Từ nạn độc tài đến họa xâm lăng
I. Bản chất của chế độ CSVN
Cho dù được tô điểm bởi bất kỳ mỹ từ nào chăng nữa, chế độ CSVN là một chế độ độc tài kể từ khi đảng này cướp chính quyền và cai trị cho đến nay.
Sự ra đời của đảng CSVN gắn liền với Hồ Chí Minh, là một người ngay từ đầu cho đến lúc chết vẫn luôn luôn thuần phục Tàu cộng. Yếu tố sống còn và khả năng độc quyền cai trị của đảng CSVN lệ thuộc vào Tàu cộng. Lệ thuộc từ đường lối chính trị, phương thức cai trị cho đến tài lực, vật lực lẫn kiến năng. Lệ thuộc từ trong khói lửa chiến tranh như Điện Biên Phủ, xâm lược VNCH sang đến những cuộc chiến mà kẻ thù là nhân dân như Cải cách ruộng đất, Nhân văn giai phẩm... Tất cả, từ lãnh đạo cho đến mọi hoạt động, đều mang dấu ấn made in China.
Do đó, chế độ CSVN không chỉ là một chế độ độc tài. Nó là một thể chế vừa độc tài vừa nô lệ ngoại bang trong suốt chiều dài cuộc sống của nó.
Với bản chất độc tài và nô lệ, điều gì đã xảy đến với chủ quyền lãnh thổ Việt Nam?
Nếu sau thế chiến thứ 2, Hồng quân Nga tiến vào Đông Âu và thiết lập những nhà nước cộng sản bù nhìn thì sau khi Liên bang Sô viết sụp đổ, mỗi quốc gia Đông Âu đều có thể tranh đấu để khôi phục chủ quyền cho những vùng đất nếu vẫn còn bị Nga chiếm đóng. Những thể chế độc tài cộng sản còn sót lại như Bắc Triều Tiên, Cu Ba dù tồi tệ đến bao nhiêu vẫn chưa để một tấc đất của tổ quốc họ rơi vào tay ngoại bang.
Ngược lại, đối với Việt Nam, điều tệ hại là những mất mát không phải vì bị cướp, hoặc vì hết lòng chiến đấu mà không đủ sức bảo vệ. Tổ quốc Việt Nam bị mất đất, mất biển là do chính đảng CSVN ký kết nhường, đổi chác, bán. Những ngòi bút ký của lãnh đạo đảng CSVN vào Công hàm 1958, Hiệp định Biên Giới Việt Trung, Hiệp định Phân định Vịnh Bắc Bộ, Tuyên bố chung về Boxit Tây Nguyên... và còn nhiều văn bản khác vẫn nằm trong vòng bí mật đã công nhận nhiều phần lãnh thổ, lãnh hải của Việt Nam thuộc về Tàu cộng. Những chữ ký "đại diện quốc gia" này đã trao cho Tàu cộng một sức mạnh gấp ngàn lần xe tăng, đại pháo, sư đoàn trong cuộc bành trướng của đại Hán: "thu tóm mà không cần phải xâm lăng". Những chữ ký này sẽ làm cho dân tộc Việt Nam gặp khó khăn gấp trăm lần khi phải tranh đấu để lấy lại những gì bị mất vì chính phủ ký kết xác nhận nó thuộc về ngoại bang, so với nỗ lực đứng lên giành lại những gì bị mất vì hành vi xâm lược.
Do đó, chế độ CSVN không chỉ là một chế độ vừa là độc tài vừa nô lệ cho ngoại bang. Chính xác hơn, nó là một chế độ độc-tài-bán-nước. Đây là bản chất, là căn cước của cộng sản Việt Nam. Và thực chất của tình trạng mất đất, mất biển đã không đến từ xâm lăng mà đến từ một cuộc buôn bán đổi chác dài hạn. Thủ phạm chính không phải là người mua, kẻ nhận mà chính là kẻ bán, người dâng.
II. Độc-tài nuôi bán-nước và bán-nước nuôi độc-tài
Độc-tài nuôi bán-nước: Nếu Việt Nam là một nước dân chủ, đa đảng, tam quyền phân lập thì đã không có Công hàm bán nước 1958, Hiệp định Biên giới, Hiệp định Vịnh Bắc Bộ và nhiều ký kết khác. Sẽ không có Tổng bí thư một đảng cùng với mười mấy tên trong Bộ Chính trị toàn quyền quyết định tương lai của dân tộc và tùy tiện sắp xếp biên giới của quốc gia với ngoại bang. Sẽ không có những văn kiện với chữ ký của 2 tổng bí thư của 2 đảng, là những người không được dân bầu, nhưng lại toàn quyền quyết định những vấn đề có tầm ảnh hưởng lên cả quốc gia. Sẽ không có một Quốc hội bù nhìn toàn là đảng viên cộng sản ngồi đọc và chỉ biết được nội dung sau khi văn kiện đã được ký. Sẽ không có tình trạng cả nước không biết rõ toàn bộ nội dung những hiệp định được ký kết, không nắm chắc đất nước đã bị mất những gì, mất bao nhiêu. Do đó độc tài dẫn đến mất nước vì độc tài cai trị đã nắm vị trí độc quyền bán nước.
Bán-nước nuôi độc-tài: Đảng CSVN sẽ không thể độc tài cai trị cho đến ngày nay nếu trong suốt nhiều thập niên liền không sống bằng những hỗ trợ trên mọi phương diện từ Tàu cộng. Đảng không tồn tại nếu không mang căn cước bán-nước bên cạnh tờ khai sinh độc-tài. Để độc tài, cộng sản Việt Nam phải bán nước. Lý do:
Một guồng máy độc tài với những lãnh đạo, cán bộ không có thực tài, thiếu khả năng, đầy bằng cấp giả, cộng thêm tham nhũng, hối lộ thì không thể nào tự họ làm cho đất nước hưng thịnh. Do đó, đảng CSVN sẽ không đủ khả năng để ngăn chận sự nổi loạn của quần chúng nếu không bắt tay với Tàu cộng để người dân có miếng ăn, có áo mặt, có điện, có xăng, có xe, có mọi thứ mặt hàng gia dụng...
Các lãnh đạo và cán bộ đảng sẽ không thể nào đi từ vô sản không bằng cấp thành tiến sĩ tư bản đỏ bằng con đường với sức mình sỏi đá cũng thành cơm. Bài toán giải quyết và kết quả là một nền kinh tế hoàn toàn lệ thuộc vào Tàu cộng - từ công trình xây dựng, nhiên liệu, điện lực đến giao thông, hàng hóa, thực phẩm...
Do đó, bành trướng Bắc Kinh không cần phải được thực hiện bởi những sư đoàn tinh nhuệ vượt biên giới Việt Tàu mà là những công trình, công nhân Tàu giàn trải khắp Việt Nam. Phương tiện xâm lược của Tàu cộng không cần phải là AK47, chiến đấu cơ Chengdu J-20, tên lửa DF-31A mà là những cú phôn, những quyết định bằng lời có thể dẫn đến sự sụp đổ của thị trường chứng khoán, cúp điện cả nước và toàn bộ nền kinh tế Việt Nam đi vào hỗn loạn. Nếu nói rằng cai trị là nắm quyền quyết định hay ảnh hưởng lên vận mạng của một quốc gia thì đảng CS Việt đã từng bước trao cho đảng CS Tàu quyền cai trị Việt Nam. Bắc Kinh không cần phải có một chính phủ người Tàu đóng đô ở Ba Đình để thống trị nước ta.
Đem giao cả nền kinh tế và biến nó thành một nền kinh tế nô lệ cho Tàu cộng vẫn chưa đủ. Đảng CSVN đã "hòa tan" những hoạt động của quốc gia với Tàu cộng trên mọi lãnh vực. Từ lãnh vực quân sự với đường dây nóng, với các khóa đào tạo sĩ quan, sang đến lãnh vực tình báo, pháp luật, an ninh xã hội, tòa án, hành chính... Tất cả đều có bóng dáng chỉ đạo của đảng cộng sản Tàu. Việt Nam đã và đang bị cai trị bởi Bắc Kinh - chỉ có điều là ở mức độ nào? 50%, 70%...? - không ai có thể biết chính xác.
III. Xâm lược HD981: cơ hội cho độc tài
Ở một nước "độc tài bình thường" nguy cơ ngoại bang tấn công hay xâm lược là cơ hội cho những nhà độc tài "kết hợp lòng dân", kêu gọi quần chúng "đồng lòng cùng chính phủ" và gạt qua những bất đồng chính trị để đoàn kết chống ngoại xâm. Điều đó đã xảy ra ở Serbia vào năm 1999 khi NATO thả bom Serbia vì độc tài Slobodan Milosevic từ chối triệt thoái quân ra khỏi Kosovo.
Nếu những quả bom của NATO rải thảm thủ đô Belgrade vào năm 1999 là một món quà cho Milosevic thì giàn khoan HD981 của Tàu cộng là một món quà cho những nhà độc tài CSVN. Khác với Serbia, nơi mà Slobodan Milosevic là một nhà độc tài nhưng không bán nước, tại nước "độc tài bất bình thường" Việt Nam, đảng cầm quyền đã nhiều đời mang căn cước độc-tài + bán-nước. Vì thế, HD981 là cơ hội để những nhà độc tài bán nước CSVN đeo mặt nạ yêu nước và làm người ta có thể quên đi "hành trình bán nước từ lúc mới ra đời" của họ. Đối với quảng đại quần chúng, chiêu bài độc lập dân tộc được tung ra. Hình ảnh một lãnh tụ "sáng giá" phun châu nhả ngọc chống ngoại xâm được tung hô. Một chiến dịch dân vận để trình chiếu bộ phim trong đó mọi bộ phận, cơ chế của nhà nước cùng đồng lòng, nhân dân cả nước cùng đồng lòng. Một chiến dịch đồng lòng khắp hang cùng ngỏ hẻm đã được khua chiên, gõ mỏ, cho dù phải đem ngư dân ra để làm "tài tử" chính cho bộ phim "đảng, nhà nước và nhân dân đồng hành cùng ngư dân bám biển, bảo vệ tổ quốc".
Dàn khoan HD981 là cơ hội cho độc tài giả dạng "yêu nước" và cũng là thời cơ để độc tài chụp lên đầu những ai chống lại lãnh đạo "yêu nước" là thành phần phản quốc.
IV. Những thử thách của phong trào dân chủ
Trong "cơn sốt sơn hà nguy biến", những nỗ lực tranh đấu chống độc tài hình như trở thành lạc quẻ. Những công việc tranh đấu của phong trào dân chủ trước đó bây giờ hình như trở nên nhỏ lẻ và vô nghĩa. Chuyện tranh đấu tự do cho blogger Anhbasam, Lê Thị Phương Anh, đấu tranh chống lại Điều 258 hình như đang giống như chuyện đi nhặt rác trong một căn nhà đang cháy. Nhiều người choáng ngợp đến bất động vì hiểm họa ngoại xâm và có cảm giác cá nhân mình quá nhỏ bé, vô vọng trước tình hình thời cuộc.
Trong "cơn sốt sơn hà nguy biến" cộng với thủ đoạn mị dân của những nhà độc tài chụp bắt cơ hội, lực lượng dân chủ cũng bắt đầu phân tán vì những khuynh hướng khác nhau - giữa khuynh hướng đồng lòng cùng chính phủ, kỳ vọng vào những lời tuyên bố của một nhà độc tài mang mặt nạ yêu nước và khuynh hướng vừa chống độc tài vừa cứu nước.
Đó là tình trạng của phong trào dân chủ trong những ngày qua kể từ hôm 18.5.2014 khi cuộc biểu tình yêu nước bị Nguyễn Tấn Dũng ra lệnh ngăn cản, cấm đoán và bắt giam một số người.
Nếu trước đây, phong trào dân chủ có một phương hướng chung trên con đường độc đạo là đấu tranh dẹp bỏ độc tài, xây dựng dân chủ, bảo vệ và phát triển nhân quyền thì "cơn sốt sơn hà nguy biến" đã bật ra 3 ngả rẽ:
1. Kỳ vọng vào đảng độc tài thoát khỏi vòng nô lệ của Tàu cộng. Tên thời thượng là Thoát Trung.
2. Kỳ vọng vào một lãnh đạo "sáng giá nhất" của đảng đứng lên lãnh đạo một cuộc cách mạng nhung để thoát ách nô lệ Tàu cộng và hy vọng người này đứng về phía nhân dân để cởi trói độc tài.
3. Kiên trì tranh đấu để chấm dứt độc tài và xây dựng dân chủ và xem đó là điều kiện nền tảng để có được sức mạnh toàn dân nhằm bảo vệ tổ quốc.
Chọn lựa thứ nhất dành cho những người không thấy được toàn bộ bản chất cốt lõi độc-tài-bán-nước của đảng CSVN, không nhớ hay không muốn nhớ đảng này là thủ phạm dẫn đến tình trạng đất nước ngày hôm nay như đã trình bày ở trên. Chọn lựa này cũng dành cho những người chấp nhận kết quả rút khỏi biển Đông của giàn khoan HD981 nhưng đảng CSVN vẫn tiếp tục "sứ mạng" độc-tài để bán-nước và bán-nước để tiếp tục độc-tài.
Chọn lựa thứ hai thuộc về những người xem việc người dân Việt Nam có thể tự làm nên một cuộc cách mạng là vô vọng. Do đó họ phải đánh cược số phận của đất nước vào niềm tin dành cho một người đang nằm trong bộ máy độc tài, người mà: (1) từ trước đến giờ thành tích nói và không bao giờ làm đã không thua bất kỳ ai; (2) sự nghiệp chính trị và vị trí lãnh đạo bị lệ thuộc vào tập đoàn tay chân mà những mất mát về quyền lợi, cũng như phải đối diện với những đe dọa nếu chống Tàu sẽ quay sang chống lại thủ lĩnh của họ; (3) cá nhân vẫn nằm trong sự chi phối của một cơ chế tập thể lâu đời mà thành phần thân Tàu đang chiếm đa số.
Chọn lựa thứ 3 là chọn lựa khó khăn nhất. Nếu 2 chọn lựa đầu chỉ phải chống ngoại xâm và được sự hỗ trợ hay ít ra được yên thân bởi đảng độc tài thì chọn lựa thứ ba là phải chống nội xâm lẫn ngoại xâm. Chọn lựa thứ ba này đối diện với nhiều phản biện:
- Lực lượng dân chủ còn quá yếu, sẽ bị tiêu diệt từ trứng nước.
- Sẽ không được sự ủng hộ nồng nhiệt từ quần chúng vì tâm lý sợ hãi lâu đời và họ đang có chọn lựa an toàn với cá nhân của họ hơn. Đó là đứng cùng với đảng (chọn lựa 1), hay ủng hộ một lãnh đạo "sáng giá" của đảng độc tài (chọn lựa 2).
- Đấu tranh chống độc tài bây giờ sẽ giúp cho Tàu cộng thêm cơ hội tràn qua xâm chiếm Việt Nam. Hai điều ban đầu đã hiện hữu mà không cần phải chờ đến biến cố HD981 mới có. Nó cũng là thử thách của mọi đất nước bị độc tài cai trị cho đến ngày cách mạng thành công.
Điều thứ ba là ngụy biện của đảng và những người chọn lựa thái độ đồng lòng hay mong đợi ở đảng. Trên thực tế: Tàu cộng không cần xâm lăng VN. Tàu cộng không thể lấy một lý do gì để tràn qua chiếm trọn VN trong thời đại này. Và sự xâm lăng cho dù có đi nữa sẽ không có hiệu quả bằng sự chấp nhận ký kết sang nhượng chủ quyền của tập đoàn tay sai như đã trình bày ở trên. Xin đọc thêm bài "Trung cộng: không cần phải đánh Việt Nam chúng nó!!!???"
Tuy nhiên, khi độc tài chụp lấy cơ hội "kết hợp lòng dân" và những thành phần quan tâm đến vận mạng đất nước đi vào 3 ngả rẽ thì phong trào dân chủ phải đối diện với những thử thách mới, chồng chất lên những thử thách vốn đã có.
Làm thế nào để vượt qua?
Chúng ta cần phải nhìn lại toàn bộ những nỗ lực vừa qua, lượng giá tình hình chủ quan và khách quan để từ đó có một hướng chiến lược tổng thể phù hợp với tình hình mới đang rất là đen tối.