top of page

‘Vững bước đổi mới’ hay kiên trì tín điều hủ bại?


Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đang sống những ngày vui. Trong các tổng bí thư từ xưa đến nay, ông Trọng là tổng bí thư nắm được nhiều quyền lực nhất.

Trong tay ông có quyền lực tối cao Tổng bí thư, kiêm thêm quyền lực Bí thư Quân ủy TƯ lãnh đạo số 1 các lực lượng vũ trang, còn kiêm chức Ủy viên thường vụ Đảng ủy lực lượng Công An, cộng thêm quyền uy cực lớn nữa là Trưởng Ban chỉ đạo trung ương phòng chống tham nhũng, có quyền sinh quyền sát đối với bất kỳ cán bộ đảng viên nào.

Ông Trọng còn là Tổng bí thư đầu tiên tự cho quyền tham dự để chỉ đạo cuộc họp Chính phủ mặc dầu không có chức vụ gì trong chính phủ. Ông đang tập dượt để sẽ sớm kiêm nhiệm chức Chủ tịch nước, theo chế độ nhất nguyên hóa bên Trung Cộng?

Niềm vui đầu năm 2018 của ông Trọng còn được tăng gấp bội vì tháng Hai này ông đã nhận Huy hiệu hiếm hoi « 50 năm tuổi đảng » trong một buổi lễ trọng thể, đi cùng với 1 bài báo dài của Nhị Lê trên tạp chí Cộng sản, ngợi ca ông là « đảng viên mẫu mực về liêm khiết, trong sạch, mộc mạc, tình nghĩa thủy chung đồng thời có thái độ quyết liệt, cẩn trọng trong lãnh đạo ».

Cũng nhân dịp này, nhà xuất bản quốc gia Sự Thật cho ra mắt cuốn sách của tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng với đầu đề « Vững bước trên con đường Đổi mới », 2 tập, gồm các bài phát biểu, trả lời phỏng vấn từ năm 2014 đến nay, với ý định hướng dẫn việc chỉnh đốn đảng, nhiệm vụ hàng đầu hiện nay.

Tư duy chính trị của ông Trọng trong 7, 8 năm qua, ai theo dõi tình hình Việt Nam đều biết rõ, chẳng cần phải đọc 2 tập sách trên.

Đó là tư duy cực kỳ bảo thủ, giáo điều thâm căn cố đế, tóm tắt trong 8 điều kiên định: kiên định học thuyết Mác-Lê; kiên định chủ nghĩa xã hội mác xít; kiên định chế độ độc đảng; kiên định nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN; kiên định 3 quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp đặt dưới sự lãnh đạo tập trung, duy nhất, thường xuyên liên tục của đảng; kiên định phương châm « đất đai thuộc Sở hữu toàn dân do Nhà nước thay mặt quản lý »; kiên định coi sở hữu Quốc doanh là chủ đạo trong nền kinh tế; kiên định đường lối đối ngoại « bề ngoài là làm bạn với mọi nước, thực chất là ngả hẳn về phía ông bạn 4 tốt 16 chữ vàng », theo nguyên tắc 3 không: không liên minh quân sự với nước ngoài, không có quân đội và căn cứ quân sự nước ngoài, không dựa vào nước này để chống nước khác.

Tám điều kiên định trên nói lên điều gì? Nó nói tư duy cứng nhắc không thể thay đổi, không thể đổi khác, nghĩa là đóng cửa cho mọi sự thay đổi. Vậy thì cái gọi là con đường đổi mới là không hề có thật, là giả vờ đổi mới, là đổi mới giả tạo, là bịt chặt con đường đổi mới, duy trì những đường lối cũ kỹ, cổ hủ đã bị loài người phủ định vứt bỏ không thương tiếc.

Đổi mới sao được khi ôm chặt chủ nghĩa Mác – Lê và chủ nghĩa xã hội Mác –xít đã bị Liên Xô các nước Đông Âu vứt bỏ gần 30 năm rồi, còn xây tượng đài Tưởng niệm hơn 100 triệu oan hồn nạn nhân của nó như một lời thề không bao giờ cho nó sống lại tại các nơi đã chôn vùi nó. Đổi mới sao được khi chế độ độc đảng toàn trị là trái ngược với nền dân chủ của thời đại văn minh,

khi chế độ pháp quyền đã chế ngự chế độ theo luật rừng man rợ tồn tại từ xa xưa; đổi mới sao được khi phủ nhận quyền tư hữu về ruộng đất, về tài sản, về quyền tự do và bình đẳng trong kinh doanh là thủ tiêu quyền sống, quyền mưu cầu hạnh phúc của mỗi công dân và gia đình trong xã hội.

Đổi mới sao được khi trong thời đại toàn cầu hóa, khi thế giới phân cực, lại ngăn cấm nước ta kết bạn thân, kết đồng minh chiến lược, liên minh chiến lược với các nước có thiện chí mà ta có thể tin cậy theo chủ quyền bất khả xâm phạm chọn bạn của mỗi nước, sao ta lại tự trói mình một cách dại dột đến vậy?

Xét cho cùng việc đổi mới của Việt Nam suốt 70 năm nay là đổi mới suông, trên chữ nghĩa, ngoài mồm, không có một thực chất nào. Về mặt đàn áp dân chủ và nhân quyền, tình hình còn xấu hơn, tệ hại hơn trước, càng đổi mới càng thêm cũ, thêm lạc hậu. Về mặt tôn trọng luật pháp, nền tư pháp có quyền độc lập, tình hình cũng ngày càng thụt lùi, để trở nên lạc hậu tệ hơn cả thời thuộc Pháp và thời đại phong kiến.

Cho nên không phải ngẫu nhiên có nhà bình luận đã mỉa mai cho rằng ông Trọng đã có thể tự vỗ ngực trở thành một lãnh tụ anh minh, một quân vương sáng suốt khi ra tay xét xử các vụ đại án lớn, để các bị cáo phải khóc lóc van xin « lượng khoan hồng nhân văn của Bác Trọng », để ông tha cho tội chết.

Không phải ngẫu nhiên mà ông Nguyễn Phú Trọng được công luận trong và ngoài nước nhận diện như tổng bí thư ham mê quyền lực nhất, chống các chiến sĩ dân chủ độc ác nhất, thiển cận về chính trị, đối ngoại nhất, ít đi ra nước ngoài để tìm hiểu và hội nhập với thế giới nhất, tư duy cũ kỹ và lão hóa nhất mà lại có vẻ tự phụ, tự mãn nguy hiểm nhất!

Có thể khẳng định về mặt kéo lùi xã hội, giam hãm đất nước trong cảnh nhân dân không có tự do dân chủ, không có nền tư pháp độc lập, thành quả phát triển không được phân chia hợp lý công bằng, nguyên nhân cốt lõi là thuộc chế độ độc đoán độc đảng và trách nhiệm duy nhất là thuộc về sự lãnh đạo kiên trì sai lầm kéo dài của đảng Cộng sản mà tổng bí thư có phần trách nhiệm lớn nhất.

Trên góc độ ấy, có thể nói tội của ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Bộ Chính trị còn nặng hơn tội của 2 bị cáo Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh.

Mới đây nhân kỷ niệm 42 năm ngày 30/4, giáo sư Đào Công Tiến đã đề nghị toàn quốc nên tổ chức một cuộc Cầu Siêu lớn Tưởng niệm mọi oan hồn của các bên không phân biệt hy sinh trong chiến tranh, trong đó đảng Cộng Sản sám hối vì đã gây nên mất mát về nhân lực, tài nguyên và đau khổ bất công chồng chất không đáng có để đổi mới thật sự về mọi mặt chính trị, kinh tế tài chính, quốc phòng và đối ngoại. Ông Tiến là đảng viên ngay thẳng sáng suốt yêu nước thật lòng, yêu dân thực dạ.

Mới đây, ông Nguyễn Trung, một trí thức nặng lòng với đất nước, đề nghị « một lộ trình và một mô hình dân chủ thật sự mới mẻ » cho đất nước đã chìm quá sâu trong lạc hậu cổ hủ về mọi mặt.

Linh mục Nguyễn Văn Lý, tù nhân lương tâm cũng nhân danh « Tập họp Quốc dân Việt Nam » kêu gọi cuộc tập họp, tuần hành hàng tuần của ngày càng đông đảo nhân dân thuộc mọi giới, nghề nghiệp, tôn giáo, địa phương, tập dượt đấu tranh bền bỉ quyết liệt cho đến thắng lợi.

Đó là những tư duy lành mạnh, thức thời xây dựng cần được mọi tấm lòng lương thiện yêu nước thương dân trong và ngoài nước hưởng ứng một cách thiết thực, huy động sức mạnh của toàn dân, tạo nên một cuộc đổi đời, một cuộc Cách mạng Dân chủ và Nhân quyền, mở ra kỷ nguyên Tự do của dân tộc Việt Nam.

Bùi Tín

Featured Posts
Recent Posts
Search By Tags
Follow Us
  • Facebook Classic
  • Twitter Classic
  • Google Classic
bottom of page