top of page

Ý NGHĨA LỜI TUYÊN BỐ CỦA HÒA THƯỢNG THÍCH QUẢNG ĐỘ


Ngày 17/07/2007, trước hàng ngàn người dân oan, bị đuổi nhà, cướp đất hàng bao chục năm nay, gồm đủ mọi thành phần, trong đó có cả những người mẹ chiến sĩ đã từng hy sinh trong những cuộc chiến vừa qua, đến từ nhiều thành phố, Hòa Thượng thích Quảng Độ, Viện Trưởng Viện Hóa Đạo Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, đã đến giúp đỡ về tinh thần cũng như vật chất và đã tuyên bố : « Giáo hội chúng tôi cũng bị cướp đọat tất cả mọi cơ sở, từ giáo dục, từ thiện đến chùa viện… Họ biến nơi thờ Phật thiêng liêng, có tính chất văn hóa để biến ra nơi du hí, giải trí và là nơi cho người ta phóng uế. Đó là nỗi nhục riêng cho Giáo hội chúng tôi và chung cho phong hóa văn minh của dân tộc. Giáo hội chúng tôi đã từng khiếu kiện suốt 30 năm qua… Để cho hiện trạng đang xẩy ra cho đồng bào ở đây hôm nay không còn xẩy ra nữa …., thì buộc họ phải trả lại cái quyền sống và quyền làm người cho ta. Muốn như thế thì phải chấm dứt cái nạn độc quyền cai trị. Phải đòi hỏi một chế độ đa nguyên, đa đảng, đại diện đầy đủ cho 80 triệu dân. Chứ chỉ có một đảng thì không thể giải quyết được gì cho 80 triệu dân. Như thế đã là bất công rồi… Cái trước mắt là vấn đề đòi lại công lý, là tài sản trả lại cho đồng bào. Nhưng sau đó phải đòi lại nhân quyền và dân chủ, tự do. Quan trọng nhất là tự do ngôn luận để người dân được tự do bày tỏ ý kiến của mình, quan điểm của mình đối với những tổ chức cai trị. »

Đây là một việc làm can đảm, một lời tuyên bố đơn giản ; nhưng xúc tính, đầy ý nghĩa. Nó bao hàm những chương trình, kế hoặch ngắn hạn và dài hạn, ngõ hầu giải quyết tất cả những vấn nạn cho quốc gia, dân tộc từ hơn nửa thế kỷ nay dưới sự cai trị của đảng Cộng sản.

I) Thật vậy, hành động của Hòa Thượng Quảng Độ là một việc làm can đảm theo đúng tinh thần của Phật Giáo và truyền thống của quốc gia dân tộc Việt

Tinh thần của Phật giáo đó là « Bi, Trí, Dũng « , từ bi, hỉ xả để thương người, cứu nhân, độ thế, sáng suốt và can đảm để bênh vực người nghèo khổ. Trước họng súng, trước những đe dọa của công an, Hòa Thượng Quảng Độ đã can đảm, bình thản đến ủy lạo, chia xẻ nỗi oan ức của người dân. Hình ảnh của ngài đứng trước những người dân oan ức không những đã đi vào lịch sử của Phật giáo mà còn ghi sâu trong tâm khảm người dân và lịch sử Việt. Truyền thống lịch sử văn hóa Việt cũng là truyền thống bênh người nghèo khổ, giúp người hoạn nạn. Đúng như lời Gia Huấn Ca của Nguyễn Trãi : « Thấy người nghèo khó thì thương. Thấy người hoạn nạn lại càng thương hơn . »

I I ) Lời tuyên bố của Hòa Thượng Quảng Độ đơn giản nhưng xúc tích, đầy ý nghĩa. Nó bao hàm kế hoặch ngắn hạn nhằm giải quyết những bất công xã hội trước mắt. Nhưng nó cũng nhằm giải quyết những nguyên nhân chính của những bất công này. Đó là trả lại quyền sống, quyền làm người cho người dân, chấm dứt cái nạn độc quyền cai trị

Thật vậy, xã hội Việt Nam hiện nay là một xã hội vô cùng bất công : 70 đến 80% dân Việt khi bệnh thì không dám đi bác sĩ và nhất là không dám đi nhà thương, vì không có tiền. Người dân không có đến 1$ một ngày để sống ; trong khi đó thì con ông cháu cha, đảng đoàn cán bộ tiêu tiền vứt qua cửa sổ, xài cả ngàn $ trong nhưng hộp đêm, đánh những canh bạc cả triệu $, như vụ PMU18 vừa qua. Theo tờ báo Người Lao Động, qua một cuộc khảo sát về đời sống người dân gần đây, thì ở những vùng Cao Bằng, Lạng Sơn, cao nguyên miền Trung và những vùng quê hẻo lánh miền Nam, người dân không có tới 60 $ một năm để sống. Xã hội bất công, tham nhũng lan tràn, y tế xuống cấp, luân lý, đạo đức, giáo dục suy đồi. Do rất nhiều nguyên nhân ; nhưng trong đó có một nguyên nhân chính là lý thuyết Mác Lê, chủ trương phá hủy tôn giáo và những nền đạo lý cổ truyền. Thêm vào đó Mác còn lầm lẫn cho rằng quyền tư hữu có thể bãi bỏ ; nhưng quyền tư hữu chỉ có thể chuyển nhượng. Sau những cuộc cải cách ruộng đất, đánh tư bản mại sản ; quyền tư hữu đang ở tay đại đa số dân, nay chuyển vào tay một thiểu số đảng đoàn cán bộ ; xã hội trở nên vô cùng bất công. Một thiểu số đảng đoàn cán bộ, con ông cháu cha thì vô cùng giầu có ; trong khi đó thì đại đa số dân vô cùng nghèo đói. Đây là tình trạng của tất cả những nước cộng sản ; và của Việt Nam hiện nay. Chính vì vậy mà Hòa Thượng Quảng Độ tuyên bố : « Cái trước mắt là vấn đề đòi lại công lý, là tài sản trả lại cho đồng bào. « Đó là kế hoặch ngắn hạn. Tuy nhiên để chấm dứt tình trạng bất công, thì phải chấm dứt nguyên nhân sinh ra nó. Đó là « Phải chấm dứt cái nạn độc quyền cai trị. Phải đòi hỏi một chế độ đa nguyên đa đảng, đại diện đầy đủ cho 80 triệu dân. Chứ chỉ có một đảng thì không thể giải quyết được gì cho 80 triệu dân. » Đây là kế hoặch lâu dài.

Thật vậy, dân chủ là mảnh đất mầu mỡ để cho phát triển kinh tế nẩy mầm, để cho con người có thể phát triển tât cả những khả năng của mình. Con người, dù là da vàng, da đỏ, da đen hay da trắng, chúng ta có thể ví như một hạt mầm ; nếu được gieo vào một mảnh đất tốt ; có nghĩa là sống dưới một chế độ tự do, dân chủ, đa khuynh, đa đảng ; chính quyền do chính người dân bầu ra, có bổn phận phải lo cho đời sống của người dân, từ khi còn đi học cho tới khi thành tài ; thì hạt giống đó sẽ nẩy mầm và đơm hoa, kết trái. Nhưng ngược lại, cũng hạt giống đó lại gieo ở một mảnh đất khô cằn, tức sống dưới một chế độ độc đóan, độc tài ; chính quyền không do người dân bầu ra ; chỉ do một nhóm người chỉ định lẫn nhau ; tất nhiên không lo gì tới ý nguyện của dân ; mà chỉ lo đến đặc quyền đặc lợi của thiểu số ; người dân bị coi khinh ; lúc bé thì không được đi học ; khi học xong thì không có việc làm ; vì để dành cho con ông cháu cha. Hiện nay ở Việt Nam có cả trăm ngàn đứa trẻ hoặc phải bán thân nuôi miệng ở bên Căm Bốt, hoặc phải đi đánh giầy hay bán vé số, không có dịp cắp sách đến trường. Trong số này không biết bao nhiêu nhân tài bị thui chột, không thể nẩy mầm. Chúng ta cứ nhìn hiện nay 2 chế độ Hàn quốc. Bắc Hàn, dưới chế độ độc đoán, độc tài cộng sản, thì dân đang chết đói. Nam Hàn, mặc dầu mới có dân chủ ; nhưng đã là cường quốc kinh tế thứ 10 trên thế giới.

Hòa Thượng Quảng Độ đã nhìn rất xa khi Ngài viết : « Nhưng sau đó phải đòi lại nhân quyền và dân chủ tự do. Quan trọng nhất là quyền tự do ngôn luận để người dân được tự do bày tỏ ý kiến của mình, quan điểm của mình đối với những tổ chức cai trị. »

Để không còn cảnh bị cướp đất, đuổi nhà, không còn cảnh bất công xã hội ; để cho kinh tế không bị tụt hậu, thua xa những nước chung quanh ; để cho y tế không còn cảnh vô lương tâm, đến nỗi người dân phải than : « Ngày xưa, lương y như từ mẫu. Ngay nay, lương y như phường ăn cướp " ; để cho giáo dục không còn bị xuống cấp, bằng giả lan tràn ; đạo đức băng hoại ; dân Việt hãy noi gương Hoà Thượng Quảng Độ, Cha Nguyễn văn Lý, luật sư Lê thị Công Nhân và nhiều Vị đấu tranh cho tự do, dân chủ, nhân quyền ; hãy can đảm đứng lên đấu tranh; vì bất cứ một cuộc cứu rỗi nào cũng bắt đầu bằng cuộc tự cứu. « Hãy tự giúp Anh ; rồi Trời sẽ giúp Anh !«

Paris ngày 25/07/2007

Chu chi Nam

Featured Posts
Recent Posts
Search By Tags
Follow Us
  • Facebook Classic
  • Twitter Classic
  • Google Classic
bottom of page