Vụ xử Đinh La Thăng: “Dead Silence – Sự im lặng chết người”
Báo chí bị kiểm soát, trí thức thì im lặng, không còn nghe được tiếng tơ lòng của họ. Người ta bảo, tiếng quát của kẻ thất phu không đáng sợ, đáng sợ hơn là sự im lặng của những nhà hiền triết.
Năm 2017 có bộ phim Mỹ “Dead Silence” nói về một nghệ sỹ múa bụng Mary Shaw giết một bé trai ở thị trấn Ravens Fair vì bé không tin vào màn múa rối của bà. Người nhà và trong vùng đã giết và cắt luôn lưỡi Mary Shaw.
Từ đó thị trấn Ravens Fair mắc phải lời nguyền kinh hoàng, người dân trong thị trấn bị giết, điều trùng hợp là những nạn nhân đó khi chết đều bị cắt lưỡi. Cắt lưỡi là không thể nói dù đã thành hồn ma.
Phiên tòa hôm nay xử anh Thăng và 20 vị khác sẽ nhiều tiếng thở dài, im lặng nhiều hơn là sự vui mừng.
Lẽ ra với trí tuệ hơn người, họ phải là những người đóng góp những điều tốt đẹp cho quốc gia hơn là phá phách. Có học hành thêm quyền lực vô biên mà phá thì khủng khiếp.
Không hiểu do vô tình hay cố ý mà tờ phiếu thông tin của Thư viện Quốc gia lưu trữ luận án Tiến sỹ “Tổ chức công tác kế toán ở các doanh nghiệp xây dựng trong điều kiện ứng dụng tin học” bảo vệ năm 1996 của anh Đinh La Thăng lại đề tên tác giả “Đinh La Thằng”.
Có lẽ sau khi bảo vệ, anh Thăng chẳng bao giờ ngó ngàng đến luận án ở đâu và đội quân hùng hậu ăn theo cũng không kiểm tra hồ sơ lý lịch cho dù đường dẫn trên Wiki về anh Thăng có tài liệu tham khảo luận án của anh.
Để luận án của một người từng là UVTW đảng, Bộ trưởng rồi UVBCT và bí thư thành ủy Tp. HCM bị gọi tên là “Thằng” quả là tắc trách trong công tác nhân sự.
Hay anh không biết có luận án đó trên đời này? Hoặc nhiều người ta biết nhưng im lặng?
Hôm nay (8-1) anh ra tòa không có vành móng ngựa và áo tù như thời anh tung hoành ngang dọc, nhưng không ít người sẽ gọi anh bằng cái tên viết nhầm trong tờ phiếu của Thư viện Quốc gia dù tòa chưa tuyên án.
Cơ chế quyền lực không được kiểm soát đã đưa nhiều người lên đỉnh cao danh vọng như anh Thăng và đôi lúc lại đưa anh ra tòa như hôm nay.
Một xã hội pháp trị “Tam quyền phân lập” là Lập pháp, Hành pháp, Tư pháp độc lập tự khống chế lẫn nhau, thêm báo chí và nay là mạng xã hội là quyền lực thứ tư giám sát ba nhánh quyền lực trên, nếu được tổ chức bài bản thì những người như anh Thăng, TXT, bầu Kiên, các đại gia ngân hàng khó mà thao túng quốc gia.
Tự do ngôn luận bị hạn chế thì khó nói đến phòng chống nạn hối lộ, tham nhũng. Không có đối lập lôi ra những khiếm khuyết của nhau ngay từ lúc tội lỗi còn trong trứng nước thì những vụ phá phách hàng ngàn tỷ sẽ còn nhiều.
Phòng tham nhũng sẽ bớt hậu họa bởi chống nghĩa là làm việc đó sau khi tham nhũng đã xảy ra, tiền của mất, tài sản ly tán, cán bộ tha hóa, và dân mất lòng tin, ảnh hưởng tới an nguy của chế độ.
An ninh Việt nam rất giỏi trong việc phòng “Diễn biến hòa bình”, bóp nghẹt tất cả những ai có ý đồ chống đối chế độ. Tại sao không áp dụng chiến thuật đó trong phòng chống tham nhũng và hối lộ thực chất là ăn cắp ở tầm quốc gia do quyền lực mang lại.
Tiếc thay, ai lên tiếng về sự sai trái, về vị quan nào đó “ăn không từ một thứ gì”, thì bị liệt vào tội tuyên truyền chống phá nhà nước và an ninh sờ gáy.
Nếu được làm lại từ đầu anh Thăng sẽ làm khác, vì có lần anh khuyên bảo cấp dưới đừng chơi golf “Nếu anh muốn tự do như người dân bình thường, đừng làm lãnh đạo nữa”. Nhưng nếu anh nghĩ “Muốn tự do, cứ làm lãnh đạo” thì anh hiểu tại sao có ngày hôm nay.
Thời Thủ tướng Dũng có viện IDS (một kiểu Think Tank) do các nhà khoa học và nhân sỹ thành lập vì muốn giúp chính phủ điều chỉnh chính sách vĩ mô, sau một thời gian hoạt động bị giải thể một cách cay đắng. Thời đó, Thủ tướng muốn tỏ rõ oai hổ gầm, không ai có thể trái lời.
Khi giới trí thức không còn không gian để lên tiếng thì những sai phạm không còn ai chỉ ra. Hậu quả chỉ biết được sau khi sự phá hoại đã được thực hiện. Nhận ra thì quá muộn và quá nguy hiểm – Too late and too dangerous.
Báo chí bị kiểm soát, IDS đã ra đi, không còn nghe được tiếng tơ lòng của họ. Người ta bảo, tiếng quát của kẻ thất phu không đáng sợ, đáng sợ hơn là sự im lặng của những nhà hiền triết.
Một VIP đứng trước tòa bị viết nhầm tên “Thằng” trong Thư viện Quốc gia có thể là hậu quả của sự im lặng chết người như trong phim mà các nạn nhân bị cắt lưỡi do trả thù lẫn nhau.
HM. 8-1-2018