top of page

Một vài yếu tố then chốt trong chiến lược và các chiến thuật bất bạo động


Mặc dù tương đối không có những phân tách chiến lược về những cuộc đấu tranh bất bạo động trong quá khứ và thiếu những nghiên cứu có hệ thống về những nguyên tắc căn bản của chiến lược bất bạo động, ta vẫn có thể liệt kê ra được một số nguyên tắc khá rõ ràng mang những hình thái cụ thể trong một số cuộc đấu tranh. Clausewitz viết là trong trường hợp chiến tranh thì dễ đưa ra một lí thuyết về các chiến thuật hơn là về chiến lược. Cả hai loại lí thuyết đều rất khó trong hành động bất bạo động, và bảng liệt kê các nguyên tắc cung ứng ở đây hẳn là thiếu sót và chỉ có tính cách tạm thời.

1. Gián tiếp tiếp cận sức mạnh đối phương.

Kĩ thuật hành động bất bạo động có thể được xem như là một sự phát triển cùng cực của phương thức “gián tiếp tiếp cận” chiến lược quân sự như Liddell Hart đã vạch ra, và đã được thảo luận trước đây trong chương này. Liddell lí luận là chiến lược trực tiếp sẽ làm vững chải sức mạnh của đối phương, còn phương thức gián tiếp thì về mặt quân sự có cơ sở hơn; thường đem lại hiệu quả khi mà kế hoạch hành động có tính “gián tiếp để chắc chắn là đối phương không sẵn sàng để chống lại.” Do đó, thay vì tấn công trực tiếp vào những vị trí mạnh của đối phương, Liddell nhấn mạnh vào sự quan trọng của các yếu tố tâm lí; mục đích của chiến lược lúc đó trở thành “làm suy giảm khả năng đối kháng…” “Gây bất ổn” cho kẻ thù, ông khẳng quyết, là thiết yếu cho việc tạo điều kiện để thắng lợi, và việc gây rối này phải được tiếp theo bằng “khai thác” cơ hội do vị thế bất ổn đó tạo ra. Do đó “vô hiệu hoá đối lực bằng cách làm tê liệt khả năng chống đối” và làm cho kẻ thù phải “làm một điều gì sai lầm” trở nên quan trọng.

Những nguyên tắc tổng quát này đều có thể áp dụng được vào việc dùng hành động bất bạo động để chống lại một đối thủ sử dụng phương tiện quân sự, để cho những phương tiện hành động của đối phương luôn luôn bị chọi lại một cách gián tiếp và sức mạnh đàn áp của ông ta sẽ dội ngược trở lại chính ông theo lối nhu thuật chính trị. Sau cùng, chính những nguồn sức mạnh của ông ta sẽ bị cắt giảm và loại bỏ mà không cần phải được trực tiếp đối đầu bằng cùng những phương tiện đấu tranh.

2. Những yếu tố tâm lí.

Một vài trong số những yếu tố tâm lí trong chiến tranh quân sự có những tương đồng trong “chiến tranh không bạo lực”. Nhưng việc ứng dụng thì không phải tự động. Ví dụ, bất ngờ thường được xem như là một yếu tố khẩn yếu trong một vài thể loại của chiến lược quân sự. Tuy nhiên, trong hoạt động bất bạo động, những mục tiêu như đẩy kẻ thù vào thế bất cẩn, lợi dụng kẻ thù lúc không thể phản công được, v.v., mà yếu tố bất ngờ thường được sử dụng để tạo ra thường đạt được ở một mức độ khả quan chỉ bằng cách quyết chí sử dụng một kĩ thuật khác với kĩ thuật của đối phương trong cuộc đấu tranh. Hơn nữa, nhiều khi yếu tố bất ngờ lại gây tai hại cho những nhà hoạt động bất bạo động, bằng cách tăng khả năng hồi hộp trong quân đội, điều này lại có nghĩa là sẽ tạo nên nhiều đàn áp khắc nghiệt hơn và ít bất mãn hơn trong hàng ngũ quân đội.

Tinh thần của những nhà hoạt động cũng quan trọng trong những xung đột bất bạo động cũng như quan trọng trong những xung đột quân sự. Dân chúng như là một tập thể khẩn thiết cần hiểu rõ là sức mạnh quân sự của đối phương không đem lại cho ông ta quyền quản lí hay là chiến thắng. Sự tin tưởng vào hành động bất bạo động là nền tảng, cùng với những đặc tính của “người chiến sĩ” như Clausewitz mô tả, “sự dũng cảm, năng khiếu, sức chịu đựng và nhiệt tình.”

3. Những yếu tố địa lí và vật chất.

Sở hữu hay chiếm được quyền kiểm soát của một vài địa điểm nào đó tự nó cũng không được xem là quan trọng, ngay cả trong chiến tranh quân sự, mà chỉ quan trọng như là những “mắc xích trung gian”, như là “phương tiện để chiếm thế thượng phong hơn” để cuối cùng đạt được thắng lợi. Trong lúc không hoàn toàn bị bỏ lơ trong đấu tranh bất bạo động, những yếu tố này đóng một vai trò hết sức nhỏ bé hơn nhiều, bởi vì kĩ thuật đấu tranh chủ yếu tuỳ thuộc vào ý chí và hành động của con người hơn là vào việc chiếm hữu những vị thế địa lí. Ví dụ có thể là quân đội chiếm được một địa thế vật chất nhưng chính thể điều động họ lại không kiểm soát dân chúng tại vùng này được hiệu quả. Một số địa thế, dinh thự, vân vân có lúc trở nên quan trọng trong đấu tranh bất bạo động, nhất là khi chúng có giá trị biểu tượng cao; trong những trường hợp này có thể áp dụng những phương pháp cản trở bất bạo động, đột kích bất bạo động và xâm chiếm bất bạo động. Tuy nhiên, ngay cả trong trường hợp này, chiếm hữu một số cứ điểm vật chất vẫn là thứ yếu đối với việc thoả mãn những điều kiện làm cho việc thúc đẩy các động lực tạo đổi thay có thể thực hiện được trong đấu tranh bất bạo động. Còn nhiều yếu tố địa lí và vật chất khác; có lúc địa thế, thời gian trong ngày và thời tiết có thể quan trọng, và có thể cần có các “trại” cho những người tự nguyện và bệnh viện để chăm sóc những người bị thương.

Một chiến lược gia bất bạo động cẩn trọng thường chú trọng đến việc lựa chọn địa điểm cho việc xúc tiến các hành động chống đối. Gandhi thường hết sức chú trọng đến điểm này, như đã từng được minh xác trong những kế hoạch bất tuân dân sự về các Thuế Muối năm 1930. Để dùng làm địa điểm làm muối và nơi để châm ngòi cuộc đấu tranh toàn quốc, Gandhi đã chọn bờ biển Dandi ít người biết đến trên vùng vịnh Cambay, tự nó không quan trọng, nhưng là một địa điểm đã cho phép Gandhi và những người theo ông thực hiện một cuộc đi bộ suốt hai mươi sáu ngày -- bây giờ gọi là vụ Diễn Hành Muối nổi tiếng – trong thời gian này ông đã có thể khơi động được sự lưu tâm của công chúng và tập trung chú ý vào những kế hoạch bất tuân dân sự của mình. Cũng vậy, trong cuộc điều tra về những khốn khổ của nông dân tại Champaran, Bihar, năm 1917; khi Gandhi biết là mình sẽ bị bắt, ông đã đi đến Bettiah để được bị bắt giữa những nông dân nghèo khổ nhất của quận hạt.

4. Thời gian tính.

Tính toán thời điểm xúc tiến các chiến thuật có thể là điều tối quan trọng trong đấu tranh bất bạo động. Tính toán thời điểm có thể có vài thể loại. Ví dụ khả năng thẩm định khi nào sẵn sàng để có hành động trực tiếp, và khi nào cần kêu gọi hành động vì phản công của địch sẽ yếu nhất hoặc khi nào nên bỏ lơ không hành động, là một điều cần thiết. Thời gian tính cần phải được xét định tuỳ theo toàn cảnh; Nerhu đã phục Gandhi về điểm này khi ông viết: “…ông ta biết rõ Ấn Độ của mình và phản ứng theo từng chuyển động nhỏ bé nhất của đất nước, và cân nhắc hoàn cảnh một cách chính xác và hầu như là theo bản năng, và có một linh tính hành động đúng vào thời điểm tâm lí.” Đã có người lí luận là “Tuyên Ngôn Không Trả Tiền Mướn Đất” của người Ái Nhĩ Lan hẳn đã thành công hơn nếu được đưa ra trước tháng Hai năm 1881 – như cánh quá khích Liên Minh Địa Sản muốn – thay vì sáu tháng sau đó, sau khi những người lãnh đạo đã bị bỏ tù và những cải cách đã làm nản ý chí đối kháng.

Đôi khi tung ra một cuộc đấu tranh bất bạo động có thể được tính toán để trùng hợp với một ngày hay một cơ hội có ý nghĩa nào đó. Việc chọn ngày 6 tháng Tư, năm 1930 để bắt đầu chiến dịch bất tuân dân sự của Ấn Độ, chẳng hạn, đã trùng hợp với ngày bắt đầu của Tuần Lễ Quốc Gia, tuần lễ được ghi nhớ nhằm vinh danh những nạn nhân của vụ Thảm Sát Amritsar năm 1919. Thời gian tính có thể còn quan trọng theo một ý nghĩa khác nữa. Giờ và phút mà những người hoạt động bất bạo động nào đó cần phải có mặt ở một số địa điểm và sự phối hợp cho ăn khớp những hành động của các nhóm khác nhau có thể là thiết yếu; điểm này đã là trường hợp của một số hoạt động của sinh viên thuộc Miền Nam nước Mỹ.

Theo một nghĩa khác nữa, thời gian tính có thể là nói về sự lựa chọn giai đoạn để kháng cự đối phương đang cố áp đặt hoặc nới rộng sự kiềm toả lên xã hội. Có lúc những yêu sách và hành động của đối phương đòi hỏi một sự phản ứng và kháng cự ngay tức khắc nếu muốn phá vỡ những nỗ lực của đối phương muốn thiết lập hay nới rộng kiềm chế. Trong trường hợp xâm lăng, chẳng hạn, thì điều này đặc biệt đúng ở ba điểm. Điểm thứ nhất xảy ra sau khi quyền lực chính thức bị chiếm đoạt và đất nước bị chiếm đóng. Điểm thứ hai là khi kẻ xâm lăng tìm kiếm sự hợp tác và hậu thuẫn của những nhóm quan trọng như là cảnh sát, công chức và các nghiệp đoàn thương mãi. Điểm cuối cùng là lúc kẻ xâm lược cố phá huỷ những cơ chế xã hội độc lập, thâu tóm tất cả các tổ chức và cơ chế lại dưới sự kiểm soát của hắn, và phân hoá dân chúng. Cứ mỗi khi một trong những tấn công như thế xảy ra thì điều quan trọng là phải chống đối ngay không chần chừ và không thể cứ “đợi xem” đã hay là cứ lần lữa. Chỉ có hành động tức tốc mới có hiệu quả. Trong những hoàn cảnh xung khắc khác, thời gian tính của hành động ở những giai đoạn khác nhau của cuộc đấu tranh cũng có thể quan trọng.

5. Số lượng và sức mạnh.

Dù số lượng có thể hết sức quan trọng trong hành động bất bạo động lẫn hành động quân sự, chúng chắc chắn không phải là yếu tố duy nhất và không bảo đảm được thắng lợi. “Phân tích và tạo lí thuyết về chiến lược dựa trên toán học” và cho rằng thắng lợi sẽ được quyết định chỉ bằng cách “tập trung lực lượng hùng mạnh vào một địa điểm được chọn lựa nào đó” là một điều sai lầm. Trong đấu tranh bất bạo động -- nhất là khi sử dụng cưỡng ép bất bạo động, như trong một cuộc tổng đình công hay một cuộc nổi loạn – thì số lượng nhiều khi là yếu tố quyết định. Nhưng không nên chỉ xét đến số lượng không mà thôi; số đông có thể là một điều bất lợi, hoặc vì những lí do chiến thuật hoặc là vì vấn đề kỉ luật hay sự tin cậy đã bị hi sinh để có được số đông như đã thảo luận trước đây trong chương này. Những chiến thuật và phương pháp đặc thù trong những hoàn cảnh nhất định nào đó có những đòi hỏi riêng biệt về những con số những người hành động. Có số đông mà không giữ được kỉ luật bất bạo động và cứ tiếp tục hành động mặc dù đàn áp xảy ra có thể làm phong trào yếu đi, nhưng nếu có được những tiêu chuẩn và kỉ luật cần thiết thì số đông có thể trở thành “vô địch.”

6. Vấn đề tranh chấp và tập trung sức mạnh.

Nếu muốn có được chiến lược và những chiến thuật khôn ngoan để xúc tiến hoạt động bất bạo động cho có hiệu quả nhất thì việc chọn lựa cẩn thận những chủ điểm đấu tranh là khẩn yếu, như đã thảo luận ở trên. Trong các chiến dịch quân sự quy ước, những chủ điểm này phần lớn được quyết định bởi việc xét định địa hình, vấn đề tiếp vận và những điều tương tự. Nhưng trong các chiến dịch bất bạo động thì chúng hầu như là hoàn toàn được quyết định bởi những nhân tố chính trị, tâm lí, xã hội và kinh tế.

Không có gì thay thế được cho sức mạnh thuần chất của đấu tranh bất bạo động. Nếu thiếu điểm này thì cố gắng đấu tranh cho một mục tiêu quá rộng lớn khó đạt được là một điều không khôn ngoan. Để được hữu hiệu, đấu tranh bất bạo động cần phải được tập trung vào những điểm khẩn yếu được chọn lựa sau khi đã xét định sức mạnh của chính mình, những mục tiêu và vị thế của đối phương (bao gồm cả những nhược điểm), và sự quan trọng của chính chủ điểm đấu tranh. Châm ngôn của Napoléon là không thể là quá mạnh ở điểm quyết định cũng áp dụng rất đúng ở đây. 144 Khi chọn điểm này thì cũng phải xét đến xác suất của hậu quả trong trường hợp thua hoặc thắng. Điều này liên hệ chặt chẽ với hệ luận đầu tiên trong số những hệ luận của chiến lược và các chiến thuật đã được Liddell Hart phác thảo:

Điều chỉnh mục đích của mình theo phương tiện mình có. Khi xác định một đối tượng thì điều chính yếu là cần thấy rõ và tính toán khách quan. “ Cắn một miếng lớn mà mình không nhai được” là rồ dại, và khởi đầu của sự khôn ngoan quân sự là ý thức điều gì có thể làm được. Do đó cần phải học hỏi đối diện với thực tế sự kiện mà vẫn giữ niềm tin: sẽ có nhu cầu lớn cho việc cần có niềm tin -- niềm tin mình có thể làm được điều mà thường thấy là không thể làm được -- một khi hành động bắt đầu. Tự tin giống như dòng điện trong một bình điện: tránh làm cạn điện vào một nỗ lực vô ích—và nhớ rằng lòng tự tin dẽo dai của quý vị sẽ chẳng làm được gì nếu các ngăn hộc của bình điện, những người mà quý vị trông cậy, đã bị kiệt sức.

Có thể có những trường hợp đặc biệt, như trường hợp có nỗ lực phân hoá dân chúng thì đòi hỏi cần phải có hành động mặc dù có nhiều nhược điểm; nhưng dù ngay cả trong trường hợp này vẫn cần phải xét định sức mạnh thực sự của mình, và trong lúc vạch chiến lược và các chiến thuật, cần phải cố gắng xem thử sức mạnh của mình có thể sử dụng được thuận lợi nhất hay không và các nhược điểm có thể bỏ qua hay là sửa đổi khẩn cấp được không.

“Những nguyên tắc chiến tranh, không phải chỉ một nguyên tắc, có thể cô đọng lại trong một cụm từ duy nhất – ‘tập trung’. Nhưng thực ra thì từ này cần phải được nới rộng ra là ‘tập trung sức mạnh để đánh vào điểm yếu.’” 146 Nguyên tắc quân sự này cũng được áp dụng vào đấu tranh bất bạo động và đã từng được Gandhi nhấn mạnh. Tập trung trong các cuộc đấu tranh bất bạo động chủ yếu sẽ được đặt vào một số điểm chính trị, xã hội và kinh tế biểu tượng cho những hoàn cảnh tổng quát rộng lớn hơn. Điều này liên hệ đến một hệ luận khác trong số những hệ luận của Liddell Hart: “Luôn luôn chú tâm vào đối tượng của mình, trong khi thích nghi kế hoạch theo hoàn cảnh. Phải biết là có nhiều cách để tranh thủ đối tượng, nhưng phải lưu ý là mọi mục tiêu đều phải nhằm đến đối tượng.” 147 Những nhà đấu tranh bất bạo động sẽ tìm cách tấn công vào một khía cạnh cụ thể biểu tượng cho cái “ác” mà họ đang đánh phá, khía cạnh mà đối phương khó chống đỡ nhất và là khía cạnh có thể gây nên sức mạnh lớn nhất từ những người hoạt động bất bạo động cũng như từ quảng đại quần chúng. Thành công ở một điểm giới hạn như thế sẽ làm tăng lòng tự tin và khả năng tiến hành một cách hữu hiệu đến việc đạt được trọn vẹn hơn các mục tiêu của họ. Một khi đã chọn được điểm để tập trung tấn công rồi thì họ không được để mình đi chệch hướng vào một con đường hành động nhỏ bé hơn hoặc vào một ngỏ cụt.

7. Sáng kiến.

Trong đấu tranh bất bạo động – ngay cả trong các giai đoạn tự vệ của cuộc đấu tranh -- việc những nhà hoạt động phải giành cho kì được và giữ lấy sáng kiến là một điều rất quan trọng. Gandhi viết 149 là “Một vị tướng có khả năng luôn luôn xung trận theo thời điểm và địa điểm mà ông lựa chọn. Ông luôn luôn giữ sáng kiến về những lãnh vực này và không bao giờ để nó lọt vào tay kẻ thù.” Một đặc điểm quan trọng được Nehru nêu lên giữa chiến dịch 1930 -- được mô tả ít nhất cũng là “hoà”—và chiến dịch 1932, rõ ràng là một thất bại của người Ấn, là năm 1930 “sáng kiến tuyệt nhiên đã nằm về phía Quốc Hội và nhân dân” trong lúc sáng kiến khoảng đầu năm 1932 hoàn toàn thuộc về phía Chính Quyền, còn Quốc Hội thì luôn luôn ở thế tự vệ.”150 Nhóm lãnh đạo bất bạo động cần phải có khả năng quản lí hoàn cảnh và chứng minh là mình nắm được khả năng quản lí đó. 151 Nirmal Kumar Bose viết là một nhà lãnh đạo của một chiến dịch bất bạo động “…không nên để cho địch thủ áp đặt hoặc ép một bước nào lên ông ta cả…cũng như không được để mình bị vùi dập bởi những biến cố tạm thời.”152 Cho nên, ở nơi nào có thể được, thì nhóm bất bạo động, chứ không phải đối phương, sẽ chọn thời điểm, chủ điểm đấu tranh, và đường hướng hành động và tìm cách duy trì sáng kiến dù bị đối phương đàn áp. Trong những trường hợp mà cuộc xung khắc do đối phương thúc đẩy, như trong một vụ đảo chánh hay xâm lược hoặc khi những biện pháp đàn áp mới được áp đặt thì các nhà đấu tranh bất bạo động sẽ phải cố gắng phục hoạt sáng kiến cho mình càng nhanh càng tốt.

C. Chọn lựa vũ khí.

Để đạt được những kết quả tối ưu, việc chọn lựa vũ khí bất bạo động để khởi xướng và điều động chiến dịch cần phải được thực hiện một cách cẩn trọng và khôn ngoan. Cần phải quyết định phương pháp nào trong số những phương pháp bất bạo động cụ thể được mô tả trong Phần Hai (và có thể là những phương pháp khác nữa) là thích hợp nhất cho một cuộc xung đột nhất định. Quyết định này cần phải được thực hiện sau khi xét định nhiều nhân tố khác nhau. Những nhân tố này bao gồm các vấn đề tranh chấp, bản chất của các nhóm đối lực, thể loại văn hoá và xã hội của mỗi nhóm, và bối cảnh xã hội và chính trị của cuộc xung đột. Các nhân tố khác là những phương thức tạo thay đổi mà nhóm bất bạo động muốn thực hiện (như là cải hoá hay cưỡng ép), kinh nghiệm của nhóm bất bạo động, và khả năng của họ áp dụng vào hoạt động bất bạo động. Sau cùng còn có thể loại của đàn áp, những phản công có thể có, và khả năng nhóm bất bạo động chịu đựng được những điều này, và những cường độ dấn thân vào cuộc đấu tranh của nhóm bất bạo động. Dĩ nhiên là còn những nhân tố khác nữa.

Số lượng những phương pháp được sử dụng trong bất cứ một cuộc xung đột duy nhất nào đó cũng sẽ biến đổi chỉ từ một đến cả hằng tá. Sự lựa chọn những phương pháp nào đó để sử dụng cho một chiến dịch nhất định sẽ dựa trên cơ sở của một số nhân tố. Một trong những nhân tố này là xét định xem những đặc tính căn bản của phương pháp này có chứa đựng những đặc tính cần có cho cuộc xung đột đó hay không. Ví dụ, nói một cách tổng quát thì những phương pháp thuộc loại phản đối và thuyết phục bất bạo động (Chương Ba) thường có hiệu quả phần lớn mang tính biểu tượng và tạo ra được ấn tượng là có sự hiện diện của đối lập. Theo tỉ lệ thì tác dụng của những phương pháp này mạnh hơn dưới những chế độ độc đoán trong đó đối lập và bất tuân thường hay bị ngăn cản và hiếm có. Tuỳ vào số lượng người tham dự, những phương pháp bất hợp tác (Chương Bốn, Năm, Sáu và Bảy) thường gây ra khó khăn cho việc duy trì sự điều hành và hiệu năng bình thường của hệ thống. Trong những hoàn cảnh trầm trọng, những phương pháp này có thể đe doạ sự tồn tại của hệ thống. Những phương pháp can thiệp bất bạo động (Chương Tám) có những đặc tính của cả hai loại trên, nhưng thêm vào đó thường hay tạo nên một sự thách thức trực tiếp đối với chế độ. Loại phương pháp này có thể gây tác dụng mạnh hơn với số lượng người ít hơn, với điều kiện là không sợ hải và kỉ luật được duy trì.

Tiến từ thể loại phản kháng và thuyết phục bất bạo động đến thể loại bất hợp tác và từ đó tiến đến can thiệp bất bạo động thường là một tiến trình gia tăng tiệm tiến về mức độ hi sinh đòi hỏi ở những người đấu tranh bất bạo động, về nguy cơ xáo trộn sự an bình và trật tự công cộng, và về hiệu năng. Những phương pháp bất hợp tác có thể được cắt nghĩa như là sự rút lui không hợp tác với hệ thống tà, và do đó mang ý nghĩa của một hành động tự vệ có tính đạo đức. Sử dụng thể loại những phương pháp này, đối chiếu với phương pháp can thiệp bất bạo động, cũng có thể đóng góp vào việc tạo ra một hoàn cảnh xã hội tương đối ít bùng nổ và ít nguy hiểm hơn, vì những phương pháp này chỉ là rút lui sự hợp tác đang có hay là giữ lại những hình thức hợp tác mới với đối phương. 153 Những hình phạt và đau khổ áp đặt trực tiếp hay gián tiếp lên những người bất hợp tác, mặc dù có lúc rất nặng nề, nhưng tương đối ít nặng nề hơn là những hình phạt và đau khổ trong trường hợp can thiệp bất bạo động. Thêm nữa, nguy cơ đàn áp như thế trong trường hợp này thì ít hơn. Hơn nữa, bảo người ta đừng làm một việc gì, nghĩa là, bảo bất hợp tác, thì dễ hơn là lôi kéo người ta làm một việc gì nguy hiểm bị cấm đoán.

Muốn bất hợp tác được hiệu quả thì cần phải có số lượng người tham gia lớn hơn là số người mà phản kháng có tính biểu tượng hay can thiệp thường đòi hỏi, và hành động thường kéo dài trong một thời gian lâu hơn. Thường thì thời gian lâu là cần thiết để phương pháp bất hợp tác tạo được tác dụng của nó. Năm 1930 Gandhi nói là trong lúc muốn cho chiến dịch tẩy chay hàng vải ngoại thành công, cần phải có ba trăm triệu người, nhưng chỉ cần một đạo quân mười ngàn người đàn ông và phụ nữ thách thức là đủ cho chiến dịch bất tuân dân sự. 154 Nhiều phương pháp can thiệp bất bạo động có thể chỉ được thi hành trong một thời gian giới hạn. Do đó muốn có được hiệu quả lâu dài thì phải tái diễn hành động một cách liên tục. Những phương pháp này do đó đòi hỏi những người thi hành có kĩ năng hơn, đáng tin cậy hơn và quyết chí hơn là những phương pháp bất hợp tác. Vì điểm này mà những phương pháp can thiệp bất bạo động gấp rút hơn thường đòi hỏi phải được chuẩn bị kĩ càng mới có thể áp dụng một cách thành công được. Hơn nữa, những phương pháp này thường được phối hợp tốt đẹp hơn hết với những hình thức hoạt động bất bạo động khác. Và phong trào sử dụng những phương pháp can thiệp phải có kĩ luật cao hơn và lãnh đạo tốt hơn. “Những biện pháp gấp rút nhất luôn luôn chứa đầy những nguy hiểm lớn lao hơn cả và đòi hỏi kĩ năng cao nhất để có thể sử dụng chúng.”155

Một nhân tố quan trọng khác trong việc lựa chọn những phương pháp cần có để sử dụng trong chiến dịch là các nhà hoạt động có ý định tạo thay đổi bằng phương thức cải hoá, thích nghi, hay là cưỡng ép bất bạo động. Trong bối cảnh đó, những thuyết phục đối phương thay đổi mà nhóm bất bạo động đang cố đưa ra có thể quan trọng; những thuyết phục này bao gồm, chẳng hạn như những mất mát về kinh tế, làm yếu đi vị thế chính trị, mặc cảm tội lỗi, những nhận thức mới, vân vân. Muốn cải hoá đối phương thì những phương pháp như là tổng đình công, nổi loạn hay lập chính quyền song song dĩ nhiên là không thích hợp. Nhưng nếu chủ định là cưỡng ép bất bạo động thì những phương pháp này chính là những phương pháp cần đến, còn những hình thức trông cậy vào tác dụng lên hiệu quả tâm lí và tình cảm của lãnh đạo đối phương thì chỉ làm mất thì giờ và sức lực. Tuy thế, vấn đề lại phức tạp và thông thường những phương pháp tạo nên những áp lực khác biệt nhau và sử dụng những phương cách khác nhau lại có thể phối hợp với nhau một cách hữu hiệu trong cùng một chiến dịch. Đưa ra quy luật nhanh chóng thì không thể được.

Trong hầu hết các trường hợp, cần phải dùng nhiều hơn là một phương pháp; tiếp đến là trình tự các phương pháp được áp dụng, những cách thức các phương pháp được phối hợp với nhau, và những phương pháp này ảnh hưởng như thế nào lên việc áp dụng những phương pháp khác và đóng góp như thế nào vào cuộc đấu tranh toàn bộ, trở nên tối quan trọng. Những phương pháp cần áp dụng phải được xét đến không những chỉ vì tác dụng cụ thể và tức thời của chúng lên hoàn cảnh xung đột và lên đối phương; mà cũng quan trọng là vì sự đóng góp của chúng vào sự phát triển tiệm tiến của phong trào, vào những thay đổi về thái độ và những tương quan lực lượng, vào những biến đổi về sự hỗ trợ đối với mỗi phe, và vào việc áp dụng và những hiệu quả sau này của những phương pháp bất bạo động triệt để hơn.

Đôi khi sự phối hợp các phương pháp tương đối đơn giản, nhất là khi hoạt động có tính địa phương hay giới hạn. Những cuộc tẩy chay kinh tế đã từng được áp dụng, chẳng hạn, để hỗ trợ những “biểu tình ngồi” chống kì thị chủng tộc, và làm hàng rào cản cũng thường được dùng để hỗ trợ những cuộc đình công. Tuy nhiên khi một cuộc tổng đình công được dùng để hỗ trợ quân lính chính quyền nổi loạn thì hoàn cảnh bắt đầu trở nên phức tạp hơn, nhanh chóng đòi hỏi phải sử dụng nhiều phương pháp hơn.

Đối với những chiến dịch quy mô được vạch ra để chống lại những đối thủ quyết liệt thì câu hỏi làm thế nào để phối hợp việc sử dụng một vài phương pháp không phải dễ trả lời; câu hỏi này phải được xét định trong bối cảnh của cả chiến lược toàn bộ của cuộc đấu tranh lẫn của những giai đoạn có tính địa phương và có giới hạn hơn. Trong một cuộc đấu tranh dài hạn, phân chia thành giai đoạn rất quan trọng, và việc lựa chọn và trình tự của các phương pháp có thể là nhân tố độc nhất quan trọng hơn cả trong công việc phân chia giai đoạn đó. Ví dụ Waskow nói đến sự “ ‘leo thang’ của hỗn loạn mà không cần bạo động.”156 Sự quan trọng của sự phát triển theo giai đoạn này của một chiến dịch bất bạo động đã từng được các chuyên gia về loại đấu tranh bất bạo động của Gandhi nhấn mạnh, như là Bose157 và Bondurant. Một trong “chín quy luật” của nhà đấu tranh bất bạo động (satyagraha) Bondurant liệt kê là:

Thúc đẩy tiệm tiến phong trào qua những bước và những giai đoạn được ấn định để thích ứng vào hoàn cảnh nhất định. Quyết định khi nào cần phải tiến lên thêm một giai đoạn đấu tranh bất bạo động (satyagraha) nữa cần phải được cân nhắc cẩn trọng dựa trên hoàn cảnh luôn luôn biến đổi, nhưng cần phải tránh tình trạng tĩnh.

Do đó có thể cần quyết định là một số phương pháp sẽ phải đi trước những phương pháp khác, để sau này có thể dùng những hình thức triệt để hơn.

Gandhi thường xuyên dùng phản ứng của những người tình nguyện và của công chúng đối với một hành động nào đó để thử nghiệm xem có thể tiến thêm được xa hơn, đến một hình thái hành động triệt để hơn hay không, dựa trên tiêu chuẩn mức độ dấn thân, sự sẵn sàng hành động, khả năng chịu đựng những trừng phạt của đối phương, mức độ kĩ luật, và khả năng giữ được vừa không sợ hải vừa bất bạo động. Trong phúc trình trước Uỷ Ban Hunter năm 1920, ông nói rằng:

Hartal (đóng cửa tiệm và nghỉ việc) được thiết kế để đánh động trí tưởng tượng của người dân và của chính quyền…Tôi không có phương tiện để hiểu thấu đầu óc của Ấn Độ ngoại trừ bằng một phong trào thu hút sự quan tâm như thế. Hartal là một chỉ dấu thích đáng cho tôi biết được là tôi có thể thực thi bất tuân dân sự đến mức độ nào.

Ông cũng còn dùng sự tẩy chay của giới tiêu thụ để thử nghiệm xem đã sẵn sàng để dùng phương pháp bất tuân dân sự được hay chưa. Gandhi viết năm 1921: “Tôi tin chắc là nếu chúng ta thực hiện được việc tẩy chay hàng vải ngoại thành công thì chúng ta sẽ đã có thể tạo ra được một khung cảnh cho phép chúng ta đánh dấu sự khởi đầu bất tuân dân sự ở một mức độ mà không có một Chính quyền nào có thể cưỡng lại được.”

Năm 1920 Gandhi đã phúc trình ở Ấn Độ Trẻ Trung là những người tổ chức phong trào bất hợp tác sắp tới đã quyết định là phong trào phải được xúc tiến theo bốn giai đoạn: 1) từ bỏ những chức vụ và tước vị danh dự, 2) tuần tự tự động rút lui không làm việc cho chính phủ, 3) rút cảnh sát và quân đội ra khỏi dịch vụ của chính phủ (“một mục đích xa”), và 4) ngưng trả các thứ thuế (“một mục đích xa hơn nữa”). 161 Giai đoạn một đòi hỏi nguy hiểm và hi sinh tối thiểu, 162 hai giai đoạn cuối thì đem lại nhiều nguy hiểm hơn cả.

Phong trào 1930-1931 được thiết kế theo một chiến lược khác, bắt đầu bằng những phản đối bất bạo động, như là chính cuộc Diễn Hành Chống Thuế Muối và những cuộc mít tinh đông đảo, và những hình thức bất hợp tác chính trị nhẹ nhàng, như những vụ rút lui có giới hạn ra khỏi ngành lập pháp ở cấp tỉnh -- tất cả đều chỉ đòi hỏi một số ít người. Phong trào quần chúng tự nó trực tiếp bắt đầu bằng sự bất tuân dân sự về một luật bị xem là trái với đạo đức, rồi phát triển ra bao gồm những hình thức bất hợp tác nhẹ nhàng lẫn những hình thức bất hợp tác triệt để hơn và can thiệp bất bạo động.

D. Chọn lựa chiến lược và chiến thuật

Chiến lược tổng quát, các loại chiến thuật, và sự lựa chọn các phương pháp đã được những người lãnh đạo thực hiện sẵn thường sẽ quyết định hướng đi đại thể và cách điều hành chiến dịch suốt cuộc đấu tranh. Việc chọn lựa này do đó hết sức quan trọng. Cũng như trong chiến tranh, rất nhiều nhân tố cần được xét định khi lựa chọn chiến lược và các chiến thuật. Tuy nhiên, những động cơ và phương thức khác nhau của đấu tranh bất bạo động hình như làm cho sự tương quan giữa những nhân tố này đậm nét và phức tạp hơn là trong đấu tranh quân sự.

Nền tảng cho công tác này là cẩn trọng xét định các mục tiệu chính và phụ của đối phương, và những mục tiêu khác nhau của nhóm bất bạo động. Đánh giá chính xác các ưu và nhược điểm của đối phương và của chính mình, và xét định những ưu khuyết điểm này khi thiết kế chiến lược và các chiến thuật là một điều hết sức quan trọng. Không làm như vậy có thể đưa tới hoặc những kế hoạch quá tham vọng gây nên thất bại vì không dựa trên thẩm định thực tế về những gì có thể thực hiện được, hoặc những kế hoạch quá nhút nhát dẫn đến thất bại chính vì nhắm đến quá ít. Thẩm định các ưu điểm và bản chất của đối phương có thể giúp lãnh đạo bất bạo động phác hoạ một đường hướng đấu tranh rất có thể tạo ra hoặc làm trầm trọng thêm các nhược điểm và các tranh chấp nội bộ trong hàng ngũ của họ. Thẩm định đúng những nhược điểm của chính nhóm bất bạo động có thể dùng vào việc lựa chọn chiến lược và các chiến thuật với dụng ý tránh những nhược điểm này, và cũng có thể đóng góp vào việc làm cho các nhược điểm đó trở thành vững chắc hơn. Cần có những phỏng định là cuộc đấu tranh sắp tới sẽ kéo dài bao lâu và những phỏng định như thế rất quan trọng đối với việc hoạch định đường hướng đấu tranh. Nhưng cũng cần phải dự trù khi phỏng định sai lệch và phải có những chiến lược phòng hờ nhỡ khi cuộc đấu tranh kéo dài thay vì ngắn ngủi.

Cẩn trọng xét định những nhân tố khác trong hoàn cảnh tổng quát sẽ cần thiết cho việc quyết định xem các điều kiện có thuận lợi để tung ra hành động bất bạo động hay không, và, nếu được, thì các điều kiện tổng quát và cụ thể của hoàn cảnh có nghĩa gì đối với việc hoạch định chiến lược. Sibley đã từng nhấn mạnh là:

…Việc sử dụng đối kháng bất bạo động hữu hiệu tuỳ thuộc không những chỉ vào huấn luyện đầy đủ và dấn thân mà còn tuỳ thuộc vào hoàn cảnh “khách quan” nữa: những điều kiện ngoại tại phải chín mùi thì chiến dịch mới có hiệu quả, và nếu không thì sự khôn ngoan và đạo đức buộc không nên dùng đối kháng bất bạo động.

Gandhi khẳng quyết là khi thiết kế và thi hành chiến lược và các chiến thuật của cuộc đấu tranh, những người lãnh đạo cần phải đáp ứng những những phẩm chất đã được chứng minh của phong trào và hoàn cảnh đang diễn biến:

Trong chiến dịch đấu tranh bất bạo động (satyagraha) phương thức đấu tranh và sự lựa chọn các chiến thuật, ví dụ, nên tiến hay nên thoái, đưa ra đối kháng dân sự hay là tổ chức sức mạnh bất bạo động qua công việc hữu ích và dịch vụ nhân đạo hoàn toàn vị tha, đều được quyết định tuỳ theo yêu cầu của hoàn cảnh.

Chiến lược và chiến thuật dĩ nhiên là lệ thuộc vào nhau. Những chiến thuật chính xác chỉ có thể vạch ra được trong bối cảnh của chiến lược toàn bộ và của sự hiểu biết thấu đáo về toàn cảnh và những phương pháp cụ thể có thể sử dụng được. Chọn lựa và thực hiện khéo léo các chiến thuật không bù trừ cho một chiến lược toàn bộ dở được, và một chiến lược hay cũng sẽ bất lực nếu không được thi hành nhằm thực hiện các chiến thuật đúng đắn: “…chỉ những kết quả lớn lao của chiến thuật mới đem lại những kết quả lớn lao về chiến lược…”

Liddell Hart đưa ra ý kiến là đường lối đấu tranh phải có nhiều hơn là một mục tiêu.

Hãy nắm lấy một phương thức hoạt động có nhiều mục tiêu có thể luân hoán cho nhau. Như thế bạn sẽ đặt đối phương vào thế tiến thối lưỡng nan, bảo đảm bạn đạt được ít nhất là một mục tiêu -- mục tiêu mà đối phương ít phòng thủ nhất – và có thể giúp bạn đạt được cứ mục tiêu này rồi đến mục tiêu khác.

Nhiều mục tiêu luân hoán cho phép bạn nắm giữ cơ hội đạt được một mục tiêu; trong lúc chỉ một mục tiêu duy nhất, trừ phi kẻ thù yếu kém một cách tuyệt vọng, thì chắc chắn có nghĩa là bạn sẽ không đạt được mục tiêu đó -- một khi kẻ thù không còn nghi ngờ gì về mục đích của bạn nữa. Không có lỗi lầm nào thông thường hơn là nhầm lẫn giữa một đường lối hoạt động duy nhất, thường là một điều khôn ngoan, với một mục tiêu duy nhất, thường là một điều vô tích sự.

Dù sao thì điều này một phần lớn cũng thường xuyên xảy ra trong hoạt động bất bạo động dù không có kế hoạch gì cả, vì nhóm bất bạo động thường vừa nhằm đạt những mục tiêu nào đó vừa nhằm đạt những thay đổi tổng quát về thái độ và tương quan lực lượng trong mỗi nhóm và giữa các nhóm đang chống đối nhau. Những thay đổi tổng quát này thường xảy ra trong suốt thời gian của cuộc xung đột, và có thể đạt được ở một mức độ khả quan ngay cả trong những trường hợp không đạt được mục đích chính trị. Tuy nhiên, cần phải lưu ý đến khả năng áp dụng nguyên tắc chiến lược của Liddell Hart vào những mục tiêu cụ thể có giới hạn, với điều kiện là điều này không vi phạm nguyên tắc tập trung đã được thảo luận trước đây.

Sự diễn biến tiệm tiến của phong trào, một phần nào mang sắc thái của những phương pháp hành động mới được đưa vào theo sự thu xếp sẵn (như đã thảo luận ở phần trước), cũng sẽ đem lại kết quả nếu được thiết kế chiến lược cẩn thận. Diễn biến như thế sẽ giúp bảo đảm là sửa đổi phương pháp hay đường lối hoạt động mới sẽ đóng góp vào việc sử dụng tối đa lực lượng của những người hoạt động, tạo điều kiện để lên tinh thần, và gia tăng xác suất thắng lợi. Không có một nhận thức chiến lược sáng suốt thì những thay đổi từ loại hành động này sang loại hành động khác có thể xảy ra mà không có mục đích hay hiệu quả, và những kết quả nản lòng sau đó có thể dẫn đến trước tiên là sự gia tăng hoài nghi về chuyện gì cần làm, tiếp đến là mất tinh thần, và sau cùng là sự tan rã của phong trào bất bạo động.

Phân giai đoạn có chiến lược những chiến dịch bất bạo động dĩ nhiên không phải là điều mới mẻ. Tuy nhiên hiểu thấu đáo hơn bản chất của kĩ thuật này và của những nguyên tắc chiến lược có thể làm cho việc phát triển đầy đủ và việc sử dụng có hiệu quả một sự phân chia giai đoạn như thế khả thi hơn là trước đó. Ba thí dụ có trước về việc phân giai đoạn sẽ được trình bày ở đây. Hội nghị cấp tỉnh của Virginia [Provincial Convention of Virginia], họp vào khoảng đầu tháng Tám, năm 1774, đã phác hoạ ra một chiến dịch bất hợp tác kinh tế có giai đoạn nhằm đạt những mục tiêu đã hoạch định sẵn. Hội nghị định ngày cho việc thực hiện những giai đoạn mới của chiến dịch, có thể thay đổi tuỳ theo sự thoả thuận của những đại biểu của Virginia trong Đại Hội Lục Địa [Continental Congress]. Bắt đầu ngay là không nhập cảng và không dùng trà. Nếu Boston bị ép buộc phải hoàn tiền về các tổn thất (như tổn thất trà trong vụ Boston Tea Party) cho Công Ti Đông Ấn [East India Company] thì việc tẩy chay sẽ nới rộng đến tất cả các hàng hoá do công ti bán cho đến khi nào số tiền này được trả lại. Vào ngày mồng 1 tháng Mười Một đã có một cuộc tẩy chay toàn bộ tất cả các hàng hoá (ngoại trừ thuốc men) nhập cảng trực tiếp hoặc gián tiếp từ Anh quốc, bao gồm tất cả những nô lệ bất cứ từ đâu đem đến. Nếu những yêu sách từ thuộc địa không được đáp ứng trước ngày 10 tháng Tám, năm 1775 (tức một năm sau) thì sẽ áp dụng một chương trình tuyệt đối không xuất cảng tất cả mọi thứ hàng hoá sang Anh quốc. Thời gian một năm trước khi chương trình không xuất cảng có hiệu lực giúp người Mỹ trả nợ cho những thương gia Anh, và giúp những nhà trồng thuốc lá ở Virginia chuyển sang trồng các nông phẩm khác có thể dùng được ở địa phương. 169 Chiến dịch có giai đoạn được người dân Virginia soạn thảo này là tiền thân của chương trình mà Đại Hội Lục Địa Lần Thứ Nhất [First Continental Congress] chấp thuận.

Một chiến dịch hành động của nông dân có giai đoạn được phát động ở Nga bởi Đại Hội Hiệp Hội Nông Dân lần thứ Hai [Second Congress of the Peasants Union], họp tại Moskow tháng Mười Một năm 1905, trong thời gian cách mạng của năm này. Hội Nghị kêu gọi sử dụng những phương pháp dùng áp lực hoà bình (như là tập thể nông dân từ chối mua hay mướn đất của địa chủ) để đạt được việc chuyển nhượng đất đai cho nông dân. Nếu những phương pháp này không đem lại kết quả thì Hiệp Hội sẽ kêu gọi một cuộc tổng đình công điền thổ để trùng hợp với một cuộc tổng đình công ở các đô thị. Nếu chính quyền Nga hoàng sách nhiễu Hiệp Hội thì Hiệp Hội sẽ kêu gọi nông dân khước từ trả thuế và phục vụ trong quân ngũ.

Những người chủ trương Liên Châu Phi [Pan-Africanists] tại Nam Phi đã vạch kế hoạch cho một chiến dịch thách thức các Luật Thông Hành [Pass Laws] vào mùa Xuân năm 1960 đơn giản như là giai đoạn một của một cuộc đấu tranh dài hạn gồm có ba mặt trận: 1) chính trị, với mục đích quốc tế cô lập Nam Phi ( bao gồm việc kết án của Liên Hiệp Quốc và trục xuất ra khỏi Liên Hiệp Anh) và mục đích quốc nội chấm dứt hợp tác và phục tùng của người Phi mà chính quyền phải lệ thuộc; 2) lao động, rút lui lao động rẻ do người Phi cung cấp sẽ đưa đến sụp đổ về kinh tế, và do đó đình công tại gia đã được thiết kế để khuyến dụ các nhà kĩ nghệ đòi hỏi chính quyền thay đổi chính sách; và 3) tâm lí, người Phi châu sẽ “khám phá ra được sức mạnh mà họ có, mà không cần vũ khí và họ sẽ không bao giờ như trước nữa.” Tuy nhiên, mặc dù có tư duy sáng suốt và kế hoạch vững chắc cho một chiến dịch có giai đoạn, tổ chức vẫn không dự tính trước được là chính quyền đã chộp lấy sáng kiến và tuyên bố tình trạng khẩn trương.

Mặc dù những chiến thuật cụ thể cho các giai đoạn về sau của cuộc đấu tranh không thể hoạch định trước được, người ta vẫn có thể khai phá một số phương sách tổng quát để sau này xét định. Tuy vậy, những chiến thuật để sử dụng ở giai đoạn đầu (và có thể ở giai đoạn giữa) vẫn có thể được chọn lựa trước một cách thành công nếu người ta tiên đoán được chính xác hoàn cảnh và hình thái của cuộc tấn công.

Có nhiều phương thức có thể sử dụng được trong các chiến thuật, liên hệ đến các mặt trận, các nhóm, các thời điểm, các phương pháp và nhân tố khác nhau. Ví dụ, gánh nặng trách nhiệm thực thi hành động, sau một số thời gian nào đó hay một số biến cố chính trị nào đó, có thể được chuyển giao từ nhóm này đến nhóm khác, hay là những vai trò khác nhau có thể được giao phó cho các nhóm nào đó. Những công tác nguy hiểm nhất (liên quan đến, ví dụ như, việc sử dụng các phương pháp táo bạo hơn cả, như những phương pháp can thiệp bất bạo động) có thể được giao phó cho các nhóm có kĩ luật thật cao, có kinh nghiệm, có kĩ năng, hoặc có huấn luyện, trong lúc những công tác khác quan trọng nhưng ít nguy hiểm hơn có thể do các nhóm tiêu biểu cho quần chúng nói chung chịu trách nhiệm. Có lúc một số trách nhiệm lại rơi vào những nhóm thuộc các ngành nghề hay địa phương nào đó vì các chánh sách hay hành động của đối phương. Ở nơi nào những người đấu tranh bất bạo động nắm được sáng kiến thì họ có thể có chủ ý chọn tung ra nhiều hành động cùng một lúc trên nhiều mặt trận nếu sức mạnh của họ và hoàn cảnh tổng quát cho phép. Có lúc các chiến thuật lại có thể liên hệ với những mặt trận địa lí cũng như với những mặt trận chính trị, như khi sử dụng các vụ đột kích bất bạo động hoặc gây chướng ngại; tuy vậy, thường thì sẽ không có mặt trận địa lí và cuộc đối kháng sẽ tản mát và tổng quát hơn, như trong trường hợp đình công tại gia. Việc lựa chọn các chiến thuật sẽ chịu ảnh hưởng rất nhiều bởi những mục đích trung hạn và dài hạn của những người đấu tranh bất bạo động, và bởi những phương thức được sử dụng để tạo thay đổi. Những loại chiến thuật khác nhau sẽ tạo ra những khó khăn khác nhau cho kẻ tiếm quyền và có những hiệu quả khác nhau đối với dân chúng bất bạo động. Thay đổi chiến thuật có thể quan trọng để đem lại cái mới và thích thú (và thường bắt thông tin) đối với chiến dịch. Những thay đổi như thế còn có thể phục vụ những mục đích khác nữa, như là lôi kéo những thành phần khác trong dân chúng, gia tăng áp lực tâm lí, chính trị và kinh tế lên đối phương, trải rộng hay thâu tóm mặt trận để trắc nghiệm kỉ luật, tinh thần và khả năng của những người đấu tranh bất bạo động. Các thay đổi chiến thuật có thể được thiết kế để đạt những hiệu quả khác nhau đối với đối phương, với lãnh đạo, với người bàng quang, hay là với cảnh sát và quân đội được giao phó trách nhiệm đàn áp. Ví dụ, Ebert nói đến việc chủ ý sử dụng những nhóm biểu tình nhỏ (thay vì những nhóm lớn) trong một vài trường hợp và khoảng cách thời gian giữa những cuộc biểu tình (thay vì biểu tình liên tục) như là một phương cách giảm thiểu sự tàn bạo trong việc đàn áp, để làm cho cảnh sát và quân đội của đối phương dễ thấy là những người đấu tranh cũng là những con người cá biệt, và làm cho cho họ có thì giờ suy nghĩ và suy xét lại trong khoảng thời gian giữa những lần biểu tình.

Việc tung ra chiến lược và ứng dụng các chiến thuật trong những hành động cụ thể thường xảy ra trong bối cảnh cảm nhận được hay phản ứng lại hoàn cảnh xung đột đang diễn tiến. Những kế hoạch rất cẩn thận và chính xác có thể đã được chuẩn bị để bắt đầu tấn công. Tuy nhiên sau khi bắt đầu cuộc đấu tranh, cần phải dự trù có sự uyển chuyển trong việc phát triển thêm, sửa đổi và áp dụng chiến lược và các chiến thuật. 173 Liddell Hart đã nhấn mạnh sự quan trọng của sự uyển chuyển trong việc phác hoạ và ứng dụng một đường lối hành động có tính trước:

Hãy nắm chắc là kế hoạch lẫn bố trí phải uyển chuyển – có thể thích nghi với hoàn cảnh. Kế hoạch nên thấy trước và phải cung ứng một bước tiếp theo sau trong trường hợp thành công hoặc thất bại, hay là chỉ thành công phần nào thôi -- điều xảy ra thường xuyên nhất trong chiến tranh. Các bố trí (hay đội hình) phải làm thế nào để có thể khai thác được điểm này hoặc là thích nghi trong một thời gian ngắn nhất.

Khả năng phản ứng lại những biến cố không thấy trước (hoặc là không thể thấy trước được) cần phải được phát huy cho thật sắc bén. Đặc biệt quan trọng là phản ứng, tinh thần và hành động của những người đấu tranh bất bạo động và những ủng hộ viên có thể có. Nếu họ chứng tỏ là không được chuẩn bị hoặc quá yếu để có thể thi hành các kế hoạch, thì các kế hoạch này phải được thay đổi, bằng cách hoặc thực hiện “một bước ngoạn mục đập vào óc tưởng tượng của người dân, và phục hồi niềm tin là có thể hoàn toàn đối kháng bằng bất bạo động,” hay là bằng cách kêu gọi tạm lui bước để chuẩn bị cho nỗ lực mạnh hơn trong tương lai. 175 Không có gì thay thế, hay là có đường tắt cho sức mạnh của một phong trào hoạt động bất bạo động. Nếu không có được sức mạnh và khả năng cần thiết để kiên trì trước những trừng phạt và đau khổ thì thực tế này cần phải được nhìn nhận và cần có một phản ứng sáng suốt. “Một vị tướng khôn ngoan không đợi cho đến lúc ông ta bị đuổi chạy; ông rút quân kịp thời và trật tự ra khỏi vị trí mà ông biết là ông không thể trấn giữ được.”176 Lãnh đạo, cũng như trong xung đột quân sự, sẽ phải thành thật nhìn nhận những nhược điểm của những người tình nguyện và các ủng hộ viên tương lai để tìm cách sửa chữa các nhược điểm đó. 177 Phương tiện để thực hiện điều này biến đổi tuỳ theo các điều kiện của từng hoàn cảnh.

Mặt khác, cuộc đấu tranh có thể cho thấy những nhược điểm trầm trọng của đối phương đòi hỏi những người đấu tranh phải tức khắc thay đổi chiến thuật và tăng tốc nhịp độ của cuộc đấu tranh. Cũng có lúc cuộc đấu tranh có thể cho thấy là những người đấu tranh bất bạo động và quần chúng mạnh hơn là mong đợi, và do đó có thể tiến nhanh hơn trên cơ sở vững chắc hơn là như đã từng quan niệm trước đó.

CHÍNH TRỊ CỦA HÀNH ĐỘNG BẤT BẠO ĐỘNG - Gene Sharp Nguyễn văn Thái, PhD., chuyển ngữ

Featured Posts
Recent Posts
Search By Tags
Follow Us
  • Facebook Classic
  • Twitter Classic
  • Google Classic
bottom of page