BÀI HỌC SỐ 8: CHỌN LỰA TRẬN CHIẾN MỘT CÁCH CẨN THẬN - CHIẾN LƯỢC TIẾT KIỆM HOÀN HẢO
Tất cả chúng ta đều có những hạn chế - những năng lực và kỹ năng của chúng ta chỉ giúp ích chúng ta cho đến lúc này. Các mối nguy hiểm đến từ việc cố gắng vượt quá những giới hạn của chúng ta. Bị cám dỗ bởi một phần thưởng lấp lánh nào đó để mở rộng quá mức bản thân, chúng ta kết thúc trong sự kiệt quệ và bị tổn thương. Bạn phải biết những hạn chế của mình và chọn lựa trận chiến một cách cẩn thận. Hãy xem xét những cái giá tiềm ẩn của một cuộc chiến tranh: mất mát thời gian, thêm thù bớt bạn. Đôi lúc tốt hơn nên chờ đợi, nên làm suy yếu kẻ thù một cách ngấm ngầm hơn là trực diện chiến đấu với họ. Nếu trận chiến là bất khả kháng, hãy để họ chiến đấu theo cách của bạn. Nhắm thẳng vào những nhược điểm của họ; làm cho trận chiến đắt giá đối với họ và ít phí tổn đối với bạn. Chiến đấu với sự tiết kiệm hoàn hảo, bạn có thể tồn tại lâu hơn thậm chí cả một kẻ thù hùng mạnh nhất.
Năm 281 Tr. CN., chiến tranh nổ ra giữa La Mã và thành Tarentum, nằm trên bờ biển miền đông nước Ý. Khởi đầu, Tarentum là một thuộc địa của thành Sparta, Hy Lạp; cư dân của nó vẫn nói tiếng Hy Lạp, tự xem mình là những người Sparta văn minh, và nghĩ rằng các thành khác của Ý là man rợ. Trong lúc đó, La Mã là một thế lực vừa mới nổi lên, dính vào một chuỗi chiến tranh với các thành lân cận.
Những người La Mã khôn ngoan miễn cưỡng tấn công Tarentum. Lúc bấy giờ, nó là thành giàu có nhất của Ý, giàu tới nỗi có thể tài trợ cho các đồng minh của nó trong cuộc chiến chống lại La Mã; nó cũng quá xa xôi, tít tận miền đông nam, không phải là một mối đe dọa ngay tại chỗ. Nhưng quân Tarentum đã đánh chìm một số tàu thuyền La Mã đi vào hải cảng của họ, giết chết viên đô đốc của đoàn tàu, và khi La Mã cố gắng thương lượng để giải quyết, các viên đại sứ của họ đã bị sỉ nhục. Vinh dự của La Mã đang bị đe dọa, và nó đã sẵn sàng cho cuộc chiến tranh.
Tarentum có một vấn đề: nó giàu có nhưng chưa từng có một kẻ thù thật sự. Công dân của nó đã quen với cuộc sống dễ dàng. Giải pháp là cầu cứu một lực lượng quân đội của Hy Lạp để chiến đấu thay cho nó. Mặt khác người Sparta đang bị xâm chiếm, vì thế, người Tarentum cầu cứu vua Pyrrhus của Epirus (319-272 Tr. CN.), vị vua chiến binh Hy Lạp vĩ đại nhất từ thời Alexander Đại đế.
Epirus là một vương quốc nhỏ nằm ở trung tây Hy Lạp. Đó là một đất nước nghèo, dân cư thưa thớt, tài nguyên hiếm hoi, nhưng Pyrrhus - lớn lên từ những truyền thuyết về Achille, người được xem là tiền nhân của gia tộc ông ta, và về Alexander Đại đế, một người anh họ xa - đã quyết định theo bước các tiền nhân và thân thuộc sáng chói của ông ta, mở rộng Epirus và tạo dựng một đế quốc cho chính mình. Khi còn trẻ, ông đã phục vụ trong quân đội của những nhà quân sự lớn, trong đó có Ptolemy, một vị tướng của Alexander, người lúc bấy giờ đang cai trị Ai Cập. Pyrrhus nhanh chóng chứng tỏ khả năng chiến đấu và chỉ huy của ông. Trong chiến trận, ông trở nên nổi tiếng với việc chỉ huy những cuộc tấn công nguy hiểm được đặt cho biệt danh là “Chim đại bàng”. Ông quay trở về Epirus và xây dựng quân đội nhỏ bé của mình, huấn luyện nó rất tốt, thậm chí đã tìm cách đánh bại quân đội Macedonia lớn hơn nhiều trong nhiều trận chiến.
Thanh danh của Pyrrhus đang nổi như cồn, nhưng một đất nước nhỏ bé như của ông khó mà chiếm ưu thế trước những láng giềng Hy Lạp hùng mạnh hơn như quân Macedonia, quân Sparta và quân Athena. Và đề nghị của người Tarentum rất hấp dẫn: Trước hết, họ hứa cung cấp tiền và một quân đội lớn chiêu mộ từ các nước liên minh. Thứ hai, với việc đánh bại La Mã, ông có thể tự mình làm chủ nước Ý, và từ Ý, đầu tiên ông có thể chiếm đảo Sicile, rồi tới Carthage ở Bắc Phi. Alexander đã đi về hướng đông để tạo dựng đế quốc của ông ta; Pyrrhus có thể đi về hướng tây và thống trị khu vực Địa Trung Hải. Ông chấp nhận lời đề nghị.
Mùa xuân năm 280 Tr. CN., Pyrrhus ra khơi với đạo quân lớn nhất Hy Lạp lúc bấy giờ để tiến vào Ý: 20.000 lính bộ binh, 3.000 kỵ binh, 2.000 cung thủ và hai mươi con voi chiến. Tuy vậy, khi tới Tarentum, ông nhận ra mình đã bị mắc mưu: người Tarentum không chỉ không có quân đội, họ còn không có một nỗ lực nào để tập hợp một đội quân, bỏ mặc cho Pyrrhus tự mình xoay xở. Pyrrhus không lãng phí thời gian: ông tuyên bố một nền chuyên chế quân sự trong thành phố và bắt đầu nhanh chóng xây dựng và huấn luyện một quân đội lấy từ những người Tarentum.
Việc Pyrrhus tới Tarentum làm người La Mã lo ngại. Họ biết danh tiếng với tư cách một chiến lược gia và chiến binh của ông. Quyết định không để cho ông có thời gian chuẩn bị, họ nhanh chóng cử tới một lực lượng quân đội, buộc Pyrrhus phải chiến đấu với những gì ông đang có và ông xuất binh đương đầu với họ. Hai lực lượng quân đội gặp nhau ở gần thị trấn Heraclea. Pyrrhus và các đoàn quân của ông ít người hơn và đang ở bên lề bại trận, khi ông tung ra vũ khí bí mật của mình: đàn voi chiến, với trọng lượng khổng lồ của chúng, gầm lên một cách đáng sợ cùng những chiến binh trên lưng, nã tên xuống bên dưới một cách thỏa thuê. Quân La Mã chưa bao giờ đối mặt với voi trong các trận đánh trước đó, và nỗi sợ lan rộng trong các đoàn quân, đảo ngược xu thế của cuộc chiến. Chẳng bao lâu, các quân đoàn La Mã giàu kỷ luật đã quay đầu bỏ chạy.
“Chim đại bàng” đã thắng to. Danh tiếng của ông trải dài khắp bán đảo Ý; ông thật sự là một tái hiện thân của Alexander Đại đế. Lúc này các thành phố khác cử viện binh tới cho ông, hơn cả số tổn thất của ông ở Heraclea.
Nhưng Pyrrhus lo âu. Ông đã mất nhiều cựu binh trong trận đánh, bao gồm cả những tướng lĩnh chủ chốt. Quan trọng hơn, sức mạnh và tính kỷ luật của các quân đoàn La Mã đã gây ấn tượng cho ông - họ không giống như những đoàn quân khác mà ông đã đối đầu. Ông quyết định cố đàm phán một giải pháp hòa bình với người La Mã, đề nghị chia đôi bán đảo với họ. Tuy vậy, trong cùng lúc đó, ông tiến quân tới La Mã, để làm cho cuộc đàm phán trở nên cấp thiết và làm rõ rằng trừ phi người La Mã yêu cầu hòa giải, họ sẽ phải một lần nữa chạm trán với ông.
Trong khi đó, sự bại trận ở Heraclea đã có một hiệu quả mạnh mẽ đối với người La Mã, một dân tộc không dễ bị đe dọa và không hề xem nhẹ việc bại trận. Ngay lập tức sau trận đánh, có lệnh tuyển mộ tân binh, và những chàng trai trẻ lũ lượt tới đầu quân. Người La Mã kiêu hãnh khước từ lời đề nghị giải quyết; họ sẽ không bao giờ chia sẻ nước Ý.
Hai quân đội gặp lại nhau ở gần thị trấn Asculum, không xa thành La Mã lắm, vào mùa xuân năm 279 Tr. CN. Lần này quân số hai bên tương đương nhau. Ngày đầu tiên của trận đánh thật dữ dội, và một lần nữa quân La Mã có vẻ như sắp thắng trận, nhưng ngày hôm sau, Pyrrhus, một bậc thầy về chiến lược, tìm cách dẫn dụ các quân đoàn La Mã vào địa hình phù hợp hơn cho phong cách dàn quân của ông, và ông chiếm được lợi thế. Theo thói quen cũ, vào lúc gần cuối ngày ông tự mình dẫn đầu một cuộc tấn công dữ dội vào trung tâm của các quân đoàn La Mã, đi đầu là đàn voi chiến. Quân La Mã bị chẻ nhỏ, và một lần nữa Pyrrhus chiến thắng.
Lúc này vua Pyrrhus đã lên tới đỉnh cao, thế nhưng ông vẫn cảm thấy buồn rầu và lo lắng. Những tổn thất của ông quá kinh khủng; hàng loạt tướng lĩnh mà ông tin cậy đã bị giết chết, và bản thân ông cũng bị thương nặng. Trong khi đó, quân La Mã dường như chưa kiệt quệ, chưa nản lòng vì sự thất bại của họ. Khi mừng công thắng trận ở Asculum, ông nói: “Nếu chúng ta đánh bại quân La Mã trong một trận chiến giống như thế nữa, chúng ta sẽ hoàn toàn bị hủy diệt.”
Tuy nhiên, [ngay khi đó] Pyrrhus đã bị hủy diệt rồi. Những tổn thất của ông ở Asculum quá lớn để có thể bù đắp một cách nhanh chóng, và lực lượng còn lại của ông còn quá ít để chiến đấu thêm lần nữa với quân La Mã. Chiến dịch Ý của ông đã kết thúc.
Câu chuyện của vua Pyrrhus và lời than thở nổi tiếng của ông sau trận đánh ở Asculum, đã làm phát sinh cụm từ “chiến thắng kiểu Pyrrhus [“Pyrrhic victory” - chiến thắng phải trả giá quá đắt], biểu thị một chiến thắng không khác gì chiến bại, vì nó đạt được với một cái giá quá đắt. Kẻ thắng trận kiệt quệ với chiến thắng của mình, không thể đối phó với trận đánh kế tiếp vì đã bị tổn thất quá nặng nề. Và sự thật, sau “chiến thắng” ở Asculum, Pyrrhus lê từ tai họa này sang tai ương khác, quân đội của ông không bao giờ còn đủ mạnh để đánh bại các thế lực thù địch đang lớn mạnh. Điều này lên tới cực điểm với cái chết yểu mệnh của ông trong chiến trận, chấm dứt niềm hy vọng trở thành một thế lực hùng cường ở Hy Lạp của Epirus.
Lẽ ra Pyrrhus có thể tránh được cái vòng xoắn ốc đi xuống này. Các nhà trí thức tiến bộ lẽ ra có thể nói cho ông biết về cả sự dữ tợn có kỷ luật của quân La Mã lẫn sự suy đồi và sự lừa lọc của người Tarentum, và khi biết điều này, hẳn ông đã có thể dành nhiều thời gian hơn cho việc xây dựng một quân đội hoặc hoàn toàn từ bỏ cuộc viễn chinh. Khi thấy rằng mình đã bị lừa, ông có thể quay trở lại; sau trận Heraclea vẫn còn thời gian để cắt giảm, củng cố, từ bỏ trong khi ông ở vị trí dẫn đầu. Nếu ông thực hiện bất cứ điều nào trong số này, câu chuyện của ông có lẽ đã có một kết thúc khác. Nhưng Pyrrhus đã không thể tự dừng bản thân ông lại - giấc mơ quá lôi cuốn. Tại sao phải lo âu về cái giá phải trả? Sau đó ông có thể hồi phục. Thêm một trận đánh, thêm một chiến thắng, và định mệnh đã an bài.
“Chiến thắng kiểu Pyrrhus” phổ biến hơn rất nhiều so với suy nghĩ của bạn. Sự kích động với những viễn cảnh của sự mạo hiểm là điều tự nhiên trước khi nó bắt đầu, và nếu mục tiêu hấp dẫn, chúng ta sẽ nhìn thấy một cách vô ý thức cái mà chúng ta muốn thấy - có nhiều khả năng hơn, ít những khó khăn khả dĩ hơn. Càng đi xa, càng khó mà lui lại và tái đánh giá một cách tỉnh táo hoàn cảnh. Trong những hoàn cảnh như thế, tổn thất có xu hướng không chỉ leo thang mà nó còn cuốn xoắn ốc khỏi tầm kiểm soát. Nếu mọi chuyện trở nên tồi tệ, chúng ta kiệt quệ, dẫn tới nhiều sai lầm hơn, dẫn tới nhiều vấn đề mới chưa dự báo hơn, và tới lượt chúng ta dẫn tới những tổn thất mới. Bất kỳ chiến thắng nào mà chúng ta có thể đạt được trên đường đi đều vô nghĩa.
Càng mong muốn phần thưởng, bạn càng phải đền bù bằng việc trải nghiệm cái giá phải bỏ ra để có được nó. Hãy nhìn xa bên ngoài những cái giá phải trả hiển nhiên và suy nghĩ về những cái giá không thể nhìn thấy: thiện chí mà bạn có thể lãng phí khi thực hiện chiến tranh, sự giận dữ của kẻ thua cuộc nếu bạn thắng, thời gian phải mất cho sự chiến thắng, những món nợ đối với các đồng minh của bạn. Luôn luôn bạn có thể chờ đợi một thời điểm tốt hơn; có thể thử một điều gì đó phù hợp với các tiềm lực của bạn hơn.
Lịch sử phơi đầy xác của những người làm ngơ không chú ý đến những cái giá phải trả. Hãy gác lại những trận chiến không cần thiết và hãy sống để chiến đấu vào một ngày khác.
"Khi vũ khí đã cùn và tinh thần chán nản, khi chúng ta đã sức cùng lực kiệt, khi đó những kẻ khác sẽ lợi dụng sự kiệt quệ của chúng ta để vùng lên. Khi đó, dù anh có những viên tướng khôn ngoan, anh cũng không thể xoay chuyển cho mọi thứ trở nên tốt đẹp vào phút chót." Binh pháp, Tôn Tử (Thế kỷ 4 Tr. CN.)
TRÍCH: 33 CHIẾN LƯỢC CỦA CHIẾN TRANH - ROBERT GREENE NGUỒN: https://www.chinhnghia.com/33%20Chien%20Luoc%20Cua%20Chien%20Tranh.pdf