostakovich và nhiều đồng nghiệp của ông được mời dự một cuộc họp với lãnh tụ Nga Joseph Stalin, người đã ủy thác cho họ viết một bài quốc ca mới. Các cuộc họp với Stalin thật kinh hoàng; một bước nhầm có thể đƣa bạn xuống một con đường vô cùng đen tối. Ông ta nhìn chằm chặp vào bạn cho tới khi bạn thấy cổ mình nghẹn lại. Và, như trong các cuộc họp với Stalin đã diễn ra, cuộc họp này có một bước ngoặt tồi tệ: nhà lãnh tụ bắt đầu chỉ trích một trong những nhà soạn nhạc vì sự chuẩn bị kém cỏi trong bài quốc ca của ông ta. Sợ phát cuồng lên, người này thú nhận rằng ông ta đã sử dụng một người cải biên không thực hiện tốt công việc của mình. Ở đây, ông ta đã tự đào nhiều cái huyệt: rõ ràng, người cải biên tội nghiệp đó có thể bị gọi lên làm việc. Nhà soạn nhạc chịu trách nhiệm cho việc thuê mướn này, và ông ta cũng phải trả giá cho lầm lỗi đó. Thế còn những nhà soạn nhạc khác, kể cả Shostakovich? Stalin có thể không thương xót một khi ông ta ngửi thấy mùi sợ hãi.

Shostakovich đã nghe đủ: Thật là ngu xuẩn khi đổ lỗi cho ngƣời cải biên, ông nói, một kẻ gần nhƣ chỉ tuân theo các đơn đặt hàng. Rồi ông đột nhiên hướng cuộc đối thoại sang một chủ đề khác – một nhà soạn nhạc có thể dùng dàn nhạc của chính mình không. Stalin đã nghĩ gì về vấn đề này?

Luôn luôn nôn nóng chứng tỏ sự thành thạo của mình, Stalin đã cắn mồi câu. Giây phút nguy hiểm đã trôi qua. Shostakovich duy trì sự minh mẫn của ông bằng nhiều cách. Trƣớc hết, thay vì để cho Stalin đe dọa mình, ông tự buộc mình nhìn con người đó nhƣ chính bản thân ông ta: lùn, mập, xấu xí, không có trí tƣởng tƣợng. Cái nhìn dữ tợn nổi tiếng của nhà độc tài này chỉ là một trò bịp bợm, một dấu hiệu của sự không an toàn của chính ông ta. Thứ hai, Shostakovich ngước lên nhìn Stalin, nói chuyện với ông ta một cách bình thƣờng và thẳng thắn. Bằng thái độ và giọng nói của mình, nhà soạn nhạc cho thấy ông không bị đe dọa. Stalin đã chán ngấy sự sợ hãi. Nếu bạn không tỏ ra hiếu thắng hay trơ tráo và không tỏ vẻ sợ hãi, nói chung ông ta sẽ để cho bạn yên. Cách thức cơ bản để không bị đe dọa là thuyết phục chính mình rằng cá nhân mà bạn đang đối mặt chỉ là một sinh vật hữu tử đơn thuần, chẳng khác chi bạn – điều mà trên thực tế là sự thật. Hãy nhìn vào cá nhân đó chứ không phải vào huyền thoại. Hãy hình dung ông ta hay bà ta nhƣ một đứa trẻ con, nhƣ một ngƣời nào đó đang chơi trò đánh đố với những thứ không an toàn. Việc cắt giảm ngƣời khác xuống đúng với tầm vóc của họ sẽ giúp bạn giữ đƣợc cân bằng tinh thần.

6. Phát triển trực giác “Fingerspitzengefuhl”của bạn. Sự minh mẫn không chỉ phụ thuộc vào khả năng tinh thần để tìm đến sự trợ giúp của chính bạn mà còn phụ thuộc vào tốc độ phản ứng của bạn. Việc chờ cho tới ngày hôm sau để suy nghĩ về hành động đúng cần thực hiện chẳng có ích gì cho bạn cả. “Tốc độ” ở đây có nghĩa là phản ứng với các tình huống với sự nhanh nhẹn và các quyết định xảy ra trong chớp mắt. Khả năng này thông thƣờng đƣợc xem nhƣ là một kiểu trực giác, cái mà ngƣời Đức gọi là “Fingerspitzengefuhl” (cảm giác đầu ngón tay). Erwin Rommel ngƣời đã chỉ huy chiến dịch xe thiết giáp Đức ở Bắc Phi trong Thế chiến II, có một cảm giác đầu ngón tay rất nhạy bén. Ông có thể cảm nhận đƣợc khi nào quân Đồng minh sẽ tấn công và từ hƣớng nào. Khi chọn một tuyến để tiến quân, ông có một cảm giác siêu phàm đối với yếu điểm của kẻ địch; khi khởi đầu mộttrận đánh, ông có thể cảm nhận ra chiến lƣợccủa kẻ thù trƣớc khi nó đƣợc triển khai.

Với binh lính, Rommel dƣờng nhƣ có một tài năng thiên phú đối với chiến tranh, và ông có một đầu óc linh hoạt hơn nhiều ngƣời. Nhƣng Rommel cũng đã làm những điều để nâng cao sự nhanh nhạy của mình, những điều củng cố cảm giác của ông đối với trận chiến. Đầu tiên, ông đọc những thông tin về kẻ thù – từ những chi tiết về vũ khí trang bị cho tới những đặc điểm tinh thần của viên tƣớng đối phƣơng. Thứ hai, ông tự biến mình thành một chuyên gia trong kỹ thuật xe thiết giáp, để ông có thể tận dụng tối đa khí tài của mình. Thứ ba, ông không chỉ ghi nhớ những bản đồ của vùng Bắc Phi mà còn bay bên trên nó, với nguy cơ rất cao, để quan sát ở tầm rộng và xa vùng chiến địa. Cuối cùng, ông cá nhân hóa mối quan hệ giữa ông và binh sĩ. Ông luôn luôn có một cảm nhận về tinh thần của họ và biết chính xác ông có thể mong chờ điều gì ở họ. Rommel không chỉ nghiên cứu binh sĩ, xe tăng, địa hình và kẻ thù của mình – ông còn luồn vào bên trong lớp da của họ, thấu hiểu cái tinh thần tạo nên sinh khí của họ. Khi đã cảm nhận đƣợc những điều này, trong chiến cuộc ông đi vào một trạng thái tinh thần mang tính chất vô thức về hoàn cảnh. Toàn bộ những gì sắp diễn ra nằm trong máu của ông, ở đầu ngón tay của ông. Ông ta có trực giác Fingerspitzengefuhl.

Dù bạn có hay không có khả năng của Rommel, có nhiều điều bạn có thể làm để giúp bạn phản ứng nhanh hơn và đƣa tới cảm giác có tính trực giác mà loài vật thủ đắc. Kiến thức sâu về địa hình sẽ cho phép bạn tiến hành thông tin nhanh hơn kẻ thù, một lợi điểm to lớn. Cảm nhận đƣợc tinh thần của ngƣời và vật chất, suy nghĩ sâu vào đó thay vì chỉ nhìn từ bên ngoài, sẽ giúp bạn có một khung tâm trí khác, ít ý thức và sức ép lớn, nhƣng nhiều vô thức và trực giác hơn. Hãy làm cho tâm trí bạn có thói quen ra những quyết định nhanh nhƣ chớp, tin chắc vào cảm giác đầu ngón tay của bạn. Tâm trí của bạn sẽ tiến triển theo một dạng chiến tranh chớp nhoáng về mặt tâm thần, vƣợt qua đối thủ của bạn trƣớc khi họ nhận ra cái gì tấn công họ. Cuối cùng, đừng nghĩ rằng sự minh mẫn là một phẩm chất chỉ hữu dụng trong những thời kỳ thù địch, một cái gì để mở hay tắt khi bạn cần tới nó. Hãy nuôi dƣỡng nó nhƣ một điều kiện hàng ngày. Sự tự tin, sự không biết sợ, và sự trông cậy vào chính mình là cần yếu trong thời bình cũng nhƣ trong thời chiến. Franklin Delano Roosevelt cho thấy sự ngoan cƣờng tinh thần to lớn và sự thanh nhã bên dƣới áp lực của ông không chỉ trong những cuộc khủng hoảng của thời kỳ Đại suy thoái và Thế chiến II mà cả trong những tình huống đời thƣờng – trong sinh hoạt gia đình, trong việc xử trí với văn phòng chính phủ, với thân thể bị tàn phá bởi bệnh bại liệt của chính ông. Bạn càng thành đạt trong trò chơi chiến tranh, bộ khung tâm trí chiến binh của bạn càng có ích cho bạn trong cuộc sống hàng ngày. Khi một cơn khủng hoảng đến, tâm trí bạn sẽ bình tĩnh và chuẩn bị sẵn sàng. Khi sự minh mẫn trở thành một thói quen, nó không bao giờ từ bỏ bạn.

Gió. Sự cuốn trôi của những sự kiện bất ngờ, những ngờ vực và những chỉ trích của những người quanh bạn, giống như những cơn gió dữ ở biển khơi. Nó có thể đến từ bất cứ điểm nào của chiếc la bàn, và không có nơi nào để trốn thoát khỏi nó, không có cách nào để biết trước nó sẽ tấn công vào lúc nào và theo hướng nào. Thay đổi hướng theo mỗi cơn gió chỉ ném bạn vào lòng biển. Người phi công giỏi không mất thời gian để lo âu về cái mà họ không kiểm soát được. Họ tập trung vào chính mình, kỹ năng và sự khéo léo của đôi tay, vào lộ trình mà họ đã vạch ra và quyết tâm tới sân bay của họ, mặc cho điều gì có thể xảy ra.

"Một phần lớn củalòng can đảm là sự can đảm của điều đã thực hiện trước đó." Raiph Waldo Emerson (1803-82)

Đánh mất sự minh mẫn của bạn không bao giờ là điều tốt, nhƣng bạn có thể sử dụng những giây phút khi đang ở dƣới mối đe dọa đó để biết cách hành động ra sao trong tƣơng lai. Bạn phải tìm ra một cách thức để đặt chính mình vào giữa trận chiến, rồi tự quan sát mình trong hành động. Hãy tìm ra những yếu điểm của bạn, và nghĩ về cách làm thế nào để bù đắp cho chúng. Những ngƣời chƣa bao giờ đánh mất sự minh mẫn thật sự nằm trong vòng nguy hiểm: một ngày nào đó họ sẽ bị làm cho kinh ngạc, và cú ngã sẽ nặng nề. Mọi tƣớng lĩnh vĩ đại, từ Julius Caesar cho tới Patton, ở một thời điểm nào đó cũng đã mất tinh thần và đã trở nên mạnh mẽ hơn để có lại nó. Càng đánh mất cân bằng của mình, bạn càng hiểu cách làm thế nào để tự điều chỉnh bản thân cho đúng. Bạn không muốn đánh mất sự minh mẫn trong những tình huống quan trọng then chốt, nhƣng một đƣờng lối khôn ngoan là tìm ra cách để kẻ thù của bạn cũng mất sáng suốt. Hãy nắm lấy cái đã khiến bạn mất cân bằng và bắt họ phải gánh chịu nó. Buộc họ phải hành động trƣớc khi họ sẵn sàng. Làm cho họ kinh ngạc – không có gì khó xử trí hơn là sự bất ngờ cần hành động. Tìm ra nhƣợc điểm của họ, cái làm cho họ cảm xúc, và trao cho họ một liều gấp đôi thứ đó. Càng khiến cho họ xúc động, bạn càng đẩy họ văng xa khỏi sân thi đấu.

TRÍCH: 33 CHIẾN LƯỢC CỦA CHIẾN TRANH - ROBERT GREENE NGUỒN: https://www.chinhnghia.com/33%20Chien%20Luoc%20Cua%20Chien%20Tranh.pdf

Featured Posts
Recent Posts
Search By Tags
Follow Us
  • Facebook Classic
  • Twitter Classic
  • Google Classic
bottom of page