top of page

CHUYỂN KHOẢN


Chuyển khoản là gì, chắc không cần phải giải thích. Nhưng tôi thì lại có thói quen, những gì tương tự nghĩa đen thì tôi định nghĩa cho thật rõ để làm nền tảng vững chắc cho việc lý giải trường hợp khác. Chuyển khoản là tiền từ trong tài khoản người này được chuyển vào tài khoản người kia. Vậy thôi, nói tới chuyển khoản thì ta nghĩ ngay đến dịch vụ trung gian, ngân hàng.

Nhân dân chúng ta đổ mồ hôi làm ra đồng tiền cực nhọc để đóng thuế cho nhà nước. Số tiền đó được chi như thế nào, chúng ta hoàn toàn không biết. Nhìn quan chức cho con đi du học Mỹ, mua nhà Mỹ, đầu tư thẻ xanh cho con thì đủ biết, tiền đó là từ thuế của dân đen chúng ta mà ra. Năm ngoái, theo thống kê được thì có khoảng 3 tỷ đô la chảy từ Việt Nam vào Mỹ, trong đó chủ yếu là đầu tư BĐS.

Như vậy, số tiền từ thuế của dân, bằng cách nào đó để chui vào túi quan chức? Sự chuyển đổi từ tài khoản của toàn dân vào tài khoản riêng quan chức qua trung gian nhà nước CHXHCNVN tôi tạm gọi là "chuyển khoản", vì nó gần giống như chuyển khoản nghĩa đen, nhưng nó diễn ra trong bóng tối. Những chiêu trò trong bóng tối là điều mà tôi muốn lật lên cho chúng ta chiêm ngưỡng, tiền thuế của chúng ta đã bị nó làm gì? Nó dùng ma thuật gì? Trong bài này tôi sẽ đề cập tới chiêu trò "lại quả".

Vụ thứ nhất, ngày 23/05/2016 tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương với Việt Nam. Những tưởng như thế thì Việt Nam sẽ có điều kiện mua vũ khí hiện đại Mỹ để bảo vệ đất nước. Nhưng không, đối với quan chức CS thì khác, an ninh quốc gia không quan trọng, cơ hội kiếm chác là điều chúng nhắm đến. Năm 2017, phía Việt Nam mời phía Mỹ bàn về việc mua vũ khí. Cuộc đàm phán bị đổ vỡ khi phía Mỹ không chấp nhận lại quả 25% hợp đồng. Lại quả là gì? Là nâng khống giá trị mua bán rồi sau đó bên bán thối tiền lại cho bên mua để chúng chia nhau bỏ túi. Ví dụ, phía Việt Nam muốn mua vũ khí của Mỹ là 1,5 tỷ đô la, nhưng bên Việt Nam yêu cầu phía Mỹ ghi vào hợp đồng mua vũ khí là 2 tỷ. Số tiền dư ra 0,5 tỷ đô (25% giá trị hợp đồng) là phía Mỹ thối lại cho quan chức Việt Nam bỏ túi riêng. Như vậy là nhờ nâng khống, đám quan chức CS đã bỏ túi 500 triệu đô của nhân dân. Vụ này đổ vỡ vì phía Mỹ không tiếp tay cho trò này. Ngày 25/07/2017 tờ Shepherd Media đã đưa tin này thì dân mới vỡ lẽ.

Vụ thứ nhì, đó là Mobifone mua AVG. Mobifone là công ty vốn nhà nước, mà vốn nhà nước là vốn từ tiền thuế của dân. Công ty AVG đang làm ăn bết bát, theo đánh giá, AVG có giá trị cỡ 2.000 tỷ, nhưng AVG đang nợ 1.000 tỷ. Vậy tính ra giá trị thực của AVG chỉ 1.000 tỷ. Lê Nam Trà chủ tịch hội đồng thành viên và Cao Duy Hải tổng giám đốc Mobifone đã bắt tay với Phạm Nhật Vũ (em Phạm Nhật Vượng) mua AVG với giá 9.000 tỷ. Vậy AVG có giá trị thực 1.000 tỷ nhưng Lê Nam Trà lại bỏ ra đến 9.000 tỷ để mua. Vậy số tiền dư ra 8.000 tỷ chảy vào túi ai? Đó là số tiền mà phía bán và phía mua bắt tay nhau nâng khống để chia chác. 8.000 tỷ đó là tiền của Mobifone, mà tiền Mobifone là từ thuế dân. Tiền đó sẽ vào túi đám quan chức của bên mua lẫn bên bán và đám thế lực đứng phía sau vụ này. Lê Nam Trà là người được Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông lúc đó là Nguyễn Bắc Son đưa lên. Tương tự vụ Đinh La Thăng, vụ này xảy ra êm đẹp dưới thời Nguyễn Tấn Dũng làm thủ tướng. Đến hôm nay mới khui.

Trong những vụ này tôi không muốn đi sâu vào chuyện phe nào diệt phe nào. Tôi chỉ muốn nói với mọi người rằng, tiền của chúng ta đóng thuế rồi chúng ta phó cho cái gọi là "Nhà nước của dân, do dân, và vì dân" của ĐCS kiểm soát và họ đã làm gì? Họ phá, họ bòn rút với đủ thứ thủ đoạn, ta không hề biết. Tiền được làm bằng mồ hôi mặn với nước mắt cay mà chúng ta lại chẳng thèm quan tâm. Để rồi với đủ thứ trò, nó "ăn của dân không chừa một thứ gì". Đến nỗi nó ăn luôn thuốc của bệnh nhân ung thư trên toàn quốc mà mặt vẫn trơ không chút áy náy. Đấy, tiền của chúng ta được nhà nước này "chuyển khoản" như thế đấy. Có xót không?

Featured Posts
Recent Posts
Search By Tags
Follow Us
  • Facebook Classic
  • Twitter Classic
  • Google Classic
bottom of page