Chấp nhận khác biệt để cùng nhau đấu tranh
Không phải mọi xung đột đều có cùng tầm quan trọng ngang nhau
Chúng ta sống trong một thế giới có nhiều xung đột, và chúng ta có bổn phận phải đối đầu với nhiều cuộc xung đột trong số những xung đột này. Không phải tất cả mọi xung đột đều có cùng tầm quan trọng ngang nhau. Một vài cuộc xung đột quan trọng hơn những cuộc xung đột khác rất nhiều, và trong một vài xung đột, những vấn đề tranh chấp khó được giải quyết ổn thoả hơn là những vấn đề tranh chấp trong những vụ xung đột khác. Nơi nào mà những vấn đề tranh chấp chỉ có tầm quan trọng giới hạn thì nơi đó thường ít có khó khăn trong việc đi đến một giải pháp. Chúng ta có thể có tiềm năng chia sẻ sự khác biệt, có thể đồng ý về một giải pháp thứ ba, hay là hoãn lại một vài vấn đề tranh cãi để giải quyết sau. Dù vậy, ngay cả đối với những xung khắc ít quan trọng này, nhóm khiếu nại vẫn cần phải có những phương tiện có hiệu lực để thúc đẩy các yêu sách của mình. Nếu không thì đối phương có rất ít lí do để xét đến những yêu sách này một cách đúng đắn. Tuy nhiên có nhiều cuộc xung khắc mà trong đó những vấn đề tranh cãi bị đe doạ, hay là được tin là bị đe doạ. Những cuộc xung khắc này không thích hợp cho việc giải quyết bằng bất cứ phương pháp nào liên quan đến thoả hiệp. Đây là trường hợp của những “xung đột nghiêm trọng.”
Xúc tiến những cuộc đấu tranh nghiêm trọng
Trong những vụ xung đột nghiêm trọng, ít nhất có một phe xem việc tiến hành đấu tranh chống lại những đối thủ thù nghịch là cần thiết và tốt, vì những vấn đề tranh chấp được xem là đang bị đe doạ. Người ta thường tin là phải tiến hành đấu tranh để thúc đẩy và bảo vệ tự do, công lí, tôn giáo, nền văn minh, hay người dân. Các giải pháp đề nghị đòi hỏi những thỏa hiệp căn bản về những vấn đề nền tảng này hiếm khi được chấp nhận. Cũng trong chiều hướng này, chịu khuất phục đối phương, hay bị đối phương đánh bại, được xem là một thảm hoạ. Mặc dù vậy, người ta thường tin rằng cần phải thỏa hiệp hay nhượng bộ để có được những giải pháp hoà bình cho những xung đột nghiêm trọng. Nhưng vì đây không phải là những giải pháp có thể chấp nhận được đối với các phe liên hệ, do đó người ta tin là cần phải xúc tiến cuộc đấu tranh bằng cách áp dụng những phương tiện mạnh nhất có thể có được. Những phương tiện này thường bao gồm một vài hình thức bạo động.
Có những giải pháp thay thế
Bạo lực, tuy vậy, không phải là khả năng độc nhất. Chiến tranh và những hình thức bạo động khác, lâu nay không phải là phổ quát trong việc tiến hành những xung đột nghiêm trọng. Trong rất nhiều hoàn cảnh khác nhau, suốt hằng thế kỉ và vượt qua những bức tường văn hoá, một kĩ thuật đấu tranh khác đã có lần được áp dụng. Kĩ thuật này được đặt trên cơ sở của khả năng kiên trì, khước từ hợp tác, bất tuân, và sự cương quyết chống lại đối phương cường bạo. Dọc dài lịch sử loài người, và trong một số rất lớn những cuộc xung đột, một phe đã từng chọn đấu tranh bằng những phương pháp tâm lí, xã hội, kinh tế, hoặc chính trị, hay là hỗn hợp của những phương pháp này. Đã nhiều lần phương pháp đấu tranh này được áp dụng khi những vấn đề tranh chấp căn bản bị đe doạ, và khi đối phương tàn ác, sẵn sàng và có khả năng áp dụng đàn áp khắc nghiệt. Những đàn áp này gồm có đánh đập, bắt bớ, tù tội, hành quyết, và sát hại tập thể. Bất kể những đàn áp như thế, nếu những người đối kháng kiên trì, chỉ đấu tranh bằng “vũ khí bất bạo động” đã chọn thì có lúc họ đã thắng. Kĩ thuật thay thế này được gọi là hành động bất bạo động hay là đấu tranh bất bạo động. Đây là một “giải pháp thay thế tối hậu được cổ xuý.”
TRÍCH: Tiến Hành Đấu Tranh Bất Bạo Động - Gene Sharp Nguyễn văn Thái, PhD., chuyển ngữ NGUỒN: https://www.aeinstein.org/wp-content/uploads/2014/05/TI%E1%BA%BEN-H%C3%80NH-%C4%90%E1%BA%A4U-TRANH-BB%C4%90.pdf