Bạn tôi, người yêu nước Nguyễn Văn Oai
Vậy là Oai lại phải đi tù lần thứ hai. Lần nào Oai cũng vô tội. Tổng thời gian Oai phải sống trong tù là 9 năm, chưa tính thời gian quản chế.
Và lần nào Oai cũng khảng khái, thể hiện cốt cách của một người có khí phách, bất khuất.
Đừng nghĩ, các tù nhân lương tâm không có những phút yếu lòng. Họ, là những người giàu lòng trắc ẩn và rất nhạy cảm. Vì thế, hơn ai hết, họ nặng nợ với gia đình và luyến thương gia đình lắm! Nhưng vì yêu gia đình nhỏ và gia đình lớn, là tổ quốc mình, mà họ cất bước ra đi. Mỗi đau khổ trên đường họ gặp phải, đều không nhẹ tí nào.
Oai mới cưới vợ. Oai còn có mẹ già. Ngày xưa, Quản Trọng chỉ có mẹ già mà khi ra trận phải chịu đi sau cùng vì lỡ mình có mệnh hệ gì, thì lấy ai đỡ đần mẹ khi mẹ tuổi cao sức yếu?
Oai mới cưới vợ chưa được bao lâu thì vợ mang bầu. Từ khi Oai bị bắt, vợ dại (vợ trẻ), con thơ chào đời chưa một lần được biết mặt cha.
Hình ảnh mẹ già, con thơ, và người vợ trẻ của Oai thuộc ba thế hệ khác nhau cùng chờ đợi người con, người chồng, người cha trong nỗi cô đơn, khắc khoải, khiến lòng tôi đau nhói. Tôi từng xúc động trước những áng văn nói về chiến tranh, như Chinh phụ ngâm của Đoàn Thị Điểm hay Bên kia sông Đuống của Hoàng Cầm, mà ở đó, thân phận của người phụ nữ hiện lên đầy ám ảnh. Họ là những người cần được chăm sóc và che chở. Chiến tranh đã đẩy con người vào cảnh cùng đường.
Đất nước tôi không có chiến tranh mà sao con người phải chia cắt tình mẹ con, tình vợ chồng, tình cha con?
Không ai viết thơ để ca ngợi Oai. Nhưng tự cuộc đời Oai đã dệt nên những vần thơ bi tráng về thời cuộc đáng để cho những người chúng ta suy ngẫm.
Có ai đếm được hay đo được những cơn sóng lòng trong người Oai không?
Mẹ già. Con thơ. Vợ mới cưới chưa vơi tuần trăng. Mà đất nước không có chiến tranh.
Oai đi tù vì cuộc chiến cho công lý và sự thật. Tình yêu đất nước và khát khao đất nước có công lý và sự thật đã thôi thúc Oai lên đường.
Đẹp thay những bước chân đi tìm công lý. Và tôi, tôi cảm thấy mình ích kỉ, hèn nhát đến tàn nhẫn trước sự cao thượng của Oai và những người phụ nữ yếu đuối trong gia đình Oai.
Tôi nợ Oai và cả gia đình Oai cùng những gia đình của các tù nhân lương tâm khác những tấm lòng dám vì việc nghĩa mà chấp nhận hy sinh.
Nghĩ và nhớ đến Oai, tôi chạnh lòng nghĩ đến những câu thơ của nhà thơ, nhà yêu nước Phan Châu Trinh : “Quốc thổ trầm luân dân tộc lụy/ Nam nhi Hà sự phạ Côn Lôn” (Đất nước trầm luân, dân tộc rơi vào vòng bi lụy/ Làm trai việc gì mà phải sợ nhà tù Côn Lôn).
Nhìn vào sự thật của đất nước chúng ta để thấy mọi thứ đã tan hoang. Từng người, từng người trong chúng ta phải làm một điều gì đó cho đất nước để con châu mình có một tương lai tốt đẹp hơn, có một cuộc đời đáng sống hơn.
Xin cám ơn Oai và những bước chân tự do đi tìm công lý. Vì lẽ đó, đất nước mới có cơ hội phục hưng.
Nguồn: FB Paulus Lê Sơn