BÀI HỌC SỐ 7: CHUYỂN CUỘC CHIẾN TRANH CỦA BẠN THÀNH MỘT CUỘC THẬP TỰ CHINH - CÁC CHIẾN LƯỢC TINH THẦ
Muốn thôi thúc mọi người và duy trì tinh thần làm việc, chiến đấu của họ thì phải làm cho họ nghĩ ít hơn về bản thân và nghĩ nhiều hơn về nhóm. Hướng sự quan tâm của họ đến một đại nghĩa, một cuộc thập tự chinh chống lại một kẻ thù đáng ghét. Khiến cho họ xem sự sống sót của mình gắn liền với sự thành công của quân đội như là một tổng thể. Ở một nhóm mà trong đó mọi người thực sự gắn kết với nhau, các tâm trạng và cảm xúc có tính lây lan đến mức việc truyền dẫn sự nhiệt tình tới các đạo quân của bạn trở nên khá dễ dàng. Hãy chỉ huy từ phía trước: để cho binh sĩ của bạn nhìn thấy bạn ở các chiến hào, sẵn sàng hy sinh vì chính nghĩa. Điều đó sẽ làm lòng họ ngập tràn niềm ao ước cạnh tranh và làm bạn vui lòng. Làm cho việc thưởng và phạt trở nên hiếm hoi nhưng giàu ý nghĩa. Ghi nhớ: một quân đội năng động có thể làm nên những điều kỳ diệu, bù đắp cho bất kỳ thiếu sót nào trong những nguồn vật chất.
Loài người chúng ta có bản chất ích kỷ. Các ý nghĩ đầu tiên của chúng ta trong mọi hoàn cảnh đều xoay quanh các lợi ích của chính mình: Điều này có ảnh hưởng ra sao đối với tôi? Nó có giúp ích gì cho tôi không? Đồng thời, do sự cần thiết, chúng ta cố gắng che đậy tính ích kỷ đó, làm cho các động cơ của chúng ta có vẻ như vị tha và không vụ lợi. Tính ích kỷ thâm căn cố đế và khả năng che đậy nó là cả một vấn đề nếu bạn là một người lãnh đạo. Bạn có thể nghĩ rằng những người làm việc cho bạn thật nhiệt tình và có sự quan tâm như họ nói, và như hành động của họ tỏ ra. Rồi dần dà, bạn nhìn thấy những dấu hiệu rằng người này hay người nọ đang sử dụng vị trí của anh ta trong nhóm để thực hiện những lợi ích cá nhân. Một hôm bạn thức tỉnh và thấy rằng mình đang chỉ huy một đạo quân gồm những cá nhân ích kỷ, quỷ quyệt.
Khi đó, bạn bắt đầu nghĩ về tinh thần – về việc tìm ra một cách thức để thúc đẩy các đoàn quân của bạn và trui rèn họ thành một nhóm. Bạn cố gắng một cách khéo léo để ca ngợi họ, đề xuất với họ về những khả năng tưởng thưởng chỉ để thấy rằng bạn đã làm hư hỏng họ, củng cố thêm tính ích kỷ của họ. Bạn cố áp dụng những biện pháp trừng phạt và kỷ luật chỉ khiến cho họ thêm phẫn uất và đề phòng. Bạn cố làm họ bốc lên với những bài phát biểu và các hoạt động nhóm – nhưng mọi người ngày nay đã trở nên quá hoài nghi; họ sẽ nhìn thấu tim đen của bạn.
Vấn đề không phải ở điều mà bạn đang làm mà thực tế là nó đến muộn rồi. Bạn bắt đầu nghĩ tới tinh thần chỉ khi nó đã trở thành một vấn đề chứ không phải ngay từ trước. Đó là sai lầm của bạn. Hãy học từ những nhà chỉ huy quân sự lớn trong lịch sử: phương cách để binh sĩ làm việc cùng nhau và thỏa mãn các nhu cầu con người của họ là làm cho họ cảm thấy mình là một bộ phận của một nhóm đang chiến đấu vì một mục tiêu xứng đáng. Điều này tách họ ra khỏi những lợi ích của riêng mình và thỏa mãn nhu cầu riêng để trở thành một bộ phận của một nhóm lớn hơn bản thân họ. Càng nghĩ tới nhóm, họ càng ít nghĩ tới bản thân. Chẳng bao lâu, họ sẽ bắt đầu nối kết những thành công của chính họ với thành công của nhóm; các lợi ích của họ và các lợi ích lớn hơn trùng khớp lên nhau. Trong kiểu quân đội này, mọi người biết rằng hành vi ích kỷ sẽ hạ thấp tư cách họ trong con mắt của những người đồng đội. Họ trở nên hòa hợp với một dạng lương tâm nhóm.
Tinh thần có tính chất lây lan: đặt mọi người vào trong một nhóm năng động, đoàn kết, tự nhiên họ sẽ bắt kịp tinh thần đó. Nếu họ chống đối hay quay trở lại với hành vi ích kỷ, họ dễ dàng bị cô lập. Bạn phải thiết lập động lực này ngay khi bạn trở thành người lãnh đạo nhóm; nó chỉ có thể đến từ trên đỉnh – nghĩa là từ bạn.
Khả năng sáng tạo ra một động lực nhóm đúng đắn, duy trì một tinh thần tập thể, được biết dưới ngôn ngữ quân sự như là “sự quản lý con người”. Các vị tướng vĩ đại trong lịch sử - Alexander Đại đế, Hannibal, Napoleon – đều là những bậc thầy của nghệ thuật này – một nghệ thuật mà tầm quan trọng vượt quá mức thông thường đối với những người lính: trong chiến cuộc nó có thể là một vấn đề mang tính quyết định, một vấn đề sinh tử. Trong chiến tranh, có lần Napoleon đã nói: “Tinh thần lớn gấp ba lần thể chất”. Ý của ông là tinh thần chiến đấu của binh lính chủ yếu là ở kết quả của trận chiến: với những chiến binh năng động, ông có thể đánh tan một quân đội lớn hơn quân đội của ông gấp ba lần. Để tạo ra nhóm năng động tốt nhất và ngăn ngừa các vấn đề có tính hủy diệt tinh thần, hãy làm theo tám bước cơ bản được rút ra từ các tác phẩm và kinh nghiệm của các bậc thầy về binh pháp. Quan trọng là bạn càng làm theo được nhiều bước càng tốt; và bước nào cũng quan trọng như nhau.
Bước 1: Hợp nhất quân đội của bạn quanh một mục tiêu. Khiến cho họ chiến đấu vì một lý tưởng. Bây giờ hơn lúc nào hết, mọi người khao khát đặt niềm tin vào một điều gì đó. Họ cảm nhận được một sự trống rỗng, mà, nếu bị bỏ rơi một mình, họ có thể cố gắng lấp đầy nó bằng ma túy hay các thú vui tinh thần quái gở, nhưng bạn có thể lợi dụng nó bằng cách hướng nó chảy vào một lý tưởng mà họ tin rằng chiến đấu vì nó là điều xứng đáng. Hãy đem tới một lý tưởng cho mọi người, bạn sẽ tạo được một nguồn lực đầy năng động. Lý tưởng đó có thể là bất kỳ điều gì bạn mong muốn, nhưng bạn phải miêu tả nó với sự tiến triển: nó thích ứng với từng giai đoạn, nó nằm ở một phía tương lai, vì thế nhất định nó phải thành công. Nếu cần, bạn có thể tạo cho nó một cái vỏ duy linh. Tốt nhất là có một kẻ thù nào đó để căm ghét – một kẻ thù có thể giúp một nhóm tự định nghĩa nó trái ngược lại. Bỏ qua bước này, bạn sẽ bị bỏ lại với một quân đội đánh thuê. Bạn sẽ xứng đáng với định mệnh luôn luôn chờ đợi một quân đội như thế.
Bước 2: Thỏa mãn các nhu cầu của họ. Mọi người không thể năng động mãi nếu các nhu cầu vật chất của họ không được thỏa mãn. Nếu bằng cách nào đó họ thấy mình bị bóc lột, tính ích kỷ của họ sẽ hiện ra và họ bắt đầu tách ra khỏi nhóm. Hãy sử dụng một mục tiêu – một điều gì đó trừu tượng hay có tính chất tinh thần – để đưa họ lại với nhau, nhưng phải đáp ứng cho các nhu cầu thực dụng của họ. Bạn không cần phải làm cho họ hư hỏng với việc trả công cao cho họ; việc họ sẽ cảm nhận rằng mình đang được chăm nom, rằng bạn đang nghĩ tới sự tiện nghi của họ, còn quan trọng hơn. Chăm lo cho các nhu cầu vật chất của họ sẽ khiến cho việc yêu cầu nhiều hơn ở họ khi cần thiết trở nên dễ dàng hơn.
Bước 3: Chỉ huy từ phía trước. Sự nhiệt tình của mọi người sẽ không thể tránh khỏi việc giảm sút dần. Một điều đẩy nhanh tốc độ mất đi của nó, và làm nảy sinh ra sự bất mãn, là cảm giác rằng người lãnh đạo không thực hành điều mà họ rao giảng. Ngay từ lúc khởi đầu, quân của bạn phải nhìn thấy bạn chỉ huy từ phía trước, chia sẻ những nguy hiểm và sự hy sinh của họ - thực thi chính nghĩa giống như họ. Thay vì cố thúc đẩy họ từ sau lưng, bạn hãy làm cho họ phải chạy để đuổi kịp bạn.
Bước 4: Tập trung vào khí [ch’i] của họ. Người Trung Hoa tin vào một nguồn năng lượng gọi là khí, nó tồn tại trong mọi loài sinh vật. Tất cả các nhóm đều có những cấp độ khí khác nhau, về mặt tâm lý và thể chất. Một người lãnh đạo phải hiểu năng lượng này và biết cách điều khiển nó. Sự lười nhác có một ảnh hưởng kinh khủng tới khí. Khi những người lính không làm việc, tinh thần của họ xuống thấp, những mối ngờ vực len vào, và tính ích kỷ nổi lên. Tương tự, sống trong thế phòng thủ, luôn chờ đợi và chỉ phản ứng lại những gì kẻ thù khơi gợi, cũng sẽ hạ thấp khí. Vì thế, hãy giữ cho quân lính của bạn luôn bận rộn, hành động vì một mục đích, vận động theo một hướng. Đừng làm cho họ chờ cho tới cuộc tấn công kế tiếp; việc đẩy họ tới trước sẽ kích thích họ và làm cho họ khát khao chiến đấu. Hành động tấn công tập trung khí, và khí đã được tập trung chứa đầy tiềm lực.
Bước 5: Tấn công vào các cảm xúc của họ. Cách tốt nhất để thúc đẩy mọi người không phải là thông qua lý trí mà là thông qua cảm xúc. Tuy nhiên, lẽ tự nhiên là con người có tính phòng vệ, và nếu bạn bắt đầu với một lời kêu gọi cảm xúc của họ - một kiểu hô hào đóng kịch – họ sẽ xem là bạn đang âm mưu lôi kéo và sẽ chùn lại. Sự kêu gọi cảm xúc cần có trình tự: hạ thấp sự đề phòng của họ, liên kết họ thành một nhóm, bằng cách tổ chức một trò giúp vui, hay kể cho họ nghe một câu chuyện. Bấy giờ họ đã ít kiểm soát các cảm xúc và bạn có thể tiếp cận họ một cách trực tiếp hơn, lay chuyển họ dễ dàng từ cười sang giận dữ hay căm ghét. Các bậc thầy về thuật quản lý con người có một ý thức về kịch tính: họ biết khi nào và bằng cách nào để tấn công vào lòng của những thuộc cấp mình.
Bước 6: Hòa lẫn sự nghiêm khắc và lòng tốt. Yếu tố cơ bản đối với sự quản lý con người là tính cân bằng giữa thưởng và phạt. Quá nhiều tưởng thưởng sẽ làm hư hỏng binh sĩ của bạn và làm cho họ xem đó như là chuyện đương nhiên; quá nhiều hình phạt sẽ hủy hoại tinh thần của họ. Bạn cần đạt được điểm cân bằng đúng đắn. Làm cho lòng tốt của bạn trở thành điều hiếm hoi và thậm chí một lời nhận xét nồng ấm hay một hành động quảng đại cũng sẽ mang một ý nghĩa đầy sức mạnh. Sự giận dữ và sự trừng phạt cũng phải hiếm hoi tương đương; thay vì vậy, sự nghiêm khắc của bạn nên khoác hình thức của việc đề ra những chuẩn mực cao mà chỉ một vài người có thể đạt tới. Hãy khiến cho binh sĩ của bạn hoàn toàn làm vui lòng bạn, khiến cho họ đấu tranh để nhìn thấy ít nghiêm khắc và nhiều lòng tốt hơn.
Bước 7: Xây dựng nên huyền thoại nhóm. Những quân đội có tinh thần cao nhất là những quân đội đã được kiểm nghiệm trong chiến trận. Những người lính từng chiến đấu kề vai sát cánh với nhau trong nhiều chiến dịch sáng tạo ra một dạng huyền thoại nhóm dựa vào các chiến thắng trong quá khứ của họ. Việc sống theo truyền thống và thanh danh của nhóm trở thành một vấn đề về sự tự hào; bất kỳ người nào làm cho nhóm thất vọng sẽ cảm thấy xấu hổ. Để sản sinh ra huyền thoại này, bạn phải dẫn quân của bạn vào càng nhiều chiến dịch càng tốt. Nên khôn ngoan bắt đầu bằng những trận chiến dễ dàng mà họ có thể thắng cuộc, thiết lập lòng tự tin của họ. Tạo nên những biểu tượng và những khẩu hiệu thích hợp với huyền thoại. Quân của bạn sẽ muốn thuộc về nó.
Bước 8: Kiên quyết xử lý những kẻ hay càu nhàu than vãn. Không chừa chỗ cho những kẻ hay càu nhàu và bất mãn, nếu không họ sẽ lây lan sự băn khoăn hay thậm chí sự sợ hãi trong khắp nhóm. Trong phạm vi nhanh nhất có thể, phải cách ly và tống cổ họ đi. Mọi nhóm đều có một cốt lõi gồm những những người năng động, có kỷ luật hơn số còn lại – những người lính tốt nhất của bạn. Hãy nhận ra họ, nuôi dưỡng đức tính của họ và lấy họ ra làm gương. Những người này sẽ là một lực thăng bằng tự nhiên chống lại những kẻ bất mãn và yếu bóng vía.
"Ông biết không, ta chắc chắn rằng không phải con số hay sức mạnh đem lại chiến thắng trong chiến tranh, mà bất cứ quân đội nào mạnh hơn về tinh thần, nói chung các kẻ thù của họ không thể chống cự nổi họ. " Xenophon (430?- 355? Tr.CN.)
Vào đầu thập niên 1630, Oliver Cromwell (1599 – 1658), một người đàn ông lịch thiệp thuộc tầng lớp trung nông tỉnh lẻ ở Cambridgeshire, Anh Quốc, bị suy sụp tinh thần và thường nghĩ tới cái chết. Chìm sâu trong cơn khủng hoảng, ông chuyển sang đạo Thanh giáo, và đột nhiên cuộc đời ông có một bước ngoặt mới: ông cảm thấy mình đã trải nghiệm qua một cuộc tiếp xúc với Thượng đế. Bấy giờ, ông tin vào mệnh Trời, một ý tưởng cho rằng mọi sự xảy ra có một nguyên nhân và theo ý muốn của Thượng đế. Trong khi lúc trước ông rất nản lòng và hay do dự, giờ đây ông toàn tâm hướng về mục đích: ông nghĩ mình là một trong số những người đã được Thượng đế chọn lựa.
Sau đó, Cromwell trở thành một nghị sĩ Quốc hội và là người phát ngôn bảo vệ cho những thường dân nhiều đau khổ chống lại giới quý tộc. Thế nhưng ông ta cảm thấy đã được số mệnh an bài để làm một điều gì đó lớn hơn chính trị: ông đã có những viễn tượng về một cuộc thập tự chinh vĩ đại. Năm 1642, Quốc hội, trong một quộc đấu tranh cay đắng với vua Charles I, đã biểu quyết cắt bỏ khoản trợ cấp cho nhà vua cho tới khi nào ông ta đồng ý với những điều kiện giới hạn quyền lực hoàng gia. Khi Charles từ chối, chiến tranh nổ ra giữa phe Calvariers (Kỵ binh – những người bảo hoàng, để tóc dài) và phe Roundheads (Đầu tròn – những ngƣời nổi loạn, gọi là thế vì họ cắt tóc ngắn sát đầu). Ủng hộ Quốc hội nồng nhiệt nhất đa số những người Thanh giáo, trong đó có Cromwell, người xem cuộc chiến chống lại nhà vua là một cơ hội, hơn thế, là một sứ mệnh của mình.
Dù không có nền tảng quân sự, Cromwell nhanh chóng thành lập một đạo quân gồm 60 kỵ binh từ vùng quê Cambrigeshire. Mục tiêu của ông là sáp nhập họ vào một trung đoàn lớn hơn, học hỏi kinh nghiệm bằng cách chiến đấu dưới quyền một viên chỉ huy khác, và dần dần chứng tỏ giá trị của mình. Ông rất tự tin vào chiến thắng cuối cùng, vì ông xem phe ông là bất khả chiến bại: nói cho cùng, Thượng đế đứng về phía họ, và tất cả các binh lính của ông đều là những kẻ tin vào chính nghĩa trong việc tạo nên một nước Anh ngoan đạo hơn. Dù thiếu kinh nghiệm, Cromwell cũng có một tầm nhìn quân sự nào đó: ông hình dung ra một kiểu thực hiện chiến tranh mới, đi đầu là những kỵ binh nhanh hơn và cơ động hơn. Và trong vài tháng đầu của cuộc chiến, ông đã chứng tỏ mình là một người chỉ huy tài ba và dũng cảm. Ông được trao thêm nhiều đoàn quân để chỉ huy nhưng sớm nhận ra rằng ông đã đánh giá quá cao tinh thần chiến đấu của binh sĩ: nhiều lần ông đã dẫn quân tấn công vào phòng tuyến đã bị chọc thủng, chỉ để quan sát trong cơn giận dữ những người lính bất tuân quân lệnh xông vào cướp phá doanh trại của địch quân. Đôi khi, ông cố duy trì một bộ phận lực lượng dự bị để làm lực lượng chi viện trong trận đánh, nhưng mệnh lệnh duy nhất mà họ nghe theo là tiến lên, và khi rút quân họ vô cùng hỗn loạn. Tự xem mình là đoàn quân thánh chiến, qua chiến cuộc, binh lính của Cromwell đã lộ rõ là những kẻ nhẫn tâm, chỉ chiến đấu vì tiền và thỏa tính phiêu lưu. Họ vô giá trị.
Năm 1643, khi được phong chức đại tá chỉ huy trưởng trung đoàn của ông, Cromwell quyết định đoạn tuyệt với quá khứ. Từ giờ trở đi, ông chỉ tuyển mộ những binh lính theo một dạng: những người, giống như ông, có những viễn tượng và mạc khải tôn giáo. Ông tìm ra những người nổi bật, kiểm tra mức độ đức tin của họ. Loại bỏ một truyền thống lâu đời, ông bổ nhiệm những thường dân, chứ không phải là những nhà quý tộc, làm sĩ quan; như ông viết cho một người bạn: “Tôi thích một viên đại úy áo vải thô mộc biết mình chiến đấu vì cái gì, yêu mến điều mà mình biết, hơn là cái mà ông gọi là quý ông và chẳng còn gì khác.” Cromwell cho binh lính cùng hát thánh ca và cầu nguyện. Trong một cuộc kiểm tra nghiêm khắc về kỷ luật, ông đã dạy họ xem tất cả những hành động của mình như là một phần trong ý định của Thượng đế. Và ông chăm nom họ theo một cung cách khác thường vào thời đó, bảo đảm rằng họ được ăn ngon, mặc ấm và lãnh tiền lương đúng hạn.
Bấy giờ, khi quân đội của Cromwell tiến vào chiến địa, nó là một lực lượng đáng nể. Binh lính tiến lên trong đội hình chặt chẽ, hát lớn những bài thánh ca. Khi tới gần các lực lượng của nhà vua, họ chuyển sang một đội hình phi nước kiệu tròn, không tiến theo đường thẳng và hỗn loạn như các đoàn quân khác. Ngay cả khi tiếp xúc với kẻ thù, họ vẫn giữ trật tự, và lúc họ rút lui cũng đầy kỷ luật như lúc tiến công. Vì tin rằng Thượng đế ở bên mình, họ không sợ chết: họ có thể tiến quân thẳng lên một ngọn đồi trong làn đạn của kẻ thù mà không hề dừng bước. Khi đã kiểm soát được kỵ binh của mình, Cromwell có thể điều động họ với sự linh hoạt vô hạn. Các đoàn quân của ông thắng hết trận này sang trận khác. Năm 1645, Cromwell được phong làm trung tướng kỵ binh trong Quân đội Kiểu Mới. Năm đó, trong trận Naseby, trung đoàn giàu kỷ luật của ông đã góp phần chủ yếu cho chiến thắng của phe Roundheads. Một vài ngày sau, kỵ binh của ông dứt điểm các lực lượng hoàng gia ở Langport, kết thúc một cách hiệu quả giai đoạn đầu của cuộc Nội chiến.
Việc Cromwell được xem là một trong những nhà lãnh đạo quân sự vĩ đại trong lịch sử đáng chú ý ở chỗ ông đã học được cách cầm quân ngay từ thực tế. Trong giai đoạn thứ hai của cuộc Nội chiến, ông trở thành lãnh đạo của phe Roundheads, và sau đó, khi đã đánh bại vua Charles I và xử tử ông ta, ông trở thành Người bảo hộ của Anh Quốc. Dù đi đầu trong thời của ông với những viễn tượng về thực hiện chiến tranh cơ động, Cromwell không phải là một chiến lược gia xuất sắc hay nhà chiến thuật trận địa tài ba; thành công của ông nằm ở tinh thần và kỷ luật của quân đội, và với những phẩm chất mà những người mà ông tuyển mộ - những người chân thành tin tưởng vào chính nghĩa của ông. Một cách tự nhiên, những người như thế mở rộng lòng đón nhận ảnh hưởng của ông và chấp nhận kỷ luật của ông. Với mỗi chiến thắng mới, họ càng tận tụy với ông và càng cố kết với nhau hơn. Ông có thể đặt ra yêu cầu cao nhất đối với họ.
Như vậy, trên tất cả mọi điều khác, hãy chú ý tới nhân viên của bạn, những người mà bạn đã tuyển mộ cho chính nghĩa của mình. Nhiều người sẽ vờ như chia sẻ những niềm tin của bạn, nhưng trận chiến đầu tiên của bạn sẽ cho thấy tất cả những gì họ muốn là một việc làm. Những chiến sĩ như thế là những kẻ vụ lợi và sẽ chẳng đưa bạn tới đâu. Những người thực tâm tin tưởng là điều mà bạn mong muốn; khả năng chuyên môn và các lý lịch giàu ấn tượng không thể bằng tính cách và khả năng hy sinh. Những người được tuyển mộ theo tính cách sẽ trở thành một lực lượng sẵn sàng đón nhận ảnh hưởng của bạn, khiến cho việc đạt được tinh thần và kỷ luật dễ dàng hơn rất nhiều. Những nhân sự cốt cán đó sẽ trải rộng niềm tin cho bạn, giữ cho phần còn lại của đoàn quân nằm trong hàng ngũ. Trong thế giới muôn năm này, hãy biến chiến trận thành một trải nghiệm mang tính tôn giáo, một mối liên quan có tính xuất thần vào một điều gì đó đang vượt xa khỏi hiện tại càng nhiều bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu.
TRÍCH: 33 CHIẾN LƯỢC CỦA CHIẾN TRANH - ROBERT GREENE NGUỒN: https://www.chinhnghia.com/33%20Chien%20Luoc%20Cua%20Chien%20Tranh.pdf