top of page

Giáo dục kiểu đảng cầm quyền hiện nay là phản quốc

Không biết còn bậc phụ huynh hoặc trí thức nào nặng lòng với đất nước vui mừng trước thông tin Bộ giáo dục – đào tạo (Bộ GD-ĐT) Việt Nam sẽ học hỏi các kinh nghiệm quý của giáo dục Phần Lan, được cho là một trong những nền giáo dục hiệu quả nhất thế giới?

Bản thân là một người đi học ở trong nước từ mẫu giáo tới bậc đại học, và đã theo dõi tình trạng giáo dục Việt Nam qua nhiều năm, tôi không tin rằng lần này Bộ GD-ĐT sẽ học tập Phần Lan thành công. Đơn giản là vì mục đích của Bộ vẫn chỉ là để câu giờ, che mắt dân chúng như bao lần trước chứ mục đích của Bộ không phải là để dạy dỗ nên những con người có tư duy, kiến thức, và tâm hồn.

Muốn độc tài thì đào tạo Người thành Cừu

Thật ra lỗi không hoàn toàn nằm ở Bộ GD-ĐT, lỗi nằm ở những người lãnh đạo quốc gia, cụ thể hơn là giới lãnh đạo của đảng cộng sản hàng chục năm qua. Mục đích tối hậu của một chế độ độc quyền nhà nước là tiếp tục duy trì quyền lực bất hợp pháp bằng mọi giá. Mọi thứ khác, kể cả giáo dục, đều phải phục vụ cho mục đích đó.

Vừa muốn học sinh có tư duy sáng tạo, phản biện, trung thực, lại vừa muốn học sinh phải “yêu chủ nghĩa xã hội”, “yêu đảng”, “yêu chế độ” một cách mù quáng mà không có sự suy xét đúng sai. Đó là hai mục tiêu mâu thuẫn nhau và không bao giờ thực hiện được.

Điều này cũng tương tự như câu khẩu hiệu “dân làm chủ, đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý”. “Dân làm chủ” thì dân phải có quyền lựa chọn cá nhân, đảng phái lãnh đạo quốc gia qua bầu cử tự do và công bằng. “Đảng lãnh đạo” phải là đảng do dân bầu ra, không thể đương nhiên là đảng cộng sản.

Thế nhưng, “đảng” ở đây mặc nhiên là đảng cộng sản. Giới lãnh đạo cộng sản đương nhiên có quyền cai trị mà không cần tới sự chuẩn thuận của dân qua lá phiếu nên “dân làm chủ” đã bị xóa bỏ trên thực tế. Mâu thuẫn ở đây là không bao giờ có chuyện “dân làm chủ” và “đảng [cộng sản độc quyền] lãnh đạo” cùng tồn tại.

Vì ai mà đến thế này?

Viết đến đây tôi lại nhớ đến việc chính quyền Long An đã “giáo dục” em Nguyễn Mai Trung Tuấn, một trẻ “vị thành niên dân oan” đi tù từ năm 15 tuổi vì bảo vệ gia đình trước những kẻ cướp đất, và “tư tưởng Hồ Chí Minh” được minh họa cho trường hợp này.

Hãy cùng đọc lại một bài thơ của Hồ Chí Minh Đăng trên báo Việt Nam độc lập, số 106, ngày 21-9-1941:

Trẻ em như búp trên cành, Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan, Chẳng may vận nước gian nan, Trẻ em cũng bị bận thân cực lòng. Học hành, giáo dục đã không, Nhà nghèo lại phải làm công, cày bừa. Sức còn yếu, tuổi còn thơ, Mà đã khó nhọc cũng như người già! Có khi lìa mẹ, lìa cha, Đi ăn ở với người ta bên ngoài. Vì ai mà đến thế này? Vì giặc Nhật với giặc Tây bạo tàn! Khiến ta nước mất, nhà tan, Trẻ em cũng phải cơ hàn xót xa…

Ở vào độ tuổi được đến trường, được đi học, nhưng gia đình của em đã bị cưỡng chế đất đai, không có chỗ ở mới. Cả gia đình đã phải phản kháng lại đoàn cưỡng chế của chính quyền và đã bị tù tội. Em bị thất học, và trong tâm trí của em có lẽ chỉ còn lại sự thù hận.

Chúng ta hãy đọc những dòng tâm sự của em Nguyễn Mai Trung Tuấn trên đài RFA, ngày 6/9/2017:

“Họ nhốt em từ 9 giờ sáng cho tới 11 giờ đêm và không cho em ăn uống gì hết. Họ nói ‘Bây giờ mày khai không? Mày không khai là tao giết mày’. Em nói ‘Tôi không có gì để khai. Gia đình tôi hoàn toàn bị mất tất cả rồi’. Lúc đó họ còng tay chân em lại. Đến chiều, họ đánh vào ngực em, đá vào hông em. Em thì có tiền sử bị hen suyễn và bị bệnh tim, cho nên em rất mệt. Em có nói ‘Sức khỏe của tôi bây giờ bị kiệt sức. Cần được cấp cứu’. Em nêu ra vậy nhưng họ bỏ mặc em trong phòng và đóng cửa lại. Một lúc sau là em ngất luôn.”

RFA cho biết thêm: “Bước vào tuổi đời vừa mới lớn, cậu bé Nguyễn Mai Trung Tuấn đối diện với những năm tháng tù đày đầy bạo lực và sự nhẫn tâm của nhân viên trại giam. Em cho biết trong suốt 2 năm 24 ngày ở tù, em phải làm công việc dọn dẹp vệ sinh, bị chích điện 2 lần, liên tục bị nhân viên trại giam đe dọa, như lấy dao mổ bụng và em cũng từng tuyệt thực 5 ngày để phản đối tình trạng phạm nhân bị đánh đập”.

Ở đây, chúng ta thấy rõ là khi quyền được sống, được đi học hợp pháp, chính đáng của một đứa trẻ Việt Nam mâu thuẫn với quyền lợi bất hợp pháp của nhà cầm quyền thì đứa trẻ đó sẽ bị vùi dập như thế nào. Bất kỳ trẻ em nào ở Việt Nam cũng ở trong tình trạng có thể bị như vậy.

Ngày xưa “giặc Nhật”, “giặc Tây” bạo tàn, ngày nay, chỉ cần nhìn vào trường hợp một trẻ em bị “lìa mẹ”, “lìa cha”, “học hành, giáo dục đã không”, thậm chí còn phải lao động khổ sai trong tù là ta cũng thấy được bản chất thực sự của chế độ.

Trong hoàn cảnh đó, việc nhà cầm quyền Việt Nam tuyên bố sẽ dạy nhân quyền từ mẫu giáo tới đại học trong thời gian tới, sẽ chỉ khiến những người hiểu chuyện cười chua xót.

Giáo dục kiểu đảng cầm quyền hiện nay là phản quốc

Nhà cầm quyền chính trị hóa mọi môn học, nhồi vào đầu mọi trẻ em ý thức yêu chế độ từ nhỏ, bóp chết khả năng tư duy, phản biện, đấu tranh cho công lý. Nhà cầm quyền có lợi trước mắt nhưng lại gây tác hại rất ghê gớm cho dân tộc trong hiện tại và tương lai.

Ví dụ ngay, ngày 8/9 mới đây, trang Thời báo Kinh tế Saigon dẫn lời ông Charles Kunanka, chuyên gia trưởng về khu vực tư nhân của Ngân hàng Thế giới, cho rằng, Việt Nam bị kẹt ở “bẫy giá trị gia tăng thấp”do không có năng lực đổi mới sáng tạo. Điều này tiếp tục thì cả dân tộc mãi là lao công giá rẻ cho tư bản nước ngoài, cho “Nhật”, cho “Tây”. Thậm chí chưa chắc được làm cu-li giá rẻ vì các công việc đơn giản, giá rẻ, giá trị gia tăng thấp sẽ do rô-bốt thực hiện.

Đó là về mặt kinh tế, còn về mặt an ninh quốc phòng thì ngày trước, Trung Cộng (Đảng cộng sản Trung Quốc) kéo giàn khoan HD981 vào biển Đông, người dân đã sôi sục xuống đường biểu tình phản đối hành vi xâm lược đó. Nhưng mới đây, quân đội Trung Cộng tập trận ở biển Đông chỉ cách Đà Nẵng 75 hải lý, trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, thì chẳng còn người dân nào xuống đường thể hiện ý chí chống ngoại xâm.

Tại sao lại như thế? Tại vì người dân, nhất là thanh niên, đã “no đòn” của nhà cầm quyền trong các vụ xuống đường biểu tình chống Trung Cộng xâm lược trước đây. Nhà cầm quyền đã “thành công” trong việc “cừu hóa” người dân. Đó cũng là cách mà nhà cầm quyền áp dụng “tư tưởng Hồ Chí Minh” vào thực tế giáo dục: “Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào”. “Yêu Tổ quốc” thì sẽ ăn đòn, còn những thanh niên trong bộ máy cầm quyền đánh đồng bào mình “yêu Tổ quốc” thì đã được học về “yêu đồng bào”.

Cho nên, chừng nào nhà cầm quyền còn nói một đằng, làm một nẻo thì chừng đó Việt Nam có theo mô hình giáo dục gì thì học sinh, sinh viên Việt Nam cũng sẽ không thể nào phát triển được. Đã không trung thực, đạo đức giả thì những gì tiếp theo chỉ là sự lụn bại, què quặt, hèn nhát, giả dối.

Giáo dục không phải là công cụ cho đảng phái

Rất nhiều nhà giáo dục, trí thức trong nước đã lên tiếng góp ý vể cải cách giáo dục trong hàng thập kỷ qua, nhưng nhà cầm quyền không lắng nghe, không tiếp thu. Các trí thức không thể lên tiếng thắng thắn về nguyên nhân gốc rễ là thể chế chính trị, vì nói thật là bị trù dập, thậm chí bị bức hại.

Chừng nào mà thể chế chính trị Việt Nam vẫn còn là một đảng độc quyền nhà nước, đứng trên pháp luật, tước đoạt quyền làm chủ của người dân, thì chừng đó dân đừng bao giờ mơ về ngày giáo dục Việt Nam bắt kịp các nước khác, đừng nói tới “vẻ vang sánh vai với các cường quốc năm châu” như Hồ Chí Minh tuyên bố.

Tôi lại nhớ tới một anh bạn sỹ quan trẻ và một bác sỹ quan quân đội lớn tuổi đã về hưu mà tôi quen. Người đầu tiên thì rất ủng hộ Trung Quốc và chống Mỹ, tuyên bố sẵn sàng chống Mỹ tới chết. Còn người sau thì tuyên bố là Mỹ trở lại Việt Nam thì ông ấy sẽ ra Côn Đảo ở.

Nền giáo dục của Việt Nam đã đào tạo ra những con người như vậy: căm thù Mỹ, trong khi đất nước bị Trung Cộng chiếm biển, chiếm đảo thì ủng hộ “đồng chí”, “anh em” Trung Cộng, thậm chí còn cho rằng “mô hình xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc” là đỉnh cao của loài người.

Rõ ràng đâu cần tới phải đi Phần Lan mới thấy được cái gì là điểm nghẽn trong giáo dục Việt Nam.

Giáo dục là quốc sách hàng đầu của quốc gia, là nền tảng cho sự phát triển bền vững. Đó là thực tế chứ không phải là khẩu hiệu. Giáo dục phải cởi trói quốc gia thoát khỏi tư duy độc quyền. Tình trạng giáo dục dựa trên ý thức hệ và tư duy chiến tranh lạnh cần phải loại bỏ. Chính sách giáo dục không thể là công cụ phục vụ cho mục tiêu của bất kỳ đảng chính trị nào.

Chỉ khi học và làm theo được Phần Lan và các nước dân chủ, văn minh khác về thể chế chính trị dân chủ, cộng hòa, thì mới mong bắt kịp được họ về giáo dục và sánh vai với họ. Đừng tiếp tục lảng tránh vấn đề nữa!

Featured Posts
Recent Posts
Search By Tags
Follow Us
  • Facebook Classic
  • Twitter Classic
  • Google Classic
bottom of page