6 Mô Hình Lý Tưởng Cơ Bản
Sau đây là sáu mô hình lý tưởng cơ bản bạn nên hướng tới để tự biến bản thân thành một chiến lược gia trong cuộc sống hàng ngày.
1. Nhìn vào sự việc theo chính bản thân của chúng, không phải theo các cảm xúc của bạn.
Trong chiến lược bạn phải xem các phản ứng xúc cảm của bạn đối với các sự kiện như là một căn bệnh phải được chữa trị.
a. Nỗi sợ hãi sẽ khiến bạn đánh giá quá cao kẻ thù và hành động có tính chất tự vệ thái quá.
b. Sự giận dữ và nóng nảy sẽ đẩy bạn tới những hành động hấp tấp làm mất đi các cơ hội chọn lựa của bạn.
c. Sự tự tin thái quá, đặc biệt khi đó là kết quả của sự thành công sẽ khiến cho bạn đi quá đà.
d. Tình yêu và sự cảm động sẽ khiến bạn mù quáng trước những thủ đoạn xảo trá của những kẻ nhìn bề ngoài đang đứng về phía bạn.
Ngay cả những cấp độ vi tế nhất của những cảm xúc này cũng có thể làm thay đổi cách thức bạn nhìn vào các sự kiện. Liệu pháp duy nhất là nhận thức rằng không thể tránh khỏi sức hút của cảm xúc, để nhận ra nó ngay khi nó xảy ra và để bù đắp cho nó.
a. Khi bạn thành công, hãy vô cùng thận trọng.
b. Khi bạn giận dữ, không hành động gì cả.
c. Khi bạn sợ hãi, biết rằng bạn sẽ cường điệu những mối hiểm nguy mà bạn đương đầu.
Chiến tranh đòi hỏi sự duy thực tột cùng, nhìn sự vật theo bản thân của chúng. Càng hạn chế hoặc càng bù đắp được cho các phản ứng xúc cảm của bạn, bạn càng tiến tới gần mô hình lý tưởng này.
2. Xét đoán mọi người theo hành vi của họ.
Điểm nổi bật của chiến tranh là không hề có một sự hùng biện hoặc cuộc đối thoại nào có thể thanh minh cho một thất bại ở chiến trường. Một vị tướng đã đưa các đội quân của mình tới chỗ bại trận, làm lãng phí sinh mạng, và đó là cách mà lịch sử sẽ phán xét ông ta.
Bạn phải cố vận dụng chuẩn mực tàn nhẫn này vào cuộc sống hàng ngày của mình, xét đoán mọi người theo kết quả các hành vi của họ, những hành vi có thể nhìn thấy và đo lường được, các thủ đoạn họ đã sử dụng để đạt được quyền lực. Điều mà mọi người nói về mình không quan trọng; người ta sẽ nói bất cứ thứ gì. Hãy nhìn vào điều họ đã làm; hành vi không biết nói dối.
Bạn cũng phải áp dụng logic này cho chính bản thân. Khi nhìn lại một thất bại, bạn phải nhận diện được những điều mà lẽ ra bạn đã phải thực hiện theo cách khác. Không phải sự chơi xấu của đối thủ, mà chính chiến lược tồi tệ của bạn là điều đáng khiển trách về thất bại của bạn. Bạn chịu trách nhiệm về những điều tốt đẹp và tồi tệ trong đời bạn.
Như một hệ quả tất yếu của điều này, hãy nhìn vào mọi điều mà những người khác làm như một thủ đoạn chiến lược, một nỗ lực để giành chiến thắng. Ví dụ, những người tố cáo bạn chơi xấu, kẻ làm cho bạn cảm thấy có lỗi, kẻ nói về công bằng và đạo đức, [ là những người] đang cố gắng giành lợi thế trên bàn cờ.
3. Trông cậy vào vũ khí của chính bạn.
Trong sự kiếm tìm thành công ở cuộc sống, mọi người có khuynh hướng trông cậy vào những điều có vẻ đơn giản, dễ dàng hoặc trước đó đã có hiệu quả. Điều này có thể là việc tích lũy tài sản, những biệt tài xoay xở, có nhiều đồng minh, hoặc có công nghệ mới nhất và lợi thế mà nó mang tới. Nó mang tính vật chất và cơ học.
Nhưng chiến lược chân chính có tính tâm lý – một vấn đề của trí tuệ chứ không phải của sức mạnh vật chất. Mọi thứ trong đời có thể bị tước đoạt khỏi bạn và nhìn chung sẽ là như thế vào một thời điểm nào đó. Tài sản tiêu tan, bộ đồ cuối cùng đột nhiên trở thành lỗi thời, các đồng minh lìa bỏ bạn. Nhưng nếu tâm trí bạn được trang bị nghệ thuật chiến tranh, không một sức mạnh nào có thể tước đoạt được nó.
Ở giữa một cơn khủng hoảng, tâm trí bạn sẽ tìm ra con đường đi tới giải pháp đúng của nó. Có những chiến lược cao cấp trong tay, bạn sẽ có một sức mạnh bất khả cưỡng kháng lại. Như Tôn Tử nói: “Sự bất năng khuất nằm trong bản thân ngươi.”
4. Tôn thờ Athena chứ không phải Ares.
Theo thần thoại Hy Lạp cổ đại, người thông minh nhất trong tất cả những vị thần bất tử là nữ thần Metis. Để phòng ngừa bà đánh lừa và hủy diệt mình, thần Zeus cưới bà, rồi nuốt chửng bà vào bụng, hy vọng sẽ hợp nhất được với trí thông minh của bà.
Nhưng Metis đã mang thai với Zeus và có con là nữ thần Athena, người sau đó được sinh ra từ trán của ngài. Để thích hợp với dòng dõi của mình, Athena được ban cho tính xảo trá của Metis và khả năng chiến đấu của Zeus. Người Hy Lạp xem bà là nữ thần của chiến tranh có chiến lược, kẻ mà bà yêu thích nhất trong số những phàm nhân là Odysseus mưu lược. Ares là thần chiến tranh dưới hình thức tàn bạo và trực tiếp.
Người Hy Lạp xem thường Ares và tôn thờ Athena, người luôn luôn chiến đấu với trí thông minh và sự tinh tế tột bậc. Mối quan tâm của bạn trong chiến tranh không phải là bạo lực, sự dã man, sự lãng phí nhân mạng và khí tài, mà là tính hợp lý và hành động thực tế buộc phải tiến hành nó với lý tưởng chiến thắng mà không đổ máu.
Những mẫu người kiểu Ares trên thế giới thật sự hoàn toàn ngu xuẩn và dễ bị làm cho mê muội. Sử dụng sự thông tuệ của Athena, mục tiêu của bạn là chuyển bạo lực và tính hiếu chiến của dạng người đó chống lại chính họ, làm cho sự tàn bạo của họ trở thành nguyên nhân của sự suy vong.
Như Athena, bạn luôn đi trước một bước, di động một cách lắt léo. Mục tiêu của bạn là phối hợp triết học và chiến tranh, sự khôn ngoan và chiến trận thành một hỗn hợp vô địch.
5. Nâng cao bản thân bạn lên trên cuộc chiến.
Trong chiến tranh, chiến lược là nghệ thuật chỉ huy toàn bộ hoạt động quân sự. Các chiến thuật, mặt khác, là kỹ năng để bày binh bố trận trên chiến địa và xử lý những nhu cầu tại chỗ của chiến trận.
Phần lớn chúng ta trong đời là những chiến thuật gia chứ không phải là những chiến lược gia. Chúng ta trở nên quá vướng víu vào những xung đột mà chúng ta đối đầu đến nỗi chỉ có thể nghĩ về cách làm thế nào để đạt được điều chúng ta muốn trong cuộc chiến đang xảy ra. Tư duy một cách chiến lược là điều khó khăn và trái với tự nhiên.
Bạn có thể tưởng rằng bạn là một chiến lược gia, nhưng rất có khả năng bạn chỉ đơn giản là một chiến thuật gia. Để có được sức mạnh mà chỉ có chiến lược gia mới mang tới được, bạn phải có khả năng nâng cao chính bản thân lên trên cuộc chiến, tập trung vào những mục tiêu dài hạn của mình, hình dung ra một chiến dịch tổng thể, để thoát khỏi kiểu phản ứng mà bạn đã quen thuộc trong rất nhiều cuộc chiến trong đời.
Giữ các mục tiêu tổng thể của bạn trong tâm trí, bạn sẽ dễ dàng quyết định được khi nào chiến đấu và khi nào rút lui. Điều đó làm cho những quyết định có tính chiến thuật hàng ngày trở lên đơn giản và hợp lý hơn. Các chiến thuật gia luôn luôn nặng nề và dính chặt vào mặt đất; các chiến lược gia thì khinh khoái và có thể nhìn xa trông rộng.
6. Tinh thần hóa cuộc chiến của bạn.
Mỗi ngày bạn phải đối diện với những cuộc chiến – đó là thực tế đối với mọi sinh vật trong cuộc đấu tranh sinh tồn. Nhưng cuộc chiến lớn nhất là cuộc chiến với chính bản thân – với sự nhu nhược của bạn, những cảm xúc của bạn, sự thiếu kiên quyết của bạn – trong việc nhìn nhận mọi sự vật cho tới điểm tận cùng.
Bạn phải tuyên chiến không ngừng với chính bạn. Với tư cách là một chiến binh trong cuộc sống, bạn chào đón chiến trận và xung đột như là những cách thức để tự chứng tỏ mình, để trau dồi những kỹ năng, để đạt được lòng can đảm, sự tự tin và kinh nghiệm. Thay vì kìm nén những nghi vấn và sợ hãi của mình , bạn phải đối diện với chúng, chiến đấu với chúng. Bạn muốn có nhiều thách thức hơn, và bạn chào mời nhiều chiến tranh hơn. Bạn đang rèn luyện tinh thần của một chiến binh, và chỉ có việc thực hành thường xuyên mới đưa bạn tới đích.
Trong thế giới này, nơi trò chơi được tiến hành với con súc sắc đã gieo, con người phải có một tính cách sắt thép, với lớp áo giáp chống ngăn được cú đấm của định mệnh và những vũ khí để đương cự với kẻ khác.
Cuộc đời là một trận chiến lâu dài; chúng ta phải chiến đấu trên từng bước chân; và Voltaire đã cực kỳ chí lý khi nói rằng nếu chúng ta thành công, đó là ở mũi kiếm, và rằng chúng ta chết với vũ khí trong tay. -Authur Schopenhauer-
TRÍCH: 33 CHIẾN LƯỢC CỦA CHIẾN TRANH - ROBERT GREENE NGUỒN: https://www.chinhnghia.com/33%20Chien%20Luoc%20Cua%20Chien%20Tranh.pdf