top of page

CUỘC CHIẾN ĐẤU THỰC SỰ


...Ba vấn đề chính của chúng ta hôm nay là xây dựng dân chủ, đẩy lùi tham nhũng và xây dựng một ý thức quốc gia mới. Cả ba đòi hỏi một chính quyền mới.

Xây dựng dân chủ đòi hỏi những người có văn hóa dân chủ thực sự. Những con người được đào tạo ra bởi một hệ thống chuyên chính ngay cả nếu chấp nhận dân chủ cũng không thể có phản xạ dân chủ bởi vì trấn áp, tuyên truyền một chiều, bầu cử bịp bợm nằm trong giáo dục của họ. Cùng lắm họ chỉ tạo ra được một thứ dân chủ hình thức và bệnh hoạn. Dân chủ là một cơ chế phức tạp không những đòi hỏi sự hiểu biết mà còn đòi hỏi kinh nghiệm và phản xạ. Quyền lực bao giờ cũng cám dỗ. Muốn xây dựng và bảo vệ dân chủ cần có những người không thể ứng xử khác hơn là dân chủ, bởi vì đó là bản chất của họ.

Tham nhũng không giản dị là một vấn đề đạo đức, chống tham nhũng không phải chỉ đòi hỏi ý chí và sự lương thiện. Tham nhũng là những liên minh quyền lợi và quyền lực có tổ chức, có phương tiện, có kiến thức, có quyết tâm, và cả dã tâm. Đó cũng là quan hệ đan xen, có vay trả, có ân oán và có luật chơi riêng. Những người cầm quyền hiện nay đã chứng tỏ họ không thể chống tham nhũng. Nếu họ thực sự chống tham nhũng thì họ đã không được đặt để vào các chức vụ mà họ đang giữ. Họ đã trở thành những cấp lãnh đạo bởi vì đã thỏa hiệp với tham nhũng. Muốn chống tham nhũng thì trước hết phải không nợ nần gì ai cả, sau đó phải có lực lượng nếu không muốn bị tiêu diệt. Như vậy chống tham nhũng đòi hỏi một đội ngũ đông đảo những người gắn bó với nhau và coi cuộc chiến chống tham nhũng như cuộc chiến đấu của đời mình.

Đất nước sẽ không thể vươn lên được nếu người dân không quan tâm tới đất nước và gắn bó đời mình với tương lai đất nước. Muốn như thế phải xây dựng một ý thức quốc gia mới, quan niệm đất nước như một tình cảm, một không gian liên đới và một đồng thuận xây dựng và chia sẻ một tương lai chung, chứ không phải là một chủng tộc, càng không phải là vùng lộng hành tự do của tập đoàn cầm quyền. Đây là cả một bước nhảy vọt về triết lý chính trị. Nhưng còn có bao nhiêu người quan tâm tới đất nước và gắn bó đời mình với đất nước ? Chắc là không nhiều, nhưng chắc là không thiếu những người sẵn sàng liên kết với các thế lực bất chính. Xây dựng thành công một ý thức quốc gia mới như vậy vừa là một cuộc chiến đấu văn hóa đòi hỏi nhiều trí tuệ vừa là một cuộc chiến đấu chính trị đòi hỏi một đội ngũ gắn bó và kiên trì.

Cả ba cuộc chiến đấu xây dựng dân chủ, chống tham nhũng và xây dựng một ý thức dân tộc mới đều đòi hỏi một đội ngũ những người dân chủ lương thiện, có bản lĩnh và quyết tâm. Trước hết là nếu không có đội ngũ chúng ta sẽ không áp đặt được dân chủ. Tập đoàn cầm quyền hiện nay không mạnh, cũng không gắn bó và cũng không quyết tâm. Nó ngoan cố chỉ vì chúng ta bất lực, và chúng ta bất lực vì chúng ta thiếu tổ chức.

Nhưng tại sao chúng ta vẫn chưa có một tổ chức dân chủ có tầm vóc ? Đó là câu hỏi gay gắt nhất phải được đặt ra trong dịp kỷ niệm 30 năm ngày 30-4-1975.

Lý do là vì chúng ta thiếu văn hóa tổ chức. Chính vì thế mà chúng ta luôn luôn có hàng ngàn lý do chính đáng để không tham gia, hay tiếp tục tham gia, một tổ chức và quên đi lý do cơ bản là nếu không có tổ chức chúng ta không làm được gì cả. Chính quyền cộng sản không sợ những phản kháng cá nhân. Họ chỉ sợ những đấu tranh có tổ chức.

Nếu sau ba mươi năm chúng ta ý thức sự cần thiết của một tổ chức dân chủ là chúng ta đã làm một bước đột phá lớn và có quyền hy vọng.

Xin kết thúc bài này bằng một nhận định lịch sử. Không phải là chúng ta đã không có tiến bộ. Trái lại chúng ta đã tiến nhanh, có lẽ quá nhanh và vì thế đã mệt mỏi.

Vùng đất chung quanh biển Đông trong đó có nước ta vào thời tiền sử do điều kiện địa lý đã không thuận lợi cho sự phát triển của một nền văn minh. Chỉ một vài thế kỷ trước công nguyên chúng ta mới tiếp xúc với hai nền văn minh lớn từ Trung Hoa và Ấn Độ. Khi người Trung Hoa đến, chúng ta còn là một vùng đất bán khai ; mặc dầu có một số trống đồng mà chúng ta hãnh diện. Chúng ta chưa có chữ viết, chưa biết đến bánh xe, chưa có các thị trấn, cũng chưa biết cày bừa. Chúng ta vẫn chủ yếu ở thời đại đồ đá. Ngay cả những trống đồng cũng tố giác sự lạc hậu của chúng ta vì lúc đó thế giới đã vào thời đại đồ sắt từ lâu rồi. Chúng ta chậm trễ khoảng 4.000 năm so với thế giới văn minh lúc đó.

Đầu thế kỷ 16 khi người phương Tây đến, chúng ta ở một tình trạng tổ chức xã hội tương tự như châu Âu hồi đầu công nguyên dưới thời đế quốc La Mã. Trong khoảng 20 thế kỷ chúng ta đã rút ngắn khoảng cách với thế giới văn minh được hơn 20 thế kỷ.

Ngày nay, về mặt văn hóa tư tưởng và tổ chức xã hội chúng ta còn chậm hơn thế giới khoảng 50 năm (mức sống và sự giàu có là một vấn đề khác). Như thế có nghĩa là trong gần năm thế kỷ chúng ta lại rút ngắn được khoảng cách thêm hơn 15 thế kỷ nữa. Đó là một thành tích không nhỏ, chứng tỏ khả năng thích nghi và học hỏi của dân tộc ta. Nhưng có lẽ vì phải đi quá nhanh, quá vội mà chúng ta đã biết nhiều hơn là hiểu, đã học và làm mà không có thì giờ để suy nghĩ và sáng tạo.

Trong cả hai bước nhảy vọt lớn, khi tiếp xúc với người Trung Hoa và khi tiếp xúc với người phương Tây, chúng ta đều chịu số phận nô lệ. Số phận này đã tạo ra một khuôn mẫu, các chính quyền độc lập cũng chỉ là những chế độ nô lệ bản xứ không hơn không kém.

Truyền thống nô lệ tuy, một mặt, do những bắt buộc của nó, đem lại cho chúng ta một số đức tính - chịu đựng, nhẫn nại, siêng năng, học nhanh, thích nghi nhanh với những thay đổi đột ngột - nhưng đồng thời cũng tạo ra trong chúng ta những khuyết tật lớn cần phải mau chóng khắc phục. Không có tự do, chúng ta thiếu sáng tạo. Sự thiếu thốn và nghèo khổ khiến chúng ta trở thành ghen tức và nhỏ mọn. Quen chịu đựng sự ác độc của kẻ thống trị, chúng ta trở thành ác độc với nhau. Quen nhìn đồng loại bị khinh bỉ và chà đạp, chúng ta nhiễm tập quán coi thường lẫn nhau và chỉ biết nể sợ người nước ngoài. Không được quyền quyết định, chúng ta thiếu tinh thần trách nhiệm. Quen nhận những mệnh lệnh mâu thuẫn và tùy tiện của kẻ thống trị, chúng ta không quen phê phán và cũng không cảm thấy như cầu phải giải quyết những mâu thuẫn của chính mình, v.v. Nhưng khuyết tật lớn nhất là thiếu văn hóa tổ chức. Những kẻ nô lệ không được quyền kết hợp với nhau vì kết hợp với nhau họ sẽ có sức mạnh để bẻ gẫy ách nô lệ, điều mà kẻ thống trị không bao giờ dung túng, từ đó họ không biết kết hợp và dần dần không cảm thấy nhu cầu kết hợp, thay vào đó mỗi người tìm cách giải quyết những vấn đề cá nhân bằng những giải pháp cá nhân.

Cuộc chiến đấu của chúng ta hôm nay là làm thế nào để trong vòng 10 năm san bằng được khoảng cách 50 năm còn lại. Đây là cuộc chiến đấu khó khăn nhất. Cố gắng cuối cùng bao giờ cũng là cố gắng đau nhức nhất, bởi vì lần này chúng ta trước hết phải chiến thắng chính mình, sau một cuộc xung đột dữ dội với chính mình, để vượt lên một tầng văn hóa mới để vứt bỏ tập tính của kẻ nô lệ và tiến tới văn hóa của con người tự do trong đó óc phê phán, óc sáng tạo và văn hóa tổ chức là những thành tố cơ bản. Đó là điều kiện sống còn của chúng ta, cũng như của mọi dân tộc, trong kỷ nguyên trí tuệ này.

-(Thông Luận, ngày 17/05/2005)

Mời các độc giả đọc cả bài viết tại đây: https://thongluan2016.blogspot.fr/2016/12/cuoc-chien-au-thuc-su-nguyen-gia-kieng.html

Featured Posts
Recent Posts
Search By Tags
Follow Us
  • Facebook Classic
  • Twitter Classic
  • Google Classic
bottom of page